Chúa nhật thứ 3 mùa
Vọng hôm nay được gọi là Chúa nhật vui mừng vì các bài
Kinh thánh cũng như đáp ca hôm nay đều diễn tả niềm vui và muốn chúng ta cảm
nghiệm được sự vui mừng này. Nhưng thế nào là vui? Vui là gì và tại sao chúng ta vui mừng?
Theo kinh nghiệm thông thường trong cuộc sống, vui là khi một
ước vọng được toại nguyện như đi phỏng vấn đậu, hay đi khám bệnh bác sĩ cho
biết không có bệnh gì. Vui là khi thành
công trong một nỗ lực hoặc một dự tính như thi bằng lái đậu; hay khi quyền lợi
bị tước đoạt mà nay được phục hồi như khi được chính phủ chấp nhận trợ cấp bảo
hiểm y tế; và vui nhất là khi ta được gặp lại những người thân yêu sau một thời
gian xa vắng.
Nhưng để thánh hóa niềm vui hay có “niềm vui thánh” thì chúng
ta phải đi vào như những bài Kinh thánh để có thể hiểu rõ hơn và cảm nghiệm
được. Chúng ta thấy trong bài đọc một,
ngôn sứ I-sa-i-a tuyên bố với những người Do thái đang bị lưu đày nô lệ khổ cực
ở Ba-bi-lon biết thời gian lưu đày đã sắp chấm dứt. Đây là tin vui mừng to lớn. Tất cả mọi người đều mong ước được giải thoát
khỏi cảnh lầm than được tự do, nhưng đây không phải là thời điểm thuận tiện, vì
họ đã quen thuộc với cuộc sống 50 năm lưu đầy và nô lệ. Họ đã có công việc làm và nhà cửa. Tất cả những gì của họ ở quê hương xưa như
nhà cửa thậm chí đền thờ đã bị người Ba-bi-lon phá thành bình địa, còn gì nữa
đâu vì vậy trở về làm gì nữa! Thật vậy,
ngôn sứ đứng trước một sự thách thức lớn lao trong sứ vụ mang Chúa đến và kêu
gọi họ trở về quê hương. Ngôn sứ phải
giúp họ có một niềm xác tín vào Chúa, Người sẽ thực hiện những điều tốt đẹp hơn
cho họ thì họ mới cảm nghiệm được niềm hy vọng và vui mừng trở về quê hương. “Niềm vui thánh” là niềm vui trở thành sứ giả
mang hy vọng và ơn sủng của Chúa đến cho người khác, và là niềm vui xác tín vào
thánh ý Chúa.
Chúng ta thấy Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, có nhiều lý do để lo
lắng và buồn khổ. Chỉ trong một giây
phút trở thành người mẹ. Người chồng
tương lai sắp sửa từ bỏ cuộc hứa hôn và chỉ trong vòng mấy tháng nữa cha mẹ,
thân nhân, bà con họ hàng sẽ biết rõ có con mà không có chồng hay ngoại hôn. Vào xã hội thời đó người đàn bà mang thai, có
con mà không có chồng thì làm sao có thể tự sống được, nhưng như chúng ta biết
sau khi được truyền tin, Đức Maria liền đi viếng bà Elizabet và đã thốt lên những
lời vui mừng như thế nào: “Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa.” Chúng ta vừa nghe câu đó trong đáp ca. Đức Maria tin những điều Chúa hứa sẽ được
thực hiện, nên Mẹ đã vui mừng xin
vâng theo thánh ý Chúa, và nhất là từ giây phút ân sủng đó Mẹ
có Chúa ở cùng. “Niềm vui thánh” là niềm vui tin vào lời Chúa hứa sẽ được thực
hiện trong đời sống chúng ta nếu chúng ta biết xin vâng sống thánh ý Chúa, và
là niềm vui có sự hiện diện của Chúa trong đời sống. Trong mùa Vọng này, chúng
ta hãy noi gương bắt chước Mẹ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu chúng ta luôn
xác tín vào lời Chúa thì Chúa sẽ thực hiện những việc lạ lùng và trọng đại
trong cuộc sống.
Như chúng ta biết, thánh Phao-lô có một sứ vụ rao giảng Tin
mừng thật khó khăn nhiều chông gai và sóng gió, bị chống đối và thù hằn. Trong thư gởi người Corinthian, ngài cho
chúng ta biết ngài bị đánh đập, bị bắt và bị giam cầm, không ăn không ngủ, bị
đắm tàu lạnh và đói khát, bị đe dọa và hành hung, nhưng ngài viết trong cùng
một lá thư rằng: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi, và hãy cầu nguyện luôn. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh.” Chúng ta có thể hỏi tại sao ngài vui mừng
trong những hoàn cảnh đó? Thưa vì “Đó là
điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô.” “Niềm vui thánh” là niềm vui tín thác vào
thánh ý Chúa. Hay nói cách khác, nếu
thánh ý Chúa muốn thì Người sẽ ban ơn và giúp chúng ta thực hiện thánh ý Chúa. Nếu chúng ta tin Thiên Chúa đã thực hiện
những điều lạ lùng, và vì yêu thương Người sẽ thực hiện những điều đó cho chúng
ta thì chúng ta phải vui mừng và luôn hy vọng.
Ông bà anh chị
em thân mến. Những bài Kinh thánh hôm
nay cho chúng ta biết về “niềm vui thánh”, đó là nhận ra được thánh ý Chúa, cảm
nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong đời sống và trở thành sứ giả niềm vui
của Chúa. Ngôn sứ I-sa-i-a, Đức Maria,
Thánh Phao-lô và Gio-an Tẩy giả đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong
đời sống và đã can đảm ra đi chia sẻ niềm vui của mình với người khác, giúp người
khác cũng nhận ra sự hiện diện của Chúa.
Còn về phần chúng ta thì
sao? Tất cả chúng ta đã nhận lãnh Chúa
Thánh Thần và cũng được Chúa trao ban cho sứ mệnh mang niềm vui Tin mừng và
tình yêu của Chúa đến cho mọi người. Những công việc mà Gioan tiền hô đã làm thì đó
cũng là sứ mệnh của chúng ta. Chúng ta
đã được xức dầu để mang tình yêu, niềm vui hy vọng và ánh sáng của Chúa đến
những ai đang sống trong nguội lạnh và lầm lạc, đem niềm an ủi đến những người
sầu khổ, đến những tâm hồn đau thương và lưu đày. Nhưng chúng ta cũng phải ý thức mọi cố gắng và hy sinh của chúng ta là nhằm cho hình ảnh của
Chúa được tỏa sáng, chứ không phải hình ảnh của chúng ta. Khi nghe Gio-an Tẩy
giả rao giảng và kêu gọi sám hối, những người đương thời cũng tưởng rằng ông là
Đấng Thiên Sai. Gioan Tẩy giả đã cương quyết khẳng định: “Tôi không
phải là Đấng Kitô.” Ông nhận rõ sứ mạng của mình rất khiêm tốn, đó là
làm cho hình ảnh của Đấng Thiên Sai nổi bật.
Vậy, chúng ta phải sống như thế nào, để thứ nhất, người khác nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta? Và thứ hai, chúng ta phải làm sao để đưa niềm vui đến cho người khác? Xin Thiên Chúa giúp chúng ta cảm nghiệm được niềm “vui mừng thánh”, nhận ra được sự hiện diện và tình yêu của Chúa trong đời sống, trở nên ánh sáng và sứ giả của Tin mừng, can đảm trở thành những chứng nhân và nhiệt thành đem tình yêu, hy vọng, vui mừng và bình an của Chúa đến những người chung quanh, cũng như hướng dẫn họ đến với Chúa Kitô. Xin Chúa ban nhiều ơn lành xuống cho mỗi người chúng ta.
Lm. Quản Nhiệm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét