Thước đo
Mỗi một vòng quay của chiếc đồng hồ là thước đo của từng giây, từng phút, từng giờ. Cứ quay đều, nhịp sống vẫn cứ quay, đôi khi qua nhanh, nhiều khi lại cứ chậm, theo dòng cảm xúc của dòng thời gian, nhưng con người vẫn bất lực, vòng thời gian vẫn quay đều, quay đều.

Thời gian không chờ con người mà thời gian của mỗi con người đều có hạn. Chưa kịp làm gì nên công trạng, chưa kịp sống có ý nghĩa, thời gian đã hết. Buồn thay một đời người vô nghĩa.

Thời gian là thước đo của các giá trị, những gì mau qua, những gì bền vững, đều được nhận ra sau thời gian trải qua. Con người có thể tự lừa dối mình, lừa dối nhau, thời gian sau cùng cũng nhận ra những sự thật. Chính vì thời gian là câu trả lời cho những giá trị đích thực nên trong hiện tại người xưa cũng dạy: “chớ bỏ qua giây phút hiện tại” và Chúa cũng dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước 

Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33).
Thời gian còn là thước đo của sự sống mỗi người trên trần gian. Thước đo này hệ trọng nhưng lại ít được để ý nhất. Con người hay ảo tưởng về cuộc sống của mình là mãi mãi, nên tìm kiếm cho mình những thứ vật chất để bảo đảm sinh tồn. Bằng nhiều cách thức, ngay cả chấp nhận gian tham, lừa dối, cướp bóc, những nẻo đường bất chính để chiếm đoạt… để bảo đảm cho sự sống riêng mình. Thời gian của mỗi người đều được ghi trên bia mộ, sẽ mang được gì khi về nơi vĩnh cửu? Một câu hỏi cho người đang sống!

Thời gian là của Chúa
Alpha và Omega: “Đức Chúa là Thiên Chúa phán: Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1, 8). Al pha và Omega là hai chữ cái bắt đầu và cuối của mẫu tự Hy Lạp. Diễn tả tổng thể lịch sử, thời gian, không gian, tất cả mọi sự được quy về Chúa Giêsu Kitô. Đấng chiến thắng sự chết, nghĩa là Đấng làm chủ mọi sự sống, tử thần bị đánh bại bởi sự Phục Sinh của Chúa. Tin tưởng vào Chúa nghĩa là tin vào Đấng làm chủ mọi sự trên trần đời này để phó thác mọi sự trong tay Người, “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” Chúa dạy hãy xem hoa cỏ ngoài đồng để gẫm xem cuộc đời mình ( Xem Mt 6, 25 – 34) .

Sự hiện diện của mỗi người là một hồng ân. Lời kinh “cám ơn” có một ý nghĩa rất đặc biệt lưu ý đến sự sống của con người trên trái đất này: “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời mà lại sinh ra con, cho con được làm người,…” Theo nguyên lý: “Có là có mãi”. Ơn quý trọng nhất là ơn được làm người, ơn căn bản để có mọi ơn phước lành của Chúa. Thế nên, mọi mạng sống đều là quan trọng từ lúc thụ thai cho đến lúc sinh ra và mất đi. Mọi sự sống thuộc về Thiên Chúa, không ai có thể tạo nên sự sống nên không ai có quyền tước đoạt sự sống của người khác dù là thai nhi. Khi biết quý trọng sự sống con người mới biết trân trọng và giữ gìn nó cho đến sự sống đời đời.

Thời gian của con người. “thời gian hình thành nên tuổi tác, hành động, hình thành nên giá trị một người”. Con người có thời gian nhất định trên trái đất này, ý nghĩa cuộc đời tùy thuộc vào cuộc đời con người đã sống. Điều quan trọng nhất Thiên Chúa trao cho con người, đó là: quyền tự do lựa chọn. Trong vườn địa đàng, sở dĩ có cây trái cấm giữa “mọi sự Thiên Chúa thấy là tốt đẹp” (St 1) là Thiên Chúa để con người tự do, lựa chọn giữa tốt và xấu, vâng phục và bất tuân (St 2 và 3). Tùy theo mỗi người, ý nghĩa cuộc đời theo cách họ lựa chọn.

Chiếc đồng hồ vẫn quay và thời gian vẫn đi. Chu kỳ năm mới đã bắt đầu! Nếu còn thời gian, hãy bắt đầu lại, lựa chọn điều tốt hơn, bền vững hơn, giá trị thật hơn, để sống. Bạn hãy đặt niềm tin vào Chúa để trước tiên hết “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6, 33).
Lm Giuse Hoàng Kim Toan