Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

Chúa Nhật 4 Mùa Vọng. Năm B_2017


Ông bà anh chị em thân mến.  Chúa nhật thứ tư mùa Vọng, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm vai trò của Đức Maria trong lịch sử ơn cứu độ, đặc biệt trong mầu nhiệm Giáng sinh, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người.  Câu chuyện được thánh Luca kể trong bài Tin Mừng hôm nay có phần giống như chuyện cổ tích về Cô Bé Lọ Lem.
Cô Bé Lọ Lem Cinderella nghèo nàn xấu xí bỗng dưng trở thành nàng công chúa cực kỳ xinh đẹp chỉ bằng một cái phất nhẹ chiếc đũa thần của một Bà tiên. Chúng ta biết Maria là một thôn nữ rất đơn sơ, và nghèo khó, nhưng hiền lành và đạo đức, sinh sống ở làng Nadarét vô danh rất ít người biết đến. Lý lịch của Maria đơn giản chỉ có thế, không như Giuse dù sao cũng còn được ghi kèm là “thuộc dòng dõi Đavít.” Nhưng sau khi được báo tin và qua hai tiếng “Xin Vâng” cuộc đời của Maria thay đổi hẳn.  Maria sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.”  Thật vậy, cô thôn nữ đơn sơ, nghèo nàn Maria sẽ trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế, Mẹ Thiên Chúa.  Bởi vì không có gì mà Thiên Chúa không làm được.

Có một câu chuyện dụ ngôn được kể như sau.  Một nông dân trồng một bụi tre nơi góc vườn.  Ông chịu khó chăm sóc vì vậy thân tre mỗi ngày mỗi cao lớn và thẳng tắp. Ngày kia, người nông dân đến nói với cây tre cao nhất: “Này bạn, ta cần bạn.” Cây tre nói: “Thưa ông, tôi sẵn sàng, ông cứ sử dụng tôi theo ý ông.”  - Được, ta sẽ cắt và xẻ anh ra làm đôi. Nghe thế, cây tre phản đối: - Xẻ tôi?  Tại Sao vậy? Trong vườn có cây nào thẳng, đẹp hơn tôi đâu?  Xin ông đừng.. Ông dùng tôi thế nào cũng được, nhưng xin đừng xẻ tôi ra.”  - Nếu không xẻ anh ra thì anh vô dụng, không được việc gì.”  Một làn gió nhẹ thổi qua, cây tre cúi đầu thở dài: “Thưa ông, nếu chỉ còn cách đó, thì xin ông cứ làm theo ý ông.”  Người nông dân nói tiếp: “Sau đó Ta sẽ tước bỏ hết các cành của ngươi.”  - Ông tước cành tôi?  Như vậy còn gì là vẻ đẹp của tôi? Lạy Chúa, xin ông thương đừng làm thế!”  - Nếu không tước cành, anh chả được việc gì.” Gió thổi mạnh hơn. Cây tre quằn quại trong gió và nắng. Rồi nó mạnh dạn thưa: “Thưa ông, xin ông chặt tôi đi.”  Ông chủ nói: “Bạn thân mến, thực ra thì ta buộc lòng phải làm bạn đau, phải tước cành, khoét đốt bạn, nếu không, ta không thể dùng bạn.” Cây tre cúi rạp xuống đất nói: “Thưa ông, xin ông cứ việc chặt và xử dụng tôi theo ý ông.”  Người nông dân chặt tre, tước cành, xẻ đôi và làm thành cái máng chuyển nước từ dòng suối vào cánh đồng. Và sau đó, người nông dân có một vụ mùa bội thu.

Chúng ta thấy Đức Maria cũng đã trở thành cái máng chuyển tình yêu và ơn cứu độ cho nhân loại.  Khi thưa với sứ thần hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ chưa hiểu rõ con đường Chúa muốn, nhưng Mẹ đã xác tín và phó thác cuộc sống vào tình yêu và Lời Chúa, vì vậy Mẹ đã dám từ bỏ ý riêng mình, để Ngôi Hai Thiên Chúa được nhập thể, hiện diện và cứu độ nhân loại. Nếu mỗi người chúng ta cũng biết noi gương Mẹ xác tín vào Lời Chúa, từ bỏ ý riêng mình, để Chúa chặt đi những thói hư tật xấu, và sử dụng, thì Chúa sẽ hiện diện và, qua chúng ta, ơn Chúa sẽ được chuyển đến những người sống chung quanh chúng ta.

