Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Chúa Nhật 5 Phục sinh. Năm B_2018

 
Trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu dùng hình ảnh mục tử và đoàn chiên để cho chúng ta biết chính Người là Mục tử và chúng ta là đoàn chiên của Người.  Mục tử yêu thương và bảo vệ đoàn chiên, và chiên nhận ra tiếng của người mục tử, đi theo người mục tử và kết hợp trong một đoàn chiên.  Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dùng một hình ảnh đẹp khác là cây nho và cành nho để cho chúng ta biết sự cần thiết và tầm quan trọng của sự kết hợp mật thiết với Người để có sự sống và sinh hoa trái tốt.

Nếu tôi cho ông bà anh chị em xem hình này “Búa và Lưỡi Liềm’’ thì nhiều người biết hình này là biểu tượng cho quốc gia Nga sô.  Hình “Lá Phong Ba Nhánh” là biểu tượng của quốc gia Canada.  Hình “Uncle Sam” này là biểu tượng của quốc gia Hoa kỳ.  Hình “Cành Nho” là biểu tượng cho quốc gia nào thì ít người biết.  Kinh thánh cho chúng ta biết cành nho là biểu tượng của quốc gia Do thái ngày xưa.
Có những câu Kinh thánh dùng cành nho để diễn tả quốc gia Do thái như trong thánh vịnh 80.  Tác giả đã cầu nguyện với Thiên Chúa cho dân Do thái như sau: “Lạy Thiên Chúa, xin hãy viếng thăm và bảo trợ vườn nho mà chính tay Chúa đã vun trồng.”   Trong sách ngôn sứ I-sa-i-a, tác giả đã xác định Do thái là vườn nho của Thiên Chúa và nói rằng: “Vườn nho của Thiên Chúa chính là nhà Israel.”  Nhưng với thời gian vườn nho đó đã trở nên xấu và hư hỏng, dân chúng đã lánh xa và từ bỏ Thiên Chúa.  Đó là lý do tại sao Thiên Chúa phán với dân Do thái qua lời của ngôn xứ I-sa-i-a: “Ta đã ra tay cuốc đất và nhặt đá, mong nó sinh trái tốt, nhưng tại sao nó lại sinh nho dại?” Như vậy cây nho hay cành nho là biểu tượng của quốc gia Do thái ngày xưa.
Với hậu cảnh đó, chúng ta nghe Chúa Giêsu tuyên bố trong bài Tin mừng hôm nay: “Thầy là cây nho thật. Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái… Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.”  Có nghĩa là Chúa muốn nói với những người Do thái thời xưa rằng Người là cây nho thật mà Thiên Chúa đã trồng vào vườn nho. Nếu kết hợp với Người thì sẽ sinh hoa trái tốt như ý định của Thiên Chúa khi chọn họ làm Dân Riêng của Chúa. Và với chúng ta ngày nay, Chúa muốn nói với chúng ta rằng nếu chúng ta muốn trở thành những người mà Thiên Chúa mong ước, thì chúng ta phải ở trong và kết hợp mật thiết với Người.   Nếu chúng ta không kết hợp với Người thì chúng ta sẽ là những người vô vọng, bất hạnh và khi kết thúc cuộc đời nơi trần gian thì sẽ là một thảm kịch.
Chúng ta biết cành nho hay bất cứ một loại cành nào muốn có sự sống và sinh nhiều hoa trái tốt thì cần có 2 yếu tố.  Yếu tố thứ nhất là phải gắn liền với thân cây. Tách hay chặt lìa khỏi thân thì cành sẽ khô héo và chết.  Nói cách khác cành tự nó không thể sống được và không thể tự sinh hoa kết trái được.  Cành phải gắn liền với thân thì nhựa sống mới có thể lưu chuyển qua và mới sinh hoa trái tốt. Chúng ta biết ai trồng cây cũng mong được ăn quả. Muốn có quả cũng phải lắm công phu. Không phải cứ xanh tốt lớn mạnh là có quả. Có những cây cành lá xum xuê, đến mùa có hoa nhưng chẳng thấy quả nào. Xanh tốt như thế không phải là thành công, nhưng là thất bại.  Cành lá chỉ là phụ, hoa sinh quả mới là chính. Được điều phụ mất điều chính, đó là thất bại.  Yếu tố thứ 2 là phải được cắt tỉa, vì nếu không cắt tỉa thì sẽ không thể sinh hoa trái dồi dào được.  Cắt tỉa là một điều cần thiết để sinh nhiều hoa trái.  Ai đã trồng nho thì biết nếu cứ để cành lá phát triển tự do, cây sẽ xanh tươi coi rất đẹp mắt nhưng không có hoa trái. Muốn cây có quả, có trái, phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính, dồn vào cho hoa sung sức, cho quả đầy đặn.
Qua hình ảnh cây và cành nho, Chúa Giê-su muốn ám chỉ đến đời sống đức tin, đến sự liên hệ giữa chúng ta với Người.   Chúng ta cần phải có sự kết hợp mật thiết với Chúa là nguồn sống, thì đời sống đức tin của chúng ta mới sinh hoa trái tươi tốt.  Muốn kết hợp mật thiết với Chúa thì chúng ta phải tuân giữ và sống lời của Chúa dạy, và phải chấp nhận để cho Chúa cắt tỉa, nghĩa là phải loại bỏ những gì không đẹp lòng Chúa, từ bỏ những thói hư tật xấu, từ bỏ những sự kiêu căng, tự cao, tự đại, hay sự lười biếng và ích kỷ.  Dĩ nhiên như chúng ta biết cắt tỉa thì phải đau đớn.  Nhưng có cắt tỉa mới đưa đến nhiều hoa trái và ngon hơn.
Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta khi Người sống kết hợp mật thiết với Chúa Cha. Sự kết hợp ấy được diễn tả qua việc Người chuyên tâm cầu nguyện và luôn luôn làm theo ý Chúa Cha, sống khiêm nhường, hy sinh, phục vụ, bác ái và quảng đại.  Người sẵn lòng để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uống chén đắng, nhận những sự đau khổ vác thập giá, nhận lấy cái chết tủi nhục.  Chính vì thế, Người đã sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Và cũng chính vì thế, Người đã trở nên gốc nho sung mãn, chất chứa sự sống để chuyển thông cho chúng ta.
Hôm nay chúng ta hãy thành thật tự hỏi chúng ta có một sự liên kết mật thiết với Chúa không? Chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa bằng cách nào? Đời sống đức tin của chúng ta có sinh hoa trái gì không?  Hoa trái của chúng ta là gì?  Chúng ta có sẵn lòng chấp nhận để Chúa cắt tỉa chúng ta không?  
Chúng ta xác tín rằng Chúa luôn yêu thương ban cho chúng ta nhiều ơn lành hồn xác, và cho chúng ta nhiều cơ hội để chúng ta ý thức nhận ra tình trạng đức tin hay đời sống đạo của chúng ta ra sao để canh tân, sửa đổi, và để sinh hoa trái như lòng Chúa mong ước.
Xin Chúa ban cho chúng ta lòng chân thành lắng nghe, can đảm sống lời Chúa dạy bảo, và năng lãnh nhận Thánh Thể Chúa một cách tôn kính và sốt sắng để chúng ta luôn kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Xin Thánh Cả Giuse và Đức Mẹ Maria trong tháng Năm sắp tới che chở và cầu bầu cho chúng ta.
Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....