Cha xứ của tôi hay chỉ trích những người đi lễ trễ, ngài luôn khuyến cáo nên đi lễ đúng giờ. Tuy nhiên, đôi khi có thể có những lý do chính đáng khiến chúng ta đến muộn: nên làm gì trong những trường hợp như vậy? Tốt hơn là bỏ Thánh lễ hay tham dự? Có thời điểm nào khác, như người xưa hay nói, khiến cho Thánh Lễ không còn “hợp lệ” nữa không?
Giáo luật hay quy tắc phụng vụ? Đi lễ trễ vì lý do khách quan hay hữu ý? Chúng ta nên hiểu mối quan hệ của mình với Chúa ở mức độ nào: pháp lý hay ý thức? Và có quan điểm nào nên được ưu tiên, hoàn toàn bỏ qua các quan điểm khác không? Câu hỏi do độc giả đặt ra, tưởng chừng đơn giản, lại có thể nêu ra nhiều vấn đề khác. Một dấu hiệu cho thấy mọi việc không đơn giản như vậy. Bức thư đề cập đến cách trình bày phổ biến trước đây: cách giải thích pháp lý về việc xác định thời điểm mà việc tham dự Thánh lễ được xem là “hợp lệ”, để hoàn thành luật định. Và ở đây cần phải làm rõ ý nghĩa của từ “hợp lệ” được dùng: nó đề cập đến luật dự lễ đối với cá nhân chứ không phải chính giá trị của việc cử hành?
Trước cải cách, quan điểm chung cho rằng cần phải đến trước phần dâng lễ vật. Một dấu hiệu rõ ràng về điều này là khoảnh khắc tấm màn che chén thánh được lấy ra ngay từ khi bắt đầu nghi thức.
Cuộc Cải cách phụng vụ đã nhấn mạnh rằng Thánh lễ được hình thành từ Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, “được kết hợp chặt chẽ với nhau để tạo thành một hành vi thờ phượng duy nhất” (SC, 56). Do đó, người tín hữu được mời gọi “tham dự toàn vẹn Thánh lễ, đặc biệt vào các Chúa nhật và các ngày lễ buộc” (ibidem).
Từ quan điểm về qui tắc cần phải tuân giữ, một số người cho rằng việc tham dự Thánh Lễ đầy đủ bắt đầu từ việc nghe Tin Mừng, vì tầm quan trọng của nó trong Phụng Vụ Lời Chúa: “Bài đọc Tin Mừng là đỉnh cao của chính Phụng vụ Lời Chúa” (QCSLRM, 13).
Về mặt cá nhân, tôi cho rằng nên thay đổi cách tiếp cận và cố gắng hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc tham dự thánh lễ của chúng ta, bằng cách mở rộng tầm nhìn vượt ra ngoài cách hiểu pháp lý đơn thuần. Không phủ nhận điều đó, vì việc làm rõ luật lệ giúp hiểu rõ các vấn đề, nhưng trong phụng vụ, điểm trọng yếu thường nằm ở nơi khác. Tôi muốn đưa là một số ví dụ từ cuộc sống đời thường. Các cổ động viên đi xem bóng đá thường rời nhà sớm để có mặt trước khi trận đấu bắt đầu. Sự chờ đợi được lấp đầy bằng những bài hát và những thứ tương tự, gắn kết các cổ động viên đối lập mà không cần phải nghĩ đến những hành vi đáng chê trách, dù điều đó không phải ít. Trong một bối cảnh khác và trong một bầu khí yên tĩnh hơn, những người đến rạp xem kịch cũng đã lên kế hoạch đến sớm. Thường thì khi vỡ kịch bắt đầu người ta không cho vào nữa. Chúng ta có thể tự hỏi liệu đại đa số các tín hữu có những lo lắng tương tự khi họ chuẩn bị đến nhà thờ để tham dự Thánh lễ Chúa nhật hay không.
Do đó, cần phải nói thêm rằng không thể bỏ qua các nghi thức mở đầu trong nhịp điệu của hành động phụng vụ, mục đích của nó là “giúp cho các tín hữu đang tụ họp được hiệp thông với nhau và chuẩn bị tâm hồn họ nghe lời Chúa cách nghiêm chỉnh và cử hành Thánh lễ cách xứng đáng” (QCSLRM, số 46).
Khi xem xét quan điểm phụng vụ này một cách nghiêm túc, câu hỏi ban đầu chúng ta đặt ra sẽ thay đổi: sự hiện diện của những người không tham gia vào việc hình thành cộng đoàn sẽ như thế nào? Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã xác định rõ cách thức “Giáo Hội không được thành lập bởi quyết định của loài người, nhưng được Thiên Chúa triệu tập trong Chúa Thánh Thần và bằng đức tin, Giáo Hội đáp trả với lời kêu gọi nhưng không của Ngài : quả nhiên, từ ekklesia liên quan đến klesis, có nghĩa là “kêu gọi” (Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 42). Tuyên bố này nhấn mạnh một cách mạnh mẽ tính cộng đồng của Thánh Lễ, diễn tả lời mời gọi mà Thiên Chúa ngỏ với chúng ta như một dân được thánh hiến cho Ngài. Nó cũng cho chúng ta biết Chúa Thánh Thần hoạt động như thế nào ngay từ đầu của toàn bộ hành động phụng vụ, qua những cử chỉ và lời nói lôi kéo chúng ta cùng với anh em chúng ta trong đức tin.
Tinh thần Cải cách đòi hỏi chúng ta biến đổi cái nhìn đức tin: chúng ta đang đáp lại lời mời gọi này của Chúa như thế nào? Viễn cảnh mà chúng ta tự vấn theo đó không phải là viễn cảnh của một đức tin trọn vẹn và có ý thức, một đức tin thực sự nhận ra Thánh lễ Chúa nhật là hồng ân cao cả mà, với tư cách là một Giáo hội, chúng ta đã nhận được từ Chúa? Khi đặt mình vào trong nhận thức này, nhiều câu hỏi sẽ được hình thành theo những cách khác nhau; tư duy của chúng ta sẽ được biến đổi, bằng cách tái khám phá ngày Chúa nhật không chỉ là một ngày nghỉ ngơi sau một tuần làm việc, mà còn là ngày của Chúa, ngày được thánh hiến cho Ngài và cho các mối quan hệ thân thiết và quý trọng nhất của chúng ta, trong ngày lễ của Chúa Thánh Thần.
G. Võ Tá Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét