Tựa đuốc thiêng hằng chiếu tỏa cõi trần
Biết khinh thường bao thế sự phù vân
Chẳng say mê cõi hồng trần giả dối.[1]
Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta vừa trải qua Năm Đức Tin 2012-2013 với biết bao hồng ân của Chúa. Năm Đức Tin đã khép lại, nhưng “Cánh cửa Đức Tin” vẫn luôn rộng mở, mời gọi người Kitô hữu tiếp tục tìm hiểu, đào sâu hơn nền tảng Đức Tin Kitô giáo, tức là sự gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu,
“Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”[2], nhằm“khơi dậy nơi mỗi chúng ta khát vọng tuyên xưng Đức Tin trong sự toàn vẹn và với một niềm xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng.”[3] Nhờ đó, hành trình Đức Tin của chúng ta được khởi sắc và không ngừng trổ sinh hoa trái thiêng liêng tốt lành.
Năm Đức Tin khép lại, mở ra một chặng đường mới trong cuộc lữ hành Đức Tin của mỗi chúng ta.[4] Đó là việc canh tân đời sống Đức Tin, thực thi công cuộc “Tân Phúc Âm hoá để thông truyền Đức Tin Kitô giáo.” Hành trình canh tân đời sống Đức Tin được khởi đầu bằng việc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình.” Đây cũng chính là chủ đề sống đạo của năm 2014 mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đã định hướng cho chúng ta.[5] Theo đó, chúng ta được mời gọi sống Đức Tin ngay trong chính gia đình mình và tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng để thông truyền Đức Tin cho các thế hệ tiếp nối, nhất là những người chưa nhận biết Chúa.
Gia đình trong bối cảnh xã hội
Gia đình vốn là hai tiếng thiêng liêng đối với mỗi người chúng ta, là nơi chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa, là nơi chứa đựng bao tình yêu thương ấp áp. Nơi mà mỗi chúng ta “dù có đi xa vẫn mong quay về nhà…”
Gia đình chính là tế bào và là nền tảng của xã hội và Giáo Hội. Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc. Gia đình Công giáo là Hội Thánh tại gia, Hội Thánh thu nhỏ. Chính trong gia đình, Đức Tin được đón nhận, được thể hiện, được lớn lên, trổ sinh hoa trái thiêng liêng trong cuộc sống và được thông truyền cho các thế hệ tiếp nối. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị đạo đức tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần vào việc loan báo Tin Mừng.
Vậy đó, gia đình có một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội và Giáo Hội. Thế nhưng, hơn bao giờ hết, ngày hôm nay trước những biến động của xã hội, gia đình nói chung, và gia đình Kitô hữu nói riêng, đang phải đối diện với những cuộc khủng hoảng trầm trọng. Với nền kinh tế thị trường và duy vật chủ nghĩa, những giá trị đạo đức của con người, luân thường đạo lý bị coi thường, đời sống tôn giáo bị loại trừ. Nhiều gia đình đánh mất truyền thống tốt đẹp và những giá trị thiêng liêng cao quý của mình. Không ít gia đình đang trên bờ vực thẳm của sự đổ vỡ, chia ly.
Trước những vấn nạn của gia đình hiện nay, Giáo Hội nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, xem đó là hoạt động quan trọng, nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận.[6] Để thực hiện mục tiêu đó, Giáo Hội mời gọi mỗi chúng ta nhanh chóng “bắt tay vào việc” thực thi công cuộc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” ngay trong năm nay.
Phúc Âm hóa đời sống gia đình
Có lẽ khi nghe đến cụm từ “Phúc Âm hóa đời sống gia đình”, nhiều người sẽ ngỡ ngàng và đặt lại câu hỏi “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” nghĩa là gì ?” Nói một cách đơn giản, “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” là đem tinh thần Phúc Âm vào đời sống gia đình, là phương cách biến đổi đời sống gia đình theo Phúc Âm, để mỗi thành viên trong gia đình có thể “trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”[7] Điều đó cũng đồng nghĩa với việc gia đình Kitô giáo được Phúc Âm Chúa Kitô biến đổi, trở thành tổ ấm yêu thương, thành nơi cầu nguyện, thành trường đào tạo Đức Tin, nơi gìn giữ, cũng cố và phát triển Đức Tin bền vững cho mọi thành viên. Để qua đó, các thành viên gia đình chia sẻ cho nhau kinh nghiệm gặp gỡ Chúa, kinh nghiệm sống Đức Tin giữa những thách đố thời đại.
