Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Chúa Nhật 12 Thường niên. Năm C_2016


Trong tuần lễ Ngày Của Cha, trước hết tôi xin gởi lời chúc mừng đến tất cả người cha và nhất là quí vị trong nhóm gia trưởng trong giáo xứ một ngày thật vui mừng và nhiều ơn lành của Chúa.  Tôi xin kể một câu truyện vui như sau.  Một linh mục gặp bà mẹ mà linh mục đã làm đám cưới năm xưa và hỏi:
“Chồng của chị có sống đúng với lời đã hứa với chị trước khi kết hôn không?” “Thưa cha đúng như vậy.”  Bà mẹ trả lời, và nói tiếp:  “Trong thời gian chúng con hẹn hò gặp gỡ để tìm hiểu, anh thường tâm sự với con ‘Thú thực, anh đơn sơ và nghèo khổ không đủ sức làm cho em thỏa mãn và sung sướng’ và thực vậy, anh đã chứng minh và sống đúng như thế cho đến ngày nay!!!” 

Theo quan niệm của người Hoa kỳ, một người cha tốt luôn luôn tận tâm và tận lực cho con cái, làm gương tốt và dạy con cái những giá trị tinh thần cao quí.  Một người cha có tấm lòng tận tâm cho con cái thường cầu nguyện và hát cho con nghe những bài hát đạo trước khi chúng ngủ.  Nhưng đã không hát nữa vì một đêm ông nghe đứa con trai 7 tuổi nói với em trai 4 tuổi “Nếu mày giả bộ ngủ thì cha sẽ không hát nữa.”  Chúng ta thấy tận tâm, tận lực cho con cái nhiều khi không được con cái nhận ra, trân quí và biết ơn ngày nay, thậm chí hành động và đời sống làm cho cha mẹ buồn khổ, đau lòng.  Có lẽ Cha chúng ta trên trời cũng đau buồn về thái độ và lối sống của chúng ta đối với những lời Chúa dạy.  Là những Ki-tô hữu, tin vào Cha, nhưng chúng ta có nhận ra Cha là ai, và có lắng nghe, trân quí và sống lời Chúa dạy không?

Đi vào Lời Chúa bài Tin mừng hôm nay, có lẽ Chúa Giê-su cũng rất đau buồn về thái độ của dân chúng.  Người dạy dỗ và làm nhiều phép lạ trước mặt dân chúng, nhưng họ vẫn làm ngơ và không tin vào Chúa.  Bài Tin mừng làm cho tôi nhớ lại câu chuyện được Đức thánh cha Phan-xi-cô kể lại trong một Thánh lễ.  Một hôm ngài đi thăm không chính thức một bệnh viện địa phương và được dẫn đến khu vực của người tâm thần. Ngài vào phòng của một người đàn ông, bắt tay và ân cần hỏi thăm, nhưng ông ngơ ngác lờ đi. Đức thánh cha và những người tùy tùng cố gắng làm ông chú ý nhưng ông vẫn phớt lờ đi.  Cuối cùng Đức thánh cha hỏi ông “Ông có biết tôi là ai không?” Người đàn ông trả lời “Không.  Nhưng nếu ông hỏi người y tá thì cô sẽ cho ông biết ông là ai!”

Chúng ta phải để ý trong bài Tin mừng hôm nay, khi Chúa Giê-su hỏi các môn đệ Người là ai, không phải là Người không biết Người là ai.  Chắc chắn Chúa biết Người là ai.  Những lời giảng dạy có uy quyền cũng như những phép lạ Người làm vượt qua sức mạnh của loài người và của thiên nhiên minh chứng xác nhận Người là ai. Chúa chỉ muốn biết các môn đệ của mình đã bắt đầu nhận ra Người là ai, và bắt đầu hiểu những lời Người thường giảng dạy cho họ chưa.  Qua câu trả lời của Phê-rô, chúng ta biết Phê-rô đang từ từ nhận ra Chúa là ai, nhưng sự hiểu biết này chỉ là bước đầu.  Các môn đệ còn phải học hỏi nhiều, trước khi họ có thể làm chứng cho Chúa và dạy cho người khác được.   Thật vậy, lúc đó các môn đệ chưa hiểu tại sao Đấng Được Sức Dầu, Đấng Ki-tô mà phải chịu khổ hình và chết trên thập giá. Sau khi Chúa chịu những điều đó và đã sống lại như lời Người đã nói, các ông mới thật sự hiểu được Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Đấng Thiên Sai.  Do đó, chúng ta nghe Chúa Giê-su ngăn cấm các môn đệ không được nói những điều đó với người khác.  Sau đó, Chúa tuyên bố với mọi người: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.  Vì kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó.  Còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống mình.”  Chúa kêu gọi và Chúa ban cho chúng ta nhiều ơn lành hồn xác để chúng ta chu toàn.

