
Có
một câu chuyện vui được kể như sau. Một
người đàn ông nghèo rách rưới được xe cấp cứu chở vào một bệnh viện tên là Nhân
từ để giải phẫu tim. Cuộc giải phẫu
diễn ra tốt đẹp và thành công. Bệnh nhân từ từ tỉnh dậy và thấy một sơ dòng
Chúa Nhân Từ đứng bên cạnh giường. Sơ đặt tay nhẹ vào vai và chào hỏi: “Thưa
ông, mọi sự tốt đẹp và ông sẽ bình phục. Thế nhưng bệnh viện muốn biết ông sẽ
thanh toán tốn phí mổ tim
bằng cách nào. Ông có bảo hiểm Obamacare không?” Bệnh nhân thều thào trả lời “Thưa sơ
không.” “Vậy ông có thể trả bằng tiền mặt được không?” “Thưa tôi không có tiền
mặt. Tôi không thể trả được.” “Vậy thì
ông có bà con thân thuộc không?” “Dạ thưa, tôi chỉ có một người chị đang sống ở
tiểu bang Texas, và cũng là một sơ thuộc dòng đi dòng dòng.” “Thưa ông” sơ gắt tiếng “Tôi xin sửa sai
ông. Các sơ không đi dòng dòng, họ kết
hôn với Thiên Chúa.” “Thật tốt quá”, bệnh nhân trả lời, “Trong trường hợp đó,
xin sơ gởi bill tốn phí về cho người anh rể của tôi!”
Ông
bà anh chị em thân mến. Tuần này chúng ta mừng kính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba
Ngôi, một mầu nhiệm cao siêu và quan trọng nhất, có ảnh hưởng quan trọng đến
đời sống Ki-tô hữu của chúng ta. Là một mầu nhiệm vượt qua khỏi trí khôn và sự
suy gẫm của con người, nhưng được chính Chúa Giê-su mặc khải cho Giáo hội.
Thiên Chúa có 3 ngôi, Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ba ngôi riêng biệt
nhưng cùng một bản tính Thiên Chúa. Thòi gian trước Chúa Giêsu, nhân loại kể cả
dân Do thái, dân riêng của Chúa, không biết gì về mầu nhiệm này. Kinh thánh Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa
duy nhất, Đấng tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Nhưng qua thời Tân ước, chính Chúa
Giêsu, trong khi giảng dạy đã mạc khải dần dần cho chúng ta biết, để chúng ta
có một niềm tin vững chắc, và được kết hợp mật thiết với Chúa và với mọi người,
theo mẫu gương Chúa Ba Ngôi. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết một mầu nhiệm quá cao siêu như thế.
Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa là tình yêu. Thật vậy, Thiên Chúa là Tình yêu và mầu nhiệm
Chúa Ba Ngôi diễn tả và nói lên điều đó. Thiên Chúa yêu thương con người, và vì
yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh của Chúa, và muốn con
người cũng được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội không vâng lời
Chúa nên đánh mất hạnh phúc. Dù vậy, Thiên Chúa không từ bỏ con người, do đó,
Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu chuộc. Người Con Một là Chúa
Giê-su đã vâng lời Chúa Cha, khiêm nhường đến trần gian mặc lấy bản tính thấp
hèn con người để thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Người đã về
trời, và sai Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần
đến để tiếp tục công việc của Người, liên kết mọi người trong tình yêu thương
hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu ơn cứu độ của
Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ và tràn đổ xuống cho tới chúng ta hôm nay và
mãi về sau nữa.
Vì
thế, ông bà anh chị em thân mến, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo
hội không những nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, mà còn mời
gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Như tình yêu thương luôn liên kết
Ba Ngôi Thiên Chúa, cuộc sống của người Kitô hữu cũng phải phản ảnh tình yêu
thương hiệp nhất đó. Sống yêu thương hiệp nhất là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý
nghĩa cuộc sống làm con Chúa.
Vì
tình yêu gắn liền với đời sống con người, cho nên thánh Au-gus-ti-nô đã nói: “Nếu
bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi.” Chúng ta có thể cảm nghiệm và nhìn thấy tình
yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi qua những hành động yêu thương, hiệp nhất, quảng
đại, hy sinh và phục vụ trong cộng đoàn Ki-tô giáo. Yêu thương là ban tặng cuộc
sống cho người khác, như trường hợp của Chúa Cha mà Chúa Giêsu nói tới trong
Tin mừng Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thương
thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3, 16). Hay chính
trường hợp của Chúa Giêsu: “Không có tình
thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga
15, 13). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Cũng như vợ chồng yêu thương nhau, dâng hiến hoàn
toàn sự sống con người: thân xác và tâm hồn cho nhau, gắn bó và kết hợp trở nên
một, để kiến tạo và xây dựng hạnh phúc cho nhau, và tiếp tục công trình tạo dựng
sự sống của Thiên Chúa. Trong Thiên Chúa Ba Ngôi cũng thế. Ba Ngôi chia sẻ cùng một bản tính và sự sống
thần linh. Và chính sự sống thần linh duy nhất làm cho Ba Ngôi là một. Chúa Cha
đã sai Chúa Con mang sự sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ cho nhân loại
chúng ta. Sự sống ấy là Bánh bởi trời mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh
Thể.
Chúng
ta phải luôn ý thức, chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa tình
yêu. Đời sống Ki-tô hữu chỉ có ý nghĩa
khi biết yêu thương và hiệp nhất. Chúng ta chỉ được an bình và hạnh phúc khi
tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta nhận biết tội lỗi, sự dữ
và ma quỉ làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ích kỷ, ghen ghét, hận thù, chia rẽ và gian
dối làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc và méo mó, không còn giống hình ảnh,
khuôn mặt Thiên Chúa. Nhưng khi mọi chi thể trong thân thể Chúa
Ki-tô, cũng như khi mọi thành phần dân Chúa, mọi người trong cộng đoàn giáo xứ
biết bỏ đi những sự ích kỷ, ghen ghét, nói xấu, hay chia rẽ, biết tha thứ, hiệp
nhất, yêu thương và hy sinh, là phản ảnh và diễn tả được phần nào mầu nhiệm của
Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng như chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin mừng mà Chúa Giêsu
đã giao phó cho chúng ta. Là những Ki-tô hữu, chúng ta được kêu gọi noi
gương Thiên Chúa Ba Ngôi, sống hiệp nhất yêu thương, liên kết và giúp đỡ nhau sống
đức tin, sống trong tình yêu thương hiệp nhất, trở nên Một Thân Thể Chúa Ki-tô.
Xin Chúa cho mọi cá nhận, mọi gia đình
trong giáo xứ và hiện diện luôn biết sống và tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi
trong cuộc sống đức tin, trong đời sống Ki-tô hữu.
Lm. Chánh xứ

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét