Chúng
ta thường nuôi dưỡng một sự ngây ngô nào đó về ý nghĩa của đức tin khi
đối diện với cái chết. Chung chung, tín hữu kitô chúng ta cho rằng ai có
đức tin vững mạnh thì đứng trước cái chết họ không sợ hãi và không nghi
ngờ. Hàm ý rằng nếu sợ hãi và nghi ngờ khi sắp cái chết là dấu hiệu của
một đức tin yếu đuối. Dù đúng là có nhiều người có đức tin mạnh đã
không sợ và bình thản trước cái chết, nhưng không phải ai cũng được như
vậy và cũng không nhất thiết điều đó là chuẩn mực.
Chúng ta có thể bắt đầu với Chúa Giêsu. Chắc chắn Ngài có một đức tin vững mạnh, nhưng trước khi chết, Ngài đã kêu lên trong hãi sợ và nghi ngờ. Tiếng kêu khóc thống khổ của Chúa, “Lạy Chúa, Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con” đến từ một nỗi thống khổ thực sự, chứ không phải để tạo hiệu ứng thần linh gì đó như đôi khi chúng ta mặc định theo lòng sùng đạo. Tiếng kêu đó không hẳn hướng về chúng ta, nhưng là một điều chúng ta nên nghe. Một vài phút trước khi chết, Đức Giêsu đã sống giây phút thực sự sợ hãi và nghi ngờ. Đức tin của Ngài đâu mất rồi? Điều này tùy thuộc vào cách chúng ta nghĩ về đức tin và phương cách cụ thể mà nó có thể diễn ra khi chúng ta sắp chết.
Trong nghiên cứu nổi tiếng của mình về các giai đoạn chết, nữ bác sĩ tâm thần Mỹ Elizabeth Kubler-Ross (1926-2004) đưa ra năm giai đoạn trong tiến trình chết: phủ nhận, giận dữ, mặc cả, trầm cảm, chấp nhận. Phản ứng đầu tiên của chúng ta khi nhận chẩn đoán cuối cùng là phủ nhận – chuyện này không thể xảy ra được! Sau đó khi phải chấp nhận thì phản ứng kế tiếp là giận dữ – vì sao là mình! Và giận dữ nhường chỗ cho mặc cả – tôi còn bao nhiêu thời gian nữa để sống? Rồi đến trầm cảm, và khi không làm gì được, chúng ta mới chấp nhận – tôi sắp chết. Tất cả các điều này đều đúng.
Nhưng trong một quyển sách sâu sắc, Ơn sủng khi hấp hối (The
Grace in Dying), bà Kathleen Dowling Singh dựa trên kinh nghiệm khi ở
bên đầu giường của những người sắp chết, bà đưa ra các giai đoạn khác: nghi ngờ, cự lại và ngây ngất. Các giai đoạn giúp chúng ta hiểu Chúa Giêsu khi Ngài đối diện với cái chết.
Đêm
trước đó ở vườn Giếtsêmani, rõ ràng Chúa Giêsu đã chấp nhận mình sẽ
chết. Nhưng sự chấp nhận này chưa phải là cự lại hoàn toàn. Nó chỉ xảy
ra ngày hôm sau trên thập giá, trong khi trút hơi thở cuối cùng như các
Phúc âm tường thuật, Ngài gục đầu xuống và trút hơi thở cuối cùng.
Ngay trước đó, Ngài đã trải qua cơn hãi sợ khủng khiếp, rằng những gì
Ngài luôn tin và được dạy về Chúa có thể là không phải. Có lẽ thiên đàng
trống rỗng, có lẽ những gì chúng ta xem là các hứa hẹn của Chúa chỉ là
một mơ ước sốt sắng.
Nhưng
như chúng ta biết, Ngài đã không nhường bước trước các nghi ngờ đó,
đúng hơn là bên trong các bóng tối này. Chúa Giêsu đã chết trong đức tin
– nhưng không trong những gì chúng ta ngây thơ nghĩ về đức tin. Chết
trong đức tin không phải lúc nào cũng chết bình thản, không sợ, không
nghi ngờ.
Chẳng
hạn linh mục học giả Kinh Thánh nổi tiếng Raymond E. Brown (1928-1998)
đã bình giải về nỗi sợ cái chết trong cộng đoàn của Người môn đệ Yêu
dấu: “Cùng đích của cái chết và sự bấp bênh của nó đã làm cho những
người suốt đời tin vào Chúa Kitô run rẩy. Thật vậy, không hiếm khi trong
cộng đoàn nhỏ các Môn đệ Thánh Gioan đã thú nhận mình nghi ngờ khi
trong đầu nghĩ đến cái chết… Câu chuyện của ông Ladarô trong phần cuối
đời sống hoạt động của Chúa Giêsu trong Phúc âm Thánh Gioan là để dạy
chúng ta đối diện với thực tế hữu hình, đó là nấm mồ, tất cả chúng ta
đều cần nghe, cần nắm lấy thông điệp táo bạo mà Chúa Giêsu đã tuyên bố:
“Ta là sự sống”… Đối với Thánh Gioan, cho dù chúng ta có tuyên xưng lại
đức tin bao nhiêu lần, thì thử thách tối hậu vẫn là cái chết. Dù đó là
cái chết của người thân hay của chính mình, đó là giây phút mà chúng ta
nhận ra, tất cả đều tùy thuộc vào Chúa. Trong suốt cuộc đời, chúng ta đã
bảo vệ mình trước sự thật phũ phàng này. Nhưng đứng trước cái chết, tất
cả mọi phòng thủ đều rơi rụng.”
Đôi
khi những người có đức tin sâu đậm bình thản và yên bình đối diện với
cái chết. Nhưng thỉnh thoảng cũng có người không làm được, nỗi sợ và các
nghi ngờ đe đọa họ không nhất thiết đó là dấu hiệu của một đức tin yếu
đuối hoặc chùn bước. Điều này có thể ngược lại, như chúng ta thấy trong
trường hợp Chúa Giêsu. Bên trong tâm hồn của một người có đức tin, nỗi
sợ và nghi ngờ khi đứng trước cái chết, điều mà các nhà thần nghiệm gọi
là “đêm tối tâm hồn”… và những gì xảy ra bên trong kinh nghiệm này là:
sợ và nghi ngờ non nớt mà chúng ta cảm nhận lúc này là chúng ta không
thể nhầm lẫn chính mình với nguồn sinh lực của chúng ta cho Chúa. Khi
chúng ta phải chấp nhận chết với niềm tin tưởng bên trong với những gì
có vẻ như là sự phủ nhận tuyệt đối, và chúng ta chỉ có thể kêu lên trong
thống khổ với một sự trống rỗng rõ ràng, thì không còn có thể nhầm lẫn
Chúa với cảm xúc và bản ngã của chính chúng ta. Trong điểm này, chúng ta
trải nghiệm một sự thanh lọc cuối cùng của tâm hồn. Chúng ta có thể có
một đức tin sâu đậm nhưng vẫn cảm thấy nghi ngờ và sợ hãi trước cái
chết. Cứ nhìn vào Chúa Giêsu là thấy.
Ronald Rolheiser,
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét