Lâu nay, người ta hay dùng từ “gà trống nuôi con” với hàm ý khen ngợi người đàn ông một mình nuôi con. Thế sao với những người phụ nữ một mình nuôi con, vừa làm mẹ vừa làm cha lại không có cụm từ nào để tôn vinh họ?
Em thân mến,
Anh viết thư này không phải để tìm ra cụm từ ấy mà chỉ để bày tỏ lòng cảm thông, sẻ chia sâu sắc với em, người mẹ đơn thân mà anh hằng mến phục.
Phải nói rằng một mình có con và nuôi con trong xã hội mà người ta vẫn coi trọng một gia đình đúng nghĩa với cha mẹ và con cái, là một sự can đảm. Không chỉ đối phó với tiếng đời thị phi, việc nuôi một đứa con trong thời buổi hiện nay với một phụ nữ đơn thân không dễ dàng gì. Có bao nhiêu thứ phải lo toan: quần áo, sữa, các món đồ chuyên dùng cho trẻ…; rồi phải thuê người giúp việc, tìm chỗ gửi con để đi làm… Vất vả hơn nữa là khi con bệnh. Anh nhớ có những đêm con anh bị sốt, vợ chồng thức trắng đêm, người đắp khăn, kẻ xoa dầu, lúc nghiền thuốc, khi đổ sữa… Còn em chỉ có một mình, bao nhiêu đó việc em làm sao đây?
Đến khi con biết đi chập chững, vợ chồng anh thường ngồi hai bên dang tay ra chờ con đi qua đi lại. Lớn chút nữa, con gọi “ba ba”, vốn là tiếng mà hầu hết các đứa trẻ khi tập nói đều phát ra. Chỉ có một mình, em sẽ làm gì đây? Em sẽ nói gì với con khi con gọi cha? Lớn thêm chút nữa, con sẽ thấy hình như thiếu một người mà những đứa trẻ khác vẫn gọi là ba, rồi nó hỏi, em sẽ trả lời sao đây?
Lắm lúc đang sửa ống nước, gắn lại cái bóng đèn, đóng cái đinh lên tường…, anh hay nghĩ đến em. Em sẽ phải tự làm những việc tương tự như thế ở nhà, chứ chẳng lẽ lúc nào cũng nhờ hay thuê người giúp? Hay buổi sáng dắt xe đi làm mà bị bể bánh, lẽ ra người vợ chỉ việc bồng con đi sau chồng ra đến chỗ sửa xe, thì em phải vừa đẩy xe vừa dắt con. Nỗi nhọc nhằn tăng lên gấp bội, không chỉ thể chất mà cả tinh thần. Còn mỗi khi đi chơi, vợ chồng anh thay phiên nhau chụp ảnh với con, còn em, chắc sẽ chẳng mấy khi có được một tấm ảnh, càng khó có ảnh chụp chung với con. Điều đó, với em có phải là một thiệt thòi nữa không?
Chưa kể trong việc dạy con, đôi khi cha mẹ phải chia nhau đóng vai “thiện”, “ác” để dỗ dành hay rầy dạy con. Chẳng hạn khi cha phạt con để giữ nghiêm kỷ luật, thì người mẹ lại dịu dàng, nhỏ nhẹ, kiểu như “con của mẹ ngoan lắm, nhưng mai mốt phải nghe lời ba nhé!”… Anh lại hình dung lúc nóng giận vì con hư, em phải lớn tiếng, rồi phút chốc lại ôm lấy con mà đấu dịu. Vừa phải làm mẹ vừa làm cha, mà cha và mẹ khác nhau nhiều lắm, làm sao em đóng vai cho trọn?
Vậy đó, những khó khăn, vui buồn của một người mẹ đơn thân nhiều vô kể. Anh tin rằng, một người mẹ nuôi con cùng chồng vất vả một, thì với người mẹ đơn thân phải gấp chục lần. Bởi vậy, anh càng trân trọng sự cố gắng tuyệt vời của em. Bất kể, đứa trẻ ra đời không có cha bên cạnh ấy của em là kết quả một cuộc tình dở dang hay của một cuộc tìm kiếm hạnh phúc không giống với nhiều người, thì sự hy sinh đó cũng không gì đong đếm được. Nhưng anh cũng thấy cả sự thiệt thòi của đứa trẻ, mà có thể dẫn đến những khiếm khuyết trong tình cảm, nhận thức, tâm lý, nhân cách… về sau. Nên anh mong sao em sẽ tìm được một người bạn đời hợp ý, yêu thương em và cả con em thật lòng. Để con em có một người cha đúng nghĩa. Để em không còn phải cáng đáng những việc lẽ ra của người chồng, người cha. Đó là mong ước và cũng là lời chúc chân thành của anh…
Ngô Đồng Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét