
Ông bà anh chị em thân mến. Có một câu chuyện về đôi vợ chồng có 6 người
con. Như mọi cha mẹ, đôi vợ chồng này cảm
thấy cần có một ngày sống riêng với nhau, cho nên họ dặn dò và chuẩn bị con cái
chu đáo cẩn thận ở nhà. Sau đó họ lái xe
tới một cái hồ, vui hưởng thời giờ và tâm sự với nhau trên một du thuyền nhỏ.
Gió thổi nhè nhẹ và không bao lâu từ từ đưa chiếc du
thuyền xa bờ ra giữa hồ. Đang lúc hưởng
những giây phút thoải mái, thình lình bầu trời đổi thành sám vì những đám mây
đen kéo đến. Gió nhè nhẹ bây giờ trở
thành những cơn gió bão, tạo nên những làn sóng lớn và dữ dội đập vào thành
thuyền làm cho chiếc du thuyền chao đảo.
Chỉ sau mấy giây phút sau đó, chiếc du thuyền bị đắm
và biến mất dưới những ngọn sóng lớn chập chờn.
Đôi vợ chồng lấy hết sức bám chặt vào hai chiếc phao cứu cấp nhỏ. Sau 4 tiếng đồng hồ chiến đấu với những cơn
sóng lớn dữ dằn và chịu đựng khí hậu lạnh buốt, họ cảm thấy quá mệt mỏi, hết sức,
đuối hơi, và nghĩ rằng giây phút cuối cuộc đời của họ gần đến. Lấy hết tất cả sức cuối cùng còn lại, họ cùng
nhau cầu nguyện và sau đó buông tay nhau ra để mặc cho những ngọn sóng đưa đẩy.
Năm tiếng sau đó, người chồng thoi thóp, nửa tỉnh nửa
mê, trôi nổi trên mặt hồ. Anh lấy hết sức
gọi tên người vợ, nhưng không có tiếng trả lời, và anh cảm thấy mất hết hy vọng. Anh nghĩ tới sự đau đớn lúc phải nói với các
con mẹ của chúng đã chết chìm, và có cảm giác kinh hoàng không biết mình có thể
sống sót không.
Trong lúc nguy khốn đó, anh nghĩ tới một câu trong
Thánh vịnh 50 “Hãy kêu cầu Ta trong ngày cùng khốn, Ta sẽ giải thoát, và ngươi
sẽ làm hiển danh Ta.” (Tv. 50, 15) Anh bắt
đầu kêu cầu Chúa với tất cả lòng tin và cậy trông vào chủ quyền của Chúa. Sau đó một sự kiện xảy ra, trong lúc giọng
nói của anh từ từ yếu đi và nhỏ dần, một chiếc thuyền cấp cứu đã nhìn thấy anh
và tăng tốc chạy đến. Trong khi anh được
dìu kéo lên thuyền từ dòng nước giá lạnh, anh hỏi những người cấp cứu có tin tức
gì về vợ anh không. Họ trả lời không.
Họ không có tin tức và không nghe thấy gì về vợ anh.
Thình lình, một sự lạ thường xảy ra, họ nhìn thấy hình
dáng của vợ anh ở khoảng cách xa xa đang trôi nổi trên mặt hồ. Khi đến nơi, họ thấy người vợ đang run cầm cập
vì giá lạnh nhưng còn sống. Sau đó là giây phút trùng phùng trong nước mắt, và họ
cùng chung trong lời cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa.
Khi về nhà, vợ chồng và những người con tụ họp lại, tiếp
tục cầu nguyện dâng lời cảm tạ tri ân Chúa.
Họ cảm tạ Chúa, không những đã cứu thoát họ khỏi chết, mà còn lôi kéo vợ
chồng và gia đình đến gần Chúa, và với nhau một cách khắng khít hơn, kết quả
sau một cơn nguy khốn trong cuộc đời.
Ông bà anh chị em thân mến. Câu truyện đôi vợ chồng trên đây có một sự
tương đồng với câu truyện trong bài Tin mừng hôm nay. Trong hai câu truyện đều có những người có cảm
giác kinh hoàng sợ hãi cho tính mạng trong một cơn bão tố trên biển hồ. Cả hai câu truyện đều có những người trong
lúc đối diện với sự kinh hoàng và cơn khốn khó đều kêu cầu Chúa giúp đỡ, và được
Chúa nghe lời và cứu chữa. Đức tin của họ được củng cố, trở nên vững mạnh hơn,
kết quả của một kinh nghiệm khốn khó, sóng gió trong cuộc đời.
Hai câu truyện trên cũng gởi đến cho chúng ta một sứ
điệp quan trọng, và sứ điệp này có 2 khía cạnh mà chúng ta thường quên và cần
được nhắc lại. Thứ nhất, hai câu truyện
trên đây là sứ điệp nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống sẽ có những cơn khốn khó,
sóng gió xảy ra, nhưng lôi kéo chúng ta đến gần với Chúa và với nhau hơn. Tôi xin nhấn mạnh có những trường hợp xảy ra lôi kéo chúng ta đến với Chúa và với
nhau hơn, vì không phải trường hợp nào cũng có kết quả như vậy, sự thật, có những
trường hợp ngược lại. Một sự khó khăn
hay cơn sóng gió xảy ra trong cuộc sống có thể tách rời và đưa chúng ta xa Chúa,
mất đức tin và xa nhau hơn, làm cho cha mẹ, vợ chồng, con cái bất hòa, đưa tới
cảnh ly dị, con cái lâm cảnh khốn khổ, xa lìa anh chị em, thân nhân bạn bè, thậm
chí xa cả cộng đoàn giáo xứ nữa.
Và tới đây chúng ta nhận thấy, cả hai câu truyện trên
đây cho chúng ta bài học quan trọng và giúp chúng ta phân biệt được một sự khác
biệt to lớn. Sự khác biệt mà một sự khó
khăn, một cơn sóng gió trong đời lôi kéo chúng ta đến gần Chúa và gần nhau hơn,
hay tạo nên một khoảng cách, cách biệt chúng ta xa Chúa và xa nhau hơn là cầu nguyện. Nhưng chúng ta phải ý thức rằng không phải bất
cứ sự cầu nguyện nào, nhưng là cách cầu nguyện mà Chúa Giê-su dạy các môn đệ cầu
nguyện. Cách cầu nguyện Chúa dạy là chúng
ta đặt trọn niềm tin nơi Chúa và trong thánh ý của Chúa cho chúng ta. Đó là cách cầu nguyện mà chính Chúa Giê-su đã
làm gương cho các môn đệ và cho chúng ta khi Chúa cầu nguyện trong vườn Giệt-si-ma-ni,
Chúa thưa với Chúa Cha “Lạy Cha …. Nhưng xin đừng theo ý con muốn, một theo ý
Cha.” (Lc. 22, 42)
Chúng ta phải biết rằng một sự cầu nguyện mà không có
ý nguyệnn hay một niềm tin nhận biết Thiên Chúa biết những gì tốt đẹp cho chúng
ta, thì thật sự không phải là lời cầu nguyện.
Một cách cầu nguyện không phải là một sự cầu nguyện chính đáng nếu chúng
ta có thái độ coi Chúa như là một người tôi tớ, bắt Chúa phải vâng theo ý muốn
của chúng ta, phải nghe lời chúng ta phán bảo, hay làm những điều chúng ta mong
muốn ngay. Đây là biểu hiệu lòng ích kỷ
và không có lòng tin thật. Chúng ta phải
có thái độ và lòng tin Chúa là người Cha nhân từ và yêu thương chúng ta như một
người mẹ hiền, hay một người cha nhân từ, như chúng ta mừng ngày Hiền phụ hôm
nay. Chúng ta phải tin Chúa biết điều gì
tốt đẹp nhất cho chúng ta.
Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta nhận biết trong cuộc sống sẽ có những
khó khăn, thử thách, sẽ có những cơn bão hay giống tố xảy đến. Những sự kiện này có thể lôi kéo đưa chúng ta
đến gần Chúa hơn, hay ngược lại làm chúng ta xa cách Chúa, và sự khác biệt là cầu
nguyện, nhưng là sự cầu nguyện mà Chúa dạy chúng ta cầu nguyện như Chúa phán:
“Lạy Cha …. Nhưng xin đừng theo ý con muốn, một theo ý Cha.” Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn đặt
trọn niềm tin, cậy trông và phó thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, chứ
không phải chỉ lúc gặp khó khăn hay sóng gió mà thôi.
Lm. Chánh xứ

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét