Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta nhận thấy rõ ràng Lời Chúa của Chúa
nhật tuần thứ 17 hôm nay muốn dạy chúng ta không những về cầu nguyện, mà còn phải
kiên trì, nhẫn nại trong sự cầu nguyện.
Xin kể câu truyện vui. Một người đàn ông lái
xe loanh quanh tìm một chỗ trong bãi đậu xe. Mồ hôi tóat ra ướt đẫm vì gần đến
giờ của buổi họp rất quan trọng mà chưa tìm được một chỗ đậu. Nhìn lên trời ông cầu nguyện “Lạy Chúa xin
giúp con tìm được một chỗ đậu xe, con hứa sẽ đi tham dự Thánh lễ Chúa nhật hàng
tuần ở nhà thờ thánh Giuse suốt đời con.”
Lạ lùng thay, ông nhìn thấy một chỗ ngay trước tòa nhà của buổi họp. Người đàn ông ngước mắt lên trời và nói “Thưa
Chúa, thôi con không muốn làm phiền Chúa nữa, con đã tìm ra một chỗ.”
Trước hết, để hiểu rõ thánh ý Chúa muốn nói
và dạy chúng ta điều gì, chúng ta trở lại bài Tin mừng Chúa nhật 2 tuần trước
đây. Một người thông luật đến hỏi Chúa
Giê-su: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được đời sống đời đời?” Chúa đã dạy ông
“Hãy
yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí
khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình.” Sau đó Chúa đã dùng câu truyện người Samarita
nhân từ, tốt lành và quảng đại để dạy cho ông biết anh chị em mình là ai. Trong bài Tin mừng tuần trước, chúng ta nghe
câu truyện hai chị em Mát-ta và Maria đón mời Chúa vào nhà. Bà Maria dành thời giờ ngồi dưới chân Chúa
chú ý lắng nghe lời Chúa dạy. Có lẽ 2
bài Tin mừng này muốn cho chúng ta biết là Ki-tô hữu muốn có sự sống đời đời,
chúng ta phải thứ nhất làm việc tốt, có lòng bác ái và quảng đại với tha nhân,
và thứ hai phải trở nên tốt lành, có một sự liên hệ mật thiết với Chúa qua sự lắng
nghe Lời Chúa.
Bài Tin mừng hôm nay tiếp theo ngay sau
bài Tin mừng tuần trước, vì vậy thánh Luca muốn nhấn mạnh cho chúng ta biết tầm
quan trọng và cần thiết của việc hy sinh dành thời giờ lắng nghe Lời Chúa, cho
nên thánh Luca muốn dạy chúng ta một bài học về cầu nguyện, bởi vì cầu nguyện
là nền tảng đời sống KI-tô hữu. Nếu
không có đời sống cầu nguyện, thì không phải là Ki-tô hữu chân chính, không biết
Chúa là ai. / Tin mừng cho chúng ta biết hôm ấy, Chúa Giêsu vừa cầu
nguyện xong, Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa mà còn cầu nguyện để làm gương cho
chúng ta, các môn đệ đến hỏi Ngài: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.”
Chúa đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng
Kinh Lạy Cha. Chúng ta rất quen thuộc với Kinh Lạy Cha trong Tin mừng của thánh
Mát-thêu mà chúng ta thường đọc. Kinh Lạy
Cha trong Tin mừng thánh Lu-ca hôm nay ngắn gọn hơn. Trước hết, Chúa dạy các
môn đệ cầu nguyện để biết chủ đích sống đời sống đức tin của mình làm sáng danh
Chúa và làm cho Nước Cha trị đến, cộng tác với Chúa trong kế hoạch cứu độ nhân
loại như chính Chúa đang thực hiện. Thứ hai, cầu nguyện để xin Chúa Cha ban cho
những nhu cầu cần thiết cho thân xác, mà còn nhận ra và “ăn” những nhu cầu cần
thiết cho đời sống tinh thần, đó là, Lời Chúa dạy và siêng năng, sốt sắng lãnh
nhận Thánh Thể. Thứ ba, biết sống nhân từ, tha thứ những lỗi lầm cho người khác
như Chúa đã thương xót tha thứ tội lỗi chúng ta. Và sau cùng, cầu nguyện để có can đảm và sức
mạnh tránh xa những sự dữ, gian dối và cám dỗ của ma quỉ, thế gian và bởi cái
tôi của mình. Sau khi đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, Chúa
Giêsu còn đưa ra dụ ngôn “Xin bánh ban đêm” để dậy chúng ta phải có niềm tin vững
chắc vào tình yêu thương của Chúa Cha cho chúng ta, do đó phải có thái độ kiên
trì, nhẫn nại trong cầu nguyện.
Ông bà anh chị em thân mến. Kiên trì và nhẫn nại cũng là ý nghĩa của bài
đọc một hôm nay. Bài đọc 1 Chúa nhật tuần
trước cho chúng ta biết ông Abraham đã tiếp đón 3 người khách lạ một cách thân
tình. Sau đó, Abrahan biết 1 trong 3 người
khách lạ là chính Thiên Chúa đang trên đường tới 2 thành phố gần Biển Chết. Sau đó Chúa đã mời ông cùng đi và trên đường
đi, Chúa cho ông biết 2 thánh phố Sô-đô-ma và Gô-mô-ra sẽ bị tiêu diệt vì đời sống
sa đọa, vô luân lý và tội lỗi quá nặng nề. Chúng ta nhận thấy Abraham kiên trì
nài nỉ cầu xin Chúa tha thứ nếu ông tìm thấy chỉ có mấy người công chính trong
thành. Chúng ta hãy tưởng tượng Chúa sẽ
làm gì, hay 2 thành phố đó sẽ ra sao nếu ông Abraham không dừng lại ở con số
10, mà còn kiên trì nài nỉ xuống những con số thấp hơn!
Kiên trì cầu nguyện là một bài học rất
quan trọng mà chúng ta cần phải học để trưởng thành trong đời sống tinh thần. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta học bài học
kiên nhẫn chờ đợi tại ngã tư đường, tại văn phòng bác sĩ, tại các chỗ buôn bán,
shopping centers hay tại các tiệm ăn. Chúng ta biết trong nhiều công việc hay
nhiều hoàn cảnh, nếu muốn thành công hay đạt được những gì chúng ta mong ước phải
có sự kiên nhẫn chờ đợi. Hơn nữa kiên nhẫn
tăng phẩm giá con người và giúp chúng ta trở thành những người văn minh. Thế nhưng nhiều khi trong đời sống tinh thần,
chúng ta lại không có đức tính kiên trì trong sự cầu nguyện, hay cầu xin. Chúng ta cho rằng chúng ta không cần phải kiên
trì cầu nguyện “thông báo” cho Chúa biết những gì chúng ta muốn, cần, hay không
phải đánh thức Chúa dậy vì Chúa biết tất cả mọi sự trong đời sống chúng
ta. Chúng ta muốn Chúa phải trả lời những
gì chúng ta thắc mắc, hay phải ban ngay cho chúng ta những gì chúng ta muốn hay
cầu xin.
Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với thái độ kiên
trì và nhẫn nại, không phải là Chúa không yêu thương, hay không biết, hay không
nghe những lời chúng ta cầu nguyện hay kêu xin, cũng không phải Chúa làm ngơ
hay không muốn ban, nhưng Chúa muốn tăng thêm và muốn đức tin của chúng ta trưởng
thành hơn. Chúng ta cần phải biết 2 điều quan trọng. Một là phải có niềm tin vững chắc vào tình
yêu, lòng thương xót và sự quan phòng của Chúa cho chúng ta, và thứ hai là điều
chúng ta cầu xin. Chúa có thể không ban điều chúng ta xin, mà vẫn nghe lời
chúng ta và ban cho chúng ta một ơn khác. Vì lẽ điều chúng ta xin có thể sẽ
không đem lại lợi ích thiêng liêng, nhiều khi còn hại cho cuộc sống hiện tại,
hay tương lai, hay cuộc sống đời đời của chúng ta. Ngoài ra, Chúa biết chúng ta
cần gì và ban cho chúng ta những ơn chúng ta không nghĩ tới hay không xin. Chúng
ta phải luôn ý thức Chúa yêu thương và quảng đại với chúng ta như người chủ
vườn gieo giống ban ơn một cách rộng rãi.
Phần cuối bài Tin mừng, Chúa nói “Các con hãy xin thì sẽ được”, có nghĩa là chúng ta sẽ nhận được điều chúng ta xin. Chúng
ta Cầu xin Chúa giúp chúng ta biết lắng nghe và sống Lời Chúa dạy, cũng như
nhận ra sự quan trọng và cần thiết của sự cầu nguyện trong đời sống đức tin,
trong đời sống Ki-tô hữu, để chúng ta sống mật thiết với Chúa đời này, và được
hưởng hạnh phúc vĩnh cửu đời sau như lời Chúa hứa.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét