Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019

Chúa Giêsu, Thánh Phaolô và chúng ta đối diện với cái chết (1)

Dẫn nhập
Mùa Chay là thời gian tập từ bỏ dần dần những quyến luyến trần gian, để đi đến sự từ bỏ hoàn toàn, dứt khoát và cuối cùng là đón nhận cái chết trong đức tin, đức cậy và đức mến. Vì thế, trong Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, suy niệm về SỰ CHẾT sẽ giúp chúng ta ý thức về thân phận bụi tro của mình, và cũng giúp chúng ta ý thức phải luôn chuẩn bị cho giờ chết. Là người, ai cũng sẽ chết. Nhưng xem ra, rất ít người quan tâm chuẩn bị cho giờ phút cuối cùng và tối quan trọng này. Những bài suy niệm về cái chết dựa vào kinh nghiệm của thánh Phaolô sau đây rất đáng cho chúng ta đọc, suy tư và cầu nguyện.

 
BÀI MỘT
PHAOLÔ ĐỐI DIỆN VỚI CÁI CHẾT[1]
 
Lời Chúa:
“Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính ; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.” (2 Tm 4, 6-8)
 
1. Thái độ của thánh Phaolô trước cái chết nói chung
Ai trong chúng ta cũng sẽ chết. Nhưng thái độ trước cái chết rất khác nhau. Có người thì loại bỏ, không muốn nghĩ tới; người khác thì lo sợ thái quá; một số thì thành công tìm được thái độ thích hợp. Ý thức mình sẽ phải chết là điều hết sức quan trọng vì đây là sự kiên trì đến cùng trong đức tin, đức cậy và đức mến; và đây cũng là một ơn lớn nhất trong các ơn Chúa ban.
 
Trong tất cả các thư của thánh Phaolô, cái chết đều được đề cập đến và nó cho chúng ta biết ngài có một ý thức rõ ràng và cụ thể về cái chết của mình. Khi kể lại những khốn khó đã trải qua, ngài viết: “… Họ là người phục vụ Đức Kitô ư? Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết…” (2 Cr 11,23).
Ngài là gương mẫu cho chúng ta về giở phút quyết định cuộc đời, giờ phút chúng ta đánh cuộc tất cả, giờ phút mà kẻ thù chúng ta sẽ chơi ván bài cuối cùng khi tìm cách làm cho chúng ta trở thành nô lệ cho sự kinh sợ. Chính nỗi sợ chết là nguồn cội mọi thái độ theo thế gian: tham lam, ham muốn chiếm hữu, tiêu thụ, muốn có tất cả và có ngay lập tức … Những thái độ này đem lại cho chúng ta ảo tưởng mình làm chủ cái chết, nắm nó trong tay. Thái độ hà tiện, bạo lực, dâm dật đáng lên án cũng phát sinh từ nỗi sợ chết, sợ cuộc đời sẽ có lúc kết thúc. Những người cố gắng quên đi cái chết, sống như không phải chết thật đáng thương! Vì cuối cùng, họ cũng sẽ phải đối diện với nó. Thực sự, chỉ có Chúa Giêsu mới đem lại một chiến thắng đích thực trên cái chết và với Ngài, chúng ta sẽ sẵn sàng đón nhận cái chết và thắng vượt nỗi sợ chết.
 
Thánh Phao-lô là một gương mẫu, có lẽ bởi vì Chúa đã dạy ngài qua những hiểm nguy, gian truân, cùng khốn trong sứ vụ tông đồ ngài đã trải qua, mà thư 2 Cr 11, 23-27 tỏ lộ cho chúng ta biết. Chúa cho ngài sống mà luôn nhìn thấy cái chết trước mặt. Về điều đó, chúng ta có 3 bản văn:
 
- Cv 19, 30-31: Ông Phao-lô muốn ra trước đại hội toàn dân, nhưng các môn đệ không cho. Có mấy vị chức sắc tỉnh A-xi-a, là bạn của ông Phao-lô, cũng sai người đến khuyên ông đừng liều mình đến hí trường.” Ngài biết đám đông đang khích động có thể giết ngài, nhưng ngài không sợ chết.
 
- Cv 23, 30: Quan bảo dân Claudius Lysias viết cho toàn quyền Félix về trường hợp của thánh Phao-lô:  “Được báo là người ta âm mưu hại đương sự, tôi đã cho giải đương sự lên ngài ngay lập tức, một trật bảo nguyên cáo muốn kiện đương sự thì cứ lên ngài mà kiện." Vị tông đồ biết là thượng hội đồng có lẽ đã kết án ngài, ngài cảm thấy ngọn gió chết chóc đã thổi đến, nhưng vì là người công chính, ngài không một chút sợ hãi, dù về phương diện loài người, ngài vẫn cảm thấy sợ.
 
