Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

Chúa Nhật 30 Thường niên. Năm C_2019

 
Theo truyền thống của đạo Công giáo chúng ta, trong tháng 11, chúng ta làm những việc đạo đức như cầu nguyện, bác ái, hy sinh và thường xuyên tham dự Thánh lễ để cầu cho các linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bạn bè thân thuộc, và những người sống trong cộng đoàn đã qua đời còn đang trong luyện tội, để các linh hồn này được thanh luyện và
sớm hưởng thánh nhan Chúa trên Thiên đàng. Những việc đạo đức để cầu cho các linh hồn phải phát xuất từ tấm lòng chân thật, khiêm nhường và yêu mến. Lý do tại sao chúng ta cầu nguyện cho linh hồn của những người đã qua đời, vì thứ nhất Giáo hội Công giáo của Chúa Giêsu lập ra là Giáo hội Các Thánh Thông Công, bao gồm các thánh trên Thiên đàng, những người đang sống là chúng ta, và những người sẽ sinh ra và sống sau chúng ta. 

Lý do thứ nhì mà chúng ta cầu nguyện cho linh hồn của những người đã qua đời là vì Thánh kinh và Giáo hội dạy chúng ta có 2 cuộc sống và phải sống: cuộc sống hiện tại đời này tại dương thế và cuộc sống vĩnh cửu đời sau ở Thiên đàng hay hỏa ngục. Tất cả mọi người chúng ta có sinh thì sẽ có tử, có nghĩa là chúng ta sẽ chết. Trong cuộc sống này, Chúa ban cho chúng ta nhiều ơn lành và Chúa dạy bảo chúng ta sử dụng ơn lành theo thánh ý Chúa như người quản lý trung thành và khôn ngoan để được hạnh phúc và bình an đời này và đời sau. Bởi vì sau cái chết, chúng ta sẽ phải đứng trước mặt Chúa phán xét và trả lời với Chúa về cách chúng ta sử dụng ơn lành Chúa ban, và Chúa sẽ căn cứ vào đó để thưởng lên Thiên đàng, hay bị phạt hỏa ngục. Ngoài ra, Chúa còn dạy chúng ta Giới luật Thương Yêu, yêu Chúa hết sức, hết tâm hồn, hết trí khôn và yêu thương mọi người như chính mình để được hưởng hạnh phúc Thiên đàng đời sau. Thế nhưng, vì sự giới hạn, yếu đuối và thay đổi của thân phận con người và bị cám dỗ, cho nên chúng ta khó có thể sống hoàn toàn những điều Chúa dạy này nơi dương thế, cho nên khi qua đời vẫn còn vướng mắc, thiếu xót và nợ nần, do đó, linh hồn của chúng ta phải vào chốn luyện tội để được thanh luyện, chờ ngày vào Thiên đàng. Vì thế các linh hồn nơi luyện tội cần lời cầu nguyện của chúng ta.

Lý do thứ ba mà chúng ta cầu nguyện cho linh hồn của những người đã qua đời là khi chết đi, chúng ta sẽ không còn làm được gì cho chính mình nữa, mà chỉ còn nhờ vào những việc bác ái, quảng đại, hy sinh và nhất là lời cầu nguyện của những người còn sống. Đó cũng là ý nghĩa của Giáo hội Các Thánh Thông Công. Các Thánh trên Thiên đàng cầu nguyện cho chúng ta đang còn sống trên trần thế, và chúng ta cầu nguyện cho linh hồn những người đã qua đời để chóng được hưởng hạnh phúc trên Thiên đàng. Những Ki-tô hữu sinh và sống sau này sẽ cầu nguyện cho linh hồn chúng ta nếu còn ở nơi luyện tội. Những linh hồn nơi luyện tội cần đến lời cầu nguyện của chúng ta mà Thánh lễ là lời cầu nguyện cao quí nhất. 

Cầu nguyện rất cần thiết và quan trọng trong đời sống Ki-tô hữu, là nền tảng cho đời sống đức tin. Mỗi Ki-tô hữu phải có 1 đời sống cầu nguyện như Chúa Giê-su đã làm gương cho chúng ta khi Ngài sống ở trần gian. Vì thế trong bài Tin mừng tuần trước, Chúa Giê-su đã dùng dụ ngôn người chánh thẩm bất chính và bà góa quay rầy, để dạy chúng ta cầu nguyện, và phải kiên nhẫn cầu nguyện. Trong bài Tin mừng tuần này, Chúa dạy chúng ta về thái độ và tâm tình khi cầu nguyện, đó là lòng thống hối và sự khiêm nhường. Chúa cho chúng ta biết thái độ và tâm tình này sẽ quyết định cho kết quả của việc cầu nguyện, hay cho cả những việc lành, phục vụ hy sinh và thờ phượng mà chúng ta làm.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ  tâm tình và thái độ của hai người vào đền thờ cầu nguyện, một là người Phari siêu hai là người thu thuế. Người Pha-ri-siêu khoe khoang, kể lể và tư phụ về những điều tốt, quảng đại đã làm. Và chúng ta cũng thấy tình trạng tội lỗi mà người thu thuế thú nhận trước mặt Chúa. Theo nhận xét của chúng ta thì người Pha-ri-siêu kia mới là người công chính, đáng được ban ơn, còn người thu thuế thì là người tội lỗi, đáng bị kết án. Nhưng câu kết của Chúa Giê-su làm cho chúng ta ngạc nhiên:  “Tôi nói cho các ông biết: người này (tức là người thu thuế), khi trở về nhà, thì được nên công chính; còn người kia (là người Pha-ri-siêu) thì không.”   

Chúng ta thấy một cách rõ ràng sự phán đoán và dạy dỗ của Chúa Giê-su về sự công chính, việc đạo đức và thờ phượng, thì khác hẳn với cách nhận xét của chúng ta.  Lý do là vì Chúa lấy thái độ và tâm tình bên trong làm mẫu mực cho cách phán đoán của Người, và đánh giá những việc chúng ta làm.  Mẫu mực đó chính là sự thống hối, lòng thành tâm và nhất là sự khiêm nhường.         

Chúng ta thấy trong cuộc sống hôm nay, có những người siêng năng làm việc đạo đức, tốt lành, cầu nguyện, có người tham gia hội này, nhóm khác, giúp đỡ, phục vụ, hay tham dự Thánh lễ và chịu lễ, nhưng câu hỏi quan trọng là với tâm tình và thái độ như thế nào?  Chỉ những việc làm tốt lành, đạo đức và bác ái mang tâm tình thống hối và với một thái độ khiêm nhường mới có giá trị trước mặt Chúa và mới tạo nên công đức cho chính mình. 

Bài Tin mừng thật là một bài học quan trọng và cần thiết cho mọi Kitô hữu chúng ta hôm nay phải suy nghĩ, và đối chiếu vào việc cầu nguyện, vào việc hy sinh, phục vụ, vào những việc đạo đức và tốt lành, nhất là vào việc tham dự Thánh lễ giống người nào trong hai người: Pharisiêu hay thu thuế?  Và từ đó, chúng ta có thể nhận ra kết quả như thế nào?  Có được Chúa nhận lời hay không? 

Xin cho những việc chúng ta làm luôn đẹp lòng Chúa, và sinh ra ơn ích cho chúng ta đời này và đời sau, và cũng giúp ích cho các linh hồn nơi luyện tội đang cần lời cầu nguyện và những việc bác ái và quảng đại của chúng ta.
Lm. Chánh xứ
 


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....