Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Đức Thánh Cha Chia Sẻ Về Bí Tích Hòa Giải

Giáo Huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô 
VATICAN. Bài giáo lý của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, hôm thứ tư 19.2, nói về Bí Tích Hòa Giải.
Ngài chia sẻ rằng nhờ các Bí Tích khai tâm Kitô giáo, chúng ta đã được tham dự vào sự sống mới của Đức Kitô. Nhưng vì yếu đuối, chúng ta có thể đánh mất đi sự sống ấy. Vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã muốn Giáo Hội tiếp tục thực thi công cuộc cứu rỗi qua việc tha thứ tội lỗi cho con người. Ngài chia sẻ:

“Qua các bí tích khai tâm Kitô giáo (Thanh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể), con người nhận được sự sống mới trong Đức Kitô. Giờ đây, tất cả chúng ta biết rằng chúng ta sống cuộc sống này trong “chiếc bình sành” (2 Cr 4,7), chúng ta còn lệ thuộc vào những cám dỗ, sự yếu đuối, cái chết và vì tội lỗi đã phạm, chúng ta có thể đánh mất đi sự sống mới này. Vì thế, Chúa Giêsu đã muốn Giáo Hội tiếp tục thực thi công cuộc cứu độ cho chính các thành viên của mình, cách cụ thể nơi bí tích Hòa Giải và bí tích Xức Dầu, là hai bí tích được với cái tên “Các Bí Tích Chữa Lành”. Bí tích Hòa Giải là một bí tích chữa lành. Khi nào tôi đi xưng tội, tôi thấy mình được chữa lành: chữa lành linh hồn, chữa lành con tim vì điều gì đó không tốt mà tôi đã làm. Trong Kinh Thánh có một hình ảnh diễn tả rất chính xác tương quan gắn kết của 2 bí tích này đó là trình thuật kể về việc Đức Giêsu tha thứ và chữa lành người bại liệt, nơi đó, Đức Giêsu mặc khải chính mình như là vị thầy thuốc của cả linh hồn và thân xác.”
Sau đó, Đức Thánh Cha chia sẻ vài điểm nhỏ liên quan đến Bí Tích Hòa Giải. Điểm thứ nhất, ngài chia sẻ rằng bí tích này bắt nguồn từ sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Chúng ta không tự ban cho mình quyền tha thứ tội lỗi cho người khác, nhưng chính Thánh Thần làm việc ấy. Ngài nói:
“Bí tích hòa giải xuất phát trực tiếp từ mầu nhiệm Vượt Qua. Chính vào đêm Vượt Qua, Đức Giêsu đã hiện ra với các môn đệ trong căn phòng đóng kín, sau khi gửi lời chào đến họ “Bình an cho các con!”, Người thổi hơi và nói “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha (Ga 20,21-23). Đoạn này mặc khải cho chúng ta thấy năng động sâu thẳm nhất được chứa đựng trong Bí Tích này. Trước hết, sự kiện việc tha tội không là cái mà chúng ta có thể tự ban cho chính mình. Tôi không thể nói: tôi tự tha tội cho tôi. Chúng ta phải cầu xin người khác tha thứ, trong bí tích Hòa Giải, chúng ta xin Đức Giêsu tha thứ. Việc tha tội không là thành quả của nỗ lực của chúng ta nhưng là một món qua, một ân sủng của Thánh Thần, khỏa lấp chúng ta bằng lòng thương xót và ân sủng tuôn trào không ngừng nghỉ từ con tim rộng mở của Đức Kitô đã chết và phục sinh. Thứ đến, điều này nhắc nhớ chúng ta rằng chỉ khi nào chúng ta hòa giải với Chúa Cha và với anh chị em trong Đức Kitô, chúng ta mới có thể có được bình an đích thực.”
Điểm thứ hai, ngài giải thích tại sao ta cần phải thú tội với một vị thừa tác viên của Giáo Hội chứ không thể tự mình hòa giải với Chúa. Ngài nói rằng chính cộng đoàn Kitô hữu là nơi Thánh Thần hoạt động.
“Qua dòng thời gian, việc cử hành bí tích này đã đi từ hình thức chung đến hình thức cá nhân riêng tư và được thực hiện trong việc xưng thú tội lỗi. Tuy nhiên, điều này không làm mất đi tính giáo hội, vốn là một bối cảnh sống động. Thực ra, chính cộng đoàn Kitô hữu là nơi mà Thánh Thần đổi mới con tim trong tình yêu Thiên Chúa và hiệp nhất mọi người nên một trong Đức Kitô Giêsu. Vậy tại sao chưa đủ khi chúng ta xin Chúa tha thứ cho tâm trí và cõi lòng mình, nhưng cần phải khiêm nhường và tin tưởng xưng thú tội lỗi với thừa tác viên Giáo Hội. Trong việc cử hành bí tích này, vị linh mục không chỉ đại diện cho Chúa mà còn đại diện cho tất cả cộng đoàn, vị ấy biết rõ những mỏng dòn của từng thành viên, vị ấy lắng nghe lời thú tội đầy xúc động mà họ xưng với mình, vị ấy động viên và đồng hành với hối nhân trong cuộc hành trình hoán cải và trưởng thành trong tư cách 1 con người và 1 Kitô hữu.”
Tiếp tục nói về việc xưng tội, ngài đề cập đến sự xấu hổ khi đi xưng tôi. Ngài cho rằng đó là một điều tốt, vì nếu không xấu hổ, người ta sẽ không biết khiêm nhường. Tuy nhiên, sau khi xưng tội xong, ta sẽ thấy nhẹ nhõm vô cùng:
“…Người ta có thể nói: “Tôi chỉ xưng tội với Chúa”. Vâng, bạn có thể nói với Chúa: “Xin tha tội cho con” và nói với Người những tội lỗi của bạn. Nhưng tội lỗi của chúng ta còn chống lại anh chị em, chống lại Giáo Hội và vì thế, chúng ta cần phải xin Giáo Hội và anh chị em tha lỗi cho mình, nơi vị linh mục. “Nhưng cha ơi, con xấu hổ lắm”. Xấu hổ cũng là một điều tốt, cũng hay khi ta có một chút xấu hổ. Vì khi nào con người không còn biết xấu hổ, con người không biết khiêm nhường…
Chúng ta đừng sợ xưng tội. Trước khi xưng tội, ta thấy xấu hổ, nhưng sau đó ta thấy được tự do, thấy tươi đẹp, vui vẻ, bình an. Đấy là cái đẹp của việc xưng tội…”
Bằng việc gợi nhắc đến hình ảnh người con hoang đoàng trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”, ngài kết thúc bài chia sẻ của mình bằng một hình ảnh hết sức ví von: đi xưng tội cũng giống như đưa tay ra ôm lấy một người. Đó là một cái ôm thật nồng ấm.
“Các bạn thân mến, cử hành bí tích hòa giải có nghĩa là vòng tay qua trong một cái ôm nồng ấm: ôm lấy lòng thương xót vô hạn của Chúa Cha, Đấng đã thông chuyển cho chúng ta tất cả niềm vui vì đã tìm thấy chúng ta, chào đón chúng ta trở lại với Người.”
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....