Rôma (Zenit) - Cuộc xung đột đang diễn ra ở Hoa Kỳ về những quy định chăm sóc sức khỏe đã tập trung sự chú ý vào tự do lương tâm và tôn giáo.
Trong một quyển sách mới đây, Robert P. George đã thu thập một loạt những bài tiểu luận và bài viết của ông về vấn đề này. Là giáo sư luật tại Đại học Princeton và Harvard, hôm 23 tháng Bảy vừa qua ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ.
Loạt bài tiểu luận “Lương tâm và kẻ thù của nó: Đương đầu với những giáo điều của chủ nghĩa tự do thế tục” (ISI Books) bao gồm những chủ đề về lương tâm, những quyết định phán đoán, luật tự nhiên, hôn nhân và các vấn đề đạo đức sinh học.
Đằng sau những xung đột về các vấn đề khác biệt văn hóa, George giải thích rằng có những ý tưởng triết học và giả thuyết, mặc dù chúng ít được đề cập nhưng lại có những hậu quả nghiêm trọng.
Nhiều người trong số những người có quan điểm thế tục tự do cho rằng bất cứ ai bất đồng với họ thì hoặc là người cố chấp hoặc là người theo trào lưu quá khích tôn giáo. Mục đích của ông trong quyển sách này, như được giải thích trong lời giới thiệu, là nhằm “phơi bày niềm tin rỗng tuếch đó”.
Theo George, có ba trụ cột của xã hội. Trụ cột đầu tiên là tôn trọng con người. Một xã hội không tôn trọng sự sống con người, từ khi còn là đứa trẻ trong cung lòng mẹ cho đến lúc tuổi già, không sớm thì muộn cũng sẽ xem con người như là đồ có thể bỏ đi.
Trụ cột thứ hai là định chế gia đình, dựa trên sự cam kết của người chồng và người vợ. Ông thừa nhận không có gia đình nào là hoàn hảo, nhưng đó là định chế tốt nhất để truyền tải các giá trị và những đức hạnh cho các thế hệ tiếp theo.
Trụ cột thứ ba là sự công bằng và tính hiệu quả của hệ thống luật lệ và chính quyền.
Luật tự nhiên
Một tiểu luận khác bàn về chủ đề luật tự nhiên, Thiên Chúa và phẩm giá con người. Các chuẩn mực đạo đức, mà chúng ta biết được thông qua việc thực hành của lý trí, cho phép chúng ta điều khiển các hoạt động hướng tới những điều thiện hảo căn bản của con người.
Những nguyên tắc của luật tự nhiên này cho phép chúng ta nhận biết làm sao để hành động một cách đúng đắn và tôn trọng các quyền mà con người sở hữu bởi đức hạnh nhân bản của họ. George cho hay thêm rằng sự tồn tại các nguyên tắc của luật tự nhiên đưa ra một nền tảng chung cho những người không tin Chúa.
Một chủ đề khác được bàn đến trong quyển sách là mục đích của luật pháp và chính quyền. Trong số những nhiệm vụ cơ bản của chính quyền là việc bảo vệ sức khỏe và an toàn cho cộng đồng cùng với việc thúc đẩy phúc lợi chung.
Tuy nhiên, George lập luận rằng trách nhiệm của chính phủ là bổ sung. Đó là hỗ trợ công việc của gia đình và các định chế khác. Vì thế, chính phủ không nên gạt bỏ vai trò của gia đình và cộng đồng trong xã hội. Ông cũng biện luận chống lại cả chủ nghĩa cá nhân lẫn chủ nghĩa tập thể và ủng hộ chính phủ hạn chế.
George cũng nhận xét về các nguyên tắc luân lý hay khả năng nhận biết sự thật về cách hành xử đe dọa một số người ngày nay. Tuy nhiên, những lập luận đó lại ủng hộ việc phá thai hoặc thay đổi luật hôn nhân làm cho trường hợp của chúng cũng đưa ra những đòi hỏi sự thật.
George giải thích về tầm quan trọng của việc nhận biết sự thật về thân phận con người của chúng ta là một suy xét trọng yếu khi đi đến tranh luận về hôn nhân và áp lực cho phép các cặp đồng tính kết hôn.
Hôn nhân không chỉ đơn thuần là một quy ước pháp lý, và thân xác chúng ta không đơn thuần là công cụ để thỏa mãn. Hôn nhân là một chia sẻ toàn diện về đời sống dựa trên khả năng có thể kết hợp thân xác nhờ sự bổ sung tính dục của người nam và người nữ.
Hơn thế nữa, ông cảnh báo rằng hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính sẽ làm xói mòn tự do tôn giáo và ý chí tự do của gia đình, khi nhân danh bình đẳng, quyền lực của chính phủ sẽ được dùng để buộc mọi người tuân thủ.
Sống trong sự thật
Một trong những tiểu luận đã được dành riêng để nói về chủ đề tự do tôn giáo. George khẳng dịnh rằng nhân quyền, bao gồm cả tự do tín ngưỡng, là một trong những nguyên tắc luân lý cần phải được tôn trọng, kể cả các chính quyền.
Các truyền thống đức tin khác nhau có những vị thế khác nhau dựa trên những điều thiết lập nên tôn giáo, với những giáo lý và cơ cấu khác biệt. Một yếu tố chung cho tất cả tôn giáo là con người nỗ lực sống trong quan hệ đúng đắn với sự thánh thiêng, và để hiểu cơ cấu của sự thật và sống xứng đáng với những sự thật đó.
George cho hay thêm tôn trọng hạnh phúc của con người đòi hỏi tôn trọng nỗ lực của họ để đời sống họ phù hợp với nguyên tắc của đức tin tôn giáo. Bất kỳ niềm tin nào cũng không thể trở nên xác thực trừ phi nó được tự do.
Nếu đời sống tinh thần của con người là toàn bộ sự viên mãn và nhận thức rõ thiện hảo căn bản con người, thì nó tạo nên ý thức, trên quan điểm của lý trí, không chỉ phù hợp với lý tưởng tôn giáo, mà còn hiểu được tự do tôn giáo là một nhân quyền căn bản.
Sẽ là một sai lầm nếu như ép buộc một người vô thần thực hiện một hành vi tôn giáo nếu lương tâm người ấy không hề tin. Tương tự như vậy, quyền của các tín hữu cần phải được tôn trọng.
George phân tích thêm rằng có những giới hạn về tự do tôn giáo, như sự dữ và bất công, người ta có thể phạm phải vì lợi ích tôn giáo. Tuy nhiên, ông đi đến kết luận là có cơ sở rõ ràng và mạnh mẽ để ủng hộ việc tôn trọng tự do tôn giáo.
Vũ Văn Kích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét