Trong chuyến hành hương Đất
thánh vào tháng 10, 2018, tôi có đến bên dòng sông Gio-đan, nơi Chúa Giê-su
chịu phép rửa. Khúc sông này rất hẹp, có
thể ném hòn đá từ bờ bên này sang bờ bên kia được, nước sông chảy mạnh và nhiều
cây sậy mọc hai bên bờ. Trước khi sông
Gio-đan nối liền với Biển Chết có một khu vực thấp, ngày xưa vào thời Chúa
Giê-su, các đoàn lữ hành từ những quốc gia gần Đông phương đã dùng nơi này làm
chỗ nghỉ chân, và trở thành chỗ ưa thích để trao đổi tin tức thời sự.
Vào giờ trưa, các đoàn lữ hành từ Trung đông
đầu quấn khăn, những người Ba-bi-lon tai đeo vòng vàng và những người Phi châu
da mun với ngà voi tập họp đông đảo ở đây. Và cũng chính nơi đây Gioan Tẩy giả
bắt đầu sứ vụ rao giảng của mình. Lúc đầu, mọi người thắc mắc tự hỏi có phải
Gioan là Đấng thiên sai không? Nhưng
Gioan từ chối và nói với mọi người ông không phải là Đấng thiên sai. Ông chỉ là người tiền hô cho Đấng sắp đến.
Tôi còn nhớ vào ngày 16 tháng 10 năm
2002, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô Đệ nhị đã công bố tông thư thêm 5 mầu
nhiệm Sự sáng vào trong kinh Mân côi để suy niệm một cách hoàn toàn cuộc đời của
Chúa Giê-su. Và mầu nhiệm đầu tiên
là: “Chúa Giê-su chịu phép Rửa tại sông
Gio-đan. Ta hãy xin cho được sống xứng
đáng là con cái Chúa.”
Chúng ta thấy mầu nhiệm thứ nhất này có
2 phần. Phần thứ nhất nói về sự kiện
Chúa chịu phép Rửa trong Tin mừng. Trước
khi bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai, Chúa Giê-su đã đến chịu phép rửa của
Gioan tại sông Gio-đan. Có lẽ chúng ta
hơi ngạc nhiên tự hỏi tại sao Chúa chịu phép rửa, bởi vì phép rửa của Gioan chỉ
là phép rửa của sự tha tội mà thôi. Trong khi đó Chúa Giê-su không có tội, cho
nên chúng ta cảm thấy hơi ngạc nhiên, khó hiểu khi Chúa Giê-su đến chịu phép
rửa của Gioan. Và chính Gioan cũng ngạc
nhiên về việc Chúa muốn chịu phép rửa, cho nên ông nói: “Chính
tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?” Nhưng Chúa đáp lại: “Không sao, vì chúng ta cần
chu toàn bổn phận như thế.” Chúa nói với
Gioan như thế có nghĩa là Chúa chấp nhận chịu phép rửa của Gioan để hợp với
thánh ý Chúa Cha, trung thành và sẵn sàng thi hành triệt để những gì Chúa Cha
muốn và trao phó.
Tin mừng cho chúng ta biết trong lúc chịu
phép Rửa “Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người.” Sau khi chịu phép rửa và khi bước lên, thì: “Ngay
lúc ấy, có tiếng từ trời phán: ‘Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta.’” Sự kiện này có nghĩa là, thứ nhất, Thiên Chúa
mạc khải và khẳng định cho chúng ta biết một lần nữa Chúa Giê-su là Con yêu dấu
của Thiên Chúa xuống thế làm người và ở cùng chúng ta. Bởi vì trong mầu nhiệm
Giáng sinh và trong lễ Hiển linh qua câu truyện Ba đạo sĩ được ngôi sao sáng dẫn
lối chỉ đường đi tìm Chúa, Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết Hài nhi nằm
trong máng cỏ chính là Con Thiên Chúa và là Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta. Thứ hai, Chúa Giê-su được Chúa Thánh Thần ngự
xuống sức dầu trở thành Đấng Cứu Thế, và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong
suốt kế hoạch cứu độ nhân loại. Và thứ ba, Chúa Giê-su, vì được Chúa Thánh Thần
hướng dẫn nên luôn trung thành và chu toàn sứ vụ Chúa Cha trao phó một cách tốt
đẹp và đẹp lòng Người. Đó là 3 ý nghĩa phép Rửa của Chúa Giê-su.
Phần thứ hai trong mầu nhiệm thứ nhất Sự
Sáng là lời cầu nguyện: “Xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.” Trước hết, tất cả chúng ta đã chịu phép Rửa của
chính Chúa Giê-su, mà ngày nay gọi là Bí tích Thanh tẩy. Chúng ta biết phép rửa của Gioan chỉ là một dấu chỉ minh
chứng lòng ăn năn sám hối mà thôi, còn phép rửa của Chúa Giê-su là một Bí tích
biến đổi toàn diện trở thành con người hoàn toàn mới, cho họ một mục đích, một
đường hướng và một cuộc sống mới. Thánh Phao-lô đã diễn tả cuộc sống mới này
trong thư gởi người Cô-lô-sê như sau: “Khi chịu phép Rửa, anh em đã cùng được
mai táng với Đức Ki-tô, và trong phép Rửa, anh em cùng được sống lại với
Người. Trước kia, anh em là những kẻ
chết …Nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô.” (Cl. 2, 1-13)
Tất cả chúng ta đã được
chịu phép rửa của chính Chúa Giê-su Ki-tô.
Như phép Rửa của Chúa, Bí tích Thanh tẩy mà chúng ta đã chịu có 3 mục
đích. Mục đích thứ nhất, chúng ta được
Chúa Thánh Thần biến đổi trở thành con cái của Thiên Chúa. Mục đích thứ hai là sát
nhập chúng ta vào Thân Thể Chúa Ki-tô, vào Dân Chúa, vào Giáo hội, trở thành Ki-tô
hữu, môn đệ của Chúa Giê-su. Chúng ta
hãnh diện và vui mừng có Chúa Giê-su Ki-tô là đầu của Giáo hội, mà chính Chúa
đã thiết lập. Và mục đích thứ ba là
chúng ta được Chúa Thánh Thần sai đi và hướng dẫn chúng ta trung thành, thi
hành sứ vụ của chính Chúa Giê-su, đó là rao giảng Tin mừng, làm chứng cho Chúa
và xây dựng Giáo hội một cách tốt đẹp.
Trong ngày lễ Chúa Giê-su chịu phép Rửa hôm nay,
chúng ta hãy nhìn
vào đời sống Ki-tô hữu hiện nay của chúng ta như thế nào? Chúng ta có sống xứng đáng là con cái Chúa
không? Chúng ta có trung thành và chu toàn sứ vụ của Chúa Ki-tô không? Chúng ta có chu toàn bổn phận làm ông bà, cha
mẹ, vợ chồng trung thành và làm gương sáng cho con cháu không? Chúng ta có thực sự sống liên kết với nhau như
những chi thể trong Thân Thể Chúa Ki-tô, thành tâm và hy sinh xây dựng giáo xứ
không? Chúng ta sử dụng những ơn lành
Chúa ban như thế nào?
Xin Chúa Thánh Thần tiếp tục biến đổi, đổi mới
tâm hồn, ban ơn và giúp chúng ta luôn trung thành, sống xứng đáng là con cái
Chúa qua đời sống hy sinh phục vụ, có lòng bác ái và quảng đại xây dựng Giáo
hội, giáo xứ. Và xin Chúa Thánh Thần cũng tiếp tục hướng dẫn và ban sức
mạnh cho chúng ta, để chúng ta chu toàn sứ vụ của Chúa Giê-su một cách tốt đẹp và
để được Chúa Cha khẳng định: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng
Ta.”
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét