Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua. Năm C_2016

Ông bà anh chị em thân mến. Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng năm Phụng vụ Năm C.  Tuần tới là Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng, khởi đầu cho năm phụng vụ mới Năm A.  Chúa nhật này, cùng với Giáo hội, chúng ta hân hoan mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua.  Nghe bài Tin mừng nhiều người có thể thắc mắc tại sao Giáo hội cho chúng ta nghe bài Tin mừng về sự kiện Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, bị dân chúng nhạo cười và
chết tủi nhục trong ngày lễ kính Chúa Ki-tô Vua hôm nay?  Không biết có lầm không? Thật khó hiểu!  Khó hiểu bởi vì tâm trí chúng ta thường liên tưởng tới một ông vua theo kiểu trần gian, sống cuộc sống giàu sang và được trọng vọng.  Trong khi Chúa Giê-su đã cho biết trong Tin mừng thánh Gioan “Nước tôi không thuộc trần gian này.”  Vậy thì vương quốc của Chúa là gì? Hay mang tính cách gì? Xin được chia sẻ 3 tính cách vương quyền của Chúa Giê-su Ki-tô sau đây.

Thứ nhất, vương quốc của Chúa Giê-su là của sự trung thành.  Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã thiết lập vương quốc này, nhưng ma quỉ phá hoại bằng cách xúi dục con người phạm tội không vâng lời Ngài.  Vì thế, Chúa Giê-su đã vâng lời Thiên Chúa Cha, khiêm nhường sinh xuống trần và mặc lấy bản tính con người.  Người đã không sống cho riêng mình, nhưng luôn trung thành sống theo ý Chúa Cha và chu toàn sứ vụ cứu độ nhân loại qua cái chết trên thập giá.  Và trên thập giá, Người đã hoàn tất việc thiết lập Vương quốc ban đầu theo ý định của Thiên Chúa, qui tụ những người tin và trung thành vào trong nhà Cha trên trời.

Thứ hai, vương quốc của Chúa Giê-su là vương quốc của sự tự do.  Khi con người phản bội không vâng lời và rời xa Chúa thì rơi vào bàn tay của ma quỉ và làm nô lệ cho nó.  Ma quỉ trói buộc con người lại bằng những sợi dây ích kỷ và kiêu căng, bằng sợi dây tham lam vật chất và tiền bạc, và bằng những thứ đam mê và nghiện ngập.  Chúa Giê-su xuống thế làm người mục đích là để giải thoát con người khỏi ách nô lệ của ma quỉ, cứu con người khỏi mọi sự sợ hãi, thoát khỏi áp lực của những sự cám dỗ, và dẫn đưa con người sống trong bóng tối của tội lỗi và sự chết ra ánh sáng ân sủng, chân lý và an bình.  Trọn cuộc đời, Chúa Giê-su sống trong tự do, không bị ràng buộc bởi bất cứ một áp lực nào để phục vụ và hy sinh.  Ngay từ giờ phút đầu tiên trước khi rao giảng công khai, Người đã chống lại và đánh tan những cơn cám dỗ của ma quỉ về vật chất, danh vọng và thế lực trong sa mạc, cho đến giờ phút cuối cùng khi bị treo trên cây thập giá bị những sự thách thức của dân chúng: “Nếu ông là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin.”  Nhưng Chúa Giê-su đã đi vào cái chết một cách rất tự do, phá tung những xiềng xích nô lệ, và khởi đầu cho một triều đại mới cho những ai muốn sống tự do là con cái Chúa.

Vương quốc thứ ba của Chúa Giê-su là vương quốc của tình yêu.  Chúa Giê-su xuống trần là để làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa Cha.  Người rao giảng về ân sủng Nước Trời, cứu chữa những người đau khổ và tha thứ cho những người tội lỗi. Người tha thứ cho những kẻ vu khống, đánh đập và đóng đinh Người vào thập giá.  Tình yêu lên đến cực điểm khi Người giang tay trên thập giá như Người đã nói “Không có tình yêu nào cao quí cho bằng chết cho người mình yêu.” Chúa Giê-su đã biến thập giá trở thành Thánh giá tình yêu.  Thánh giá diễn tả tình yêu của Chúa Giê-su dành cho Thiên Chúa Cha và cho con người nhân loại mọi thời đại.  Chúa Giê-su là sứ giả tình yêu và lòng thương xót của Chúa Cha cho con người nhân loại, và tình yêu cao cả này đã lan tỏa ra tới mọi góc biển chân trời.

Ông bà anh chị em thân mến.  Các thánh tử đạo Việt Nam cha ông của chúng ta mà chúng ta mừng kính hôm nay đã nhận ra vương quyền và tình yêu của Chúa Giê-su.  Các ngài hân hoan vui mừng minh chứng vương quốc của Chúa Ki-tô bằng sự trung thành, bằng những sự đau khổ và bằng cái chết vì đức tin của các ngài. Để làm chứng cho vương quốc của Chúa Giê-su và làm sáng danh Người, các thánh tử đạo Việt Nam đã phải có những quyết định và chọn lựa can đảm. Có khi thật khó khăn như tuân theo hay không lệnh của vua quan, nhưng có khi rất đơn giản như bước qua hay không bước qua Thánh giá.  Bước qua thì có ngay danh vọng và tiền bạc, nếu không bước qua thì lập tức lãnh lấy những cực hình và cái chết.  Thánh Anrê Kim Thông nói với quan tỉnh: “Thánh giá Chúa Ki-tô tôi kính thờ, tôi bước qua sao được.” Còn Thánh Têphanô Ven, một linh mục trẻ, chỉ mới 31 tuổi thuộc Hội Thừa Sai Paris, đã dứt khoát trả lời cho viên quan ra lệnh cho ngài phải bước qua thập giá rằng: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo thập giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được?  Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quí hoá đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!”  Đây là những quyết định, chọn lựa thật can đảm và hùng hồn, minh chứng lòng xác tín vào Chúa Giê-su Ki-tô và vương quốc của Người. 

Ông bà anh chị em thân mến. Mừng lễ Chúa Giê-su Ki-tô Vua và kính các thánh Tử đạo Việt Nam hôm nay, mời gọi mỗi người chúng ta, là con cháu của các ngài, nhìn lại cuộc sống đức tin của chúng ta ngày hôm nay như thế nào.  Cuộc sống và những quyết định về lòng xác tín vào Chúa Giê-su Ki-tô Vua của chúng ta hôm nay không đòi chúng ta phải chịu nhiều đau khổ hay cực hình, nhưng cũng không kém phần khó khăn, thử thách và cần nhiều sự hy sinh cũng như quảng đại. Thật vậy, chúng ta đang phải đối diện với những sự lôi cuốn tham lam tiền bạc và vật chất, đứng trước sự cám dỗ của đời sống ích kỷ cá nhân, sự kiêu căng, tự cao và hờ hững với Lời Chúa, làm chúng ta xa Chúa.  Xin Chúa Giê-su Ki-tô Vua, qua lời cầu bầu của các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, phá tan những xiềng xích trói buộc chúng ta, để chúng ta được sống trong tự do là con cái Chúa, giúp chúng ta biết noi gương các thánh, sống chứng nhân trung thành với Chúa Giê-su Ki-tô Vua và làm sáng danh Người đời này, để chúng ta được chung hưởng vinh phúc Vương Quốc của Chúa đời sau.
 Lm. Chánh xứ



 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....