Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

Chúa Nhật 31 Thường Niên. Năm B_2018.

Tin mừng cho chúng ta biết có nhiều cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với những người chống đối thù nghịch với Ngài.  Cuộc tranh luận trong bài Tin mừng hôm nay do nhóm kinh sư, luật sĩ đặt ra về điều luật nào trong Kinh thánh quan trọng nhất.  Chủ đích của nhóm luật sĩ này không phải để học hỏi hay trao đổi, mà họ muốn gài bẫy để kết án Chúa Giêsu. Và cũng nhờ cuộc tranh luận này mà Chúa đã mạc khải cho chúng ta một chân lý.  Chúa Giêsu đã tóm tắt tất cả luật cũ vào một giới răn, đó là giới răn: Mến Chúa Yêu Người.

Có một giáo lý viên đang dạy giáo lý cho một người dự tòng. Một hôm, người dự tòng hỏi: “Cốt lõi, điểm đặc biệt nhất của Ðạo Công Giáo là gì?”  Giáo lý viên đáp: “Là Yêu Thương.”  Người dự tòng là một thanh niên, nghĩa là đang ở tuổi yêu đương, nên gật gù tỏ ra rất thấm thía với câu trả lời của giáo lý viên. Nhưng sau một lúc suy nghĩ, anh lại đặt vấn đề: “Yêu thương thì tôi đã nghe nói rất nhiều, và rất nhiều người nói.  Những cặp tình nhân luôn miệng nói yêu nhau, những đạo khác, đạo nào cũng dạy người ta sống yêu thương, và ngay cả những tổ chức không có đạo cũng dạy người ta yêu thương nhau.”  Rồi anh này đưa ra 2 kết luận hết sức bất ngờ.  Thứ nhất, đạo Công giáo chẳng có gì hơn những đạo khác, mà cũng không hơn không có đạo.  Thứ hai, chẳng cần vào đạo Công giáo mới biết yêu thương.”  Thế là giáo lý viên bí!

Chúng ta phải công nhận rằng người dự tòng trên đã nhận xét rất đúng. Yêu thương là tình cảm cao đẹp nhất trong con tim, trong tâm hồn của mọi người. Vì thế không cần đạo Công giáo dạy, không cần Chúa Giêsu dạy, mọi người cũng đều biết và trân trọng tình cảm yêu thương.  Nhưng câu hỏi là: chẳng lẽ đạo Công giáo của chúng ta không có gì hơn các đạo khác sao?  Chẳng lẽ Chúa Giêsu từ trời xuống thế làm người mà chẳng dạy gì hay hơn điều mà mọi người đã biết hết rồi sao?  Vì thế chúng ta phải tìm hiểu kỹ lại bài Tin Mừng hôm nay mới được.

Trước hết, tình thương của con người có nhiều cấp bực khác nhau. Thương một người bạn hay hàng xóm thì không bằng thương anh chị em ruột. Thương anh chị em cũng không bằng thương cha mẹ, và thương ai cũng không thể nào bằng thương người tình của mình. Thương mình chứ không thể nào thương kẻ thù.  Và thứ hai, đối với một người có đạo thì họ nghĩ phải yêu Chúa trên hết, kế đó mới yêu thương những người khác.  Còn Chúa Giêsu thì dạy phải mến Chúa yêu người đồng hành và khắng khít với nhau.  Phải đặt yêu người và mến Chúa ngang nhau.  Có nghĩa là không thể mến Chúa mà lại thù ghét anh chị em hay ngược lại.  Nghĩa là chúng ta mến Chúa bao nhiêu thì cũng phải thương người bấy nhiêu. Nói cách khác, chúng ta phải coi người khác như Chúa vậy, và phải thương người khác như yêu mến Chúa. Ðó chính là điểm độc đáo của giới răn Yêu Thương Công Giáo.

Thành thật mà nói thì yêu Chúa dễ hơn.  Vì sao?  Vì Chúa dễ yêu lắm, ai cũng có thể nói yêu Chúa được. Thế nhưng chúng ta hãy thành tâm tự hỏi: Chúng ta có chân thành yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức chúng ta không?   Chúng ta có thể cho mình là yêu mến Chúa nhưng nhiều khi chỉ yêu ngoài môi miệng, hay bằng đọc dăm ba câu kinh, hay đến nhà thờ xem lễ một tuần một lần nhưng tâm trí thì lại để ở đâu đó. Yêu Chúa rất dễ vì Chúa chẳng phản ứng gì cả với thái độ yêu bề ngoài của chúng ta. Nhiều khi chúng ta yêu Chúa với một thái độ rẻ nhất, tầm thường nhất.

Còn yêu người thì sao?  Chắc chắn là khó hơn và chúng ta cũng đã nghe nhiều về vấn đề này, nhưng có thể nói chẳng bao giờ nghe đủ. Vì thế ở đây tôi xin được chia sẻ một vài điều.  Điều thứ nhất, yêu người là một giới luật, một mệnh lệnh của Chúa, không phải là một đề nghị hay một lời kêu gọi. Và cũng là thước hay tiêu chuẩn thực tế để đo lường và đánh giá tình yêu của chúng ta đối với Chúa.  Nghĩa là nếu chúng ta nói chúng ta yêu Chúa mà chúng ta sống ích kỷ, thu hẹp, sống không công bằng, gian dối hay lừa dối người khác, bất kể người đó là ai, thì chúng ta là người nói dối. Thánh Gioan khẳng định rằng: “Nếu ai nói tôi yêu mến Chúa mà lại ghét anh chị em mình, người ấy là kẻ nói dối.” 

Điều thứ nhì, yêu người không phải chỉ là yêu thương theo tình cảm, có nghĩa là chỉ yêu thương những người thương mến chúng ta, còn đối với những người khác thì không. Nếu chúng ta chỉ yêu thương những người yêu thương chúng ta đó là chuyện bình thường và thường tình vì ai cũng làm điều đó, không cần phải đề cập tới và không có gì để nói.  Yêu người theo giới luật của Chúa là yêu thương cả những người không có liên hệ gì với chúng ta, kể cả người thù ghét, làm hại chúng ta. 

Điều thứ ba, yêu người không phải chỉ ngoài môi miệng mà bằng hành động cụ thể như sẵn sàng, hy sinh, có lòng bác ái, quảng đại giúp đỡ bằng việc làm tinh thần hay vật chất. Chúng ta phải chú ý! Chúa không phải chỉ dạy chúng ta chân lý, giới luật yêu thương, mà còn thể hiện chây lý đó trên thập giá.  Không có tình yêu nào cao quí cho bằng chết cho chúng ta, những người tội lỗi và yếu hèn.  Tình yêu thập giá của Chúa còn có ơn tha tội và cứu độ, vì vậy là một tình yêu cao cả, khác với tình yêu mến của con người.

Và điều sau hết rất quan trọng mà chúng ta phải ghi nhớ: tới ngày phán xét, chúng ta sẽ bị phán xét thưởng phạt về giới răn yêu thương: yêu Chúa hết lòng, hết trí khôn và linh hồn và yêu thương người khác như chính mình, và sống chân lý yêu thương này như thế nào.

Đạo của Chúa và của chúng ta là đạo tình yêu, vì chính Thiên Chúa là tình yêu.  Vì thế, Ngài mời gọi tất cả mọi người sống trong tình yêu của Ngài.  Ngài đã hy sinh con yêu dấu của Ngài để tỏ lòng yêu thương chúng ta những người không xứng đáng, những người tội lỗi, vô điều kiện và ban cho chúng ta ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu đời sau. Chúa Giê-su vì yêu thương đã chịu chết trên thập giá cho chúng ta, và Chúa còn hiện diện trong Bí tích Thánh Thể để trở thành của ăn nuôi linh hồn chúng ta.  Khi chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể chính là kính nhớ đến tình yêu cao cả của Chúa cho chúng ta.  Như vậy, nếu sống giới răn Yêu Thương của Chúa thì sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa.

Xin cho tình yêu của Chúa trong Thánh lễ chúng ta dâng, không kết thúc tại nhà thờ nhưng kéo dài trong cuộc sống. Tình yêu Chúa được nhận lãnh ở nhà thờ phải được tỏa lan đến từng gia đình, đến cộng đoàn và đến những người sống chung quanh chúng ta.

Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....