Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Chúa Nhật 28 Thường niên. Năm C_2016

 

Ông bà anh chị em thân mến. Mấy ngày trước đây, tôi có đọc được 1 bài, viết về một sự kiện khiến cho những người Việt trong nước phải ngạc nhiên không ít, đó là, một số người Việt từ hải ngoại trở về thăm quê hương dầu cố gắng che giấu lai lịch Việt kiều của mình đến đâu, thì cái lai lịch ấy vẫn cứ bị lộ ra.
Và oái oăm thay, cái lai lịch ấy được tỏ ra không phải qua cách mua sắm tiêu xài, vì người Việt trong nước bây giờ cũng mua xài không kém ai, hay qua cách phục sức, cũng vậy người Việt trong nước bây giờ phục sức còn hơn Việt kiều, nhưng lai lịch đó gắn liền với một chi tiết rất tầm thường. Người trong nước nhận ra họ là Việt kiều bởi vì họ là những người luôn miệng nói hai câu “xin lỗi” và “cám ơn.”

Bài viết đó cho biết tiếp rằng quả thực chúng ta phải thú nhận nhiều người Việt văn hóa thấp, nhưng tánh tự cao, tự kiêu và tự ái quá cao, cho nên, cho dù lời nói hay hành động có sai quấy cách nào với người khác, họ không biết đến câu “xin lỗi.”  Và quả thực hai tiếng cám ơn đã trở thành rất hiếm trên môi miệng người Việt Nam trong cũng như ngoài nước hiện nay, điều này là một báo động đáng lo ngại, vì có thể là dấu hiệu của lòng ích kỷ, và sự khô cạn tình người trong cộng đồng xã hội đang sống.  Đối với những Ki-tô hữu, đây là dấu hiệu đời sống đức tin của họ đang dần dần tiêu tán mất đi, hay chỉ còn bề ngoài.  

Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta nhận biết lòng biết ơn là giá trị nền tảng trong cuộc sống làm người, làm cho tình liên hệ mật thiết hơn, làm cho cuộc sống đẹp và có giá trị hơn.  Lòng biết ơn cũng là một trong những giá trị căn bản nhất của cuộc sống đức tin vững chắc.  Chúng ta biết cuộc sống biết ơn sinh hoa trái tốt là cái “phúc” cho cá nhân và để lại cho con cháu. Thế nhưng hình như người ta càng ngày càng xa lạ với đức tính ấy.  Thực vậy, khi ơn-nghĩa trong sự liên hệ gia đình và đời sống đức tin, bị chối bỏ, bị lãng quên, hay bị khinh thường, thì dĩ nhiên sự ràng buộc, tình liên đới, sự liên hệ và hiệp nhất giữa con người cũng trở thành mong manh. Một khi chối bỏ hay không nhìn nhận ơn Chúa ban, thì tất nhiên niềm tin tôn giáo cũng sẽ chỉ là chuyện thừa thãi hay bề ngoài mà thôi.  Nếu không có lòng biết ơn thì tình yêu, sự hy sinh, lòng quảng đại, sự liên kết và hiệp nhất trong Thân Thể Chúa Ki-tô cũng sẽ bị ảnh hưởng, biến mất đi, không còn hiện hữu. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu ý nghĩa và sự chua xót của câu “vô ơn, vô phúc.”

Chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng, Giáo hội muốn dùng những bài Kinh thánh Lời Chúa hôm nay, để dạy chúng ta về lòng biết ơn. Bài đọc 1 ghi lại câu chuyện tướng ngoại đạo Na-a-man, được ngôn sứ Êlisa chữa khỏi bệnh phong cùi, và sau đó dâng lễ vật tạ ơn người của Thiên Chúa. Nhưng khi ngôn sứ Êlisa từ chối không nhận, thì tướng Na-a-man xin chở một ít đất đem về xứ sở để nhắc nhở cho ông về lòng biết ơn đối với Thiên Chúa của người Ít-ra-en. Ông còn hứa sẽ: Không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống con người, nhất là trong cuộc sống của người Ki-tô hữu, người có đức tin vào Chúa.  Chúng ta thấy, trong số mười người được chữa lành, chỉ có một người quay lại ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài. Chúng ta có thể hình dung ra sự chua xót, đau buồn của Chúa Giêsu trước sự vô ơn của con người khi thốt lên “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu?  Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này.”

