Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2018

Chúa Nhật 15 Thường Niên. Năm B_2018.

Có một ngôi nhà thờ lịch sử nổi tiếng ở thành phố Bá Linh bên Đức quốc, thu hút rất nhiều du khách đến thăm viếng.  Trong nhà thờ này có bức tượng Thánh Tâm Chúa Giê-su cụt một tay vì bom trong thế chiến Thứ 2.  Phía dưới bức tượng có hàng chữ: “Con thân mến, hãy cho Ta mượn đôi cánh tay của con.”  Hàng chữ này giúp chúng ta hiểu rõ hơn
ý nghĩa và sứ điệp Lời Chúa hôm nay.  Những bài Kinh Thánh chúng ta vừa nghe đọc cho phép chúng ta gọi Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật Ơn gọi trở thành môn đệ của Chúa.  Bài đọc 1 nói về ơn gọi của A-mốt, bài Tin mừng về ơn gọi của các tông đồ, và bài đọc 2 nói về ơn gọi của hết thảy mọi Ki-tô hữu chúng ta, vì chúng ta là những người được thánh hóa bởi ơn cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô. 

Trước hết, bài đọc 1 cho chúng ta biết Thiên Chúa kêu gọi A-mốt và sai ông rao giảng Lời Chúa cho dân sống phía Bắc Do thái.  Lúc ấy miền Bắc Do thái đang vào thời kỳ thịnh vượng, giàu có, nhưng đời sống tinh thần, tôn giáo và luân lý thì rất tồi tệ, xấu xa, và thảm họa đang chờ xảy đến nếu họ không nghe lời rao giảng thay đổi đời sống. Vâng lệnh Chúa, A-mốt đã can đảm và thẳng thắng lên án những tệ nạn xấu xa, gian dối và tội lỗi đang hoành hành trong đời sống.  Ông khuyên bảo những người sống khô khan, cứng lòng, ích kỷ, kiêu căng, đầy tự ái và sống cá nhân riêng biệt, phải thay đổi từ bỏ sự gian dối, ăn năn sám hối trở về với Chúa, sống công bằng, ngay thẳng và quảng đại.  Dĩ nhiên những người này bực tức, giận dữ và chống lại A-mốt.  Nhưng Amốt khẳng khái nói với họ Chúa sai ông đến, và đó cũng chính là sứ mệnh ông phải truyền đạt như ý của Chúa.  Nhiều người thành tâm lắng nghe, nhưng cũng có nhiều người thù ghét và chống đối.

Từ lúc bắt đầu thi hành sứ vụ rao giảng Tin mừng Nước Trời, Chúa Giêsu đã kêu gọi nhiều môn đệ, trong số đó Chúa chọn 12 người làm tông đồ, để cộng tác với Người.  Chúng ta thấy hầu hết các tông đồ là những người chất phác, bình dân, không thế lực và học thức.  Chúng ta thắc mắc tại sao Chúa lại chọn những người như thế?  Ngày nay, nếu muốn thành lập một công ty, hay mở một tổ chức doanh nghiệp thương mại, người ta thường mướn những người có bằng cấp, danh tiếng, tài năng và đầy kinh nghiệm.  Nhưng đó không phải là cách thức và tiêu chuẩn của Chúa.   Chúa thường kêu gọi những người khiêm hạ, bình thường và đơn sơ để thực hiện những điều lạ lùng và to lớn.

Hôm nay, Chúa sai các tông đồ đi rao giảng, trao quyền cho họ trừ quỉ, chữa lành và kêu gọi mọi người ăn năn thống hối.  Chúa muốn các ông thi hành sứ vụ không phải bằng sức riêng, mà bằng ơn của Chúa.  Chúa còn cho các ông biết sẽ có người lắng nghe và đón tiếp, nhưng cũng có những người từ chối, thù ghét và khinh thường. Tóm lại, các ông phải biết chấp nhận mọi hoàn cảnh, thuận tiện cũng như khó khăn, thành công cũng như thất bại, nhưng luôn trung thành, can đảm, kiên nhẫn và cố gắng chu toàn sứ mệnh, và phó thác vào Thiên Chúa.

Phó thác là một nhân đức quan trọng, nhưng nhiều người chúng ta không hiểu đúng. Thí dụ như một người mắc bệnh, không lo chữa trị hay thay đổi mà cứ nói “Phó thác cho Chúa.” Như thế có phải là phó thác không?  Dĩ nhiên là không.  Hay một người nghiền rượu hay cờ bạc ảnh hưởng không tốt đến gia đình, mà không từ bỏ và cứ nói: “Phó thác cho Chúa”, như vậy có phải là phó thác không?  Chắc chắn là không.  Hay cha mẹ vì quá ham mê tiền bạc, đi làm từ sáng sớm tới đêm mới về, không chú ý đến đời sống đức tin, dạy dỗ con cái, không làm những gương sáng, thờ ơ hay không cộng tác, giúp đỡ về việc dạy giáo lý cho con cái, và có thái độ: “Phó thác cho Chúa.”  Vậy có phải là phó thác không? Thưa không. Nếu những trường hợp kể trên mà cho là phó thác, thì phó thác đó không còn là một nhân đức nữa, nhưng là những tính xấu: tính gian dối, tính lười biếng và thiếu bổn phận trách nhiệm, và sẽ có những hậu quả xấu, sẽ gặp khó khăn và sầu khổ, vì vậy cần phải thay đổi, cần phải sửa đổi.

Vậy phó thác là gì? Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta tinh thần phó thác với sự trung thành, can đảm, kiên nhẫn và cố gắng.  Khi sai các tông đồ ra đi truyền giáo, Chúa bảo các ông chỉ cần một số phương tiện vật chất vừa đủ. Nơi hay nhà nào không tiếp nhận thì vui vẻ ra đi không chút lưu luyến. Ðiều chính yếu mà các ông phải cậy dựa vào, đó là ơn và quyền năng của Người.  Vì thế chúng ta hiểu phó thác có nghĩa là đứng trước một công việc quan trọng, một mặt không lười biếng, không thụ động, buông thả, hay ỷ y, nhưng vẫn hy sinh, vận dụng mọi ơn lành và cố gắng hết sức mình để chu toàn, mặt khác không ỷ sức riêng mình, nhưng phải cầu nguyện xin Chúa ban ơn giúp sức. Và khi đã cố gắng hết sức với lòng tin cậy và xác tín vào Chúa, công việc diễn tiến thế nào đi nữa, cũng không quá lo lắng. Tôi xin đưa ra một thí dụ như một đứa bé tập đi, bàn tay nhỏ của nó nắm chặt bàn tay người cha hay người mẹ, đôi chân của nó can đảm bước đi từng bước, và lòng nó thì rất an tâm, vì nó biết chắc có cha, có mẹ  luôn luôn sẵn sàng nâng đỡ, nếu đi không vững hay té.  Phó thác là như thế.

Ngày nay, nhiều người thường hiểu lầm ơn gọi rao giảng là sứ mệnh của các linh mục hay tu sĩ.  Thưa điều đó chỉ đúng 1 phần.  Thánh Phao-lô trong bài đọc hai cho chúng ta biết tất cả chúng, già trẻ, nam nữ được Chúa gọi trở thành cánh tay và trái tim của Chúa, và có sứ mệnh rao giảng và xây dựng Nước Chúa.  Đó là bổn phận và trách nhiệm của tất cả mọi người Ki-tô hữu.  Có người thi hành sứ vụ bằng việc làm, có người bằng lời nói, qua sự hy sinh phục vụ hay qua lòng bác ái quảng đại, nhưng tất cả đều phải rao giảng và xây dựng bằng chính đời sống của mình. 

Một đời sống chân chính và trung thành với Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội, một đời sống đạo đức và tốt lành, ngay thẳng và công bằng cũng như bác ái và quảng đại là những tấm gương sáng, là những phương cách rao giảng và xây dựng hữu hiệu mà chúng ta có thể tham gia, đóng góp và cộng tác với Chúa trong sứ mệnh rao giảng Tin mừng của Chúa Kitô và của Giáo hội. 
Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....