Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Chúa Nhật I Mùa Vọng. Năm A_2019

Hôm nay cùng với Giáo hội, chúng ta bước vào Mùa Vọng. Tại sao gọi là Mùa Vọng?  Mùa Vọng, dịch từ tiếng La tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến.”  Vọng là mong đợi, mong chờ điều sắp đến.  Mùa Vọng có 4 nghĩa sau đây. Thứ nhất, Mùa Vọng nhớ lại thời gian dân Do thái mong đợi Đấng Messia (là Chúa Giê-su Kitô)  đến để “giải phóng” dân Israel khỏi ách nô lệ lầm than, đau khổ.
Chúa đã khiêm nhường đến lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn 19 năm, để giải thoát con người khỏi sự đau khổ, hình phạt do tội lỗi gây nên, bằng giáo lý tình yêu, tha thứ, bằng lòng thương xót và cái chết của Ngài. Thứ hai, Mùa Vọng còn có ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Giê-su Kitô sẽ đến lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào.  Nghĩa thứ ba, ngày nay, Mùa Vọng là mùa để dọn tâm hồn mừng kỷ niệm lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12.  Và nghĩa thứ tư cuối cùng là mỗi người cần "tỉnh thức, sẵn sàng" đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình, tức là giờ chết, để ra trước tòa phán xét của Chúa thưởng hay phạt. 

Thời gian Mùa Vọng được Giáo hội ấn định dài 4 tuần trước lễ Giáng Sinh để nhớ thời gian dân Do thái, sau khi được đưa ra khỏi đất nô lệ Ai cập ,đã đi lang thang trong sa mạc 40 năm trước khi được vào đất hứa.  Chúng ta thấy có vòng hoa 4 cây nến trước bàn thờ đây tượng trưng cho 4 tuần trước lễ Chúa Giáng sinh, mỗi tuần đốt thêm một cây. Ba cây màu tím tượng trưng cho sám hối, và một cây màu hồng sẽ đốt lên vào Chúa nhật thứ 3, nói lên niềm vui như Thánh Phaolô kêu gọi: “Hãy vui lên... vì Chúa đang đến!” Nến cháy tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô, và ám chỉ đức tin phải được cháy sáng lên.  Vòng hoa tròn với cành lá xanh tượng trưng cho sự sống muôn đời. Trái hồ đào dùng để trang trí trên vòng hoa tượng trưng cho sự sống lại, tiêu biểu cho sinh lực, cho đời sống đức tin Kitô hữu.

Như chúng ta biết bài đọc trong Thánh lễ theo chu kì luân chuyển 3 năm A, B, C.  Năm nay là năm A, vì thế chúng ta sẽ đọc Tin mừng thánh Mát-thêu.  Qua năm tới, năm B, thì sẽ đọc Tin mừng thánh Mác-cô, và năm sau đó là năm C, sẽ đọc Tin mừng thánh Lu-ca, và tiếp tục luân chuyển thứ tự.  Trong Mùa Vọng, chúng ta được kêu gọi thực hành những lời dạy bảo của thánh Gioan Tiền hô: “Hãy dọn đường đón Chúa. Quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống.  Đường là cuộc sống, tâm hồn.  Quanh co là lừa dối, gian dối, thù ghét. Gồ ghề là tham lam, nghiện ngập.  Hố sâu là ích kỷ, lười biếng và cá nhân thu hẹp.  Đồi cao là sự tự cao, kiêu căng và tự ái.  Đối với cá nhân, gia đình và cộng đoàn, trong Mùa Vọng này được kêu gọi nên xây một “hang đá tâm hồn” cho Chúa Hài Đồng, theo tinh thần 3 của lễ của 3 nhà đạo sĩ mang tới dâng Chúa là vàng, mộc dược và nhũ hương.  Của lễ thứ nhất là vàng, có nghĩa là sống giới luật Yêu Thương, mến Chúa, yêu người; của lễ thứ hai là mộc dược, là những việc hi sinh hãm mình. Hy sinh thời giờ tình nguyện phục vụ, giúp đỡ, có lòng bác ái và quảng đại chia sẻ ơn lành của Chúa với những người nghèo khổ. Của lễ thứ ba là nhũ hương, có nghĩa siêng năng cầu nguyện hơn, tham dự Thánh lễ sốt sắng, đồng thời tham gia tuần tĩnh tâm và xưng tội do giáo xứ tổ chức. Nhất là chú tâm lắng nghe và can đảm sống Lời Chúa dạy để đổi mới tâm hồn. 

Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta ăn năn sám hối, và tỉnh thức chờ đợi. Bài đọc 1 cho chúng ta biết vào thế kỷ 7 trước Công nguyên, vương quốc miền Bắc Giu-đê-a Do thái thịnh vượng về mặt vật chất, nhưng lại rất suy đồi về mặt tinh thần, đạo đức và luân lý. Trước tình trạng ấy, ngôn sứ Isaia đã thẳng thắn vạch tội dân và kêu gọi họ ăn năn sám hối.  Ngài báo cho họ biết nếu biết ăn năn trở lại thì sẽ sống trong an bình, hạnh phúc, và Thiên Chúa sẽ ban cho họ một tương lai tốt đẹp, sẽ bước đi trong ánh sáng của Chúa.   

Trong bài đọc 2, thánh Phaolô tuyên báo rằng ngày tươi sáng đó rất gần rồi.  Ngài nói: “Giờ đây phần rỗi của chúng ta gần đến.  Ðêm sắp tàn, ngày gần đến.”   Ngài giải thích cho chúng ta biết thế nào là tỉnh thức sẵn sàng. Trước hết, tỉnh thức sẵn sàng là: “từ bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.” Có nghĩa là phải hãm mình và tích cực chiến đấu để loại trừ sự dữ, tội lỗi và thói hư tật xấu ra khỏi bản thân, phải cố gắng và hi sinh để có đời sống đạo đức, thánh thiện và yêu thương.  Ngài còn cho chúng ta biết tỉnh thức sẵn sàng là: “thay đổi cách sống.” Từ bỏ nếp sống cũ theo xác thịt, thể hiện trong việc ăn uống say sưa, nghiện ngập, phóng đãng, tranh chấp, ganh ghét, ích kỷ, lo lắng thỏa mãn phần xác, thay vào đó bằng một cuộc sống mới theo gương Chúa Giêsu Kitô, là hy sinh, phục vụ, yêu thương và quảng đại.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết “Ngày Của Chúa” sắp đến, nhưng Chúa đặc biệt lưu ý ba điều quan trọng.  Thứ nhất, ngày ấy sẽ đến một cách không ai ngờ cũng như chuyện Hồng thuỷ thời Nôe, thiên hạ cứ mải mê với những chuyện thế tục: “Người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Nôe vào tàu mà người ta cũng không ngờ.”  Có nghĩa là họ chỉ chú trọng tới cuộc sống vật chất, thú vui, thờ ơ với đời sống tinh thần và Lời Chúa. / Thứ hai, trong Ngày ấy, số phận loài người sẽ phân thành hai hạng khác nhau: có người sẽ được nhận vào hưởng tương lai hạnh phúc với Chúa, nhưng có người sẽ bị bỏ lại, có nghĩa là không những không được hưởng hạnh phúc Nước Trời, mà còn bị hình phạt.  Ðược tiếp nhận hay bị bỏ lại là do mọi người chúng ta có chuẩn bị sẵn sàng hay không. Chúa không muốn xét xử chúng ta bất ngờ hay bất công, vì thế, Chúa dùng mọi phương cách và nhiều người để khuyên dạy chúng ta, và chính Chúa cũng khuyên dạy chúng ta: “Vậy các con phải sẵn sàng.”

Trong cuộc sống đã có biết bao lần Chúa khuyên dạy và mang ơn sủng đến cho chúng ta, nhưng một số người cứng lòng, khinh thường trước Lời Chúa dạy, hay chúng ta không nhận được bởi vì tâm hồn chúng ta xa Chúa, thờ ơ, hình thức bề ngoài, hay không chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận.   Vì thế, Chúa kêu gọi chúng ta: Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.” 

Trong mùa Vọng này, chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta biết canh tân đời sống tinh thần và đức tin, bằng cách chú ý và thành tâm lắng nghe Lời Chúa dạy bảo và can đảm thực hành trong đời sống hàng ngày, để đức tin của chúng ta vững mạnh và sống động hơn, sống mật thiết với Chúa hơn, và để chúng ta luôn sống trong ơn sủng và bình an của Chúa. 

Lm. Chánh xứ




Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....