Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2018

Chúa Nhật Thứ 2 Phục Sinh. Năm B_2018.

Hôm nay là Chúa nhật Thứ hai Phục sinh cũng là Chúa nhật Lòng Thương xót Chúa.  Ngày 30 tháng 4 năm 2000, trong lễ phong hiển thánh cho nữ tu Faustina,  Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị đã quyết định tuyên bố và đặt Chúa nhật sau phục sinh là Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót. Khi tuyên bố đặt ngày lễ này, Thánh Giáo hoàng hy vọng rằng chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa và tri ân lòng thương xót của Chúa, đồng thời trở thành sứ giả lòng thương xót của Người. 


Chúng ta cần tìm hiểu lòng thương xót nghĩa là gì? Thương xót nghĩa là sự biểu lộ lòng xót xa đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Lòng thương xót đối với Chúa còn là sự khao khát muốn làm vơi đi những nỗi đau khổ đó. Như vậy, lòng thương xót của Chúa là sự biểu lộ tình thương trước những hoàn cảnh khó khăn của dân Chúa.

Lòng thương xót của Chúa không như con người. Vì con người thương xót nhưng có chọn lựa, có tính toán hay thuận tiện. Cùng hoàn cảnh nhưng chúng ta thương người này và có thể ghét người kia. Thế nhưng, lòng thương xót của Chúa thì trải rộng cho mọi người. Không toan tính. Không chọn lựa. Ngài yêu thương con người bất kể tình trạng của họ. Bởi vi, Chúa vẫn yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân.

Lòng thương xót của con người chúng ta thì giới hạn. Chúng ta có thể xót thương người khốn khổ. Xót thương những người già yếu, bệnh tật và cô đơn. Xót thương những trẻ nhỏ bị khuyết tật, mồ côi, ăn xin hay bị cha mẹ bỏ rơi hay không có người nuôi dưỡng. Và chắc chắn chúng ta sẽ chẳng bao giờ xót  thương những người phạm pháp, trộm cắp, lừa dối, ích kỷ và thù ghét chúng ta.Chúng ta thường không thương xót họ mà có khi còn nguyền rủa họ.

Lòng thương xót Chúa thì không giới hạn. Ngài yêu thương mà không cần biết họ là ai? Ngài chỉ bận tâm đến nhu cầu của con người và ra tay nâng đỡ. Thánh Kinh nói rằng: Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được. Thế nhưng, Chúa đã không chấp tội mà cũng không giáng phạt theo như tội chúng ta đã phạm. Lòng thương xót của Chúa trải rộng trên con người. Trên người lành cũng như người dữ. Ngài luôn biểu lộ lòng thương xót cho bất cứ ai đến với Ngài. Lòng thương xót ấy không dừng lại ở nơi kẻ yêu Ngài mà còn dành cho cả kẻ ghét Ngài, xỉ nhục, phỉ báng và kết án Ngài. Chính trong đau thương khổ nhục mà Ngài vẫn xót thương những kẻ đang hành hạ Ngài khi Ngài cầu nguyện cùng Cha: Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.

Có lẽ với bản tính con người, chúng ta thù hận kẻ làm hại, gian dối và áp bức chúng ta. Có lẽ chúng ta cũng kinh tởm kẻ vô ơn, phản bội với chúng ta. Thế mà, Chúa Giê-su dường như không còn nhớ đến tội lỗi của con dân thành Giê-ru-sa-lem. Ngài đã tha thứ cho kẻ làm nhục Ngài. Ngài cũng tha thứ cho những môn đệ đã phản bội, từ chối và bỏ rơi Ngài trong tuần thương khó.

Chúng ta thấy khi Chúa sống lại Ngài không tìm ai để trách móc, kêu oan hay trả thù. Và dường như Ngài cũng không bận tâm đến lỗi lầm của các môn đệ. Ngài đã trao bình an và chúc phúc cho các môn đệ mỗi khi hiện ra với họ. Ngài biết trong lòng các ông còn một nỗi sầu khổ vì phản bội, vì bỏ rơi Thầy trong lúc gian nguy. Ngài biết sau khi Chúa sống lại lòng các tông đồ còn bối rối  hoang mang lo sợ, bất an vì mặc cảm tội lỗi, mặc cảm phản bội Thầy, vì sợ hãi và nghi ngờ. Chúa đã biết điều đó nên đã đi bước trước để ban bình an cho các ông.

Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết, Chúa Giê-su Ki-tô hiện đã ra với các tông đồ một lần không có sự hiện diện của Tô-ma. Tám ngày sau đó, khi cửa phòng đóng kín, Chúa Giêsu lại hiện ra với các tông đồ một lần nữa có cả Tôma.  Khi hiện ra với các tông đồ, trước hết Chúa Giêsu Phục sinh đã chúc bình an cho họ, và sau đó đã cho Tô ma và mọi người  thấy những vết thương ở tay và cạnh sườn. Sau khi được nhìn tận mắt, Tô ma đã tin Chúa đã sống lại thật, và quì xuống tuyên xưng: ‘’Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con.”

Vì có một niềm tin vững chắc, không nghi ngờ, vào Chúa Giê-su Ki-tô Phục sinh, cho nên các tông đồ đã ra đi trở thành sứ giả của Chúa Ki-tô, trung thành và can đảm thi hành sứ vụ Chúa trao ban như chúng ta vừa nghe trong bài đọc một.  Họ bác ái và quảng đại, hy sinh và can trường làm chứng cho Chúa, và không nao núng trước những sự vu khống, thù hằn, đe dọa, gian khổ và tù đày, để cùng đồng tâm nhất trí, và chung sức xây dựng Giáo hội mà Chúa Giê-su Ki-tô đã thiết lập.  Đời sống yêu thương và hiệp nhất của họ đã thu hút nhiều người tin vào Chúa và giai nhập Giáo hội càng ngày càng thêm phát triển.  Niềm tin vào Chúa Giê-su Phục sinh và ơn Chúa Thánh Thần đã làm cho họ can đảm và làm được nhiều phép lạ như Chúa Giê-su đã làm.  Họ nhận biết khả năng tự nhiên của họ giới hạn và quá ít. Nhưng họ tin có Chúa Giê-su Ki-tô Phục sinh trợ sức, hướng dẫn và đồng hành, để lời rao giảng về Mầu nhiệm Thập giá của họ trở thành nguồn ơn cứu độ và lòng thương xót của Chúa. 

Sứ điệp của Chúa nhật lòng Chúa thương xót hôm nay là sứ điệp của yêu thương và tha thứ. Thiên Chúa vẫn tiếp tục xót thương dân Người. Lòng thương xót của Chúa không bị tội lỗi của con người cản trở mà vẫn đong đầy cho những ai đến với Ngài.  Lòng thương xót Chúa vẫn xoa dịu những ai đang bất an vì tội lỗi. Lòng thương ấy vẫn đang chữa lành cho những ai đang đau khổ bệnh tật tâm hồn hay thể xác. Lòng thương xót ấy vẫn là căn tính của Thiên Chúa rất yêu thương và xót thương dân Người.

Xin cho mỗi người chúng ta vững tin vào Chúa, tín thác vào lòng thương xót Chúa cho dẫu chúng ta còn mang đầy những vết thương của yếu đuối lỗi lầm.  Hãy để cho lòng thương xót Chúa chữa lành những tật nguyền của chúng ta và giúp chúng ta trở thành sứ giả lòng thương xót của Chúa.  Xin Chúa ban cho chúng ta cũng có một tấm lòng bác ái và quảng đại, để gạt qua những thành kiến, những đố kỵ, ghen tương mà đón nhận nhau trong yêu thương chia sẻ, rao giảng Tin mừng và xây dựng giáo xứ. Xin Chúa giúp chúng ta cũng trở thành một chứng nhân cho lòng thương xót của Chúa bằng tình yêu hiến dâng phục vụ tha nhân. 
Lm. Chánh xứ



Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....