Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Hiệp thông và truyền thông trong gia đình

Gia đình luôn cần một nền tảng và một mẫu mực để bắt chước và phát triển. Đối với người Công giáo, nền tảng và mẫu mực sâu sắc nhất cho các gia đình chính là hình ảnh Gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chiếm vị trí trung tâm của gia đình kitô hữu. Cha mẹ chuyển thông chân lý đức tin trọng điểm này của mình cho con cái đến mức chân lý này được hoà nhập vào trong đời sống gia đình (x. Bài Giáo lý số 2, Hội nghị thế giới Gia đình lần 5, 2006).
Mỗi gia đình nhân loại được mời gọi làm thành một cộng đoàn ngôi vị tức là gồm có ông bà, cha mẹ và con cái - cộng đoàn của sự sống và tình yêu – theo hình ảnh Gia đình Thiên Chúa. 
Chỉ một mình Thiên Chúa ban cho chúng ta hiểu biết đầy đủ và đúng đắn về Ngài và mặc khải chính Ngài là Cha, Con và Thánh Thần cho con người chúng ta. Tân ước trình bày Thiên Chúa như là “Thân phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa Chúng ta…Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện…Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô…Trong Thánh tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người…vẫn trong Đức Kitô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần” (Ep 1, 3-13). Như thế, nhờ mặc khải chúng ta biết chắc rằng tình yêu, sự bình đẳng và vĩnh cửu là bản chất của Ba Ngôi Thiên Chúa. 
Hiệp thông trong Gia đình
Gia đình Công giáo không chỉ được mời gọi phản ảnh đời sống hiệp thông ngôi vị của Gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi (x. GLCG 2205) mà còn phải biểu lộ sự hiệp nhất mật thiết giữa Ba ngôi Thiên chúa (Bài Giáo lý số 2, 2006). Sự hiệp thông Ba ngôi Thiên Chúa là sự hiệp thông nội bộ hay hướng nội (ad intra) tức là những mối tương quan nội tại trong chính ba ngôi: Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần và hiệp thông với bên ngoài hay hướng ngoại (ad extra) tức là những mối tương quan với thụ tạo thể hiện trong vai trò sáng tạo, cứu thế và thánh hoá của Ba ngôi đối với con người và thế giới. Những sứ mạng này của Ba ngôi cụ thể hóa tình hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại cũng được gọi là hiệp thông trao ban. Thật vậy, đặc tính tương quan của Ba ngôi Thiên Chúa thúc bách Ba ngôi ra khỏi chính mình để đi đến với nhau cũng như với con người trong thế giới. Chính trong tình yêu mà Ba ngôi Thiên Chúa liên kết hiệp nhất với nhau và nối dài tình yêu Ba Ngôi này trong nhiệm cục cứu độ con người. Một cách tương tự, gia đình công giáo được kêu gọi sống tình yêu hiệp thông hướng nội và hướng ngoại của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vợ chồng yêu thương sinh ra con cái cho Giáo hội và xã hội chính là bắt chước công trình sáng tạo của Chúa Cha. Vợ chồng con cái yêu thương và hy sinh cho nhau cũng như giáo dục giúp nhau nên những con người tốt chính là noi theo công trình cứu chuộc của Chúa Con và công việc thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Các thành viên gia đình cũng phải vượt ra khỏi phạm vi gia đình nhỏ bé để đến với bà con dòng họ, các gia đình khác cũng như mọi người trong Giáo hội và xã hội. Chính khi thể hiện được các mối liên hệ này một cách tốt đẹp mà gia đình Công giáo trở thành hình ảnh và biểu lộ sự hiệp nhất của gia đình ba ngôi Thiên Chúa. 
Chính vì thế, Thư Mục vụ năm 2008 của HĐGM Việt Nam gọi gia đình là “mái trường giáo dục tình hiệp thông”, bởi vì “gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là cộng đồng các ngôi vị: đôi bạn nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông” (Tông huấn Gia Đình, 18). Mối hiệp thông này được củng cố và phát triển nhờ tình tương thân tương ái và nhờ sự nâng đỡ lẫn nhau trong đời sống nhân bản cũng như đời sống đức tin. Quả vậy, nếu mọi thành viên trong gia đình sống thuận hòa và đùm bọc lẫn nhau, gia đình sẽ trở nên ấm cúng… [và] sẽ góp phần củng cố gia đình nhân loại và gia đình Thiên Chúa, tức là Giáo Hội” (Thư Mục vụ năm 2008, số 7).
Để chu toàn sứ mạng này cũng như đế đối lại những khủng hoảng về gia đình trong xã hội ngày nay, các thành viên gia đình Công giáo cần ý thức rằng Thiên Chúa đã tạo nên cơ cấu gia đình là cấu trúc của tình yêu và nó phải tồn tại và phát triển trong tình yêu. Vì thế, gia đình phải là môi trường giáo dục đặc biệt về tình yêu. Tình yêu hiệp thông với Thiên Chúa và với con người. Cụ thể, “cần giáo dục tình yêu cho con cái biết yêu thương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết yêu thương kính trọng bà con họ hàng, biết yêu thương và kính trọng mọi người. Cũng cần giáo dục con cái biết yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ và hy sinh cho nhau”. Khi con người biết sống yêu thương trong gia đình thì họ sẽ biết sống yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội. “Việc giáo dục tình yêu cần phải kiên nhẫn và nhất là cần đến gương yêu thương giữa cha mẹ, giữa vợ chồng. Gương mẫu của giáo dục tình yêu chính là Thánh gia, cao hơn nữa chính là gương Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ Hội Thánh, yêu thương và hy sinh đến chết vì mỗi người chúng ta. Thật lý tưởng khi mọi thành viên trong gia đình đều cảm nhận sâu xa là mình được mọi người trong gia đình yêu thương và tình yêu của mình được mọi người đón nhận, đáp trả” (Thư Mục vụ năm 2008, số 15). 
Một cách thức đặc biệt để gia đình xây đắp tình hiệp thông là sống bí tích Thánh Thể vì bí tích này chính là nguồn mạch của hôn nhân Kitô giáo. “Chính trong hy lễ của Giao ước mới và vĩnh cửu ấy mà các đôi bạn Kitô hữu tìm được nguồn mạch tuôn trào làm cho giao ước hôn nhân của họ được khuôn đúc từ bên trong và được sinh động bền bỉ…. Nơi ân huệ Thánh Thể là bí tích của Đức Ái, gia đình Kitô hữu gặp được nền tảng và linh hồn cho sự hiệp thông và cho sứ mạng của nó” (Tông huấn Gia đình, 57). Khung cảnh bữa Tiệc ly nói chung và cách đặc biệt bí tích Thánh thể là hình ảnh của sự hiệp nhất trong gia đình cũng như là mẫu gương tuyệt hảo của việc trao ban chính mình cho người khác. Đức Giêsu tự hạ hết mình khi rửa chân cho các tông đồ ngõ hầu có thể chấp nhận Thánh ý Chúa Cha và để dạy các ông bài học phục vụ lẫn nhau. Đây cũng là sự hy sinh sát nhập việc trao ban của vợ chồng và cha mẹ với con cái vào hiến lễ hy sinh của Đức Giêsu. Qua việc rước Thánh Thể, thành viên gia đình chia sẻ sâu sắc cuộc sống và tinh thần hy sinh tự hủy của Đức Giêsu nhờ đó họ có thể trao ban cho nhau cách tốt đẹp hơn chính Đức Kitô. Nơi bàn tiệc Thánh Thể, Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học yêu thương, tha thứ cho nhau để có thể phục vụ nhau hết tình.
Truyền thông trong Gia đình
Trong gia đình Thiên Chúa Ba ngôi và gia đình nhân loại hiệp thông và truyền thông đi đôi với nhau. Vì thế, hiệp thông hướng nội và hướng ngoại cũng áp dụng cho truyền thông giữa Ba ngôi Thiên Chúa. Truyền thông là dòng máu nuôi sống gia đình con người. Khi giao tiếp truyền thông bị cắt đứt, bị ngăn chận hay đổ vỡ thì đời sống gia đình bị lung lay, có nguy cơ đi đến chỗ kết thúc, không còn hiệp thông giữa các thành viên gia đình nữa. Nếu gia đình là sự hiệp thông thân mật sâu xa của tình yêu và cuộc sống thì truyền thông nâng đỡ sự thân thiết trong hiệp thông. Truyền thông tốt, liên tục sẽ củng cố hiệp thông. Không có truyền thông thì hiệp thông bắt đầu bị đe doạ và rạn nứt.
Truyền thông là quan hệ đa chiều. Trong gia đình đây là tiến trình truyền thông ba chiều, rất cần thiết cho cuộc sống gia đình. Trước tiên và trên hết là liên lạc truyền thông giữa con người với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và các bí tích. Thiên Chúa là chính Sự Sống sung mãn nên hiệp thông với chính Ngài là điều cần thiết để nâng đỡ sức sống gia đình. Thứ hai là truyền thông giữa các thành viên trong gia đình. Những trao đổi thân mật giữa cha mẹ và con cái và giữa anh chị em truyền đạt và giúp phát triển sự nhạy cảm về luân lý nhất là của người trẻ. Thứ ba là truyền thông giữa các gia đình trong khu xóm hay địa phương. Liên kết với các gia đình khác là hậu quả trực tiếp của việc tìm kiếm hay canh tân sự liên kết với Thiên Chúa và với các thành viên gia đình. Đây là lúc sống khái niệm “cộng đoàn” trong đó các gia đình giúp đỡ lẫn nhau trong hành trình cuộc sống.
Truyền thông hướng nội cũng là giao tiếp ba chiều giữa vợ chồng, cha mẹ với con cái, và giữa anh chị em với nhau. Những giao tiếp truyền thông này được thể hiện bằng nhiều cấp độ và cách thức khác nhau: điệu bộ, cử chỉ thân xác (ánh mắt, nụ cười), lời nói, tâm tình yêu thương… Chúng là những phương tiện để diễn tả sứ điệp yêu thương. Mỗi lứa tuổi có những cách truyền thông và hình thức lôi cuốn việc giao tiếp truyền thông khác nhau nhưng vẫn phải đạt mục đích là kết hợp con người nên một với nhau và phát sinh sự sống mới. Vợ chồng yêu thương chung sống với nhau để sinh ra con cái. Cha mẹ giáo dục dạy dỗ con cái bằng bổn phận, trách nhiệm, bằng lời nói và gương sáng về nhân bản, đạo đức, văn hóa. Anh chị lớn và có kinh nghiệm chia sẻ kinh nghiệm và các kỹ năng cho em nhỏ trong gia đình. Những giao tiếp bằng lời nói, và cử chỉ hay thân xác sẽ qua đi với thời gian, tuổi tác nhưng việc giao tiếp bằng tâm tình yêu thương giữa hai trái tim, bằng sự tôn trọng lẫn nhau, trung tín với nhau sẽ duy trì lâu dài kết quả tốt đẹp này. Cấp độ cuối cùng này của giao tiếp truyền thông sẽ giúp vượt lên trên những thiếu sót, bất toàn của nhau để tha thứ và đồng cảm với nhau.
Truyền thông hướng ngoại nhắm đến mối liên hệ với các gia đình khác. Con người là sinh vật mang tính xã hội cao. Gia đình là một cộng đoàn ngôi vị. Vì thế, gia đình không thể sống tách biệt, không có tác động qua lại với người khác và cũng chịu tác động của môi trường xã hội xung quanh. Truyền thông hướng ngoại cũng là chu toàn sứ mạng truyền giáo của gia đình Công giáo. Gia đình có sứ mạng làm chứng cho Tin mừng và đối nghịch lại những trào lưu tiêu cực (chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, loại trừ) tác động trên gia đình ngày nay.
Tuy nhiên, nhiều thế lực cạnh tranh đã và đang làm suy thoái hay trống rỗng truyền thông ba chiều nói trên. Chẳng hạn, các gia đình, nhất là tại thành phố, đã không còn giờ hay dịp chuyện trò thân mật giữa các thành viên và bớt dần giờ đối thoại chuyện vãn với Thiên Chúa. Trong gia đình người ta bàn nhiều về chuyện làm ăn, kinh doanh, thời sự trên báo chí, truyền hình…hơn là bàn về cuộc sống tinh thần, tôn giáo hay luân lý của gia đình. Như thế, kiểu cách, hình thức và nội dung truyền thông trong gia đình đã bắt đầu thay đổi. 
Những biến đổi xã hội ảnh hưởng quan hệ hiệp thông và truyền thông trong gia đình
- Ngày nay, gia đình thường có ít con và thu nhập lại khá hơn trước đây, nhất là ở thành phố, nên có điều kiện tốt hơn để nuôi con, nhiều khi đến chỗ nuông chiều con cái. Điều kiện làm ăn chiếm nhiều thời gian nên cha mẹ không có đủ thời gian hay phương tiện quan tâm chăm sóc con cái, nhưng phó mặc con cái cho xã hội. Vì thế, nơi nhiều gia đình quan hệ giữa cha mẹ và con cái khá lỏng lẻo. Vì thế, con cái lớn lên bị nhiều tác động của xã hội hơn là của cha mẹ và gia đình.
- Khác biệt giữa cha mẹ và con cái về nghề nghiệp, kiến thức, quan niệm và kinh nghiệm sống có thể tạo nên một số ngăn cách, khác biệt. Ngày nay, một tình trạng thường xảy ra trong gia đình là “bất đồng ngôn ngữ” giữa cha mẹ và con cái vì cha mẹ nói nhưng con cái không hiểu và con cái trình bày nhưng cha mẹ không hiểu. Từ đó, dẫn đến việc không muốn chia sẻ, trao đổi với nhau nữa. Về nghề nghiệp, con cái cũng ít còn muốn nối nghiệp của cha mẹ nhưng thích theo chọn lựa theo sở thích của mình. Đồng thời việc truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức cũng xảy ra theo hai chiều: từ cha mẹ đến con cái và ngược lại từ con cái đến cha mẹ. Con cái không đón nhận một cách máy móc, thụ động nhưng cũng muốn cha mẹ có những hiểu biết hợp thời và cần tiếp thu, đón nhận từ con cái. Cha mẹ cần có thái độ lắng nghe để hiểu và hướng dẫn con cái.
- Ảnh hưởng văn hoá Âu Mỹ qua giao lưu văn hoá, du lịch, báo chí.. dẫn đến việc đề cao tinh thần bình đẳng, dân chủ nhiều hơn trong quan hệ giữa vợ chồng, con cái. Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ và chủ nghĩa thực dụng cũng gia tăng dẫn đến nhiều vụ sống chung trước hôn nhân, ly hôn, làm phát sinh nhiều quan hệ phức tạp giữa cha mẹ và con cái. Hiện nay, cũng phổ biến quan niệm con cái cần sống độc lập, tự giải quyết hay quyết định cuộc sống mà không cần hay không muốn sự kiểm soát của gia đình, của cha mẹ.
Một vài giải pháp tăng cường hiệp thông và truyền thông trong gia đình
- Tạo nhiều cơ hội đối thoại, trao đổi giữa các thành viên trong gia đình như bữa cơm gia đình, đi chơi chung (hay đi thăm viếng bà con), học hỏi, cầu nguyện/đi nhà thờ chung với nhau. Những cơ hội này giúp gia đình liên kết chặt chẽ với nhau, có cùng một niềm tin, một giá trị để theo đuổi.
- Tôn trọng mối quan hệ và sự đối xử bình đẳng và dân chủ giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái tạo sự gần gũi, yêu thương, biết ơn của con cái đối với cả cha lẫn mẹ. Cha mẹ phải thống nhất, hiệp thông với nhau thì mới có thể giáo dục truyền đạt cách hữu hiệu cho con cái.
- Gia đình khác với một đoàn thể, hay một tổ chức theo nghĩa gia đình không có sự phân công rõ ràng, phân biệt chi li. Trong gia đình, thường có nhiều loại công việc nhỏ nhặt, linh tinh, bất thường. Vì thế, không nên đòi phải có một sự phân công rạch ròi, logic đâu ra đó, bất di bất dịch giữa vợ và chồng, giữa anh chị em với nhau. Nhưng mọi thành viên gia đình cần có tình tương trợ lẫn nhau về trách nhiệm cũng như quyền lợi, chung sức tự nguyện, lấy tình nghĩa gia đình làm điểm tựa để xây dựng gia đình, tạo nên sức mạnh nhờ chỉ có một đầu và một trái tim.
- Học và sống bài học yêu thương phục vụ qua cử chỉ “rửa chân” trong Bữa Tiệc ly và nơi bí tích Thánh Thể, để tránh tình trạng độc đoán, gia trưởng, tuy vẫn cần có người làm chủ trong gia đình là cả người cha lẫn người mẹ để chăm lo cho gia đình, con cái.
- Bắt chước mẫu gương hiệp thông và truyền thông của Gia đình Ba ngôi Thiên Chúa để có được sự hoà điệu nhịp nhàng, bổ túc cho nhau giữa các thành viên gia đình.
Tóm lại, gia đình Việt Nam hiện đại vẫn có sự gắn bó với nhau về tình cảm, tâm lý, về trách nhiệm và quyền lợi từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời. Nhận ra và phát triển những mối liên hệ này cùng với việc bắt chước hình ảnh Gia đình Ba ngôi Thiên Chúa và Thánh gia là những điều kiện cơ bản và quan trọng để duy trì hiệp thông và truyền thông trong mọi gia đình.
Lm. Gioan B. Ngô Đình Tiến

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....