Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Bài học của kẻ ngã ngựa

Bốn năm một lần, World Cup lại đến. Đúng như sự chờ đợi, không khí năm nào cũng rộn ràng xem như cái “tết chung” của toàn thế giới. Và năm nào cũng thế, hễ cứ xong một trận người ta lại lao vào bình luận, rất nhiều bài học được đưa ra mỗi năm một kiểu và tùy vào từng trận.
Thế nhưng, có một “bài học” mà năm nào cũng có, một “bài học” mà bên ngoài trận đấu những kẻ ở cách nửa vòng trái đất “ban phát” cho những người thua cuộc: Bài học của kẻ ngã ngựa.

World Cup 2014 đi được gần nửa vòng bảng, những bất ngờ bóng đá đã xảy ra như chuyện thường ngày ở huyện

Mở đầu là anh Tây Ban Nha bại trận với người Hà Lan với tỷ số 1-5. Nhớ khi trận đấu chưa bắt đầu, khi mà hào khí người Tây Ban Nha còn vang bóng ở World Cup 2010 thì anh bình luận viên (trên tivi) anh phóng viên (trên báo) khen họ không tiếc lời. Nào là họ là ứng viên vô địch, nào là đội hình trong mơ, nào lối đá tiki taka đẹp mắt. Điều này vẫn kéo dài cho đến tỉ số 1-0 khi Tây Ban Nha dẫn trước.
Rồi cũng chính anh Tây Ban Nha khi bắt đầu bị gỡ hòa, bị dẫn bàn, rồi thua một cách oanh liệt bởi những người Hà Lan chơi hay hơn. Lúc này, chính anh bình luận viên đó (và anh nhà báo đó) lại quay ngoặt 180 độ, cho rằng cơn lốc đã cuốn phăng bò tót, Tây Ban Nha đã hết thời, lối đá tiki taka đã thoái trào.
Mới đây, trận cầu giữa Bồ Đào Nha và Đức lại “kinh điển” hơn nữa. Khỏi phải nói trước trận đấu, anh bình luận viên (và các anh nhà báo) kỳ vọng và khen ngợi Ronaldo như thế nào. Nào là CR7 sẽ ná pháo, sẽ là người hùng….
Và rồi, khi người Bồ thua đậm 0-4, thì chính CR7 thành “kẻ ngã ngựa” và tất nhiên bình luận viên (và mấy anh nhà báo khác) thi nhau “dằn mặt” kẻ ngã ngựa này. Nào là Rô điệu trở nên bạc nhược, CR7 không phải là người Bồ. Rồi chính đồng đội anh Pepe khi nhận thẻ đỏ rồi bị xem là: “Bồ Đào Nha có thể mất tên đồ tể ngu xuẩn Pepe.”
Bởi thế, xem World Cup với một người như tôi bỗng dưng… hoang mang. Bởi kiến thức thể thao của tôi không nhiều nên đặt hết niềm tin vào anh bình luận viên (và các nhà báo thể thao), nhưng chính họ lại thay đổi chính kiến nhanh quá. Tôi theo không kịp.
Rồi chính những anh bình luận viên và nhà báo thể thao đã cho tôi “bài học” về chuyện trong đời: Khi bạn ngã chắc gì người đời đỡ bạn đứng dậy. Mặc dù trước đó họ rất yêu thương bạn bằng lời chót lưỡi đầu môi.
Khi bạn ngã thì người ngoài cuộc đinh ninh là chính lỗi của bạn. Bạn phải ôm trọn lỗi kia về mình, càng biện hộ bạn càng bị “ném đá”. Tôi cứ nghĩ linh tinh, trong bóng đá cũng như cuộc sống, mỗi người cần phải có những sai số. Nhưng cần tuyệt đối trung thành với chính kiến của mình.
Nhưng xem World Cup thì ngược lại, bao năm nay cứ nguyên tắc: Thua là giặc và nên ào theo đội thắng. Bóng bên sân nào thì “cuốn theo chiều gió” đó, khi bóng lăn sang bên sân kia thì phải quay ngoắt, đổi chiều ngay và luôn. “Vâng đội X đang thể hiện sức mạnh của mình” “Không được nữa rồi, tuổi tác, vâng quả thực tuổi tác đã khiến đội X” “Cầu thủ Y hôm nay trở nên bạc nhược, anh đang đánh mất mình…”
World Cup 4 năm một lần, mỗi mùa lại mang cho người hâm mộ những cảm xúc khác nhau. Thế nhưng, có một điều bao năm nay ở Việt Nam vẫn không thay đổi, đó chính là “tâm thể” của những kẻ sẵn sàng quật ngã các cầu thủ sau trận đấu.

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....