Lịch sử nước Việt Nam chúng ta có ghi chép một sự kiện xảy ra vào năm 1284, khi đội quân hùng mạnh của đế quốc Mông cổ tràn xuống xâm lăng, từ 2 phía Nam và Bắc với một lực lượng quân đội hùng mạnh.  Quân Mông cổ đánh chiếm nhiều tỉnh và sau đó đã chiếm được thành Thăng Long là thủ đô nước Việt, bây giờ là Hà Nội. Trước khí thế hùng mạnh của quân xâm lăng, vua Trần Thánh Tông lúc đó phải lui quân về phía Nam, và sau đó ra lệnh triệu tập Hội Nghị Diên Hồng gồm các vị trưởng lão và những người có thế lực trong dân.  Khác với các hội nghị trước, Hội nghị Diên Hồng lần này không bàn về chiến lược bảo vệ hay chống trả lại quân xâm lăng, mà chỉ bàn về lời kêu gọi khẩn thiết của vua là có nên hòa, có nghĩa là đầu hàng, hay nên đánh bảo vệ quên hương đất nước.  Toàn thể mọi người tham dự hội nghị đều đồng thanh nhất trí hô to: “Nên đánh.”   Lịch sử đã ghi lại cho chúng ta biết rằng sau đó, mọi người đã chịu đói khổ, gian truân và nguy hiểm, ngày đêm hăng say tập luyện.  Qua sự quyết chí và can đảm của mọi tầng lớp dân chúng, dưới sự điều động và chỉ huy của một vị tướng tài ba là Trần Hưng Đạo, quân dân Việt đã từ từ phản công và đánh đuổi quân xâm lăng Mông cổ ra khỏi đất nước.

Ông bà anh chị em thân mến. Chúa Giêsu Ki-tô cũng đưa ra một lời kêu gọi tương tự với chúng ta hôm nay.  Thế nhưng lời kêu gọi của Chúa không phải là cầm súng gươm đánh giặc xâm lăng, mà là một lời kêu gọi mọi người chúng ta chân thành lắng nghe và sống lời Chúa dạy, trở thành những chứng nhân cho Chúa, hy sinh cùng chung sức xây dựng Nước Chúa, và can đảm bảo vệ những giá trị hôn nhân gia đình đang bị kẻ thù là ma quỉ tìm cách phá hoại, tìm cách tiêu diệt.  Sứ mệnh Chúa kêu gọi không dễ dàng, do đó Chúa nhắc nhở: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Ta.”

Qua dòng lịch sử của Giáo hội, từ ngày Chúa tuyên bố lời kêu gọi này đến nay, đã có biết bao nhiêu người có lòng tin vững chắc vào Người, chân thành chấp nhận lời kêu gọi và hợp tác với Chúa, chấp nhận những khó khăn, hy sinh làm chứng cho Chúa và loan truyền ơn cứu độ. Chúng ta thấy nhiều người có lòng bác ái và quảng đại hiến thân xây dựng Nước Chúa, và giúp biến đổi xã hội và cộng đoàn trở nên nơi như lòng Chúa mong ước.

Ngày nay, chúng ta tin Chúa là Đường là Sự Thật, là Sự Sống, là Đấng đã chết trên thập giá để ban cho chúng ta ơn cứu độ, ban cho chúng ta bình an, hạnh phúc đời này và đời sau.  Xin Chúa ban ơn, thêm sức cho chúng ta hôm nay để chúng ta chân thành lắng nghe lời Chúa, can đảm vác thập giá, trở thành chứng nhân cho Chúa bằng đời sống tốt lành, ngay thẳng, và luôn trung thành với giới răn của Chúa và giáo huấn của giáo hội, cho dù phải thiệt thòi, bị chỉ trích và nhạo báng. Đồng thời biết hy sinh hiệp nhất và có tấm lòng quảng đại cùng nhau để xây dựng giáo xứ, Nước Chúa trần gian.

Lm. Chánh xứ



Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....