Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Thương Khó Và Khó Thương

Kitô hữu nghĩa là người có Chúa Kitô! Có thể hiểu đơn giản như vậy, nhưng rồi nhiều khi tôi không ý thức đủ mình là người có Chúa Kitô, sống như Chúa Kitô và thuộc về Người. Qua Phép Thánh Tẩy, tôi trở nên con cái Chúa Trời, được tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô. Như thế, cả cuộc đời tôi và mỗi ngày trong đời sống mình, tôi không còn sống cho chính mình nữa mà là sống cho Đấng Cứu Độ tôi, là Chúa Giêsu Kitô,
Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2,20). Trong ý nghĩa đó, theo chu kỳ phụng vụ của Giáo Hội, thời gian Mùa Chay Thánh đang dần hướng về Tuần Thánh – là chóp đỉnh của thời gian tưởng niệm cuộc Thương Khó và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô.

Trong đức tin sống động của truyền thống Giáo Hội; Nơi các Sách Tin Mừng đã thuật lại Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô thật cảm động. Chúa Giêsu yêu thương các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly với một tình yêu khiêm hạ được thể hiện qua hành vi rửa chân; Người u sầu và lo lắng trong vườn Cây Dầu nhưng Người cũng hết sức vững lòng trong niềm tin, phó thác và vâng phục Thiên Chúa Cha, “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.” (Mc 14, 36). Động lực nào cho sứ mệnh Cứu Thế của Đức Giêsu Kitô? Đây là một mầu nhiệm của Tình Yêu, Thiên Chúa đã đến trong thế gian qua Đức Giêsu, Con Người bằng xương bằng thịt, theo thư gởi tín hữu Do thái: Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân.” (Dt 2,17).

Một Tình Yêu mà đứng trước cực hình đớn đau, ruồng bỏ, phản bội, chối từ và vu khống vẫn thể hiện một tinh thần dấn thân, một sự đón nhận, một lòng vâng phục tuyệt đối, một sự tha thứ và yêu thương đến cùng, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34). Quả là một sự thương khó, thương những điều không dễ thương, những điều khó thương của thế giới con người. Nhìn vào lịch sử cứu độ đã bao lần Dân Riêng phản bội với Giao Ước và chạy theo các ngẫu tượng. Họ còn trở nên kẻ chống đối, nguyền rủa, thách thức Thiên Chúa của họ và họ đã đúc con bò vàng mà thờ lạy[1], nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương họ.

Suy ngắm Sự Thương Khó của Chúa Giêsu là chiêm niệm những đau khổ thể xác lẫn tinh thần của Người trong cuộc khổ nạn, và tìm ra đâu là ý nghĩa, giá trị của các biến cố ấy. Hơn nữa, tìm biết thái độ nào của Chúa Giêsu qua cuộc thương khó này? Quả thực, Chúa Giêsu đã bước vào cuộc thương khó của mình bằng cả sự yêu thương, hết sức tự chủ và ý thức. Đó chẳng phải là mẫu mực cho thái độ mà các Vị Thánh Tử Đạo hiên ngang ra pháp trường đấy sao? Dầu có sợ đau đớn, sợ chết thật, nhưng Chúa Giêsu vẫn một lòng tin tưởng vào Thiên Chúa - Nguồn Sự Sống. Ngài đã hy sinh mạng sống mình làm hiến tế hầu đem lại con đường sống, ý nghĩa và niềm hy vọng cho loài người.

Trên thập giá, Lời của Đấng Yêu Thương đã thốt lên: “Ta khát!”. Lạy Chúa! Ngài thật sự đói khát về thể chất nhưng còn hơn thế Ngài khát khao tình yêu của loài người, khao khát sự hoán cải để trở về với Chúa Tình Yêu. Người đang “khát” một sự đáp trả của mỗi một người. Người vẫn đang đợi chờ và chờ đợi mãi. Còn thân con đây thật khó thương mà Thiên Chúa lại thương con, Ngài mời gọi con cũng hãy yêu thương nhau như Chúa yêu thương con. Nhìn vào đời sống mình, con đã bao lần trở nên “khó thương” trước mặt Chúa và anh chị em. Khi con khó thương anh chị em là chính lúc con trở nên sự thương khó cho Chúa rồi. Khi con khó thương là lúc con chưa biết đón nhận, tha thứ và yêu thương người anh chị em con, con mãi sống trong sự khó thương chứ chưa thật sống thương khó như Chúa.

Lạy Chúa Giêsu! Ngài đang nhìn con, đang giúp con vượt qua những rào cản của lòng chưa quảng đại, chưa “đi ra” để đến với mọi người. Xin Cho con biết cùng vác thập giá với Chúa mỗi ngày trong đời con, khi con chịu thương khó, là con chết đi cho con người tội lỗi của con mà sống cho Chúa, cho anh chị em. Xin Chúa dùng ánh sáng Thánh Giá Chúa mà soi dẫn con, đỡ nâng thập giá của con. Xin cho con biết tha thứ, yêu thương vì con biết Chúa yêu thương và luôn tha thứ cho con. Nhờ đó mà con chết đi cho những đam mê ghen ghét mà được sống với đam mê yêu thương, “đam mê - passio” như Chúa đã đam mê sẵn sàng hiến mạng sống cho con. Lạy Chúa, cho con biết dùng những cái đấu đã dằn, đã lắc và đầy tràn[2] mà đong đầy tình yêu cho anh chị em mình là biết tôn trọng, đối xử công bình và bác ái. Chính lúc con làm thế là con cảm nhận được con cần sự tha thứ của Chúa và của anh chị em biết là chừng nào! Kể từ đây mỗi ngày con biết sống trọn hai chiều ý nghĩa của thập giá là: Mến Chúa và Yêu người.

Đến lúc con tự hỏi lòng mình rằng: Con còn sống khó thương nữa sao? Noi gương Chúa, con thương khó những điều khó thương.
    
Giuse Trần Hoàng Thiện

 

[1] (Xh 32).
[2] (Lc 6,38).

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....