Phúc Âm hóa đời sống gia đình là một công cuộc hết sức khẩn thiết và cấp bách trong thời đại hôm nay. Bởi lẽ, ngày nay gia đình đang gặp phải quá nhiều thử thách, cam go. Trước trào lưu tục hóa và chủ nghĩa tự do luyến ái của xã hội hôm nay, lời hứa thủy chung, yêu thương nhau trọn đời của đôi bạn khi cử hành bí tích Hôn Phối xem ra là một điều xa xỉ, không thực tế. Vì thế, trung thành với lời hứa ban đầu quả là một thách đố và gánh nặng vượt sức con người. Nếu không có ơn Chúa, nếu không thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, thì làm sao đôi bạn có thể trung thành và đảm nhận được những trách vụ của Hôn Nhân Công giáo.
Vì thế, Giáo Hội mời gọi chúng ta “Phúc Âm hóa đời sống gia đình”, để gia đình nên một với nhau trong tình yêu Thiên Chúa, để mỗi người chu toàn trách vụ làm làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm con cái “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe”[8] hầu làm cho gia đình luôn mãi là tổ ấm yêu thương, là nơi chốn bình an, hạnh phúc của mọi người giữa một xã hội đổi thay hôm nay.
Một khi đã được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm trong đời sống gia đình, người Kitô hữu đem các giá trị cao đẹp của Tin Mừng áp dụng vào cuộc sống thường ngày, trong môi trường xã hội, nơi thôn xóm, nơi khu phố, nơi công sở, trường học, nơi chợ đời… Để qua đó, chúng ta trở nên muối, men giữa đời nhờ cách sống theo tinh thần Phúc Âm;[9] cùng nhau chia sẻ niềm vui và hy vọng, âu sầu và lắng lo của kiếp sống nhân sinh;[10] thực thi lời gọi mời và mệnh lệnh Chúa truyền:“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”; [11]hầu có thể thông truyền Đức Tin cho mọi người.
Thông truyền Đức Tin từ đời sống gia đình
Từ khi hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta, gia đình vẫn là môi trường thuận lợi cho hạt giống ấy được nẩy mầm, phát triển và trổ sinh hoa trái dồi dào. Quả thế, trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền Đức Tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu trưởng thành trong đời sống Đức Tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức, nên hững công dân tốt, hữu ích cho Giáo Hội và xã hội.[12]
Để tiếp nối những thành quả đó, ngày nay dù phải đối diện với những thách đố thời đại và những lo toan trong cuộc sống, Giáo Hội vẫn luôn mời gọi con cái mình cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Công giáo, để dựng xây gia đình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy Đức Tin, và mái ấm tình thương, góp phần vào vào công cuộc Tân Phúc Âm Hóa mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người Kitô hữu.[13] Vì thế, sứ mạng loan báo Tin Mừng luôn là nỗi ưu tư hàng đầu của Giáo Hội mọi thời. Bởi lẽ, “Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Định của Thiên Chúa Cha.”[14]
Có thể nói, Đức Tin gia sản quý giá mà chúng ta đã lãnh nhận được từ Thiên Chúa thông qua gia đình và Giáo Hội khi chịu Phép Rửa Tội, được nuôi dưỡng nhờ Lời Chúa và bí tích Thánh Thể. Đó là hồng ân nhưng không mà Thiên Chúa trao ban cho mỗi người chúng ta. Trong số bảy tỉ người trên thế giới, ta được đứng vào hàng ngũ hai tỉ rưỡi người vinh phúc được biết Tin Mừng Chúa Kitô. Trong số chín mươi triệu người Việt Nam, ta được thuộc số sáu triệu người hạnh phúc được biết Chúa Kitô. Quả một là hông phúc lớn lao cho mỗi chúng ta. Trước hồng ân cao cả đó, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi gìn giữ gia sản quý báu đó trong tâm tình tri ân cảm tạ Thiên Chua, biết ơn các vị tiền bối; đồng thời ta sứ mạng chia sẻ niềm vui, thông truyền Đức Tin cho mọi người. Bởi lẽ, một Đức Tin không biết trao ban, không biết chia sẻ là Đức Tin ích kỷ, Đức Tin “ao tù”, và những người mang Đức Tin như thế sẽ trở thành những “Kitô hữu cô lập, cằn cỗi và ốm yếu”.[15]
