Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Đức Tin và Gia Đình

GIA ĐÌNH LÀ VƯỜN ƯƠM ĐỨC TIN


          Trong những năm gần đây, khi sự phát triển xã hội xoay chuyển theo chiều hướng liên đới trách nhiệm và toàn cầu hóa, thì người ta đã nghĩ ngay đến những mô hình “vườn ươm” trong nhiều lãnh vực, để góp phần phục vụ tốt cho cộng đồng và làm đòn bẩy cho sự phát triển xã hội.


          Thí dụ: mô hình vườn ươm cây hoa cảnh, mô hình vườn ươm cây trồng con giống, mô hình vườn ươm những ước mơ, mô hình vườn ươm tâm hồn, mô hình vườn ươm ơn gọi, v.v… Trong Giáo hội cũng đã hình thành “vườn ươm đức tin”, đó là các gia đình Kitô giáo. Vậy tại sao ta không chú tâm phát triển mô hình “vườn ươm đức tin” này, vốn đã được Giáo hội đề cập và định hướng phát triển, để góp phần đào tạo những mầm non đức tin cho Giáo hội?

          Chắc chắn Giáo hội đã đề cập đến mô hình “vườn ươm đức tin” rất nhiều lần trong nhiều văn kiện và giáo huấn của Giáo hội. Ở đây chỉ xin được trích “Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt nam, năm 2008”. Ngày 05.12.2008 Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra “Thư chung về môi trường giáo dục trong gia đình Công giáo”. Thư chung này có 20 số. Ngoài phần dẫn nhập và kết luận, nội dung Thư chung xoay quanh ba chủ đề:

          - Nền tảng của việc giáo dục gia đình (từ số 4-8).
          - Gia đình trong bối cảnh Việt Nam hôm nay (từ số 9-12).
          - Một số chỉ dẫn mục vụ (từ số 13-19).

          Trong Năm Đức tin, đọc lại “Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt nam, năm 2008”, tôi xác tín hơn về đề tài “Gia đình là vườn ươm đức tin” của Giáo hội.

          1. Gia đình là vườn ươm đức tin, nên mọi thành viên trong gia đình rất cần được sống trong bầu khí đức tin. Chính trong gia đình, đức tin được đón nhận, được thực hành, được đem vào cuộc sống và được ân cần thông truyền cho nhau. Nơi đây đức tin được giao lưu và truyền thụ qua những buổi tối cầu nguyện chung.

          Thư chung viết: "Hình ảnh một gia đình công giáo Việt Nam được ghi đậm nét do việc mọi thành viên cùng cầu nguyện chung với nhau. Giờ cầu nguyện chung giúp các thành viên trong gia đình gần gũi và có trách nhiệm với nhau hơn. Cầu nguyện chung là yếu tố quan trọng giúp hòa giải những mâu thuẫn gia đình và làm cho mọi người dễ tha thứ cho nhau" (số 14).
        
 Thực vậy! Trong gia đình, con cái được truyền thụ đức tin ngay từ tấm bé. Khi sinh ra được ít tháng, ta được cha mẹ giúp để lãnh nhận Bí tích Rửa tội, được làm con Chúa. Khi vừa bập bẹ biết nói, ta được học "ạ Chúa, ạ Mẹ", được dạy làm dấu Thánh giá, đọc kinh Kính mừng... Tất cả những điều ấy tưởng chỉ là thói quen của lòng đạo đức bình dân, nhưng còn hơn thế nữa. Đó là lối sống tự nhiên như hơi thở, rất cần thiết cho mọi gia đình Công giáo.
        
 Như thân xác cần được nuôi dưỡng và lớn lên từng ngày thế nào, thì đức tin cũng cần được nuôi dưỡng và dần dần trưởng thành như vậy. Do đó những lời kinh nguyện mà cả gia đình đọc bên cạnh chiếc nôi, sẽ là lời ru đạo đức thấm đẫm vào tâm trí non nớt của trẻ thơ, mà cả cuộc đời sau này, nó sẽ không bao giờ quên. Lời kinh ấy tựa như dòng sữa đức tin rất cần cho sự phát triển đầu đời của đứa con. Lời kinh ấy còn là một phương thế hữu hiệu để giúp cho trẻ thơ làm quen với sự hiện diện của Thiên Chúa, là Người Cha ở ngay trong gia đình. Vẫn biết rằng đức tin là hồng ân đến từ Thiên Chúa, nhưng xem ra Thiên Chúa lại nhờ cha mẹ thông truyền đức tin ấy cho con cái mình bằng chính cuộc sống đức tin của cha mẹ.
        
 Vì thế, chúng ta hãy cổ võ việc đọc kinh tối trong gia đình. Khuyến khích cả nhà có thói quen cùng nhau đi dâng lễ, noi gương Thánh gia cùng nhau lên đền thờ cầu nguyện (Lc 2,41-42). Hãy cổ võ mọi thành viên trong gia đình siêng năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể và lãnh nhận Bí tích Giao hòa. Có như thế,gia đình mới là vườn ươm đức tin, và mọi thành viên trong gia đình được sống hạnh phúc trong bầu khí đức tin.

          2. Gia đình là vườn ươm đức tin, nên mọi thành viên trong gia đình rất cần được sống trong bầu khí đức ái. Chúng ta biết, đức ái là ngôn ngữ diễn tả đức tin. Người ta không thấy đức tin của ta, nhưng người ta có thể cảm nhận được đức tin qua đời sống bác ái của ta. Vì thế “đức tin không hành động là đức tin chết” (Gc 2, 22).

          Thư chung viết: “Do đó gia đình phải là môi trường giáo dục đặc biệt về tình yêu. Giáo dục đức tin phải đi đôi với giáo dục đức ái. Cần giáo dục tình yêu cho con cái biết yêu thương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết yêu thương kính trọng bà con họ hàng, biết yêu thương và kính trọng mọi người. Cũng cần giáo dục con cái biết yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ và hy sinh cho nhau. Con người không biết sống yêu thương trong gia đình, thì không thể biết sống yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội. Việc giáo dục tình yêu cần phải kiên nhẫn và nhất là cần đến gương yêu thương giữa cha mẹ, giữa vợ chồng. Gương mẫu của giáo dục tình yêu chính là Thánh Gia, cao hơn nữa chính là gương Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ Hội Thánh, yêu thương và hy sinh đến chết vì mỗi người chúng ta. Thật lý tưởng khi mọi thành viên trong gia đình đều cảm nhận sâu xa là mình được mọi người trong gia đình yêu thương và tình yêu của mình được mọi người đón nhận, đáp trả” (số 15).

          3. Gia đình là vườn ươm đức tin, nên mọi thành viên trong gia đình rất cần được sống theo lương tâm và sự thật. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khẳng định rằng: “Nếu tiến bộ kỹ thuật không đi đôi với tiến bộ trong việc giáo dục đạo đức con người, trong sự tăng trưởng con người nội tâm, thì đó chẳng phải là một sự tiến bộ, nhưng lại là một mối đe dọa đối với con người và thế giới” (Thông điệp Spe Salvi, số 22).

          Thư chung viết: “Theo đó, lương tâm ngay chính và đời sống nội tâm sâu xa là yếu tố căn bản cho sự bền vững và phát triển của xã hội. Mọi hoạt động đều phải xây dựng trên nền tảng lương tâm ngay chính, thì mới mang lại hiệu quả tích cực. Gia đình là môi trường quan trọng và không thể thay thế cho việc huấn luyện này. Người cha người mẹ chính là những nhà huấn luyện lương tâm cho thế hệ tương lai. Để cho việc huấn luyện lương tâm có hiệu quả, cần phải có sự cộng tác của mọi thành phần Giáo hội và xã hội, vì xã hội được coi như sự nối dài của gia đình trong sứ mạng giáo dục. Thật là mâu thuẫn nếu trong nhà cha mẹ dạy con thật thà, mà ra khỏi gia đình cha mẹ lại gian lận dối trá đối với những người xung quanh. Gương sáng của cha mẹ và những bậc cha anh đóng vai trò quan trọng để giáo dục lương tâm cho những thế hệ nối tiếp. Dân tộc và Giáo Hội Việt Nam trong tương lai sẽ ra sao, nếu thế hệ hôm nay bàng quan nhắm mắt trước sự man trá lừa lọc? Đó là câu hỏi khiến cho các bậc phụ huynh, các giới hữu trách giáo dục phải đặt ra một cách nghiêm túc, để kịp thời tìm biện pháp cứu vãn tình thế” (số 16).

          4. Gia đình là vườn ươm đức tin, nên mọi thành viên trong gia đình rất cần được giáo dục về các đức tính nhân bản. Do đời sống công nghiệp và đô thị phát triển, con người thời nay có nguy cơ sống khép kín, thiếu tình yêu và thiếu quan tâm đến tha nhân. Gia đình là môi trường thuận lợi giúp cho các thành viên sống tình liên đới, vị tha, hài hòa và quảng đại.Khi chú trọng giáo dục cho con cái những đức tính nhân bản như khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ, các bậc phụ huynh đang huấn luyện con cái mình “thành người”. Giáo dục nhân bản còn nhằm huấn luyện con người có trách nhiệm đối với tha nhân và công ích, góp phần bảo vệ và phát triển cuộc sống xã hội, tôn trọng thiên nhiên, cổ võ những hoạt động bác ái. Việc vận động mọi thành viên trong gia đình cùng tham gia vào mọi sinh hoạt văn hóa lành mạnh, cũng là đường lối sư phạm cụ thể và hiệu quả để giáo dục nhân bản cho thế hệ tương lai.

          Trong phần kết luận, các Đức Giám mục kêu gọi: “Chúng tôi mời gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy cộng tác trong việc vun trồng những thế hệ tương lai. Nếu gia đình là nhân tố quyết định sự tồn vong của Giáo Hội và xã hội, thì việc đầu tiên chúng ta phải nghĩ tới là củng cố và thăng tiến gia đình, để bảo đảm cho hôn nhân và gia đình có được sức sống yêu thương tràn đầy và sự thăng tiến về nhân bản cũng như lòng đạo đức.” (Thư chung, số 20).

          Chỉ còn mấy tháng nữa là kết thúc Năm Đức Tin 2013 (24/11/2013). Thiết tưởng đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại đức tin của chính mình và luôn nhắc nhở nhau: Hãy biến đức tin thành hành động. Hãy biến gia đình mình thành “vườn ươm đức tin”. Chúng ta không có quyền chọn lựa cuộc sống, nhưng mỗi người đều có quyền chọn lựa cách sống cho chính mình. “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con”.
Maria Vũ Nguyễn Ánh Hương


VƯỜN ƯƠM ĐỨC TIN


          T..., đứng lên, con đọc và làm theo mẹ nè: Nhân danh Cha, nhân… nhân Cha; Và Con, và...và...Con; Và Thánh Thần, và…và...Thánh Thần; Amen, a…a…men.
          Đó là bài học đầu tiên mà tôi học được khi bắt đầu bặp bẹ biết nói. Bài học này mẹ tôi thường dạy trước và sau những giờ kinh tối trong gia đình. Bài học này mang giá trị gì cho tôi? Nó giúp ích gì cho tôi? Ngồi miên man suy nghĩ tôi chợt khám phá ra điều Chúa muốn nhắn gởi tôi qua bài học đầu đời nơi môi trường gia đình mà bạn và tôi đã từng trải qua: Đức tin được gieo trồng nơi chính gia đình thân thương của bạn và tôi.

          Ngay từ thuở còn bé, khi mới biết nói, biết đi, bạn và tôi đã được cha hoặc mẹ dạy cho biết cách sống làm người, cách ăn nói, cách chào hỏi, lời cám ơn, cả những kiến thức cơ bản. Và cũng nơi gia đình thân thương này bạn và tôi khám phá và học được nơi người cha một nghị lực sống, sự hy sinh, sự cần mẫn. Nơi người mẹ một tình thương bao la, sự dịu dàng khéo léo, sự cảm thông. Nơi anh chị em sự quan tâm chăm sóc. Và cũng chính nơi mái trường gia đình này bạn và tôi được đón nhận hạt giống đức tin trong  nơi sâu thẳm của tâm hồn.

          Khi bạn và tôi còn được bồng ẵm trên tay, cha và mẹ mang bạn và tôi đến nhà thờ để được linh mục rửa tội, cho bạn và tôi được gia nhập dân Thiên Chúa trở thành một kitô hữu. Hạt giống đức tin lúc này được gieo nhưng chưa được quan tâm chăm sóc để lớn lên. Hạt giống đức tin vẫn còn bị chôn vùi. Và rồi trải qua năm tháng với những bài học đầu tiên nơi gia đình, hạt giống đức tin đó bắt đầu được trỗi dậy qua những lời dạy dỗ của cha mẹ, qua những thói quen tiếp xúc và cầu nguyện với Chúa, qua những buổi đọc kinh chung của gia đình, dần dần hạt giống đức tin bắt đầu phát triển và lớn lên. Mẹ dạy tôi từng câu kinh, cầm tay và dắt tôi đến với Chúa qua những thánh lễ. Đó là những cơ hội bạn và tôi được bón phân tưới nước để hạt giống đức tin lớn lên và sinh hoa kết trái.

          Nói như thế không có nghĩa là hạt giống đức tin được gieo trong mỗi người chúng ta đều được phát triển và sinh hoa kết trái. Có những hạt giống được gieo xuống nhưng bị chôn vùi và quên lãng bởi có nhiều gia đình không quan tâm đến hồng ân đức tin này, họ chỉ lo làm ăn kiếm sống, cơm áo gạo tiền là những thứ làm che lấp và chôn vùi hạt giống đức tin đã được gieo trong tâm hồn con người. Ngày nay không thiếu những gia đình đang bị đổ vỡ, vợ chồng ly tán, con cái bị bỏ rơi và rồi chúng sống trong vòng xoáy của xã hội hưởng thụ, của ma quỷ và của tội lỗi. Vậy đâu là phương thế hay nói cách khác đâu là nước là phân để vun bón cho hạt giống đức tin được lớn lên và sinh hoa kết trái.

          Tôi xin mượn hình ảnh của một gia đình để gợi lên cho bạn và tôi nhất là các gia đình, những người làm cha làm mẹ, những đứa con để noi gương học hỏi, để bảo vệ và vun trồng hạt giống đức tin. Đó là gia đình của thánh nữ Monica. Thực vậy, thánh nữ Monica có một người con là Augustinô. Suốt thời trai trẻ, Augustinô đã sống một cuộc sống buông thả và chìm đắm trong tội lỗi. Thế nhưng, nhờ gương sáng và những lời cầu nguyện trong nước mắt của người mẹ, mà Augustinô đã quay trở về cùng Chúa, làm lại cuộc đời, trở nên một vị thánh giám mục và tiến sĩ, có một ảnh hưởng lớn trong Giáo Hội.

          Như vậy, gia đình của Thánh Nữ Monica đã giúp các gia đình một bài học quý giá. Hình ảnh của người mẹ với một lòng tin vững chắc vào Thiên Chúa, một người mẹ kiên tâm phó thác, một người mẹ có tình yêu dành trọn vẹn cho con. Một người con biết hoán cải trở về tự tận đáy lòng, một người con nhiệt tâm vì sứ vụ Chúa trao luôn sống khắc khoải chờ mong cho đến khi linh hồn được nghỉ yên bên Chúa.

          Cầu chúc trong mỗi gia đình của bạn và tôi tìm được sự bình an hạnh phúc của Chúa, tìm được những gì cần thiết để vun trồng mầm sống đức tin từ môi trường gia đình. Từ đó hạt giống đức tin lớn mãi và trổ sinh hoa trái và đón nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa nhờ vào lòng xót thương và tình yêu của “ Đấng đã đến để tìm và cứu chữa những gì đã hư mất”. (Lc 19, 10).
Vs. Lê Đình

ÔI GIA ĐÌNH !


          Theo những nhà xã hội học quan niệm: Gia đình là những tế bào của xã hội. Bởi thế, xã hội là một “cơ thể” được kết hợp bởi nhiều tế bào. Những tế bào lành mạnh sẽ cho một cơ thể cường tráng. Nhưng tiếc thay, khi nhìn vào xã hội ngày nay, chúng ta không khỏi ưu tư và đau buồn.
          Thật vậy, có những gia đình không còn là tổ ấm, là nơi nương tựa cho những tâm hồn cô đơn, chỉ vì họ chạy theo tiền bạc mà quên đi tình nghĩa. Nhiều khi họ bị ảnh hưởng của lối sống Âu – Mỹ: Đề cao tự do cá  nhân mà không bị ràng buộc bởi một chuẩn mực đạo đức nào. Bởi thế, trước khi kết hôn họ đã sống thử, sau đó một thời gian không thích thì ly hôn. Họ cho tất cả chỉ là chuyện bình thường. Họ là những tế  bào mang mầm bệnh, nhiều năm trong cơ thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới những tế bào khác. Và đó cũng là nguyên nhân làm cho cơ thể xã hội ngày càng suy yếu, vô tình trở thành vùng đất mầu mỡ cho đám ký sinh trùng phát triển. Tình trạng đó để lâu sẽ khó chữa. Có một đôi lần chữa nhưng với tính cách vá víu, làm cho qua, thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc thuốc không đủ tác dụng. Chữa bệnh như thế chỉ làm cho bệnh tăng thêm, con bệnh sẽ lờn thuốc. Nên khi có bệnh phải tìm thầy giỏi để chữa. Theo tôi, bệnh nào cũng có thuốc đặc trị, con bệnh  muốn mau khỏi phải chấp nhận đau một lần. Đôi khi phải hy sinh cắt bỏ những khối u ác tính. Có như thế, cơ thể mới trở lại bình thường trong mội trường lành mạnh.

          Bao giờ, người ta mới nhận ra vai trò quan trọng của gia đình trong xã hội. Mà vấn đề hạnh phúc là một phạm trù, nó không lệ thuộc vào tiền bạc, vật chất hay danh lợi, bởi nó thuộc về tinh thần. Cũng chính vì lẽ đó, nhiều gia đình mất hạnh phúc, vì đã mất sự cân bằng giữa tinh thần và vật chất (nếu bắc lên cân sẽ thấy: đĩa cân bên vật chất nặng trĩu, đĩa cân bên tinh thần nhẹ tênh). Vậy để vãn hồi hạnh phúc gia đình người ta phải lấy lại sự cân bằng, trong đó cân bằng mỗi thành viên của gia đình hợp thành sự cân bằng đồng nhất. Nếu giữ được thế cân bằng bền vững, sẽ không sợ một loại virus nào tấn công, xâm nhập. Nhiều gia đình cân bằng sẽ tạo một xã hội tốt đẹp.
          Người Kitô hữu chúng ta đừng quên rằng: Có một vị thầy thuốc cao tay và nhân từ. Ngài luôn có loại linh dược chữa bách bệnh. Ai đến xin Ngài cũng không từ chối, Ngài không phân biệt tôn giáo, mầu da, sắc tộc. Tình thương của Ngài trải rộng khắp nơi. Nhưng muốn đến với Ngài vẫn phải có điều kiện: “Niềm tin”. Bởi niềm tin sẽ kéo tình thương của Ngài xuống. Có niềm tin mới chứng minh sự chân thành của ta với Ngài. Có niềm tin là đã chứng minh sự bất lực của ta, và đức khiêm nhường nảy sinh, vì khiêm nhường là đặc thù của đức tin.

          Thế mà, có nhiều người lúc đầu đến xin làm đệ tử của Ngài. Nhưng rồi thời gian họ lại tìm chạy theo ông chủ khác nhận làm sư phụ. Bởi niềm tin của họ quá nông cạn, dễ bị lung lay, họ mắc phải sai lầm là: “Đứng núi này trông núi kia”, đó cũng là căn bệnh chung của con người.
          Nếu xét đoán, chúng ta sẽ nhận ra vai trò của gia đình  trong Giáo hội. Phải chăng, gia đình là một Hội thánh thu nhỏ, gia đình là một Tiểu chủng viện. Gia đình đào tạo những nhân tố đạo đức căn bản. Gia đình cung cấp cho Giáo hội những nhân sự tốt lành. Nhiều gia đình đạo đức sẽ tạo thành một giáo họ, một giáo xứ bình an trong tình thương yêu của Chúa. Tình thương đó như hương thơm toát ra thu hút nhiều linh hồn gần Chúa. Ước mong sao cả dân tộc Việt Nam quy phục Vinh quang Chúa !
Đức An

 

PHỤ NỮ, NGƯỜI GIỮ ĐỨC TIN


          Người ta có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Ngày nay, người ta không thể phủ nhận vai trò của phụ nữ trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình. Từ những việc tầm thường nhỏ bé cho đến những việc to lớn phi thường, đều có bóng dáng của những người thuộc phái “chân yếu tay mềm”. Và cũng không thiếu những mẫu gương người phụ nữ giữ gìn và thông truyền đức tin. Tôi xin được minh chứng điều này bằng một câu chuyện do Đức Hồng y John Tong Hong của Hồng Kông kể.

          Có một cặp nam nữ ở lục địa Trung Hoa. Cả hai đều học y khoa. Họ yêu nhau và kết hôn với nhau. Cô gái là người Công giáo. Cô thuyết phục chồng mình gia nhập đạo nhưng chẳng thành. Sau một thời gian chung sống. Họ có được một đứa con. Trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, anh và những người trí thức bị bắt đi cải tạo. Người vợ ở nhà vò võ nuôi con. Người ta kêu chị bỏ đạo vào Đảng để thăng quan tiến chức, chị từ chối. Có người bảo chị ly dị chồng vì không biết liệu ông chồng còn sống để trở về nữa hay không. Chị gạt qua tất cả. Hằng đêm, chị cùng với đứa con của mình cầu nguyện cho chồng. Sau bao năm trường cải tạo, người chồng được trả tự do cùng với các trí thức khác. Chiếc tàu chở những người trí thức về đến sân ga. Bà là người duy nhất ra đón chồng. Còn những bà vợ khác thì không thấy. Mọi con mắt đổ dồn về phía hai vợ chồng. Ông chồng chợt òa khóc và ôm lấy vợ cùng con. Hôm sau, ông xin được học giáo lý và gia nhập đạo.

          Điều gì đã khiến người chồng trở lại đạo? Lòng chung thủy của bà vợ. Sự chung thủy của bà vợ được đặt trên nền tảng là đức tin vào Thiên Chúa. Chính niềm tin vào Thiên Chúa đem lại sự hoán cải của người chồng. Sự chung thủy này không đặt trên nền tảng pháp luật hay khế ước xã hội. Vì hai thứ đó không giữ cho tờ giấy hôn thú khỏi bị xé nát. Người phụ nữ này đã đặt hoàn toàn sự tin tưởng vào Thiên Chúa. Bà đã được trả công xứng đáng. Ta còn thấy biết bao tấm gương người phụ nữ thắp sáng đức tin cho gia đình như bà thánh Mônica. Một đời cầu nguyện cho chồng cho con bằng sự hy sinh và nước mắt. Chúng ta có một tấm gương sáng ngời của người phụ nữ về điểm này: Đức Maria. Mẹ đã thắp sáng niềm tin nơi Thánh Gia. Mẹ là người dạy Chúa Giêsu cầu nguyện và cũng chính Mẹ là người cầu nguyện cùng với các tông đồ sau khi Chúa về trời.

          Trong mỗi gia đình Công giáo ngày này, người phụ nữ cần thể hiện vai trò của mình là người giữ tổ ấm. Tổ ấm chỉ có thể ấm khi mọi thành viên quy tụ bên nhau. Và đặc biệt, tổ ấm ấy được lâu bền khi có Chúa hiện diện. Chính ngọn lửa đức tin là chất xúc tác sưởi ấm gia đình. Gia đình nào giữ được những giây phút cầu nguyện chung với nhau, chắc chắn gia đình đó sẽ hạnh phúc. Khi người ta xa rời Chúa, mọi thứ bất hạnh sẽ đến. Lúc người ta thay Chúa bằng thần tài, cũng chính là lúc xuất hiện sự rạn nứt nơi nền móng gia đình. Người phụ nữ sẽ là người nối kết mọi thành phần trong nhà với nhau. Ở đây không có nghĩa người đàn ông “phủi tay rảnh nợ”. Cả hai cùng kết hợp để làm cho gia đình thành một Hội Thánh thu nhỏ. Đó là bí quyết hạnh phúc.

          Những người phụ nữ, hãy luôn phát huy khả năng của mình để giữ gìn và thông truyền đức tin cho con cháu. Hãy luôn là một thành phần kết liên của gia đình cầu nguyện. Hãy luôn nhìn lên Đức Mẹ là mẫu gương cho các người nữ noi theo. Hãy sống để “được chúc phúc” vì là người phụ nữ.

Lôrensô

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....