Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Chúa Nhật 26 Thường Niên Năm A_2014

Ông bà anh chị em thân mến.  Trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su kể cho chúng ta nghe dụ ngôn hai người con trai được cha sai đi làm vườn nho.  Người thứ nhất, được cha bảo đi làm vườn và đã trả lời: “Con không đi” nhưng  sau đó hối hận, thay đổi và đi làm theo ý cha mình.  Người con thứ hai cũng được cha bảo như người thứ nhất và trả lời: 
“Thưa cha, vâng, con đi’’, nhưng sau đó đã đổi ý không đi.  Câu chuyện dụ ngôn hai người con trai này làm chúng ta nhớ đến một câu chuyện tương tự khác cũng về hai người con trong Tin mừng của thánh Lu-ca, đó là dụ ngôn “Người con hoang đàng.”  Người con trưởng vâng lời cha làm việc rất chăm chỉ.  Người con thứ đòi phần gia tài của mình lên thành thị chơi bời hoang phí.  Sau khi đã phung phí hết phần gia tài, người con thứ cảm thấy dại dột và tội lỗi, và ăn năn quay trở về nhà với người cha đầy lòng nhân từ thương yêu tha thứ.  
Chúng ta nhận thấy có 4 trường hợp.  Trường hợp thứ nhất, thưa “không” nhưng sau đó thay đổi “xin vâng.”  Trường hợp thứ hai, thưa “không” nhưng vẫn giữ “không.”  Trường hợp thứ ba thưa “xin vâng” nhưng đổi ý thưa “không.”  Và trường hợp thứ tư thưa “xin vâng” và vẫn giữ hai chữ “xin vâng.”  Trong 4 trường hợp này, có 2 trường hợp đáng buồn và đáng trách, 2 trường hợp đáng được tôn vinh, ca tụng và ngợi khen.
Cả hai câu truyện trong Tin mừng thánh Lu-ca trên và Mát-thêu hôm nay, người con hoang đàng và người con đã thưa “không” với cha, nhưng sau đó hối hận thưa “xin vâng” có một điểm quan trọng mà chúng ta cần chú ý để hiểu rõ dụ ngôn, đó là cả hai đều có một quyết định “thay đổi tâm hồn.” 
Chúng ta thấy trả lời “không” của con cái trong xã hội hôm nay có lẽ không phải là một vấn đề to lớn, nhưng vẫn đáng sợ và đáng buồn đối với các bậc làm cha mẹ.  Nếu người cha bảo đứa con từ bỏ điều này, điều nọ, để có đời sống tốt lành hơn, nhưng người con trả lời với một thái độ “không” thì có lẽ người cha rất buồn- khổ.  Nếu thày cô trong lớp giáo lý dạy bảo các em điều gì mà các em thưa “không” thì thật đáng buồn lòng.  Cũng vậy, nếu cha xứ kêu gọi giáo dân hy sinh thời giờ dự tuần tĩnh tâm, mà giáo dân trả lời với thái độ “không”; nếu cha xứ kêu gọi giáo dân cố gắng sống tốt lành, thánh thiện hơn, mà giáo dân trả lời với thái độ “không”; nếu cha xứ kêu gọi giáo dân từ bỏ sự kiêu căng, tự ái, ganh ghét, ganh tị, để khiêm nhường, hy sinh, phục vụ, giúp đỡ tạo tình hiệp nhất và yêu thương, mà giáo dân trả lời với thái độ “không”; nếu cha xứ kêu gọi giáo dân từ bỏ sự ích kỷ để có lòng bác ái và quảng đại đóng góp, dâng cúng xây dựng, phát triển giáo xứ, mà giáo dân trả lời với thái độ “không”, thì cha xứ cũng cảm thấy đáng sợ và đáng buồn.  Nhưng có một điều tôi tin là cha xứ sẽ tiếp tục dâng Thánh lễ cầu nguyện và kêu mời linh hồn mọi giáo dân vào Vườn Nho Thiên Đàng của Chúa       
Trong lịch sử của Giáo hội, có rất nhiều vị thánh lớn đã từng là những người lúc đầu đã nói “không” với Chúa, có cuộc sống hoang đàng, tội lỗi, nhưng sau đó đã ăn năn sám hối, có một sự thay đổi tâm hồn toàn diện, quay trở về thưa “xin vâng” với Chúa, và hăng say vào làm vườn nho của Chúa, điển hình là thánh Augustinô. Thánh Augútinô sinh trong một thành phố nhỏ ở Phi Châu. Cha của ngài là một người ngoại giáo, còn mẹ ngài là bà thánh Mônica, bổn mạng của hội Hiền mẫu trong giáo xứ chúng ta, một Kitô hữu đạo đức tốt lành, và là một người mẹ gương mẫu.  Bà yêu thương và đã cố hết sức đưa người con trai của mình trở về với Chúa. Ở tuổi thanh niên, Augútinô là một học sinh rất giỏi, nhưng có một cuộc sống hoang đàng, trụy lạc và tội lỗi. Lúc 20 tuổi, Augútinô trở thành giáo sư nổi danh về hùng biện, nhưng cuộc đời trụy lạc và tội lỗi của ngài không bớt đi, mà còn gia tăng.  Sau một cơn bệnh sốt rét nặng và cũng chính trong hoàn cảnh và thời gian này, Augustinô đã nhận ra nguồn gốc tội lỗi và sự dữ của mình.  Sau đó, qua lời cầu nguyện và sự hy sinh cao cả và tột độ của người mẹ, Augútinô đã từ từ tỉnh ngộ, ăn năn thống hối, trải qua một cuộc thay đổi tâm hồn, trở về với Chúa.  Sau đó, Augútinô đã sốt sắng và hăng say vào làm vườn nho cho Chúa, trở thành giám mục, viết nhiều sách nổi tiếng và có giá trị cho đến ngày nay.  Bà Thánh Mo-ni-ca đã kiên trì sống xin vâng trong lời cầu nguyện và làm gương sáng để dạy bảo và dẫn dắt người con thay đổi, quay trở về với Chúa, và bà đang hưởng hạnh phúc Nước Trời cùng với con của bà.  Chuyện ăn năn sám hối, thay đổi tâm hồn quay về với Chúa của thánh Augútinô là những biểu chứng và cũng là những bài học mà Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta trong câu chuyện dụ ngôn hôm nay, cũng như trong bất cứ một câu chuyện nào, đó là, không bao giờ quá trễ nếu có sự thay đổi tâm hồn. 
Ông bà anh chị em thân mến.  Cuộc đời của Đức Maria minh chứng cho chúng ta trường hợp thứ 4 thưa “xin vâng” và vẫn kiên trì sống hai chữ “xin vâng” theo thánh ý của Cha.  Chúng ta thấy Đức Maria đã không vì đau khổ, nhục nhằn mà đổi ý thưa “không.”  Đức Maria đã sống kiên trì theo thánh ý Chúa từ lúc thốt ra lời  “xin vâng” cho đến khi đứng dưới chân Thánh giá.  Và Mẹ đã được Thiên Chúa Cha ban thưởng và tôn vinh làm Nữ Vương trên trời dưới đất. 
Thiên Chúa ban cho loài người chúng ta sự tự do và Chúa tôn trọng tự do lựa chọn của loài người. Nếu không có tự do lựa chọn, thì không có vấn đề thưởng phạt.  Hay nói cách khác, nếu không có tự do lựa chọn thì vấn đề thưởng phạt là điều bất công.  Do đó sự lựa chọn của loài người đưa đến kết quả tốt đẹp hay hậu quả xấu, cũng như sẽ được chúc lành hay nhận lãnh sự dữ.  Chúng ta nhận thấy nếu không có tự do lựa chọn thì bài Tin mừng hôm nay không còn ý nghĩa.  Nếu không có sự tự do lựa chọn thì người con thứ hai thưa với cha “vâng, con sẽ đi” làm vườn nho, nhưng sau đó không đi, thì cũng  không phải đối diện với hậu quả mất ơn sủng hạnh phúc  Nước Trời.  
Ông bà anh chị em thân mến. Bao nhiêu lần chúng ta thề hứa với Chúa chẳng hạn như trên đường vượt biên ngoài biển cả, khi thuyền bị hết xăng, khi gặp sóng bão lớn, khi bị hải tặc rượt đuổi, chúng ta đã hứa với Chúa những gì? Khi chúng ta còn ở Việt Nam, chúng ta đã hứa với Chúa, hứa với Đức Mẹ những gì, khi chúng ta được đặt chân trên đất nước Hoa kỳ này?  Chúng ta đã hứa với Chúa, với Mẹ sẽ làm điều gì nếu chúng ta qua khỏi được cơn bệnh, sự khó khăn, hay được thành công, được như ý, được bằng an, được ơn nọ, ơn kia?  Chúng ta đã làm chưa?  Hay ngày nay, chúng ta có tiền bạc, vật chất, và sống theo ý riêng của mình, và quên lời đã hứa.
Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết và khẳng định rằng Thiên Chúa nhân từ, giàu lòng thương xót và hay tha thứ.  Ngài không quan tâm đến bất cứ điều gì chúng ta đã làm hay đã hứa ở quá khứ.  Đời sống hôm nay và bây giờ thì mới quan trọng đối với Chúa. Chúng ta hãy có 1 sự thay đổi tâm hồn, để được Chúa yêu thương tha thứ.  Thật vậy, lòng nhân từ, tha thứ và yêu thương của Chúa tăng thêm lòng tin và đem đến cho chúng ta sự lành mạnh và bằng an.

Để kết cục, tôi muốn ông bà anh chị em trở lại câu chuyện Người con hoang đàng để chúng ta nhận ra được một bài học quan trọng khác của Chúa. Chúng ta thấy người con trưởng rất chu toàn bổn phận. Anh rất chăm chỉ làm việc và không làm một điều gì phiền lòng cha, chỉ bực bội với cha đã chào và ăn mừng người em tội lỗi quay trở về.  Người con trưởng này có lòng ganh tị, ghen ghét và không có lòng nhân từ và thương xót với em mình. Thiên Chúa muốn chúng ta vâng lời, chăm chỉ và thành tâm hy sinh phục vụ trong vườn nho của Chúa, và chắc chắn Chúa sẽ ban ơn lành cho chúng ta. Chúa muốn tất cả mọi người không phân biệt đều thưa với Chúa “Thưa Cha, vâng, con đi!” như Đức Maria đã thưa với Thiên Thần Chúa hai tiếng “Xin vâng”, và sẵn sàng đi theo Chúa khi Chúa kêu mời. Trên hết, Chúa muốn tất cả chúng ta nhận biết, có một đời sống khiêm nhường và có một trái tim nhân từ, yêu thương và quảng đại như của Chúa.  Xin Chúa ban nhiều ơn cho tất cả chúng ta.
Lm. Chánh xứ

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....