Trong một xã hội đầy biến động hôm nay, người Kitô hữu đang phải đối diện với những cuộc khủng hoảng Đức Tin sâu xa, nhiều người mất dần ý thức tôn giáo trong đời sống con người. Do ảnh hưởng của lối sống đề cao vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ Công giáo đang bị lung lạc trong đời sống Đức Tin; nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền Đức Tin cho con cái; họ chỉ biết nghe theo tiếng gọi của vật chất, địa vị và danh vọng trong xã hội. Hơn bao bao giờ hết, ngày nay, thông truyền Đức Tin từ gia đình đóng một vai trò hết sức khẩn thiết, nhằm “cứu vãn” tình thế hôm nay, củng cố Đức Tin cho các Kitô hữu, nhất là những người “đã đánh mất căn tính của mình”, và để loan truyền cho thế giới biết sự cần thiết phải có niềm tin vào Thiên Chúa trong đời sống xã hội.
Tạm kết
Người môn đệ đích thực của Chúa Kitô không phải là người tìm nếp sống an phận trong việc cử hành Phụng vụ và trong việc thực hành luân lý thường ngày, nhưng là người sống Đức Tin trong giữa lòng đời, thể hiện qua việc dấn thân loan báo Tin Mừng, thông truyền Đức Tin cho những người chung quanh bằng đời sống bác ái yêu thương, hy sinh phục vụ tha nhân, can đảm làm chứng cho tình yêu Chúa Kitô giữa một thế giới thiếu vắng tình người hôm nay.
Để kết thúc, người viết xin được trích lại lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Sứ điệp Truyền giáo năm 2012: “Đức Tin là món quà được ban cho chúng ta để rồi để mình chia sẻ, trao tặng lại cho nhau; nó còn là cái vốn liếng được nhận lãnh để sau đó phải sinh lời; nó là một ngọn đèn được đốt lên không phải để che giấu, nhưng phải soi sáng cho cả nhà. Đức Tin là hồng ân cao trọng nhất đã được ban cho cho cả cuộc đời mình, và chúng ta không thể giữ riêng cho mình.”[16]
Ước mong sao mỗi chúng ta thấm nhuần lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng, thực thi lệnh truyền của Chúa, nhiệt tâm sống Đức Tin trong Đức Ái, hăng say trong công cuộc “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” để cùng nhau thông truyền Đức Tin Kitô giáo trong thời đại chúng ta.
Pet. Võ Tá Đương, OP
[1] Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Thánh Thi Kinh Sáng, Thứ 2 Tuần I.
[2] Hr 12, 2.
[3] Tự sắc Porta Fidei “Cánh Cửa Đức Tin”, số 09.
[4] Xc. ĐGH. Phanxicô, Thông điệp ánh sáng Đức Tin - Lumen Fidei, số 08
[5] Xc. Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đoàn Dân Chúa, năm 2013.
[6] Xc. HĐGM. Việt Nam, Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010, số 43.
[7] Pl 3, 10.
[8] Nghi thức cử hành bí tích Hôn Phối.
[9] Xc. Mt 5, 13-15.
[10] Xc. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế vui mừng và hy vọng. số 01.
[11] Mt 5, 16.
[12] Xc. Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục vụ Năm Đức Tin 2012, số 09.
[13] Xc. Mt 28, 19.
[14] Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Truyền giáo, số 02.
[15] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp Truyền giáo năm 2013, số 01.
[16] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp Truyền giáo, năm 2012.
[17] X. Ga 2,1
[18] X. Ga 19,25
[19] X. Lc 1,38
[20] X. Lc 1,47
[21] X. Ga 2,1-12
[22] X. Lc 1,34
[23] Lc 1,38
[24] X . Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 144
[25] X. Lc 1, 39
[26] X. Lc 2,35.48
[27] Lc 2,5
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét