Ông
bà anh chị em thân mến. Bài đọc 1 Chúa
nhật tuần trước cho chúng ta biết về sự thành công trong các cuộc hành trình
rao giảng Tin mừng của thánh Phao-lô, dẫn dắt nhiều người Do thái và ngoại đạo
tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai. Nhưng trong khi đó cũng tạo ra những sự chống
đối, ganh ghét và thù hằn.
Trong bài đọc
1 hôm nay, thánh Phao-lô quay trở lại thăm các cộng đoàn Ki-tô hữu ở
An-ti-ô-ki-a. Mặc dù đã bị đối xử một
cách không tốt đẹp từ những người chống đối trong hành trình trước đây, nhưng không
vì thế mà ngài sợ hãi. Ở tại cộng đoàn
này, thánh Phao-lô biết được những khó khăn và thử thách trong đời sống của những
Ki-tô hữu, đồng thời chứng kiến sự thành công của sứ mạng rao giảng lời Chúa,
và sự can đảm chứng nhân là môn đệ Chúa Ki-tô của mình, nhiều người tin và sống
theo giới răn Chúa dạy.
Trong
bài đọc 2 hôm nay chúng ta nghe đoạn cuối của sách Khải huyền theo thánh Gioan,
và chương cuối này cho chúng ta biết mu5ch đích, ý nghĩa hay điểm chính của
sách này. Chúng ta thấy bài đọc 2 của những
Chúa nhật tuần vừa qua cũng trích trong sách Khải huyền, tiên đoán chiến tranh,
loạn lạc, nhiều sự đau khổ và kinh hoàng sẽ xảy ra, được diễn tả qua những hình
ảnh kinh sợ. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào
bài học lịch sử của thế giới, đều xác nhận sự tiên đoán khốc liệt của sách Khải
huyền rất chính xác, có nghĩa là phải trải qua loạn lạc, sự kinh hoàng và đau
khổ thì mới tới vinh quang, thì mới có hòa bình, vì loạn lạc và đau khổ là phần
cuộc sống của thế giới ở trần gian này.
Mấy
ngày trước đây, tôi có đọc được một bài báo có tựa đề: NGƯỜI VIỆT ĐỘC
ÁC VỚI NHAU TỪ BAO GIỜ VÀ BAO GIỜ SẼ THÔI?
Trong bài báo này, tác giả cho biết ngày nay mỗi năm có thêm hàng mấy trăm
ngàn người Việt ở quê nhà bị đau khổ hành hạ vì bệnh ung thư, và có đến hơn 70
ngàn người chết. Lý do vì bị chính hành
động độc ác của người Việt đầu độc nhau bằng thực phẩm, rau và hàng hóa nhiễm độc,
pha, tẩm chất hóa học. Bây giờ trên cả nước không tìm đâu ra một tiệm bán đồ
ăn, bán rau an toàn. Sau năm 1975, chúng
ta thấy mọi người tìm đủ mọi cách để sống, ngày nay người ta tìm để mọi cách để
có lợi nhuận, kể cả những hành động độc ác đầu độc giết hại lẫn nhau, lan tràn
khắp cả nước, và thấm vào mọi tầng lớp dân chúng. Tác giả bài báo cho rằng vì “điều kiện xã hội, cơ chế chính trị đã khơi mầm tội ác
và ngăn chận những mầm tốt được sản sinh.” Chúng
ta có thể đặt câu hỏi: “Bao giờ người Việt mới cảnh tỉnh? Bao giờ hành động này sẽ chấm dứt?” Tác giả bài báo đã kết luận rằng: “Người Việt có khả năng vươn lên như bất cứ dân tộc, quốc
gia nào trên thế giới nếu có cơ hội, và cơ hội đó không do ai ban phát mà phải
tự tạo cho chính mình.” (Chân Trời Mới Media. Nguồn: FB Trần Trung Đạo)
Tôi
nghĩ rằng chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới có thể biến đổi lòng dạ con người
mà thôi. Chỉ khi nào người ta có một lòng tin thực sự vào tình yêu và lòng
thương xót của Chúa, thì người ta mới tỉnh ngộ và chấm dứt không đầu độc, giết
hại lẫn nhau. Chúng ta hãy đặt niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa, và cầu
nguyện cho anh chị em đang đau khổ, đang chịu cảnh gian truân.
Bài
đọc 1 cho chúng ta biết khi thánh Phao-lô đến củng cố tinh thần và đức tin của
các môn đồ và Ki-tô hữu, ngài khẳng định rằng: “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi
gian truân mới được vào nước Thiên Chúa.” Ngài không nói nếu chúng ta tin và theo Chúa,
chúng ta sẽ không bao giờ phải đối diện với những gian truân và đau khổ. Nhưng gian
truân và đau khổ của những người tin theo Chúa khác biệt với những gian truân
và đau khổ thường tình trong cuộc sống.
Tôi tin chắc chắn những người không có Chúa Giê-su trong cuộc sống, đau
khổ một cách khó khăn hơn, vì họ không được chia sẻ ơn sủng, ý nghĩa và cảm nghiệm
tình yêu của Chúa. Loạn lạc, gian truân
và đau khổ sẽ đến hiện diện trong đời sống của tất cả mọi người sống trên mặt
trái đất này, nhưng đó không phải là điểm chính hay ý nghĩa chính của sách Khải
huyền. Ý nghĩa chính của sách Khải huyền
là chiến thắng vinh hiển cho những người trung thành tin theo và yêu mến Chúa
Giê-su Ki-tô. Bài đọc 2 hôm nay bắt đầu
chương cuối của sách Khải huyền và cho chúng ta biết sự vui mừng vinh hiển qua
hình ảnh Thiên Chúa sẽ thiết lập một trời mới, đất mới.
Ông
bà anh chị em thân mến. Con đường dẫn dắt chúng ta đến công việc tạo dựng một
công trình mới của Thiên Chúa là một giới răn mới mà Chúa Giê-su ban cho chúng
ta: “Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn
cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các
con yêu thương nhau.” Có lẽ nhiều người
thắc mắc tự hỏi có điều gì mới mẻ về giới răn yêu thương này? Chúng ta đã nói và đã nghe rất nhiều về yêu
thương. Thưa, đây là điều mới cho chúng
ta. Chúng ta, là những con người bình
thường, phải tuân theo mệnh lệnh yêu thương và yêu thương theo đường lối của
Thiên Chúa. Có nghĩa là chúng ta phải
yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta. Chúng ta biết, người đời thường chỉ
yêu những ai yêu mình, có lợi cho mình, theo bản tính ích kỷ của mình. Chúa muốn
các môn đệ phải yêu như Chúa đã yêu, yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù
ghét. Tình yêu của Chúa được diễn tả
cách cụ thể qua sự tha thứ, phục vụ, hy sinh, quảng đại, đau khổ và chết trên
thập giá. Tình yêu Chúa kêu mời chúng ta
không độc ác với nhau, không thù ghét, làm hại người khác bằng bất cứ hình thức
nào. Nhưng làm sao chúng ta có thể thực
hành những điều quá cao, vượt trên bản tính loài người của chúng ta? Thật vậy, chúng ta chỉ có thể yêu thương theo
như tình yêu của Chúa khi chúng ta có Chúa ở trong tâm hồn và trong đời sống, giúp
chúng ta yêu thương cách này mà thôi. Tầm
quan trọng của tình yêu thương Chúa trong tâm hồn chúng ta thúc đẩy chúng ta
chia sẻ sự yêu thương của Chúa với người khác trong vui mừng và an bình của
Chúa, một sự an bình mà thế gian không thể ban cho chúng ta, và một sự vui mừng
chỉ phát xuất từ Chúa mà ra thôi. Chúa nói: “Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy
truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền
của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều
đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn.”
(Ga. 15, 9-11)
Để
mọi sự có thể xảy ra, điều quan trọng là chúng ta phải luôn có một sự liên hệ mật
thiết với Chúa Giê-su, và đón nhận Ngài vào trong tâm hồn chúng ta. Chúa Giê-su
đã thực hiện điều đó một cách quyền năng và độc nhất trong Bí tích Thánh Thể mà
chúng ta bây giờ cử hành. Xin Chúa giúp
chúng ta biết mở tâm hồn đón nhận Ngài.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét