Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Làm sao giải quyết những mâu thuẫn giữa cha mẹ và người trẻ

I. Không Ai Có Thể Thay Thế Được Cha Mẹ
Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo của Công Đồng Vaticanô II viết: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được.” (Gravissimum Educationis (GE), số 3).

Theo Tông Huấn Familiaris Consortio (FC) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì quyền lợi và nhiệm vụ giáo dục của cha mẹ là điều thiết yếu, vì việc giáo dục liên quan đến việc truyền sinh; vai trò này là vai trò căn bản và chính yếu so với vai trò của những người khác, bởi vì sự liên hệ độc nhất và yêu thương giữa cha mẹ và con cái; không ai có thể thay thế được và chuyển nhượng được, như thế không ai có thể hoàn toàn uỷ quyền cho người khác hay để cho người khác cướp đoạt quyền này (FC, số 36).
Giáo Hội cho thấy vai trò rất quan trọng của cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Đôi khi vai trò này xem ra vượt khả năng của một số phụ huynh. Nhiều phụ huynh thường than là tôi không có khả năng để theo dõi con cái mình! Nhưng dù muốn hay không thì giữa quý phụ huynh và con cái quý vị vẫn có những vấn đề xảy ra, và hơn ai hết chính quý phụ huynh là những người phải gánh chịu mọi hậu quả trong việc giáo dục con cái. Đồng thời không ai có thể hiểu biết và yêu thương con cái chúng ta hơn cha mẹ.
Hôm nay chúng ta thử nêu lên với nhau vài mâu thuẫn cơ bản giữa cha mẹ với con cái trong gia đình gây khó khăn cho quý vị trong việc giáo dục con cái. Và thử đề nghị với quý phụ huynh vài chỉ dẫn để giải quyết các mâu thuẫn ấy.
II. Những Mâu Thuẫn Cơ Bản Trong Cuộc Sống Tại Gia Đình
Tôi thử suy nghĩ và nêu lên một số mâu thuẫn hiện có giữa cha mẹ và con cái…
Do sự khác biệt về tuổi tác, và ảnh hưởng của các vấn đề mới nảy sinh trong xã hội theo thời đại, phần lớn các phụ huynh và con cái (kể cả nhà giáo và các học sinh tại trường học, hay nhà thờ) phải đối mặt với các mâu thuẫn cơ bản trong cuộc sống nơi gia đình (hoặc tại cơ sở giáo dục). Chẳng hạn như:
  1. Sự khác biệt của quan niệm sống làm nảy sinh sự thiếu tôn trọng lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái. Người trẻ thường cho rằng người lớn lạc hậu, trong khi đó, cha mẹ và các nhà giáo dục nhận thấy rằng người trẻ hôm nay thiếu tinh thần kỷ luật và quá tự do, chúng chỉ thích làm điều chúng muốn mà không cần sự chấp thuận của người lớn hay không.
  2. Cha mẹ, nhà giáo dục và người trẻ thường gặp khó khăn trong việc trò chuyện và các quan hệ. Chúng tranh cãi với cha mẹ, người phụ trách về thời trang, tình yêu, tình bạn, nghề nghiệp… trong khi người lớn muốn chỉ cho những kinh nghiệm về những vấn đề ấy. Và giữa họ hiếm khi đồng ý với nhau. Có chăng là chấp nhận.
  3. Cha mẹ, nhà giáo dục không biết cách nào để giúp đỡ người trẻ chạm trán với những vấn đề riêng tư mà chúng gặp phải trong cuộc sống, trong khi đó người trẻ lại giữ thinh lặng và cho rằng đó là việc riêng tư của cá nhân người lớn không có quyền xen vào. Thậm chí còn xem sự thăm hỏi của cha mẹ, người đồng hành như là một sự xúc phạm, nên đôi khi nổi giận cách vô duyên.
  4. Cha mẹ, nhà giáo dục muốn là chỗ dựa tích cực và hiệu quả khi người trẻ bước vào đời, nhất là những lúc gặp những khó khăn trong cuộc sống của các em; họ cũng sợ người trẻ chịu ảnh hưởng xấu của bạn bè và những trào lưu sống buông thả ngoài xã hội, nên họ đã ngăn cấm hoặc hạn chế tối đa con cái họ hoặc người trẻ trong các cơ sở giáo dục đi ra ngoài cùng nhau cách tự do. Ngược lại người trẻ cảm thấy và cho rằng đó là một sự quản lý nghiêm ngặt, cứng cỏi.
III. Những Chỉ Dẫn Giúp Giải Quyết Mâu Thuẫn Giữa Cha Mẹ Và Con Cái
Đứng trước những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, làm thế nào để giữ được sự hài hoà giữa cha mẹ và con cái? Theo tài liệu “Các giá Trị Dành Cho Cha Mẹ: Cẩm Nang Điều Phối Viên”, sau đây là vài chỉ dẫn được đề nghị đối với quý phụ huynh[1]:
  1. Thứ nhất, cha mẹ và con cái cần phải dành thời gian cho nhau, chơi với nhau, chuyện trò và ăn uống với nhau, ít là 2 hoặc ba giờ trong một ngày.
  2. Thứ hai, nên cho con cái làm tại nhà hay cơ sở giáo dục những công việc gì mà cha mẹ hoặc nhà giáo dục mong muốn người trẻ thực hiện với sự nâng đỡ và khuyến khích của họ. Đó là cách tốt nhất để người lớn và người trẻ có chung cùng nhận thức về một vấn đề. Chẳng hạn, ngồi học tại nhà, mời bạn bè về nhà cùng học nhóm,…
  3. Thứ ba, người lớn cần thiết phải tạo ra một sự hài hòa giữa kỷ luật và tình yêu trong gia đình. Chẳng hạn, cần thiết cha mẹ và con cái đồng ý với nhau một thời biểu làm việc (chúng ta sẽ nhắc lại ở điềm cuối). Chẳng hạn đi chơi phải xin phép, nếu lỡ khi con cái làm gì sai (đi chơi về trễ) thì cũng không nên dùng những biện pháp kỷ luật nghiêm khắc hay la rầy om sòm, nhưng giúp chúng nhận thức sai lầm và đề nghị chúng chọn một hình thức kỷ luật nào đó xứng đáng để “đền tội”.
  4. Thứ tư, cha mẹ con cái cần lắng nghe nhau khi chuyện trò hoặc trao đổi điều gì, đừng ai “kéo chăn về phía mình!”
  5. Thứ năm, trong gia đình cần thiết có một quy định (nội quy) cho tất cả các thành viên trong gia đình. Một quy định rõ ràng và thuận tiện để các thành viên đều có thể thực hiện cũng như để giúp người trẻ thăng tiến. Chẳng hạn, tất cả cùng hiện diện trong giờ cơm trưa hay tối, cùng hiện diện cầu nguyện chung, giải trí chung và một khoảnh khắc nào đó trong ngày.
  6. Thứ sáu, Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng là phải nêu gương tốt cho con cái. Khi biết nhìn nhận những thiếu sót của mình trước mặt con cái, cha mẹ có uy tín hơn để hướng dẫn và sửa dạy con cái. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy: “Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái. Họ thể hiện trách nhiệm này qua việc xây dựng một mái ấm gia đình dựa trên tình âu yếm, lòng tha thứ, tôn trọng lẫn nhau, chung thủy và tinh thần phục vụ vô vị lợi. Mái ấm gia đình là nơi thích hợp cho việc giáo dục các đức tính, nơi đây con cái học biết hy sinh, phán đoán lành mạnh, tự chủ, là những điều kiện cho tự do đích thực. Cha mẹ phải dạy cho con cái biết “coi trọng các chiều kích tâm linh hơn là những gì thuộc thể lý và bản năng”.
  7. Cuối cùng, bằng cách cầu nguyện trong gia đình, cha mẹ không những nêu gương cho con cái mà còn đem con cái đến gần Thiên Chúa hơn. Cầu nguyện mỗi ngày bằng việc tổ chức các giờ đọc kinh gia đình…
Hoa Hạ, fsc

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....