ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN GIÁO CHỦ ANH GIÁO
VATICAN. Ngày 16.6 vừa qua, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến với Đức TGM Justin Welby, TGM giáo phận Canterbury, Giáo Chủ liên hiệp Anh giáo, cùng với phái đoàn đến thăm Tòa Thánh. Hiện diện trong buổi tiếp kiến này cũng có ĐHY Vincent Nichols, TGM giáo phận Westminster, chủ tịch HĐGM Công Giáo Anh quốc.
Trong buổi tiếp kiến này, ĐTC Phanxicô tái khẳng định mục tiêu tìm về sự hiệp nhất trọn vẹn giữa Công Giáo và Anh Giáo, đồng thời cổ võ sự cộng tác chung giữa hai cộng đồng Giáo Hội. Ngài chia sẻ rằng: “Đứng trước cái nhìn từ bi của Chúa, chúng ta không thể làm ngơ không biết rằng sự chia rẽ giữa chúng ta là một gương xấu, một chướng ngại cản trợ việc loan báo Tin Mừng cứu độ cho thế giới… Mục tiêu hiệp nhất trọn vẹn tuy có vẻ xa vời nhưng nó vẫn luôn là mục tiêu chúng ta phải thực hiện. Chúa Thánh Linh sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để không nản chí và mời gọi chúng ta hoàn toàn tín thác nơi hoạt động quyền năng của Chúa.”
ĐỨC THÁNH CHA TỐ GIÁC HỆ THỐNG KINH TẾ
BARCELONA. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo La Vanguardia, số ra ngày 12.6 vừa qua tại thành phố Barcelona, Đức Thánh Cha đã tố giác hệ thống kinh tế trên thế giới hiện nay thường dẫn tới xung đột quân sự như một phương thế làm cho những nước hùng mạnh nhất được giàu thêm. Ngài nói: “Chúng ta đang ở trong một hệ thống kinh tế thế giới không tốt, một hệ thống để sống còn thì phải tạo ra chiến tranh, như các đế quốc lớn vẫn luôn làm.”
Trong cuộc phỏng vấn, ĐTC cũng trả lời câu hỏi về bạo lực lấy hứng từ tôn giáo và nhận xét rằng trong quá khứ, các tín hữu Kitô cũng gây ra bạo lực theo kiểu đó. Trong Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo đều có những nhóm cực đoan, một thiểu số so với phần còn lại của các tín hữu. Một nhóm cực đoan, dù không đánh ai thì cũng là bạo lực. Não trạng của trào lưu cực đoan là thi hành bạo lực nhân danh Thiên Chúa.
ĐỨC THÁNH CHA CỔ VÕ CÁC CUỘC ĐẦU TƯ GIÚP DÂN NGHÈO
VATICAN. Hôm 16.6 vừa qua, ĐTC đã tiếp kiến 100 tham dự viên hội nghị về việc đầu tư trợ giúp người nghèo và ngài nhiệt liệt khích lệ sáng kiến liên đới này. ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và hòa bình đã giới thiệu với ĐTC các thành phần tham dự cũng như nội dung của Hội nghị.
Trong dịp này, ĐTC chia sẻ rằng các cuộc đầu tư như thế nhắm tạo nên một ảnh hưởng tích cực về mặt xã hội trên dâng chúng địa phương, kiến tạo công ăn việc làm, cung cấp năng lượng, giáo dục và gia tăng mức sản xuất nông nghiệp. ĐTC cũng kêu gọi làm sao để luân lý đạo đức tìm lại được chỗ đứng trong tài chánh và các thị trường đặt mình phục vụ lời ích của các dân tộc và công ích của nhân loại.
ĐTC TIẾP KIẾN HỘI ĐỒNG CAO CẤP THẨM PHÁN ITALIA
VATICAN. Hôm 17.6 vừa qua, ĐTC đã dành một buổi tiếp kiến cho Hội đồng cao cấp thẩm phán đoàn Italia. Đây là một cơ quan gồm 30 thành viên, đứng đầu là tổng thống, có nhiệm vụ bảo đảm tự do và độc lập của các thẩm phán. Hiện diện trong buổi tiếp kiến còn có các cộng tác viên và thân nhân của các thành viên, tổng cộng có 280 người.
Lên tiếng trong dịp này, ĐTC mời gọi các vị hãy đáp ứng mong đợi của dân chúng, trở thành những mẫu gương về đời sống thanh liêm. Ngài cũng chia sẻ rằng xã hội Italia đang mong đợi rất nhiều nơi thẩm phán đoàn, nhất là trong bối cảnh hiện nay với sự khô cằn gia sản các giá trị và những tiến hóa trong các khía cạnh dân chủ. “Ước gì quý vị dấn thân không làm cho những mong đợi hợp pháp của người dân bị thất vọng”.
ROMA. Trong tuần qua, Ban chuẩn bị chuyến viếng thăm của ĐTC tại Hàn Quốc, do ông Alberto Gasbarri dẫn đầu, đã đến nước này để xác định thâm các chi tiết trong việc tổ chức cuộc viếng thăm từ ngày 14 đến 18.8 năm nay. Trong số các sinh hoạt đã được xác định, có thánh lễ do ĐTC cử hành ngày 15.8 tại sân vận động thành phố Đại Điền. Đây cũng là nơi diễn ra Đại hội giới trẻ Công Giáo Á châu kỳ 6 từ ngày 13 đến 17.8 năm nay.
Ngày 16.8, tại Quảng Hòa Môn, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ tôn phong 124 vị tử đạo Đại Hàn lên bậc chân phước. Người ta ước tính là thánh lễ này sẽ có khoảng 1 triệu người tham dự. Cùng ngày 16.8, ngài sẽ viếng thăm làng hoa ở Eumseong, thuộc thỉnh Trung Thanh, và gặp gỡ người tàn tật và vô gia cư. Ngày 18.8, ngài sẽ cử hành thánh lễ tại Nhà thờ chính tòa Minh Đỗng ở thủ đô Hán Thành.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG KỲ HÈ
VATICAN. Phòng báo chí Tòa Thánh vừa cho biết sẽ có một số thay đổi trong hoạt động của Đức Thánh Cha trong dịp hè, tức thời gian tháng 7 và tháng 8 này. Theo đó, trong tháng 7 sẽ không có những buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ 4 hàng tuần. Cũng không có buổi tiếp kiến chung vào ngày 13.8 vì lúc này, Đức Thánh Cha đang ở Hàn Quốc.
Cả trong tháng 7 và tháng 8 sẽ không có thánh lễ của ĐTC với các tín hữu tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican. Tuy nhiên, ĐTC vẫn chủ sự các buổi đọc kinh Truyền Tin vào các buổi trưa Chúa Nhật, trừ ngày 15 và 17.8, vì lúc này ngài đang ở Hàn Quốc.
CÁC THÀNH PHỐ Ở BRAZIL TỔ CHỨC THÁNH LỄ
SAO PAOLO. Giáo quyền Công Giáo ở các thành phố tại Brazil, nơi diễn ra các trận đấu bóng, đã tổ chức các thánh lễ bằng các ngôn ngữ khác nhau để các cầu thủ cũng như các khán thính giả quốc tế có thể dự lễ. Có một số thánh lễ được cử hành với các ngôn ngữ phổ biến như Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản. Ngoài ra, HĐGM Chile cũng đã có một trang web đặc biệt nhân dịp này, kể cả kinh nguyện dành cho khán giả.
Ông Jaine Coiro, phát ngôn viên của HĐGM Chile, nói rằng: “Chúng ta không ngừng làm thừa sai của Chúa Kitô khi ra sân vận động hoặc khi chúng ta hang say theo dõi các trận đấu của đội tuyển quốc gia qua các phương tiện kỹ thuật.”
SỐ NGƯỜI TỊ NẠN TRÊN THẾ GIỚI ĐANG GIA TĂNG
ĐỨC. Ông Martin, Broeckelmann-Simon, giám đốc điều hành tổ chức bác ái Misereor của HĐGm Đức cho biết, số người tị nạn trên thế giới đang gia tăng. Ông chia sẻ rằng trong thế kỷ 20, chúng ta đã có 80 triệu người tị nạn và được gọi là “thế kỷ tị nạn”, nhưng chúng ta mới ở trong giai đoạn đầu thế kỷ 21 mà đã có 45 triệu người tị nạn rồi.
Theo ông, cộng đồng thế giới cần phải cấp thiết phải thay đổi thái độ, không nên loại trừ người tị nạn, đồng thời có những biện pháp hữu hiệu để chống lại hiện tượng này. Ông nói: “Tại Cộng Hòa Trung Phi cũng như tại Irak hiện nay, người ta đã thấy rõ vấn đề rồi.” Hiện nay, làn song di cư vẫn không ngừng tăng cao tại Mossul khi phiến quân thánh chiến Hồi Giáo Isis tấn công chiếm thành phố này. Ngay cả Đức TGM giáo phận, Đức Cha Emil Shimoun Nona cũng phải tị nạn đến làng Tall hayf cách Mossul 12 cây số.
ĐỨC TGM THỦ ĐÔ MYANMAR KÊU GỌI TỰ DO TÔN GIÁO
YANGOON. Tờ Washington Post của Hoa Kỳ đã trích dẫn lời của Đức cha Charles Maung Bo, TGM Giáo Phận Yangoon, Myanmar rằng để đạt đến hoàn toàn tiềm năng của mình, Myanmar cần có sự tự do tôn giáo hoàn toàn, nếu không tương lai của đất nước này sẽ bị đe dọa. Trong bài báo, ngài trình bày một vấn đề có thể làm thương tổn không thể chữa lành được trong tiến trình cải tổ được khởi sự tại Myanmar, mà mấu chốt là quyền tự do tôn giáo.
Trong ba năm qua, chính phủ của tổng thống Thein Sein đã thực hiện được những bước tiến đáng kể: nhiều tù nhân chính trị đã được trả tự do, hiến pháp thay đổi, 3,8 triệu tín hữu Kitô, tương đương với 8% dân số cũng được hưởng những cởi mở ấy. Tuy nhiên, mới đây lại có một dự luật cấm trở lại đạo gọi là luật bảo vệ chủng tộc và tôn giáo, giới hạn các cuộc hôn nhân khác đạo, nếu không có phép của chính quyền.
ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN HỘI NGHỊ CHỐNG MA TÚY
VATICAN. Hôm 20.6 vừa qua, ĐTC đã dành buổi tiếp kiến cho 450 tham dự viên hội nghị quốc tế chống ma túy. Lên tiếng trong dịp này, ngài cầu chúc cho hội nghị đạt tới mục tiêu là phối hợp các chính sách chông ma túy, chia sẻ những thông tin liên hệ và phát triển một chiến lược hành động chống lại nạn buôn bán ma túy. Đồng thời, ngài cũng mạnh mẽ phê bình việc cho sử dụng các loại ma túy gọi là ma túy nhẹ.
Ngài nói thêm rằng để loại bỏ ma túy, cần phải bênh vực sự sống, chấp nhận tình thương, đón nhận tha nhân, giáo dục, tạo công ăn việc làm. Nếu có những thái độ như thế thì sẽ không còn chỗ cho ma túy, cho việc lạm dụng rượu và những chất nghiện ngập khác. Ngài cũng nói đến dấn thân của Giáo Hội, theo gương Đức Giêsu đối với người đau khổ và những người đã rơi vào vòng nghiện ngập. Ngài nói: “Giáo Hội vẫn cầm tay họ qua chứ không bỏ rơi họ qua hoạt động của những nhân viên và những người thiện nguyện, giúp họ tái khám phá phẩm giá của mình, phục hồi các tiềm năng và năng khiếu đã bị ma túy chôn vùi.”
———————
Thánh lễ truyền chức phó tế tại Giáo phận Ban Mê Thuột
Ngày 17. 06. 2014, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục GP. Ban Mê Thuột đã truyền chức Phó tế cho 17 Đại Chủng Sinh tại khuôn viên đài Đức Mẹ thuộc giáo xứ Chính Tòa. Tham dự Thánh lễ có cha Giám đốc ĐCV Sao Biển, quý cha trong và ngoài giáo phận, quý bề trên các dòng, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh, ứng sinh, thân nhân tân chức và đông đảo bà con giáo dân. 17 tiến chức phó tế gồm 16 thầy Đại Chủng sinh Sao Biển khóa IX và 01 thầy đã tốt nghiệp ĐCV Rôma khóa 2007- 2014. Trong số này có thầy Phêrô Y Krơn, người dân tộc M-Nông.
Giáo phận Ban Mê Thuột có Tân Tổng Đại diện
Ngày 17 tháng 6 năm 2014, sau Thánh lễ truyền chức phó tế tại Nhà thờ Chính Tòa Ban Mê Thuột, Đức Giám mục Giáo phận đã công bố bổ nhiệm cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu – Trưởng ban Giáo lý và Đức tin của Giáo phận, làm Tổng Đại Diện, thay Đức Ông Đaminh Hà Duy Khâm (năm nay 78 tuổi và đã đảm nhận chức vụ Tổng Đại diện 23 năm).
Trại hè cho trẻ nhiễm HIV và trẻ OVC tại Huế
Nhóm Chăm sóc HIV/AIDS Công Giáo Huế vừa tổ chức trại hè cho trẻ nhiễm và trẻ OVC tại bãi tắm Cảnh Dương, ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế ngày 29/05/2014. Theo ban tổ chức, mục đích của ngày trại hè là giúp các em có dịp làm quen, giải trí, vui chơi thỏa thích sau một năm học.Có 108 người tham gia gồm trẻ em nhiễm HIV, trẻ bị ảnh hưởng (OVC) cùng cha mẹ các em đang sinh sống tại thành phố Huế và tám huyện thuộc hai phía Nam và Bắc Sông Hương.
Các Nữ tu và Tình nguyện viên thuộc nhóm Chăm sóc bệnh nhân HIV Huế đã tổ chức trại hè này nhân tháng hành động vì trẻ em, nổi bật là ngày Quốc tế Thiếu nhi và ngày thế giới chống Lao động trẻ em.Linh Mục Phêrô Trần Văn Quí, sáu Nữ tu dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế cùng 11 Tình nguyện viên của nhóm Chăm Sóc thuộc Ban Phòng chống HIV/AIDS Giáo phận Huế đã có một ngày sống thân mật vui đùa với các em, ngâm mình dưới biển mát và hòa mình với thiên nhiên trong lành. (Web UB Bác ái Xã hội)
Linh mục Alberto Trần Phúc Nhân – một chuyên viên nghiên cứu và dịch Kinh Thánh qua đời
Cha Alberto Trần Phúc Nhân, một trong những học giả Kinh Thánh lỗi lạc của Giáo hội Việt Nam đã qua đời lúc 10g15 ngày Thứ Bảy 14 tháng 06 năm 2014, tại Nhà Hưu dưỡng Chí Hoà, hưởng thọ 82 tuổi, sau 56 năm linh mục. Với 56 năm Linh mục, Cha Alberto đã góp phần vào nhiều công việc của Giáo hội như cộng tác với nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, giảng dạy Kinh Thánh, Cổ ngữ tại Đại Chủng viện Huế, Sài Gòn, Phát Diệm, giúp huấn luyện cho các tu sinh Giáo phận Phát Diệm…
Vào lúc 08g30 sáng thứ Tư, ngày 18/6/2014, tại giáo xứ Chí Hòa, Thánh lễ an táng Cha Alberto Trần Phúc Nhân đã được cử hành long trọng do Đức Tổng Giám mục (TGM) Phaolô Bùi Văn Đọc chủ sự. Đồng tế với ngài có Đức Giám mục (ĐGM) Phêrô Nguyễn Văn Khảm, ĐGM Giáo phận Kontum Micae Hoàng Đức Oanh, ĐGM Giáo phận Phát Diệm Giuse Nguyễn Năng, ĐGM Giuse Nguyễn Văn Yến và gần 200 quý cha trong và ngoài Tổng Giáo phận. Tham dự có đông đảo quý tu sỹ nam nữ cùng cộng đoàn giáo dân.
Trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã nói Cha Alberto là một người mẫu mực với đầy đủ những đức tính nhân bản: “Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín”. Là một Cha giáo Kinh Thánh, ngài rất gần gũi Chúa. Là một Tư Tế, cũng là một của lễ hy sinh cả đời mình cho Giáo hội… Cha Alberto còn là một linh mục có một đời sống khó nghèo, khiết tịnh trong sạch, là một gương sáng cho mọi người. (Web TGP Sài Gòn)
Các nạn nhân bị tai nạn tại Thái Lan trở về lòng đất Mẹ
Sau hơn nửa tháng gửi mình trên đất khách quê người, chiều tối ngày 18/06, các nạn nhân trong vụ tai nạn tại Thái Lan đã trở về nơi “chôn nhau cắt rốn”. 11 người con của Giáo phận Vinh cùng những người thân gia đình đã về tới quê nhà bằng đường bộ trong an bình! Riêng thi thể của Cha Giacôbê Vũ Văn Hanh được đưa về Sài Gòn bằng đường hàng không.
Tổng hợp và biên tập: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ & Chỉnh Trần, SJ.
dongten.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét