Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Gia trưởng và việc nhà

Kính thưa quý gia trưởng !
Trong xã hội Việt Nam xưa, việc nội trợ được dành riêng cho người vợ, người mẹ trong mỗi gia đình. Người đàn ông gánh trọng trách ngoài xã hội, đảm bảo kinh tế cho cả nhà, và nghiễm nhiên giữ vai trò làm chủ gia đình. Một thỏa thuận bất thành văn : Việc nhà trở thành thiên chức của người phụ nữ. Tuy vậy, khi tiến tới xã hội hiện đại hôm nay, việc bình đẳng giới đã đưa người phụ nữ bước ra ngoài xã hội, cũng gánh vác những trọng trách lớn, cống hiến tài năng của mình cho xã hội. Người phụ nữ đã khẳng định được vị trí của mình, được xã hội và luật pháp ghi nhận.
Trước tình hình đó, việc nhà, nếu chỉ dành cho người phụ nữ như bao đời trước đây, sẽ trở thành một gánh nặng khó có thể chu toàn, đòi hỏi một sự chia sẻ đầy trách nhiệm từ phía người người chồng, người cha. Nhân dịp sắp đến ngày 8 tháng 3, gia trưởng chúng ta cùng dành ít phút giây nghĩ về vấn đề đó.

1. Nỗi nhọc nhằn của công việc gia đình.

Người xưa vẫn gọi những công việc người phụ nữ làm trong nhà là “những việc không tên“. Tuy làkhông tên, nhưng mật độ và tính chất của những công việc ấy hoàn toàn không đơn giản chút nào. Có thể nói, từ lúc mở mắt đầu ngày, cho đến khi ngả lưng xuống giường lúc đêm về, việc nhà mới tạm thời dừng lại. Và rồi điệp khúc ấy lại tái diễn lúc bình minh hôm sau.
Mờ sáng, khi chồng và con cái đang còn ngon giấc, người vợ đã trở dậy, vội vã vào bếp chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Khi chồng và con cái vệ sinh cá nhân buổi sáng xong thì bàn ăn đã dọn sẵn, ấm trà nóng và ly cà phê bốc khói đã sẵn sàng cho chồng vừa nhâm nhi vừa coi tin tức buổi sáng trên truyền hình. Có thể hình dung đầu ngày những câu nói rất quen thuộc như sau vang lên :
- Em à, lấy cho anh thêm chút đường.
- Đôi vớ của anh hôm qua em giặt khô chưa vậy ?
- Má ơi, cái áo trắng của con đâu rồi.
- Má à, cho con tiền đóng học phí.
- …

Hầu hết mọi câu nói đầu ngày đều hướng về người mẹ, người vợ. Thường là không nghe tiếng trả lời, chỉ là những tiếng bước chân quen thuộc của người ấy đi lại vào ra thoăn thoắt, để có thêm lọ đường trên bàn, đôi vớ sạch sẽ bỏ vào trong đôi giày sạch bóng của chồng, đưa cái áo trắng mới ủi đêm qua và mấy tờ 50.000 cho con kèm theo lời dặn nhỏ nhẹ nhớ giữ tiền cẩn thận và đóng ngay cho thầy cô khi đến lớp, …
Nếu con cái còn nhỏ, sẽ là việc luôn tay : vệ sinh cho con, thay quần áo, cho ăn, mau chóng dắt xe ra cửa đưa con đến nhà trẻ và quay trở về còn kịp vào công ty.
Hết giờ làm, đón con rồi tạt qua chợ chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình. Cơm nước xong, khi chồng thư thả ngả mình trên ghế xem phim truyền hình, con cái ngồi vào bàn học, thì người vợ, người mẹ ấy lại tiếp tục những việc không tên khác : gom những quần áo của cả nhà đã mặc trong ngày đem xuống bếp giặt giũ, rửa đống chén bát, quét dọn nhà cửa, sắp xếp những đồ đạc bừa bộn. Thật hiếm hoi những giây phút mà người phụ nữ dừng lại làm những việc cho riêng mình mà hầu hết là làm cho chồng, cho con. Cho đến khi mọi việc tạm ổn, nhìn lên đồng hồ đã thấy quá 11 giờ khuya. Ngả mình xuống giường đi ngủ, để rồi lại tiếp tục cho ngày hôm sau.
Một tài liệu nghiên cứu khoa học đã khẳng định rằng trung bình một người phụ nữ đi lại trong nhà (từ nhà khách xuống nhà bếp và ngược lại) khi làm việc nội trợ chiếm khoảng 4 km/ ngày. Ứng với độ dài đi lại ấy là hàng chục, thậm chí hàng trăm những việc lặt vặt không tên khiến người phụ nữ phải làm việc luôn tay, tiêu tốn nhiều thời gian và và dần hao mòn sinh lực theo năm tháng.

2. Sự thờ ơ của người chồng.
Đổi lại với nỗi nhọc nhằn của vợ, có nhiều người chồng hoàn toàn thờ ơ, phó mặc việc nhà cho vợ. Thậm chí, có người chồng mặc nhiên xem việc nhà không phải của đàn ông. Cầm chổi quét nhà, đeo tạp dề vào bếp là mất đi bãn lