Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

YÊU – Nghệ thuật giáo dục trong gia đình

images (19)GIA ĐÌNH LÀ MÔI TRƯỜNG ĐẦU TIÊN MÀ TRONG ĐÓ CON CÁI HỌC BIẾT VỀ TÌNH YÊU. VIỆC LUÔN CÓ MẶT CỦA CHA MẸ TRONG GIA ĐÌNH TẠO NÊN MỘT BẦU KHÍ ẤM CÚNG, YÊU THƯƠNG, GIÚP CON CÁI CÓ ĐƯỢC MỘT TÂM LÝ ỔN ĐỊNH, VỮNG CHẮC
Đứa trẻ chạy về nhà, mắt đẫm lệ. Thấy vậy, bà nội vội vã chạy đến ôm nó vào lòng. Đứa trẻ tiếp tục nức nở trong tiếng nấc. Bà nội nhẹ nhàng vuốt ve cháu, tìm cách trấn an nó.

Bà hỏi: Bọn trẻ đã đánh cháu phải không? – Đứa trẻ lắc đầu nguầy nguậy.
Hay có đứa nào lấy của cháu cái gì? - Nó nấc lên: Không!
Bà nội bắt đầu lo lắng: Vậy hãy nói cho nội biết điều gì đã xảy ra cho cháu nào?
Đứa bé thút thít kể: “Chúng cháu chơi trốn tìm, cháu đã trốn rất kỹ. Cháu cứ ở trong chỗ nấp và ch đợi. Lâu quá, chẳng có ai tìm ra cháu. Thế là cháu đi ra tìm những đứa kia, nhưng chúng nó hết chơi và về nhà hết rồi. Chẳng có ai đi tìm cháu cả. Bờ vai nhỏ của nó lại rung lên và lặp lại trong nước mắt: “Bà hiểu không, chẳng có ai đi tìm cháu cả.”
Nỗi đau của đứa trẻ là “không một ai tìm nó cả“. Với trái tim non nớt của một đứa trẻ, điều đó có nghĩa là không ai thương mến, không ai nghĩ đến nó và thế là nó tủi thân.
Liều thuốc Yêu Thương là thần dược cho tâm hồn
Con người sinh ra để yêu và được yêu thương. Nhu cầu này được biểu lộ dưới muôn thiên hình vạn trạng và nó hiện diện trong đời sống con người dù ở bất cứ tuổi tác nào. Người được yêu thương thì tâm hồn phấn chấn, tự tin và yêu đời. Cảm nhận được một ai đó yêu thương, đánh giá, là điều cần thiết biết bao cho đời người.
Tuy nhiên, hiện nay một số cha mẹ quan niệm rằng mức độ yêu thương được “đo đạc” bằng chỉ số những tiện nghi, tiền bạc họ cung cấp cho con cái. Trong thực tế nhiều người trẻ đã bị rơi vào tâm trạng cô đơn vì thấy mình không hơn gì một “thú cưng”. Các cha mẹ hãy biết rằng đứa trẻ luôn cần có một ai đó “tìm” nó, quan tâm và chăm sóc đến nó.
Một trong những phương cách để trẻ cảm nhận tình thương, chính là sự chăm sóc của cha mẹ. với trẻ ở giai đoạn đầu của cuộc sống: hơi ấm, những tác động ôm ấp, vỗ về và lời nói yêu thương của mẹ hết sức quan trọng cho sự tăng trưởng của trẻ. Chúng tạo cho trẻ sự dễ chịu tâm lý và những kích thích tốt cho sự phát triển thể lý. Trẻ thiếu vắng cha mẹ hay không được hưởng sự chăm sóc đầy đủ của cha mẹ đều mang những giới hạn hay tổn thương về tâm lý và tình cảm. Một tâm lý quân bình, một nhân cách hoàn thiện, một tinh thần lành mạnh và một thân xác khỏe mạnh hệ tại rất nhiều ở tình yêu thương và sự chăm sóc đầy đủ của cha mẹ.
Trường học đầu tiên của con
Đã qua rồi cái thời mà người ta thường quan niệm “trời sinh voi, trồi sinh cỏ”. Ngày nay, nhân loại đã dần ý thức tầm quan trọng của việc “trăm năm trồng người”. Chuẩn bị cho con vào bước vào đời đòi hỏi các bậc cha mẹ phải “xây dựng” một trường cho con cái của mình: đó là chính gia đình.
Gia đình là môi trường đầu tiên mà trong đó con cái học biết về tình yêu, sự quan tâm, hoặc cả việc đón nhận những đau khổ, sự dửng dưng, sự chối từ trong cuộc sống. Cùng sống chung dưới một mái nhà, mọi thành viên trong gia đình nhất thiết phải thiết lập được mối tương quan chặt chẽ với nhau, vì kinh nghiệm mà con cái học được tại đây sẽ được ghi sâu trong cuộc đời. Trong môi trường gia đình, đứa trẻ bập bẹ học cách thông tri với người khác và tập sống yêu thương. Qua tiếp xúc thường ngày, người ta bắt gặp sự tin tưởng nở hoa hay cũng có thể bị khép lại, có những lời chân thành mà cũng có sự dối gạt, có sự thinh lặng bảo toàn những cảm xúc sâu xa và có cả những lời tán gẫu trống rỗng vô bổ, có sự lắng nghe tận sâu thẳm và cả sự không thấu hiểu, có sự nồng nhiệt của tình yêu lẫn sự lạnh lùng và ích kỷ.
Thật cần thiết để giúp con cái ước muốn sống và tìm kiếm những dạng thức tương quan mới mẻ với cha mẹ, với anh chị em và với ông bà hiện diện trong gia đình. Có thể sẽ còn những điều chưa hiểu biết hoặc khó khăn trong đối thoại, đặc biệt với các bậc cha mẹ mà đôi khi có thể đến độ nghẹt thở trong sự đóng kín và đổ vỡ.
Đứa trẻ cần có ai đó “tìm” đến chúng, đó là nhắc nhở cho thấy đứa trẻ rất cần đến một tương quan yêu thương, một môi trường mang đầy chất giáo dục để chúng kinh nghiệm được thế nào là những giá trị đẹp.
Với Tôi, Bạn là duy nhất và không ai có thể thay thế!
“Những người trẻ không chỉ được yêu, nhưng chúng phải nhận ra rằng chúng được yêu”. Đây là một trong những trực giác giáo dục của Thánh Don Bosco.
“Nhận biết” mình được yêu là bí mật của hạnh phúc. Trong gia đình mỗi người cần tự hào rằng “tôi là người không ai có thể thay thế được”.
Ngược lại đó là thái độ can thiệp của cha mẹ trên con cái một cách quá cưỡng bách, hay khô khan, đe doạ, hoặc chỉ giảng dạy với lối nói gây nhàm chán: làm việc đi, lạc quan lên, không được đụng vào, cẩn thận, tao đã nói mà, xin lỗi đi, lại đây, mày chẳng được tích sự gì, tao rất bận…
Ngay cả nếu có đức tin tốt mà cha mẹ cứ “quần” con cái mình như thể máy bay trực thăng, khiến cho tiếng o..o… đó trở thành tiếng ồn căn bản của gia đình, thì lúc ấy, những đứa trẻ sẽ tự vệ cách đơn giản là không lắng nghe. Nghệ thuật giáo dục hệ tại ở chỗ làm thế nào để đứa trẻ tin tưởng, an tâm và ưa thích sự có mặt của cha mẹ, của nhà giáo dục trong mọi hoàn cảnh, tâm trạng sống của chúng.
Sư phạm của sự Hiện diện
Cha mẹ thể hiện vai trò của mình qua sư phạm của sự hiện diện, một sự có mặt mang tính can thiệp, giúp đỡ hữu hiệu giúp con cái tăng trưỏng. Đó là một sự hiện diện không mang hình thái của sự ngăm đe, thống trị, hoặc hờ hững…
Việc cha mẹ luôn có mặt trong gia đình sẽ tạo nên một bầu khí ấm cúng, yêu thương, giúp con cái có được một tâm lý ổn định, vững chắc. Cùng con chia sẻ niềm vui cũng như những bận tâm của cuộc sống sẽ là cơ hội tốt để cha mẹ giúp chúng suy tư, định hướng, lựa chọn những quyết định đúng đắn và đảm nhận cuộc đời mình với tinh thần trách nhiệm.
Các nhà tâm lý khẳng định rằng những trẻ em luôn được sống trong bầu khí yêu thương, với sự hiện diện và chăm sóc của cha mẹ, thường đạt tới sự tốt đẹp về thể chất, tâm lý và nhân cách. Trái lại, những trẻ sống trong tình trạng thiếu vắng cha hoặc mẹ hay cả hai, thì thường phải chịu những tổn thương đáng tiếc về tình cảm, tâm lý và nhân cách. Khi ấy, trẻ dễ bị rơi vào cảm giác thiếu chắc chắn, khép kín, nhút nhát hay phải mang một nhân cách bất ổn.
Gia đình là trường học đầu tiên và cha mẹ là thầy cô được tín nhiệm. Thật dễ thương nếu các bậc phụ huynh biết biến tổ ấm của mình thành trường học.
Cho con chữ “yêu”, là cha mẹ đã cho con cả cuộc đời. Với tình yêu thương chăm sóc, con cái được lớn lên khỏe mạnh trong môi trường lành mạnh. Với tình thương giáo dục, cha mẹ cho con thành người, với tình thương hiện diện, con cái được bao bọc, đỡ nâng,.. Đây là điều mà con cái chờ đợi nơi cha mẹ mình.
Thiên Hằng, FMA
Trích từ  chuyên đề Don Bosco số 13

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....