Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019

Chúa Nhật Thứ I Mùa Chay. Năm C_2019.

Có một người đàn ông tên Bình vừa mới từ Việt Nam qua định cư tại Hoa kỳ.  Sau khi đã ổn định, ông Bình bắt đầu lại một thói quen cũ khi còn sống ở Việt Nam. Sau khi đi làm về, ông Bình đi đến một quán ăn và gọi một lần ba chai bia để uống. Sau mấy tuần, người bồi bàn thắc mắc hỏi ông tại sao lại uống ba chai bia một lượt? Ông Bình trả lời rằng
khi còn ở Việt Nam sau khi đi làm về, ông và 2 người anh thường đến 1 cái quán bên đường mỗi người uống 1 chia bia.  Bây giờ tuy đang sống ở Hoa kỳ xa cách ngàn dặm, nhưng ông vẫn muốn giữ tình liên kết với 2 người anh còn ở Việt Nam và thói quen ngày xưa.  Một thời gian sau, ông Bình đến quán ăn và chỉ gọi 2 chai bia thôi. Người bồi bàn lo ngại hỏi ông có điều gì đã xảy ra cho 1 người anh của ông không?  Ông Bình trả lời: “Không! Không có gì xảy ra! Nhưng bây giờ là mùa chay cho nên ông hãm mình từ bỏ 1 chai và chỉ uống 2 chai thôi.”

Hằng năm vào tuần thứ nhất mùa chay, chúng ta nghe câu truyện Chúa Giê-su vào sa mạc 40 đêm ngày để cầu nguyện và ăn chay hãm mình.  Câu truyện này cốt ý giúp chúng ta sống 40 ngày mùa chay, chuẩn bị tâm hồn mừng mầu nhiệm Tam nhật Vượt qua và Phục sinh của Chúa Giê-su, bằng sự cầu nguyện và ăn chay hãm mình. / Chúng ta cũng có thể nhận ra trong đời sống hàng ngày, có những hành động, thói quen hay thái độ ngăn chận chúng ta sống đạo đức, tốt lành, ngăn chận chúng ta sống mật thiết, yêu mến Chúa và tha nhân.

Câu đầu của bài Tin mừng cho chúng ta biết Chúa Giê-su vừa mới được chịu phép rửa tại sông Gio-đan, và được Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu.  Nhưng điều đó không ngăn chận ma quỉ xuất hiện cám dỗ.  Vì thế chúng ta biết tất cả mọi người đều có thể bị cám dỗ, ngay cả khi chúng ta vừa mới quyết định trở thành một người tốt, thánh thiện, đạo đức yêu mến và trung thành phục vụ Chúa.  Hay vừa mới tham dự Thánh lễ xong.  Cám dỗ không chỉ gây ra bởi ma quỉ, nhưng xã hội và thân xác cũng đủ để đưa đến những cám dỗ.  Không có một ai, ở trong cuộc sống nào, ở hoàn cảnh nào hay ở tuổi nào, đủ đạo đức, đủ thánh thiện để không bị cám dỗ.  Phần cuối bài Tin mừng cho chúng ta biết ma quỉ bị đánh bại rút lui tìm dịp khác.  Ma quỉ không nghỉ ngơi nhưng tìm mọi dịp mọi lúc để cám dỗ chúng ta.

Chúng ta thấy ma quỉ đưa ra 3 thứ để cám dỗ Chúa Giê-su.  Cám dỗ thứ nhất là dùng quyền năng đặc biệt của mình cho lợi ích chính mình: “hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi.”  Nhưng Chúa Giê-su đến trần gian là để phục vụ vì vậy Chúa đã gìn giữ quyền năng này để phục vụ mọi người.  Đó cũng là cám dỗ hàng ngày của chúng ta dùng ơn Chúa ban một cách ích kỷ chỉ cho chính mình. Cám dỗ thứ hai, ma quỉ nói với Chúa tất cả mọi sự ở trần gian này thuộc về nó, và sẽ thuộc về Chúa nếu Chúa sấp mình thờ lạy nó.  Đây là một sự lừa dối, gian xảo. Cho nên trong Tin mừng thánh Gio-an ma quỉ được gọi là cha sự gian dối.  Chúa đã không bị ma quỉ lừa dối.  Chúng ta cũng thường bị cám dỗ tất cả những gì chúng ta có là do sức lực, tài năng chúng ta làm ra, không do Chúa ban. / Cám dỗ thứ ba, ma quỉ đưa Chúa lên nóc đền thờ và nói với Chúa: nếu là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống và sẽ không bị hề hấn gì vì có thiên thần nâng đỡ, để được dân chúng xưng tụng là Đấng Cứu Thế ngự đến.  Nhưng muốn được nổi tiếng không phải ý muốn, ý định của Chúa.  Chúa Giê-su đến trần gian là để thi hành sứ vụ Chúa Cha giao phó, có nghĩa là phải trung thành với sứ mệnh rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa, và để trung thành với sứ mệnh Chúa sẽ phải trải qua nhiều sự đau khổ và cái chết trên thập giá. Chúng ta cũng thường bị cám dỗ, tuy là những người tin theo Chúa, nhưng chúng ta không muốn hay miễn cưỡng sống theo thánh ý Chúa, chúng ta loại trừ Chúa ra và sống theo ý riêng của chúng ta.

Thật vậy, chúng ta đang sống trong một xã hội có nhiều cám dỗ, và chúng ta có thể nhận những thứ cám dỗ thông thường như: thứ nhất là tiền của, vật chất, thường đi đôi với gian dối.  Cám dỗ thứ hai là không trung thành, thường đi đôi với ngoại tình và tự do quá trớn. Cám dỗ thứ ba là tự cao, thường đi đôi với sự tự cho mình là đạo đức, quan trọng và sự khinh thường.  Và cám dỗ thứ tư là ích kỷ, thường đi đôi với sự lười biếng và so đo.  Ma quỉ còn biết dùng Kinh thánh và dùng Lời Chúa để thử thách, cám dỗ chính Chúa Giê-su. Và nếu ma quỉ đã dùng Kinh thánh, Lời Chúa để cám dỗ Chúa Giê-su, thì ma quỉ cũng có thể sẽ dùng Lời Chúa để dụ dỗ và đánh lừa chúng ta. / Đó là những môi trường thuận tiện cho ma quỉ, vì thế Chúa Giêsu cảnh báo: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.”

Để chiến thắng ma quỉ và những cám dỗ, cạm bẫy của chúng, chúng ta phải biết dùng thời giờ trong mùa chay thánh này thành thật nhìn vào đời sống để xét mình, sau đó thành tâm hoán cải và thay đổi đời sống. Thứ nhì là biết ăn chay hãm mình hướng về đời sống tâm linh.  Thứ ba là có lòng bác ái, hy sinh và quảng đại hơn. Và thứ tư là tích trữ Lời Chúa, chân lý của Người trong tâm hồn, dùng sự cầu nguyện và thờ phượng sống gắn bó mật thiết với Chúa.

Bốn mươi ngày chay thánh của chúng ta mới bắt đầu. Và nếu chúng ta quyết định chọn lựa cầu nguyện cách nào, hay hãm mình bằng cách nào, hay thực hiện việc bác ái, quảng đại và hy sinh nào trong thời gian thánh này, chắc chắn chúng ta sẽ bị cám dỗ. Chúng ta sẽ bị ma quỉ thách thức và đưa ra những cạm bẫy ngon ngọt để dụ dỗ chúng ta từ bỏ ý định hay bỏ cuộc. Nhưng chúng ta đừng chịu thua ma quỉ vì Chúa đã chiến thắng ma quỉ. Xin cho mỗi người chúng ta biết lấy mẫu gương của Chúa Giê-su làm sức mạnh cho mùa chay thánh này, ngõ hầu trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể đương đầu và chiến thắng những cám dỗ, cạm bẫy và thử thách của ma quỉ. Chúng ta phải tin chắc rằng Chúa sẽ ban ơn, giúp sức và luôn hiện diện để giúp đỡ chúng ta.

Lm. Chánh xứ



Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....