Tỷ lệ quá thấp, chỉ có một phần mười, chỉ có 1 trong 10 người, và một phần mười ấy Chúa Giêsu cho chúng ta biết lại là người ngoại giáo. Điều này làm cho chúng ta phải tự hỏi: “Người Ki-tô hữu có nhiều tâm tình biết ơn hơn các tín đồ tôn giáo khác không?  Nếu chúng ta không tốt bằng họ hoặc không hơn họ, thì việc chúng ta nỗ lực truyền giáo, rao giảng Tin mừng cho họ quả thật có phần nào nực cười!”  Chúng ta hãy suy xét, nếu chúng ta là những bậc làm ông bà, cha mẹ mà không thực thi lòng biết ơn, thì làm sao con cái, cháu chắt của chúng ta học được đức tính này, hay nhận được “ơn phúc” từ chúng ta để lại!   

Việc Chúa trách móc 9 người vô ơn kia không biết tạ ơn cho chúng ta thấy rõ ràng lòng biết ơn không thể nào thiếu được trong đời sống Ki-tô hữu, trong đời sống của người tin vào Chúa. Hơn nữa, sự kiện người ngoại Samaria được chữa lành, trở lại ngợi khen Thiên Chúa và sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài, cho chúng ta thấy lòng biết ơn chính là con đường dẫn chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn mọi ơn huệ, mọi ơn lành hồn xác, và mọi sự chúng ta đang có trong cuộc sống.

Thánh Phao-lô, trong thư gởi người Cô-rin-tô, đã đưa ra một câu hỏi vô cùng sâu sắc để chúng ta suy nghĩ, ngài nói “Nào anh em có điều gì mà không phải là anh em đã nhận lãnh? Nếu anh em đã nhận lãnh, lẽ nào anh em khoe mình dường như anh em không nhận lãnh?” (1Cr. 4, 7) Chúng ta có thể muốn trả lời: tôi đã phải khó nhọc, vất vả và cực khổ để có những gì tôi đang có, điều đó có thể đúng, nhưng sức khỏe, nghị lực, trí khôn, sự khích lệ và tài năng của chúng ta từ đâu ra để chúng ta tạo được những gì chúng ta đang có?  Hơn nữa, chính cuộc sống của chúng ta và tất cả mọi sự đi theo, kể cả đức tin và ơn cứu độ là ơn sủng nhưng không của Chúa ban cho chúng ta.

Chúng ta nhận biết cuộc sống là một chuỗi những ơn huệ nối tiếp theo nhau và đan xen với những ơn huệ khác. Có những ơn lành chúng ta nhận từ Thiên Chúa, và cũng có những ơn đến từ con người. Tôi biết không ai trong chúng ta có tất cả những điều chúng ta mong ước, và đó cũng là lý do tại sao chúng ta đến nhà thờ và tham dự Thánh lễ Tạ ơn Chúa hôm nay. Trong khi đó, chúng ta phải nhận biết chúng ta được Chúa yêu thương, chúc phúc và ban cho chúng ta nhiều, tràn đầy ơn lành hồn xác hơn lòng chúng ta mong ước, và đó là lý do thứ hai chúng ta hiện diện nơi đây, để cảm tạ và tri ân Chúa. Chúa đã đánh động tâm hồn của người ngoại giáo Samaria được chữa lành, và anh đã quay trở lại với Chúa và tạ ơn Người. Khi chúng ta lãnh nhận Chúa Giê-su Thánh Thể vào trong tâm hồn, xin Chúa cũng đánh động và biến đổi tâm hồn của tất cả mọi người chúng ta hôm nay, để chúng ta luôn sống cuộc sống biết ơn những người chung quanh và biết cảm tạ tri ân Chúa bằng những hành động cụ thể trong đời sống.

  Lm. Chánh xứ



Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....