Nhìn vào gương Mẹ Maria, chúng ta có dám thưa hai tiếng xin vâng với Chúa ngay trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời không?  Chúng ta hãy tự hỏi chúng ta có xác tín vào Lời Chúa sống bác ái, quảng đại và vui mừng để Chúa sử dụng những ơn lành Chúa ban cho chúng ta không?  Chúng ta có khiêm nhường từ bỏ ý riêng và can đảm sống thánh ý Chúa để người khác nhận có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống chúng ta không?

Có câu chuyện về một nữ sinh viên mới ra trường đại học và tình nguyện giúp cho một trung tâm xã hội tại thành phố New York.  Mục đích của trung tâm là cung cấp chỗ ở tạm thời cho những thanh thiếu niên nam nữ trốn gia đình làm nghề mãi dâm.  Mỗi đêm vào lúc 10 giờ, cô sinh viên và một số người tình nguyện, lái chiếc xe van chở bánh mì và nước chốc-cô-lết nóng đến những con đường có những thanh thiếu niên đứng đón khách.  Cô chỉ làm một công việc đơn giản này mà thôi.  Nhưng qua công việc khiêm nhường này, cô hy vọng những thanh thiếu niên biết còn có những người lo lắng và cảm thông hoàn cảnh của họ. Sau một năm trong công việc tình nguyện, cô đã tâm sự rằng lúc đầu cô không hiểu lý do tại sao Thiên Chúa lại để cho những thanh thiếu niên nam nữ phải sa vào tình trạng đau khổ này.  Thế nhưng sau đó, cô đã hiểu rõ ra được ý nghĩa vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm Giáng sinh mà chúng ta sắp cử hành.  Đó là Thiên Chúa sẽ không xuống trần gian nữa để bày tỏ cho chúng ta biết tình yêu thương bao la và sự quan tâm đặc biệt của Ngài.  Thiên Chúa làm việc qua chúng ta như Người đã sử dụng Đức Maria để đem Ngôi Hai Thiên Chúa đến trần gian.  Vì vậy, chúng ta phải noi gương Đức Maria, trở thành khí cụ để cho Chúa xử dụng, trở thành cái máng để Chúa mang tình yêu và hy vọng đến cho người khác.  Thiên Chúa đã xuống trần và làm công việc này hơn 2 ngàn 17 năm trước đây qua hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Maria.  Ngày nay, chúng ta cũng phải “Xin Vâng” để Thiên Chúa tác động và hiện diện trong thế giới, xã hội, trong cộng đoàn và trong gia đình chúng ta.

Mục đích và sứ vụ của người Kitô hữu chúng ta là, qua ơn Chúa, trở thành cái máng, cái cầu hay con đường chuyển vận ơn sủng tình yêu, bình an, tha thứ và hạnh phúc của Thiên Chúa đến cho người khác như Đức Maria đã làm. Và đây chính là công việc của cây tre, của cô sinh viên đã thực hiện.  Cô là một con sông chuyển đưa hy vọng, tình yêu của Thiên Chúa đến những thanh thiếu niên nam nữ đang cần đến tình yêu, lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa.  Cô đang làm công việc mà chính Đức Maria đã làm trong mầu nhiệm Truyền Tin mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay.

Ngày nay, chúng ta bị chủ nghĩa cá nhân, tiền tài vật chất và ích kỷ lôi cuốn.  Chỉ có lòng tôn kính Mẹ bề ngoài, và nhiều khi nghi ngờ, hờ hững với Lời Chúa.  Xin Chúa biến đổi tâm hồn và cuộc đời chúng ta, biết noi gương Đức Maria thưa với Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền.”

Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....