- Một bản văn khác khá hay, đó là 2 Cr 5, 1-4.10: “Quả thật, chúng ta biết rằng : nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra. Do đó, chúng ta rên siết là vì những ước mong được thấy ngôi nhà thiên quốc của chúng ta phủ lên chiếc lều kia, miễn là chúng ta có mặc áo, chứ không phải trần trụi. Thật thế, bao lâu còn ở trong chiếc lều này, chúng ta rên siết, khổ tâm vì không muốn cởi bỏ cái này, nhưng lại muốn trùm thêm lên mình cái kia, để cho cái phải chết tiêu tan trong sự sống…Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.” Ngài nghĩ đến thân xác sẽ rã nát; ngài cũng chắc chắn rằng mình phải ra trước toà Đức Kitô; điều ngài hi vọng là đời sống tương lai, nhưng vẫn sợ chết và than vãn về tình trạng phải chết.
 
2. Thánh Phaolô đối diện với cái chết trong 2 Tm 4, 6-8
Bây giờ, chúng ta suy gẫm 2 Tm 4, 6-8 để hiểu thánh Phaolô đã diễn tả ý thức ngài có về toàn bộ cuộc đời ngài thế nào vào lúc kết thúc sự hiện diện của ngài trên trần gian.
 
1/ “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế”. “Đổ máu ra làm lễ tế” từ dùng trong thư là spendomai, có nghĩa là: tôi ở trong hoàn cảnh của người cảm thấy máu mình đổ ra làm lễ tế. Trong ngục trung thư khác, ngài viết: “Nhưng nếu tôi phải đổ máu ra hợp làm một với hy lễ mà anh em lấy đức tin dâng lên Chúa, thì tôi vui mừng và cùng chia sẻ niềm vui với tất cả anh em. Anh em cũng vậy, anh em hãy vui lên và cùng chia sẻ niềm vui với tôi.” (Pl 2, 17-18). Hình ảnh đổ máu làm lễ tế khơi gợi cử chỉ rưới rượu, nước hay dầu ô-liu lên con vật tế lễ. Và hy lễ là hy lễ “của đức tin nơi anh em”. Hy lễ này được ban để ngài hoàn thành một cách kỳ diệu bằng sự đổ máu ra làm lễ tế.
 
Hy lễ nói đến ở đây là các hy lễ trong Kinh thánh; tuy nhiên, dân ngoại không xa lạ gì với ngôn ngữ này, đoạn văn cổ thời trong Xuất hành 29, 38-41 là một minh chứng: “Đây là những gì ngươi sẽ dâng trên bàn thờ: hai con chiên một tuổi, ngày nào cũng vậy, phải giữ như thế mãi mãi. Ngươi sẽ dâng một con lúc sáng, còn con thứ hai thì dâng vào lúc chập tối. Cùng với con chiên thứ nhất, ngươi sẽ dâng bốn lít rưỡi tinh bột lúa miến nhào với hai lít dầu ô-liu giã trong cối, và lấy hai lít rượu nho làm rượu tế. Còn con chiên thứ hai, ngươi sẽ dâng vào lúc chập tối, và dâng cùng với lễ phẩm và lễ tưới rượu như ban sáng. Đó là hương thơm làm đẹp lòng ĐỨC CHÚA, là lễ hoả tế dâng ĐỨC CHÚA.” Trước hết, con chiên làm tế phẩm ở đây là Đức Kitô, sau đó là mọi tín hữu dâng thân xác mình làm hy lễ sống động. Thánh Phaolô đã hoàn thành lễ tế nhờ sự đổ máu của ngài; cái chết của ngài là một hy lễ sống động.
 
Bản văn trong Ed 46, 13-14 cho chúng ta thấy mệnh lệnh trong Xuất hành đã được tôn trọng và tuân giữ thế nào trong những thế kỷ sau đó: “Mỗi ngày, ngươi sẽ dâng một con chiên một tuổi và toàn vẹn để làm lễ toàn thiêu kính ĐỨC CHÚA, ngươi sẽ dâng vào mỗi buổi sáng. Mỗi buổi sáng ngươi cũng sẽ dâng lễ phẩm là một phần ba thùng bột và hai lít rưỡi dầu để nhào bột làm lễ phẩm dâng kính ĐỨC CHÚA. Đó là quy tắc vĩnh viễn, cho đến muôn đời.” Thánh Tông đồ nhận ra rằng cái chết của ngài mặc lấy chiều kích hi lễ không chỉ liên quan tới cá nhân ngài, mà còn liên quan tới toàn thề Giáo hội, tới hết mọi người. Niềm vui của ngài là ở đó, như chúng ta đọc thấy trong Cl 1, 24: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.”
 
Chỉ có một đức tin ngày càng sâu xa, mạnh mẽ cách kỳ diệu – theo cái nhìn loài người thì không thể tưởng tượng được và không thể kế hoạch hoá được – mới có thể tuyên bố và sống những lời như thế. Chính ngọn lửa Thánh Thần đã giúp cho thánh Phaolô có thể làm điều đó, và Chúa Thánh Thần cũng có thể trợ giúp chúng ta làm được như thánh Tông đồ. Chúng ta được mời gọi trao phó chính mình cho Thiên Chúa toàn năng và thương xót, cho Đấng giúp chúng ta chiến thắng nỗi sợ chết và dám coi cái chết như của lễ hi sinh dâng lên Chúa.
Chúng ta thấy ý nghĩa thật phong phú của một từ đơn giản spendomai! Nhìn dưới ánh sáng của Kinh thánh và các thư thánh Phaolô, từ này chứa đựng một giá trị quí báu khi biểu lộ cho chúng ta ý nghĩa của sự sống và sự chết.
 
2/ Đã đến giờ tôi phải ra đi”, từ hi lạp là analusis, cuộn lại, dù không đề cập tới những cánh buồm, nhưng từ đó rõ ràng có thể mang ý nghĩa là cuộn những cánh buồm lại.
Chúng ta đọc trong Pl 1, 23: “Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng : ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần…” Từ analusis - có thể áp dụng cho sự khởi đầu hoặc kết thúc một cuộc hành trình đi biển, cho sự cuộn lều lại khi cuộc dã ngoại đã xong hoặc khi mặt trời mọc – áp dụng cho một kết thúc hoặc một khởi đầu. Thánh Phaolô đã dùng nó để diễn tả cách mà ngài nhìn cái chết của riêng ngài.
 
3/ “Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp.” một ám chỉ thứ ba so sánh sứ vụ tông đồ như một cuộc chiến, một sự đấu tranh. Trong 1 Tm 1, 18-19, thánh Tông đồ đã nói: “Anh Ti-mô-thê, đó là chỉ thị tôi trao cho anh là người con của tôi, chiếu theo các lời ngôn sứ trước đây đã nói về anh, để anh dựa vào đó mà chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp này, với đức tin và lương tâm ngay thẳng…”
Từ hi lạp agon có nhiều ý nghĩa hơn là từ “cuộc chiến” tiếng việt. Nó nói đến cuộc thi đấu thể thao; trong đó, người ta phải mệt nhọc, đầy bụi, nóng bức, chảy mồ hôi, hao mòn sức lực như trong thi chạy hoặc đấu quyền.
“Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp.”, Timôthê thân mến, tôi hầu như không thở được nữa, tôi tin rằng mình không thể nào tiến về phía trước, nhưng rồi tôi cắn chặt hai hàm răng, và tiếp tục.
Ngay từ khi bắt đầu rao giảng Tin Mừng, thánh Phaolô đã phải chiến đấu như vậy: “Như anh em biết, chúng tôi đã đau khổ và bị làm nhục tại Phi-líp-phê; nhưng vì tin tưởng vào Thiên Chúa chúng ta mà chúng tôi đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em, qua những cuộc chiến đấu gay go.” (1 Tx 2,2).
Đã có thể hoàn thành sứ vụ, đang khi tiếp tục chiến đấu, không nản chí, dưới mắt thánh Phaolô đó là một ân huệ lớn lao Thiên Chúa ban cho ngài.
“Tôi đã chạy hết chặng đường”, tôi biết rằng mình đã đi tới cùng, tới giới hạn cùng cực. Nếu hình ảnh ở trên minh hoạ về ý thức rằng đã không nản lòng bởi cuộc chiến nhiều gay go, thì ở đây, hình ảnh nhấn mạnh đến cảm giác đã hoàn thành chặng đường phải đi.
“Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giê-su, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa.” (Cv 20, 24). Như vậy, trong diễn từ Milêtô, ước vọng của thánh Phaolô đã được thoả mãn: Chúa Thánh Thần đã ban ơn để ngài không thất vọng trong công việc phục vụ.
“Tôi đã giữ vững đức tin” (fidem servavi): câu này mang hai ý nghĩa, trên bình diện chủ quan, chúng ta phải luôn trung thành để cái chết là chấm dứt sự kiên trì trong cuộc hành trình nội tâm; trên bình diện khách quan, chúng ta không được phản bội lại kho tàng đức tin được trao cho chúng ta giữ gìn, kho tàng đó chính là đặt Thiên Chúa, Đức Kitô, là ân sủng của Ngài, lên trên hết.
“Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính ; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.” Thánh Phaolô thắng vượt nỗi sợ chết nhờ đưa mắt nhìn xa hơn. Trước mắt ngài, một viễn ảnh sự sống kỳ diệu mở ra. Hình ảnh “vòng hoa công chính” thật là cảm động; bởi vì thánh Phaolô đã thực sự tranh đấu để sự công chính của ngài không dựa trên các việc làm hay lề luật, nhưng đúng hơn dựa trên ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính vì thế, Thiên Chúa sẽ đội vòng hoa công chính cho ngài, sự công chính mà Chúa đã dịu dàng kết thành cho vị Tông đồ của Chúa.
Nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.” Những lời này còn nói lên một thái độ khác của thánh Phaolô khi đối diện với cái chết: Vượt lên trên giờ phút ghê sợ là giờ phút thân thể tan rã, ngài chiêm ngắm sự chiến thắng cuối cùng, sự trở lại lần cuối của Chúa Giêsu.
 
Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên
 

[1] Phỏng theo C.-M. Martini, “En chemin avec Timothée, Saint-Augustin, 1997, Suisse, p. 137-144)
 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....