Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Giáo dục trong gia đình

VATICAN. Sau đây là toàn văn bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung diễn ra vào sáng thứ tư, ngày 20.5.2015, tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican.
“Xin chào tất cả anh chị em,
Hôm nay, chúng ta sẽ suy nghĩ về một đặc tính cần thiết của gia đình, đó là ơn gọi tự nhiên của nó trong việc giáo dục con cái để chúng có thể thể lớn lên trong tinh thần trách nhiệm với chính mình và với tha nhân. Có vẻ điều này đã được nhận thức rõ ràng tuy nhiên
ngay cả trong thời đời đại của chúng ta cũng chẳng thiếu vắng những khó khăn. Thật khó khăn để cha mẹ có thể dạy dỗ con cái nếu họ chỉ gặp chúng vào buổi tối, khi họ trở về nhà trong sự mỏi mệt. Và cũng thật khó khăn cho cả những người làm cha làm mẹ đã chia tay và do chính hoàn cảnh này của họ khiến mọi việc trở nên nặng nề hơn.
Nhưng trên hết, phải giáo dục con cái như thế nào đây? Đâu là truyền thống chúng ta đã có để thông truyền lại cho con cái mình ngày hôm nay?
Đủ mọi loại các nhà phê bình đã khiến các bậc cha mẹ phải lặng thinh bằng hàng ngàn cách thức, để bảo vệ những thế hệ trẻ khỏi bị tổn thương – những tổn thươn có thực hay chỉ là phỏng đoán – trong việc giáo dục của gia đình. Gia đình đã bị tố cáo, bởi nhiều thứ khác, như chủ nghĩa độc đoán, chủ nghĩa thiên vị, chủ nghĩa xu thời, sự đè nén tâm cảm vốn gây ra những xung đột.
Việc này gây ra một rạn nứt giữa gia đình và xã hội khiến niềm tin lẫn nhau bị bào mòn; và như thế, sự hợp tác để giáo dục giữa xã hội và gia đình bước vào cuộc khủng hoảng. Chẳng hạn như, trong các trường học có những liên lạc giữa cha mẹ và giáo viên. Đôi khi đã có những căng thẳng và sự bất tín lẫn nhau; và hậu quả đương nhiên đổ xuống đầu con trẻ. Mặt khác, cũng đã phát sinh nhiều những người được gọi là “chuyên gia”, đảm nhận cả vai trò của cha mẹ ngay cả trong những khía cạnh thâm sâu hơn của giáo dục.
Về đời sống tình cảm, về nhân cách và sự phát triển, về quyền và bổn phận, những “chuyên gia” biết tất cả: mục tiêu, động cơ và cả kỹ thuật. Và các bậc cha mẹ chỉ cần nghe theo, học hỏi và tự thích nghi. Sự riêng tư trong vai trò của cha mẹ đã bị gây hoang mang và bị chiếm dụng một cách thái quá trong những cuộc gặp với con cái của họ, dẫn đến việc cha mẹ không bao giờ dám sửa dạy con nữa. Họ luôn có thiên hướng phó thác chúng nhiều hơn cho các “chuyên gia”, thậm chí ngay cả trong những khía cạnh nhạy cảm và riêng tư trong đời sống của họ, và rồi họ tự cô lập mình  trong góc khuất của cô đơn; và như thế cha mẹ đang mạo hiểm tự loại bỏ chính mình khỏi đời sống của con cái họ.
Rõ ràng là thái độ này không hề tích cực: chẳng có sự hòa hợp, không có đối thoại và thay vì phải cổ võ sự cộng tác giữa gia đình và các cơ sở giáo dục khác nhau, thì lại đặt cả hai vào vị thế đối đầu.
Làm sao chúng ta khắc phục được điểm này? Chẳng có gì phải nghi ngờ rằng cha mẹ, hay đúng hơn, những nhà giáo dục tiêu biểu trong quá khứ đã có một vài giới hạn. Nhưng cũng thực là đúng đắn khi có những sai lầm mà chỉ có cha mẹ mới có quyền để phạm phải, bởi vì họ có thể bù đắp cho các con của mình theo một cách thức bất khả thi với người khác. Mặt khác, chúng ta biết rõ ràng rằng, cuộc sống đã trở nên quá bủn xỉn về thời gian để đàm đạo, phản tỉnh, và hồi tâm. Nhiều cha mẹ đã bị bắt cóc bởi công việc và những bận tâm khác, họ trở nên bối rối trước những đòi hỏi mới mẻ của các con và bởi sự phức tạp từ thực tế cuộc sống, và họ cảm thấy mình như bị tê liệt bởi nỗi sợ hãi sẽ sai lầm. Nhưng, vấn đề không chỉ để nói xuông. Trái lại, một chủ nghĩa đối thoại hời hợt cũng chẳng mang lại một cuộc gặp gỡ đích thực trong tâm trí và tâm hồn. Tốt hơn, chúng ta nên tự chất vấn mình: hãy nỗ lực để thấu hiểu con cái mình đang thực sự ở đâu trong hành trình của chúng? Tâm hồn của chúng đang thực sự ở đâu, chúng ta có biết không? Và trên hết: chúng ta có thực sự muốn biết không? Chúng ta có xác tín rằng trong thực tế chúng chẳng mong chờ một thứ gì khác?
Cộng đoàn Ki tô hữu được kêu gọi để mang lại rường cột cho sứ mạng giáo dục của các gia đình, và thực hiện chúng trước hết dưới ánh sáng của Lời Chúa. Thánh Phao lô tông đồ nhắc nhở về tính tương hỗ trong bổn phận giữa cha mẹ và con cái: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” (Cl 3, 20-21). Ngay tại nền móng của tất cả đã có tình yêu, vốn là thứ Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta, đức mến ấy không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật(1 Cor 13,5-6). Thậm chí ngay cả những gia đình tốt lành cũng cần phải chịu đựng lẫn nhau, và họ phải thực hiện với nhiều kiên nhẫn! Chính Đức Giêsu cũng đã trải qua sự giáo dục từ gia đình, để ngày càng lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng (Lc 2, 40.51-52). Và khi Đức Giêsu đã nói: “Mẹ của ta và anh em của ta” là tất cả những ai “lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21) thì Người cho thấy rằng gốc rễ của mối liên hệ này có thể nở hoa, đến độ làm cho họ vượt qua chính mình.
Ngay cả trong trường hợp này, ân sủng tình yêu của Đức Ki tô mang đến sự thành toàn cho những điều đã được ghi khắc vào bản tính con người. Chúng ta đã có biết bao gương mẫu tốt lành của các bậc phụ mẫu Ki tô hữu đầy tràn sự khôn ngoan! Chúng minh chứng rằng sự giáo dục gia đình tốt lành là cột sống của chủ nghĩa nhân văn. Sự chiếu tỏa của nó đối với xã hội là phương cách cho phép để bù đắp những khiếm khuyết, những vết thương, những khoảng trống của tình phụ tử và mẫu tử bằng cách đụng chạm đến những đứa con kém may mắn hơn. Sự chiếu tỏa này có thể làm nên những phép lạ thực sự. Và trong Giáo Hội những phép lạ như thế xảy ra hằng ngày.
Thiên Chúa ban tặng cho các gia đình Ki tô hữu niềm tin, sự tự do và sự can đảm cần thiết cho sứ mệnh của họ. Nếu giáo dục gia đình tìm lại được sự kiêu hãnh trong vai trò của chính mình, nhiều điều có thể được cải thiện tốt hơn đối với các cha mẹ không kiên định và những đứa con đang chán nản. Và bây giờ, những người cha và người mẹ hãy trở về từ chốn lưu đày và hãy đảm nhận vuông tròn sứ mệnh giáo dục của chính mình.”

 Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....