Kêu gọi đến lương tri của người ta, thay vì dựa trên đức tin.
Rome, 23/5/2013, (zenit.org) Eward Pentin
Vương quốc Anh sắp trở thành quốc gia mới nhất ban hành luật “hôn nhân” đồng tính tuần này, khi cho phép các nghi lễ như vậy được diễn ra ở Anh và xứ Wales.
Dự luật vẫn còn phải đưa ra Thượng Viện, nhưng diễn tiến xây dựng luật tiến xa như thế này là không tưởng nổi đối với gần mười năm trước đây. Nó tiếp nối một hành động lập pháp tương tự như ở Pháp và Tân Tây Lan (New Zealand) tháng trước đây, cũng như ở các bang Rhode Island, Delaware và Minnesota của Hoa kỳ.
Một phần của việc tiến bộ nhanh chóng này là do phía hôn nhân truyền thống thiếu khả năng tranh luận để bảo vệ trường hợp của họ cách có hiệu quả trong các xã hội nơi mà quyền tự do cá nhân được ưu tiên bảo vệ.
Tuy vậy, theo Paul Gondreau, giáo sư thần học Công giáo thuộc Providence College, bang Rhode Island, việc bảo vệ hôn nhân truyền thống và chống đối “hôn nhân” đồng tính thực ra khá đơn giản, có thể thực hiện mà chẳng cần viện đến lập luận dựa trên căn bản đức tin.
Phát biểu tại một hội nghị do Viện Acton ở Rome tổ chức ngày 22 tháng Năm, ông nhấn mạnh nhu cầu cấp bách cần phải làm cho lập luận này được mọi người biết vì điều này đang trở thành “vấn đề xác định thời đại chúng ta”.
Ông nói tiếp, những người bảo vệ hôn nhân truyền thống “không cần phải quỳ gối trong thầm lặng”, trong khi nhận thấy rằng dám nói ủng hộ hôn nhân truyền thống trong các xã hội tây phương ngày nay “là tự xác nhận mình như một kẻ kì thị đồng tính, cố chấp, bảo thủ hoặc một kẻ chuyên gây thù chuốc oán.
Trong khi chống lại hình thức tinh vi của sự chuyên chế này, Gondreau nói, điều quan trọng trước hết là cần làm sáng tỏ phải hiểu thế nào cho đúng con người là gì và vai trò thực sự của thân xác là gì. Trong truyền thống triết học cổ đại, như Aristôt hay thánh Tôma Aquinô, con người là một hữu thể thống nhất “hồn-xác”, nghĩa là một thân xác sinh học được tạo ra và tháp nhập bởi một linh hồn bản tính thiêng liêng và có lí trí.
Thế nhưng, đối với những người ủng hộ “hôn nhân” đồng tính, thân xác được xem như một “món đồ phụ tùng”, “không thực sự tham gia vào chính căn tính thiết yếu tạo nên con người”. Gondreau nói, điều quan trọng đối với họ là sự lựa chọn hợp lý và độc lập. Ông nói thêm rằng đó là một thứ nhân học, phải đi ngược lên đến cha đẻ của triết học hiện đại, là René Descartes, người đã quan niệm con người như một sự “suy tư, lựa chọn, bản ngã liên kết cách thứ yếu và hời hợt vào thân xác”, — được biết đến như là một “nhân học theo kiểu Descartes”.
Nhưng cả hai quan điểm về thân xác con người đều đi kèm với những hệ luận luân lí. Đối với quan điểm thứ nhất, nó có nghĩa là bạn đối xử với thân xác mình với “tất cả sự tôn trọng như khi bạn kính trọng nhân vị riêng mình”. Thân xác bạn, Gondreau tiếp, tham dự vào trách nhiệm luân lí của bạn, theo đuổi hạnh phúc và sự viên mãn của bạn – nói theo ngôn ngữ luân lí, là tất cả những gì chúng ta gọi là làm triển nở con người.
Đối với quan điểm thứ hai, thân xác trở thành một thứ đồ chơi tiêu khiển, bởi vì nó “không có giá trị luân lí nội tại” và nó “không cốt yếu đối với căn tính con người”. Đối với những người theo nhân học kiểu Descartes, họ tự coi mình như một “cái tôi bị phân mảnh”.
Ông nhấn mạnh, mỗi thân xác con người “được trói buộc vào một số mục đích và lợi ích nhất định” và như thế khi bước vào lĩnh vực giới tính, nó có nghĩa bạn không thể làm bất cứ kiểu hành vi tính dục nào và nghĩ chẳng có gì sai trái cả, giống như bạn không thể nuôi dưỡng thân xác bằng bất cứ thức gì bạn muốn. Về mặt thân xác, tính dục được xác định rất rõ ràng là nhằm tới sinh sản, và người nam và người nữ thì bổ túc cho nhau.
“Đó chính là lương tri của mọi người”, Gondreau lập luận, “nhưng sau đây mới là vấn đề của nguyên lí “hôn nhân” đồng tính: chúng ta đang được yêu cầu phải dẹp bỏ lương tri của mình đi và mang lấy quan điểm cho rằng sinh học và bản tính tự nhiên của chúng ta đơn thuần là không thích hợp”. Ông cho thấy rằng tình dục con người thì khác xa với tính dục của con vật vì nó không chỉ hướng về sinh sản nhưng còn là “mặt đối mặt”, rằng đó không chỉ là giao hợp xác thân, kết hợp nhục thể, nhưng rõ ràng còn là một kết hợp tâm hồn hai con người, kết hợp họ với nhau trong mối liên kết thâm sâu nhất của tình yêu và tình bạn”.
Thân xác và linh hồn con người là một, bất kì một nỗ lực nào có ý muốn tách rời hay phân chia thân xác ra khỏi linh hồn đều phải bị lên án là chống lại cái thiện hảo chân thực của chúng ta. Ông nói, “chỉ có ở trong hôn nhân một giao hợp tính dục mới được coi là có ý nghĩa hướng đến sinh sản (procreative) và kết hiệp yêu thương vợ chồng (unitive)”. “Hành vi tính dục phải được thể hiện, về mặt biểu tượng mà nói, phù hợp với trật tự ý hướng của thiên nhiên là để cho ra đời một đứa trẻ, và không được chủ ý sử dụng biện pháp nào làm phá vỡ chính bản tính của hành vi ấy bằng cách tách lìa mục tiêu sinh sản của nó”.
Ông nhấn mạnh luật tự nhiên đã dạy chúng ta rằng : “Khi Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta, Ngài đã có ý định chúng ta phải sống như thế nào, bản tính được phân giới của chúng ta sẽ được sử dụng làm sao”. Gondreau nói, “ Chúng ta không tự tạo dựng ra mình, cũng chẳng phải là Chúa của mình, và vì thế chúng ta bị giới hạn và tất định trước trong những điều thiện hảo và mục đích nhất định”. Ông nói thêm rằng chúng ta càng nhạy cảm với lương tâm và đời sống luân lí, “chúng ta càng thấy rõ điều ấy”.
“Chẳng qua chỉ là do cách chúng ta nhìn con người”, ông giải thích. “Đức Bênêđic-tô XVI đã thường xuyên nhắc nhở mọi người về luật tự nhiên và phải khôi phục nó lại. Đó là một cách hiểu đời sống luân lí theo cách thức lí trí có thể chạm tới được”.
Gondreau đã tích cực tham gia các tranh luận công khai về ý nghĩa và mục đích của hôn nhân tại Hoa kỳ và tranh luận vấn đề này trên nhiều chương trình truyền hình. Ông nói nhiều người bảo vệ “hôn nhân” đồng tính thường có ý tốt và không muốn bị coi là cuồng tín. Ông nói, “họ muốn cảm thông với những người đang vật vã với ước muốn đồng tính luyến ái”.
Nhưng theo ông, đức ái thôi thúc ta phải nói cho họ biết họ đã sai lầm.
“Nếu bạn thực sự muốn giúp đỡ người tội lỗi, bạn phải làm cho người ấy bỏ đàng tội”, ông nói. “Khi người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Đức Giêsu không nói ‘hãy đi và làm điều gì làm con hạnh phúc’, nhưng Người nói ‘hãy đi và đừng phạm tội nữa’. Vì thế chúng ta phải luôn minh bạch rằng đó là điều chúng ta nói đến”.
Nhắc lại cuộc nói chuyện với một người bạn đồng tính nam, Gondreau bảo người này ông tin rằng lối sống của anh ta không đem lại cho anh hạnh phúc đích thực, mà hiện tại anh cũng chẳng có hạnh phúc. “Người ấy đã không cảm thấy bị xúc phạm, và anh thấy tôi đã xác tín như vậy”, ông nhớ lại. “Anh bạn ấy có đồng ý hay không, điều ấy vẫn không là điểm chính yếu, điều chính yếu là hạnh phúc đích thật của con người, và Thiên Chúa đã tiền định đâu là vai trò của nó thể hiện trong hạnh phúc thật”.
Hạnh phúc thật của mỗi người là ở nơi Thiên Chúa, Gondreau nói. “Hạnh phúc ấy không bao giờ có thể tìm được một cách đầy đủ nơi các phúc lợi thuộc xác thân hoặc phàm trần. Ngoài Thiên Chúa, không một tạo vật tốt lành nào có thể thỏa mãn khát vọng sâu thẳm nhất trong trái tim con người, vì thế mọi phúc lợi ta hưởng dùng chỉ thực sự tốt khi nó dẫn ta đến với Thiên Chúa”.
Ông tiếp: “Lạc thú tính dục là tốt, nhưng đó không phải là phúc lợi chính yếu mà tính dục nhắm đến, mà là con cái được sinh thành và hợp nhất trong tình yêu. Sự vui thú tùy thuộc vào đó”.
Trong khi giải đáp những câu hỏi, Gondreau nói ông cho rằng hướng sống của đồng tính luyến ái là đi đến “bãi bỏ toàn bộ hôn nhân”, và các nhà hoạt động cho đồng tính cũng thẳng thắn thừa nhận như vậy. “Đó là xóa bỏ mọi ranh giới, giới hạn, là cái nhìn về con người như là một con người độc lập, như thế, Thiên Chúa, thiên nhiên và Giáo hội trở thành địch thủ của sự độc lập của tôi”.
Nhưng thật ra, ông nói, Thiên Chúa và thiên nhiên không phải là địch thủ, nhưng đúng hơn là kẻ “bảo vệ và là phương thế cho con người triển nở”. Trong khi ra sức tránh “cắt xén những cấu trúc sinh học cố định của chúng ta”, Giáo hội có thể khiến một số người nghĩ rằng mình bị ám ảnh bởi cơ chế sinh sản. Thế nhưng, theo như Gondreau nhận xét, đó chỉ là vì Giáo hội “chối từ việc xén bỏ định hướng sinh sản khỏi sinh hoạt tình dục”.
Ông thừa nhận rằng truyền bá giáo huấn “xác-hồn hợp nhất” là cả một công việc đòi hỏi nhiều công sức “tiếp thị” trong một xã hội vốn xem chuyện tình dục “trước hết và trên hết như một chuyện riêng tư của cá nhân ‘tôi’ muốn”. Công trình ấy cần được thực hiện một cách cẩn trọng và mẫn cảm, không kết án tội nhân mà chỉ kết án tội lỗi.
Vũ văn Kích – Lữ Y
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét