Nhưng con đường ta mơ ước là con đường nào?
Tất nhiên ta mơ ước điều mọi người ước mơ, ta tìm kiếm con đường mọi người tìm kiếm, ta trông đợi điều mọi người hy vọng, vì tốt hay xấu, thành công hay thất bại, vinh hay nhục, giầu hay nghèo, “danh gia vọng tộc” hay hèn hạ, cùng đinh… tất cả đều do xã hội định lượng, nghiệm thu và đánh giá.
Thực vậy, cái nhìn của tha nhân, phán quyết của xã hội thật quan trọng, quan trọng đến độ toàn bộ đời sống của ta có giá trị hay không, nặng ký hay nhẹ tênh, được trọng vọng hay bị khinh chê đều do cái nhìn của người khác quyết định.
Này nhé, mọi người sẽ cho ta là giàu, nếu ta nhiều của lắm tiền, nhà cửa khắp nước, ruộng đất thẳng cánh cò bay; xã hội sẽ cấp cho ta danh hiệu và huy chương “đại gia, đại nhân, đại tài”, nếu ta hội đủ điều kiện “vĩ đại” ở những “vĩ nhân”; thiên hạ khúm núm kính cẩn, xếp hàng biếu xén, ra vào thưa bẩm, xúm xít hầu hạ, nếu ta có chức có quyền, và có ảnh hưởng rộng lớn. Ngược lại, rơi vào cảnh khố rách áo ôm, thân thế “vô danh tiểu tốt”, gia đình suốt bảy tám đời lủi thủi phận tôi hèn tớ mọn, sống kiếp “bèo dạt mây trôi” thì đừng mong trèo lên con đường sáng, bước vào con đường vui, oai phong lẫm liệt trên đường trải thảm đỏ, rực nắng hoa vàng.
Thế nên ta dễ rơi vào tình trạng phải cố len lỏi vào dòng người giầu có, danh vọng, quyền lực; phải tìm mọi cách, dùng mọi thủ đọan, xử dụng mọi mánh khóe, thực hiện đủ “mưu hèn kế bẩn” miễn sao lọt vào hàng ngũ quan chức, đấng bậc; phải lợi dụng mọi người, mọi cơ hội dù có phải “bán rẻ lương tâm” để thuộc vào thành phần “có thế giá”; phải sẵn sàng đánh đổi rất nhiều giá trị “bất khả xâm phạm” để được thiên hạ tôn vinh là “sao”, người thành đạt.
Vì áp lực xã hội đè nặng, ta sẽ không còn tự do chọn cho mình con đường mới, con đường khác với con đường xã hội đã vạch ra, vẽ sẵn, bởi ở ngoài con đường đã được xã hội đề cao, chọn làm tiêu chuẩn, mẫu mực và chứng thực, đóng dấu, ta sẽ không được mọi người chọn làm “sao hay siêu sao”, gọi là người thành đạt, xưng tụng là đại nhân, đấng bậc …
Nhưng có một Đấng đã đến giữa nhân loại, và cư ngụ giữa con người để trả lại cho ta quyền tự do chọn cho mình con đường sống mới, một con đường hoàn toàn mới do chính Ngài đề nghị và bảo đảm. Con đường mới ấy mang tên Giêsu, Tên của Ngài, vì con đường này chỉ dành cho những ai muốn đi theo Ngài.
Khác với con đường của xã hội mà từ bấy lâu trên đó ai nấy đều hối hả, bon chen, vất vả đi tìm danh, lợi thú cho bản thân, Đức Giêsu kêu gọi “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình” (Mc 8,34). Bỏ chính mình là quên những nhu cầu phục vụ mình, quên những điều kiện để mình được nổi nang, chói sáng giữa anh em, quên những thủ đọan, mưu hèn kế bẩn được tận dụng để đấu đá, giành giật chức tước, quyền lực, quên những tính toán bủn xỉn, vặt vãnh vì ích kỷ chỉ lo thu gom, bốc hốt, thủ lợi cho riêng mình.
Khác với con đường của đa số mà từ bao đời trên đó ai cũng sống chết tranh giành cho kỳ được những gì “hơn thiên hạ, vượt người chung quanh, ở trên mọi người”, vì “có hơn, có vượt, có ở trên”, người ta mới được người đời một phép kính sợ, khúm núm phục tùng, cung phụng hầu hạ, Đức Giêsu đòi những người đi theo Ngài trên con đường mới phải “vác thập giá mình”, nghĩa là không để người khác vác những vất vả, nhọc nhằn, và “trái ý nghịch lòng” của mình; không bắt người chung quanh gánh những khuyết điểm, lầm lỗi, tội lụy của mình; không đặt trên lưng người dưới quyền, kẻ yếu thế những bất công, bất chính do mình gây ra; không ép buộc thiên hạ nhận tội, chịu phạt thay mình; không cưỡng bức người khác phải nói theo mình, làm đúng ý mình bằng tước đọat tự do chọn lựa và quyền sống của họ.
Nhưng tại sao con đường mới mang tên Giêsu lại khác con đường xã hội mải mê đi tìm? Thưa vì là con đường của Thiên Chúa, con đường dẫn đến những giá trị khác với những giá trị con người ước mơ, con đường mang lại hạnh phúc khác với hạnh phúc thế gian mong toại nguyện.
Và Đức Giêsu đã minh định thành quả sẽ gặt hái được trên con đường mới của Ngài khi nói với những người muốn đi theo Ngài: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35).
Như thế, Đức Giêsu đã lấy uy tín của “Thiên Chúa làm người” để qủa quyết với con người: con đường mới Ngài mời gọi những ai muốn đi theo Ngài là con đường sự sống, con đường sống, con đường bảo đảm sự sống đời đời, con đường mang lại sự sống vĩnh cửu vô cùng quý giá, mà vinh quang, lợi nhuận của cả thế giới này cũng không thể so sánh, “vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình?” (Mc 8, 36-37).
Nhưng mạng sống của những người đi theo Đức Giêsu trên “con đường của sự sống mới” lại hệ tại, tùy thuộc điều kiện phải đáp ứng, đó là phải liều bỏ mạng, phải từ bỏ chính mạng sống ấy vì Ngài và vì Tin Mừng của Ngài.
Liều mất mạng vì Ngài, bởi Ngài là Thiên Chúa tình yêu đã hiến mạng sống của mình để cứu mạng sống của mọi người, nên những ai tình nguyện đi với Ngài cũng phải sẵn sàng hiến mạng sống mình cho anh em vì yêu thương và cứu giúp anh em; cũng phải từ bỏ những gì nhắm mục đích xây dựng pháo đài “cái tôi” ích kỷ, danh vọng, giàu có, quyền thế, để được thiên hạ thần tượng, chúc tụng, phục tùng, hầu hạ để trở nên tôi tớ phục vụ mọi người; cũng phải vác thập giá là những yếu đuối, lầm lạc, sai trái, tội lỗi cũng như những đau khổ vì bất toàn, bất lực của mình để có khả năng chia sẻ, an ủi, cảm thông, nâng đỡ, vực dậy anh em.
Năm mới, nhiều con đường mới mời gọi, nhiều con đường mới hấp dẫn, lôi cuốn, nhiều con đường mở ra đón chào, và mỗi người trước thềm Năm Mới có quyền chọn cho mình một con đường và tự do bước vào.
Là Kitô hữu, không biết chúng ta có còn nhớ tên con đường ngày nào mình đã chọn? Có còn thiết tha với con đường trên đó có Đức Giêsu và những người được kêu gọi cùng đi với Ngài? Có còn lưu luyến hình bóng người mục tử nhân lành có mặt trên từng cây số với đàn chiên để ân cần chăm sóc từng con chiên và ngày ngày dẫn chiên ra đồng cỏ xanh tươi, đến giòng suối mát? Và trong trái tim Kitô hữu, có còn lửa của Thánh Thần để lại tiếp tục chọn Con Đường Giêsu làm “Con Đường Sống mới” cho Năm Mới Nhâm Dần?
Jorathe Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét