Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Chúa Nhật 22 Thướng Niên Năm C_2013

Ông bà anh chị em thân mến. Ngày nay và trong xã hội này, những đức tính của người Ki-tô hữu chúng ta đang bị thách thức một cách trầm trọng, làm cho chúng ta phân vân và cảm thấy thiệt thòi.  Chúng ta được dạy phải có tấm lòng chân thật, có đời sống ngay thẳng và quảng đại. Nếu chúng ta giữ những đức tính này thì sẽ có sự bình an và đời sống của chúng ta sẽ đẹp lòng Chúa.
Thế nhưng nhiều sự kiện đã và đang xảy ra chung quanh, làm chúng ta tự hỏi: “Tại sao chúng ta phải ngay thẳng khi người khác gian dối?”  “Tại sao chúng ta chân thật khi người khác tham lam?”  “Tại sao chúng ta phải quảng đại khi người khác ích kỷ?”  Có thể nói tất cả chúng ta đều bị cám dỗ và nhiều người đã bỏ cuộc, bị lôi vào những sự cám dỗ này, hay đã vất bỏ đi những đức tính này trong cuộc sống.
Vậy, một đức tính mà người Ki-tô hữu phải giữ lại trong đời sống và không bao giờ vất, dục đi, là đức tính gì?  Một người đã có câu trả lời thật đúng: “Đó là đức tính khiêm nhường?” Chúng ta muốn biết tại sao đức tính này thật quan trọng trong đời sống Ki-tô hữu?  Xin thưa, vì đó là đức tính của Chúa Giê-su mà Ngài đã diễn tả về chính Ngài, “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt. 11, 29) Và 2 bài Kinh thánh hôm nay, bài đọc 1 và Tin mừng, đề cập tới tính cách quan trọng của sự khiêm nhường.
Bài đọc 1 cho chúng ta biết người khiêm nhường phục vụ Chúa một cách hiền hòa và khiêm tốn thì đẹp lòng Chúa, và những công việc của họ làm sẽ tôn vinh và làm sáng danh Chúa. Còn người tự kiêu, tự phụ thì công việc của họ phát xuất từ những sự dữ và tội lỗi trong lòng. Như chúng ta biết, sự kiêu căng, tự phụ là bức tường ngăn cách chúng ta với tha nhân, và với Chúa. Kiêu căng là tự đặt mình lên trên người khác, là người luôn tỏ vẻ hiểu biết và tốt lành thánh thiện hơn người. Sự kiêu ngạo đã len lỏi vào đời sống của con người ngay từ thuở ban đầu. Ông Adong và bà Evà đã bị ma quỉ gạt gẫm, muốn được hiểu biết mọi sự giống như Thiên Chúa. Ông bà nguyên tổ đã không vâng lời Thiên Chúa, nên đã đánh mất tất cả hồng ân. Sự tự phụ, kiêu ngạo đã thấm nhập vào nhiều tâm hồn con người, cho nên họ đã từ chối Thiên Chúa Đấng là nguồn ban sự sống và ơn lành.
Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su không những dạy chúng ta bài học khiêm nhường, mà còn dạy chúng ta về lòng bác ái.  Chúng ta phải lưu ý rằng câu Chúa nói: “Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên” không phải là câu Chúa dạy chúng ta về sự khiêm nhường chân thật, mà Ngài vạch ra cho chúng ta biết trong những cách đối xử thường ngày, nếu tránh được những sự tự tự kiêu, tự cao thì sẽ có những ưu thế.  Và chúng ta phải lưu ý có 2 sự khiêm nhường: khiêm nhường chân thật và khiêm nhường giả dối hay “tự hạ giả vờ.”  Như chúng ta biết sự “tự hạ giả vờ” này cũng không tốt đẹp gì, và cũng giống như kiêu căng mà thôi.     
     Có một người nói với tôi rằng, “Thưa cha, ngày xưa con thường ngồi ở cái ghế ở tận cuối nhà thờ, và con tự hào là khiêm nhường hơn những người khác trong nhà thờ, nhưng từ khi con hiểu được khiêm nhường không có liên quan gì đến chỗ con ngồi, thì con đã lên ngồi ở trên, và thật là lạ lùng, con cảm thấy được nhiều ơn ích hơn bởi Thánh lễ con tham dự.”
Ông bà anh chị em thân mến.  Khiêm nhường chân thật là gi? Và làm sao thì được coi là khiêm nhường chân thật?  Bài học khiêm nhường chân thật mà Chúa muốn dạy chúng ta có phải là sự tự hạ mình xuống không?  Có phải là không chú ý đến chính mình không? Hay chối bỏ những giá trị chân chính của mình không?  Thưa không và thưa không. Khiêm nhường chân thật là những sự kiện có chiều kích xâu và cao quí hơn là tự hạ mình xuống, không chú ý đến chính mình hay chối bỏ những giá trị cá nhân.
Trong chiều kích xâu sa và cao quí, khiêm nhường là trở nên giống như, đồng dạng với Chúa Giê-su, Người đã nói: ““Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt. 11, 29)  Khiêm nhường là như Chúa Giê-su, Người nói: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ.” (Mc. 10, 45)  Và khiêm nhường là sống như Chúa Giê-su, không phải cho chính mình nhưng cho tha nhân, hay có nghĩa là nhận biết chân thật sự giới hạn và căn nguyên sức mạnh, cũng như khả năng của chính mình phát xuất từ đâu, và xử dụng những ơn lành đó không cho chính mình, hay tự tôn vinh mình lên, mà cho tha nhân và làm vinh danh, sáng danh Thiên Chúa như Chúa đã làm.
Ông bà anh chị em thân mến.  Chính Chúa Giêsu đã khiêm nhường mặc lấy bản tính hèn mọn của con người và sinh ra trong cảnh nghèo hèn, để đồng dạng với chúng ta, và để chúng ta có thể trở nên đồng dạng với Người.  Và Chúa cũng lấy đức khiêm nhường làm một trong các mối phúc của bài giảng trên núi và mời gọi mọi người hãy học cùng Người là Đấng hiền lành và khiêm tốn trong lòng. Ai sống hiền lành và khiêm tốn thì được phúc trước mặt Chúa và được mọi người yêu mến. Ngày nay, khiêm nhường thường bị người đời coi là thua kém, là yếu hèn. Trái lại Thiên Chúa nâng cao những ai khiên nhường.    Qua hình ảnh bữa tiệc, Chúa Giêsu muốn nói đến bữa tiệc Nước Trời, nơi đó mọi người đều được mời đến dự, không phân biệt, đặc biệt mời những người nghèo và những người có lòng khiêm nhường, vì họ dễ dàng nhận lời mời hơn những người giàu có, quyền thế. Bữa tiệc Nước Trời, Thiên Chúa đã dọn sẵn, và chỉ những ai khiêm tốn, bé nhỏ, nghèo khó mới được vào dự tiệc. “Chúa sẽ hạ bệ những ai quyền thế và lòng trí kiêu căng. Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, phận nhỏ. Người nghèo đói Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,51-54).  Khiêm nhường và bác ái không chỉ là những đức tính cần thiết cho đời sống hiện tại của Kitô hữu, mà còn là chìa khóa mở cửa Nước Trời.
Lm. Chánh xứ

 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....