
Ông bà anh chị em thân
mến. Hôm nay cùng với Giáo hội chúng ta
mừng lễ Chúa Thăng Thiên. Sau khi đã
hoàn tất sứ mệnh cứu chuộc được Thiên Chúa Cha trao phó, và sau khi đã trao sứ
mệnh này lại cho các môn đệ tiếp tục, Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, đã lên
trời trở về với Thiên Chúa Cha.
Trong một dịp đến thành phố
Chicago, tôi có ghé tham quan tòa nhà lớn có tên là Tribune. Bức tường bên ngoài của tòa nhà có những viên
đá khác thường được đặt lồi ra bên ngoài.
Trên những viên đá này có một bảng nhỏ cho biết xuất xứ của viên
đá. Có viên đá được lấy từ kim tự tháp
bên Ai cập; có viên đến từ tòa nhà Taj Ma-hah bên Ấn độ, có viên từ Khải hoàn
môn bên Pháp, có viên từ bức tường Bá linh bên Đức. Mục đích của kiến trúc sư khi vẽ và xây tòa
nhà Tribune này là muốn có sự hiện diện của các quốc gia thế giới. Chúng ta
thấy ngày nay, với những phương tiện truyền thông hiện đại như internet hay vệ
tinh, nếu người kiến trúc sư này muốn có sự hiện diện của thế giới thì chỉ cần
có những màn ảnh vĩ đại để trực tiếp truyền hình từ các thủ đô trên thế
giới. Hay nếu chủ nhân của tòa nhà
Tribune và người kiến trúc sư muốn thế
giới hiện diện bằng xương bằng thịt thì chỉ cần đưa những người đại diện đến
ngồi hay “trưng bày” họ ở ngoài phòng tiếp khách.
Sự
kiện này dẫn chúng ta đến một điểm quan trọng, đó là, có nhiều cách và mức độ,
để tạo sự hiện diện của người nào hay điều gì đó. Như những người Việt hải ngoại, chúng ta có
thể hiện diện với người thân thuộc ở Việt Nam bằng nhiều cách như gọi điện
thoại, e-mail, video, facetime là phương cách nói và nhìn hình trực tiếp cùng
một lúc, hay về thăm bằng xương bằng thịt.
Cũng vậy, sự kiện lên trời của Chúa không chấm dứt sự hiện diện của Ngài
nơi trần gian, nhưng chỉ thay đổi cách hiện diện và đánh dấu một giai đoạn mới trong
kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chúa
Giêsu Kitô không còn hiện diện nơi trần gian bằng xương bằng thịt, bằng thân
thể thông thường của con người, nhưng Chúa hiện diện qua Nhiệm Thể Tinh Thần,
đó là Giáo Hội mà Chúa đã lập nên. Và sự kiện này cũng nói lên một điểm hết sức
quan trọng khác mà chúng ta phải lưu ý, đó là, Chúa Giêsu Kitô không còn hoạt
động nơi trần gian bằng những chi thể xương thịt trong thân thể con người,
nhưng qua những phần tử trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Người. Hay nói một cách khác, Chúa Giêsu không còn
xử dụng miệng, âm thanh của thân thể để nói và dạy dỗ, hay không còn xử dụng
con tim thân xác để yêu thương, và cũng không dùng cánh tay xương thịt để dẫn
dắt. Nhưng Chúa hoạt động qua những phần tử trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Người,
trong Hội thánh. Chúa xử dụng tiếng nói
và miệng của chúng ta để an ủi và dạy dỗ.
Chúa xử dụng con tim của chúng ta để yêu thương. Chúa xử dụng bàn tay của chúng ta để dẫn dắt
và che chở. Ngày nay, Chúa xử dụng những
phương cách này để tiếp tục kế hoạch mang ơn cứu độ đến cho mọi người, và xây
dựng Nước Chúa nơi trần gian.
Ông bà anh chị em thân
mến. Đó là điều vui mừng mà chúng ta cử
hành trong ngày lễ Chúa Lên Trời hôm nay.
Thật vậy, cách đây hơn 2 ngàn năm, Chúa đã trao ban cho chúng ta trách
nhiệm và bổn phận thay mặt Chúa, trở thành những “Ki-Tô” hiện diện nơi trần
gian, để tiếp tục nói Lời Chúa, tiếp tục mang Tin mừng đến cho mọi người, tiếp
tục yêu thương những người nghèo khổ, bất hạnh, tiếp tục dẫn dắt người tội lỗi
và chưa có đức tin đến với Chúa và Chúa cũng nhờ những cánh tay, con tim và
lòng quảng đại của chúng ta để xây dựng Nước Chúa nơi trần gian. Chúa qua Thánh Thần thánh hóa, ban ơn và kêu
gọi chúng ta hãy để cho Chúa tiếp tục hiện diện và hoạt động qua chúng ta, cũng
như sai chúng ta đi mang Tin mừng ơn cứu rỗi của Thiên Chúa Cha đến cho mọi
người.
Chúng ta thấy các bài Kinh thánh hôm nay
diễn tả biến cố Chúa lên trời và trao ban sứ vụ rao giảng Tin mừng cho các môn
đệ. Trong bài đọc 1, thánh Lu-ca tường thuật cả hai biến cố: Chúa lên trời và
trao ban cũng như sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bài
đọc còn cho chúng ta biết trước ngày lên trời, Chúa Giê-su Ki-tô đã dạy bảo các
Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Sau khi sống lại, Người đã hiện
ra nhiều lần trong bốn mươi ngày, để củng cố đức tin, chứng tỏ cho các ông thấy
Người đã sống lại như lời Người đã tiên báo, sau khi đã chịu khổ hình chết trên
thập giá, và nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Chúa còn báo cho các ông biết các ông sẽ lãnh
nhận Phép Rửa bằng Thánh Thần. Thật vậy,
các Tông đồ lãnh nhận Phép Rửa này trong ngày Lễ Ngũ Tuần mà Hội thánh mừng vào
lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống tuần tới. Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô cầu nguyện cho các tín hữu
có thần trí khôn ngoan để hiểu Mầu Nhiệm Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, được thực
hiện qua Chúa Giê-su Kitô. Thánh Phao-lô xác định cho mọi người biết Chúa
Giê-su Ki-tô là đầu của Hội thánh và chúng ta là thân thể của Người, ngài nói “Thiên
Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân
Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài.” Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu truyền cho các
môn đệ phải đi rao giảng Tin Mừng, và Người ban quyền cần thiết để người khác
tin vào lời các ông rao giảng. Đây là sứ mệnh và cũng là một sự thử thách mà
Tin mừng đề cho chúng ta trong cuộc sống Ki-tô hữu.
Ông bà anh chị em thân
mến. Muốn truyền thông, muốn rao giảng
Tin mừng một cách thiết thực, chúng ta phải tha thiết, gắn bó, xử dụng và phải sống
Tin mừng là Lời Chúa. Lời Chúa phải thấm
nhuần trong đời sống chúng ta. Hôm nay, Chúa
nói với chúng ta “Các con hãy đi khắp thế
gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.” Chúng ta hỏi lại chính mình “Tôi có gắn bó và tha thiết và với Lời Chúa
không?”, “Tôi có lời Chúa trong trái tim tôi không?” “Tôi có Tin mừng trong đời sống tôi không?” Nếu
chúng ta không có, không biết Lời Chúa, không có Lời Chúa trong trái tim, không
thấm nhuần Lời Chúa trong đời sống, thì làm sao chúng ta có thể truyền thông,
có thể rao giảng Tin mừng Lời Chúa cho ai được! Nếu tôi muốn rao giảng Lời Chúa cho ông bà anh
chị em, thì tôi phải cố gắng tha thiết và gắn bó với Lời Chúa trong đời sống,
phải cố gắng đọc Lời Chúa, phải soạn và sau đó mới truyền thông, mới rao truyền
Lời Chúa.
Chúa Giêsu chỉ rao giảng Ơn
Cứu Độ 3 năm ngắn ngủi nơi trần gian, rồi Người phải từ giã các môn đệ về trời
ngự bên hữu Chúa Cha vinh hiển, và Chúa cũng muốn chúng ta “Người ở đâu thì
chúng ta ở đó.” Vì vậy Người đã ban Chúa Thánh thần để hiện diện và giúp chúng
ta chu toàn sứ mệnh Người đã giao phó cho chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta có tâm hồn khao
khát, có sự gắn bó và thành tâm sống Lời Chúa, để Lời Chúa thấm vào cuộc sống
chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta can
đảm và sức mạnh để rao truyền Tin mừng trong môi trường chúng ta đang sống là gia
đình, nơi làm việc và cộng đoàn giáo xứ, bằng những việc tốt lành, bác ái, yêu
thương và hy sinh phục vụ xây dựng Nước Chúa.
Lm. Chánh xứ

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét