Trong ngày mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta nhớ cách đặc biệt đến các giáo lý viên, những người giúp chúng ta lớn lên trong việc hiểu biết về Thiên Chúa.
Những giáo lý viên là ai nếu chẳng phải là người nói về Thiên Chúa cho người khác? Họ kể về công trình yêu thương và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Họ kể về những con người từ cổ chí kim đáp lại kế hoạch ấy. Họ kể về những ngôn sứ, về những vị thánh và cả những tội nhân. Như các môn đệ năm xưa, họ là những người rao giảng về Chúa Giê-su tử nạn và phục sinh. Và nơi Đức Maria, chúng ta tìm thấy một mẫu gương của người giáo lý viên, người kể về Thiên Chúa.
Là một người nói về Thiên Chúa, sẽ ra sao nếu người ấy không có tình thân với Người? Sẽ ra sao nếu họ chỉ biết về Người qua việc đọc sách này, nghe bài giảng kia như nghe tin đồn mà không thực sự sống đời cầu nguyện? Sẽ ra sao nếu họ không cảm thấy những lời của Chúa Giêsu nâng đỡ và chỉ lối cho mình? Sẽ ra sao nếu họ không nhận thấy sự ấm áp của Tin Mừng để nói về Chúa với một con tim bùng cháy? Có lẽ, tất cả chỉ là những tam sao thất bản, nếu không muốn nói là vẽ lên những điều tưởng tượng về một người mà mình chưa gặp bao giờ, hoặc có chăng chỉ là lướt qua đời nhau. Rốt cuộc, người ta chỉ nghe những giáo lý theo kiểu phán bảo, hơn là thông truyền.
Những lúc như thế, người ta dễ có nguy cơ nói về mình hay tập trung vào kỹ năng sư phạm với lời hay ý đẹp. Đúng là người ta có thể nói về mình, nhưng như Mẹ Maria, qua câu chuyện cuộc đời mình, điều được nhắm tới hơn cả là những gì Thiên Chúa đã làm trong cuộc đời mình. Đúng là những lời hay ý đẹp, những lời nói với âm điệu đầy chất thơ có thể giúp ích nhưng không thể giải quyết được việc loan truyền về Thiên Chúa. Chỉ có kinh nghiệm về niềm vui Tin Mừng trong cầu nguyện, trong thinh lặng, giáo lý viên mới mong người khác nếm được chút ít. Chỉ trải qua những cuộc chiến cuộc giữa tiếng “Vâng” và “Không” trước những lời mời gọi của Thiên Chúa, người ta mới có thể giúp người khác trước những sóng gió cuộc đời.
Sau khi thưa tiếng Vâng với Thiên Chúa, Mẹ Maria lập tức lên đường đến thăm bà Elizabeth. Có Chúa nơi mình, Mẹ mang niềm vui để chia sẻ với một người đang vui mừng vì mang thai khi tuổi đã lớn. Mẹ kể lại những kỳ công mà Thiên Chúa làm cho mình và cho mọi người. Có lẽ phục vụ là dịp để nói về Chúa tốt nhất.
Có thể giáo lý viên không phải là những người đã qua lớp thần học này, lớp triết học kia, nhưng cái tử tế, hiền lành và đạo đức của họ nuôi dưỡng đời sống đức tin của tôi. Có thể qua những buổi học trên lớp, tôi không hiểu nhiều về đạo lý Chúa Ki-tô, nhưng qua một lời nói tử tế, một thái độ ân cần, một lần viếng thăm bệnh nhân, tôi thấy mình dễ đón nhận cái đạo tình yêu hơn. Nguyên chỉ sự ân cần đó thôi đã là một quà tặng lớn cho cuộc đời này.
Nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng dễ dàng. Có những khi công việc cá nhân bộn bề, người ta thấy mình khó lòng có thể tiếp tục việc phục vụ. Hay khi những đứa nhỏ nói chuyện riêng hay ngồi ngó lơ trong giờ học hay trong thánh lễ, giáo lý viên dễ bị cám dỗ trở nên một viên cảnh sát chuyên đi dò xét, thậm chí trở thành quan toà hay lý hình. Nhiều khi dù đã cố gắng trong việc phục vụ với thật nhiều sáng tạo, nhưng dường như những nỗ lực ấy chẳng mang hiệu quả gì. Ấy là chưa kể trong những yếu đuối của riêng mình, người ta không thể lúc nào cũng sống như một ông thánh, bà thánh. Những lúc như thế, thiên hạ lại đàm tiếu: làm giáo lý viên mà lại hành xử như thế… Chẳng biết những lời như thế muốn nhắc nhở để người ta tốt hơn hay chỉ là những lời nói hành nói xấu sau lưng. Chỉ biết rằng nó có thể làm người ta nản lòng và bỏ cuộc. Nghe được tiếng gọi và sống theo tiếng gọi ấy chẳng phải lúc nào cũng dễ dàng.
Mẹ Maria cũng từng có những kinh nghiệm bị bỏ lại một mình trong tăm tối như vậy. Khi Thiên Thần vừa quay đi, Mẹ phải đối diện với khoảng không trong cuộc đời mình. Từ ngày truyền tin với những ân sủng lớn lao, những giây phút ngập tràn niềm vui đến ngày đứng dưới chân thập giá trong đau khổ là những ngày tín thác và lần mò bước đi trong ánh sáng Lời Chúa. Trở về từ chuyến tông đồ thiện nguyện viếng thăm bà Elizabeth, Mẹ phải đối diện với khó khăn khi Giuse định lìa bỏ mình cách kín đáo. Khi khó khăn ập tới, có lẽ thiên hạ cũng bàn ra nói vào nhiều lắm. Những lúc ấy, có lẽ Mẹ đã cầu nguyện nhiều lắm, nhiều hơn cả lúc trước khi được gọi làm người cưu mang Lời. Có lẽ phải mất một thời gian dài Mẹ mới hiểu được thập giá là cách mà thế gian giăng toả, còn yêu thương và trung tín là con đường mà người môn đệ đi theo. Giữa thời đại công nghệ số, khi mà người ta sống lạnh nhạt và thờ ơ, mong rằng ước ao dấn thân phục vụ và đời sống cầu nguyện không bị hư hao đi trong cuộc sống của người mang Lời.
Lúc này, chúng ta nhớ đến những giáo lý viên đã được gửi đến trong cuộc đời mình. Có những người đã ra đi, có những người ta chợt nhớ tới, hay có những người từ lâu ta đã quên. Cám ơn họ vì tất cả những ước muốn tốt đẹp, những nỗ lực phục vụ của họ và cả sự tử tế của họ. Và ước gì, những con người ấy được nâng đỡ để sống đời chứng nhân. Đâu đó, tôi nhớ đến người giáo lý viên đã dạy tôi cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể, người giáo lý viên giúp tôi hiểu về bí tích Hoà Giải. Và đâu đó, họ thắp lên trong tôi ngọn lửa yêu mến Chúa và yêu mến Dân Người.
Trần Đỉnh, SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét