Trong đời sống tôi tin chắc rằng tất cả
mọi người chúng ta muốn và cố gắng trở thành những người ngay thẳng và thành
tín giữ lời hứa. Chúng ta tôn trọng,
kính nể và muốn có những người bạn có những đức tính này. Không ai thích hay muốn có những người bạn
gian dối và bất tín. Vì chúng ta đánh giá sự thành thật và ngay thẳng cao, và
khâm phục,
tôn trọng những người giữ lời hứa, cho nên khi gặp người không thành
thật hay nói dối thì chúng ta tránh xa hay không tôn trọng người đó nữa. Khi con cái, cháu chắt trong gia đình nói dối,
hay không thành thật thì, là những bậc cha mẹ, chúng ta rất quan tâm và lo lắng. Trong
ngày tân hôn, vợ chồng thề hứa cam kết thương yêu, trung thành và hy sinh cùng
nhau xây dựng hạnh phúc, hòa thuận. Khi
sống chung với nhau và để cho những lời ước nguyền thành sự thật, vợ chồng phải
cố gắng và thành tâm trung thành với những lời đã thề hứa.
Lời hứa trong Kinh thánh được gọi là giao
ước. Thiên Chúa đã giao ước trước hết
với dân Do thái và sau đó với chúng ta. Giao ước chứa đựng hai yếu tố quan
trọng và cần thiết đó là trung thành và ngay thẳng. Chúng ta tin Thiên Chúa dù trong bất cứ hoàn
cảnh nào luôn luôn trung thành với giao ước.
Thế nhưng con người chúng ta lại không có lý lịch tốt về sự trung thành
và ngay thẳng với Thiên Chúa.
Chúng ta biết giao ước của Thiên Chúa với
loài người bắt đầu từ cuộc xuất hành khỏi Ai cập của người Do thái. Sau khi cứu họ ra khỏi cuộc sống nô lệ và đau
khổ, họ cam kết sẽ luôn nhớ ơn và trung thành với Chúa. Chúa cũng đã hứa với họ sẽ là Thiên Chúa của
họ và họ sẽ là dân riêng của Người. Chúa
hứa sẽ ban ơn và bảo vệ họ nếu họ trung thành với Người. Họ nhận được bia đá giao ước của Chúa tại núi
Si-nai, trong đó có khắc ghi 10 giới răn hướng dẫn cuộc sống của họ mật thiết
với Chúa. Từ đó giao ước không còn ghi trong bia đá nữa mà trong tâm hồn của
họ. Thiên Chúa mong ước họ sống một cuộc sống thực tế trung thành có lòng yêu
thương, phụng thờ Thiên Chúa và với nhau.
Giao ước của Thiên Chúa được thể hiện một
cách rõ ràng, thực tế và gần gũi hơn với loài người qua Chúa Giê-su, Ngôi Hai
Thiên Chúa xuống thế làm người. Chúa
Giê-su là giao ước mới của Thiên Chúa với chúng ta. Chính qua giao ước mới này, Thiên Chúa cho
chúng ta biết tình yêu cao quí và ban ơn cứu độ của Người cho chúng ta.
Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói
về hạt lúa mì và mạc khải cho chúng ta biết một quy
luật của sự sống, đó là, nếu hạt giống lúa mì gieo vào lòng đất mà không chết
đi và không biến đổi thì chỉ là hạt lúa trơ trọi một mình, không sinh hoa kết
trái. Nhưng nếu nó chết đi và biến đổi nó sẽ phát sinh sự sống và sinh nhiều
bông hạt.
Qua hình ảnh sinh động này,
Chúa Giêsu muốn cho chúng ta biết chính Người là hạt lúa được gieo vào mảnh đất
trần gian. Qua cuộc thương khó và cái chết trên thập giá, thân xác của Người sẽ
bị “mục nát bị hoà tan” để rồi từ trong sự tan biến ấy sẽ dẫn đến sự sống lại,
phục sinh vinh quang và phát sinh sự sống đời đời. Chúng ta biết thông thường chết là chấm dứt
mọi sự, còn đối với Chúa cái chết không những không chấm dứt mà còn đưa cuộc
đời Chúa lên một tầm mức cao mới như Người nói:
“Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh.”
Cái chết
đối với Chúa không những là lúc Người được tôn vinh, mà Chúa còn cho cả những
người tin theo Chúa cũng được tôn vinh như Người như Chúa khẳng định: “Khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi
người lên cùng Ta.” Và
vì vậy cho nên, ông bà anh chị em thân mến, Chúa Giê-su Kitô kêu mời mỗi người
chúng ta trở thành những hạt lúa giống như Người. Chúng ta cũng cần phải được
vùi xuống đất, chết đi và biến đổi để có cuộc sống mới sinh nhiều bông hạt tốt,
mang lại lợi ích cho Chúa. Nhất là muốn có sự sống đời đời, chúng ta phải bước
vào một quá trình biến đổi, chết đi và sống lại, để có thể trở nên giống Chúa
Giê-su.
Sự chết ở đây, như chúng ta
biết, không phải là sự chết thể xác, nhưng là sự chết tinh thần của tội lỗi và
của những tính mê nết xấu trong con người của chúng ta, là cuộc sống gian dối, nghiện
ngập, lười biếng, ích kỷ, kiêu căng, tự cao, thù hằn, ghen ghét, tranh chấp. Dứt bỏ những sự xấu gắn chặt vào đời sống của
chúng ta, khiến chúng ta đau đớn như mất, như chết đi một phần đời mình.
Qua Bí tích Thánh Tẩy, chúng
ta đã được dìm vào trong nước có nghĩa là được dìm trong cái chết của Chúa Giê-su
Kitô để có một đời sống mới. Thế nhưng vì tội lỗi, vì những cám dỗ của ma quỉ
và bản tính con người, chúng ta đang sống trong một cuộc sống lưu đày xa Chúa,
hay chỉ có hình thức. Ước gì và cầu xin trong mùa chay thánh này, chúng ta để
cho tội lỗi trong con người chúng ta chết đi, và qua Bí tích Hòa giải, xưng
tội, được biến đổi, có một cuộc sống mới thánh thiện hơn, mến Chúa hơn, có sống
bác ái và quảng đại, khiêm nhường hy sinh phục vụ, sinh nhiều hoa trái tốt cho
Chúa, gia đình hoà thuận, thương yêu.
Tuần này, chúng ta sẽ có những
buổi tĩnh tâm hướng dẫn chúng ta có những cái nhìn thành thật vào cuộc sống cá
nhân, gia đình và đức tin. Tuần tới, chúng
ta bắt đầu vào tuần thánh, tuần hồng ân đi vào cuộc thương khó và ân sủng. Xin ông bà anh chị em chuẩn bị tâm hồn để
cùng bước với Chúa Giêsu, Đấng đã dùng cây Thánh giá để biểu lộ sự trung thành,
lòng yêu thương và ơn cứu chuộc cho chúng ta.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét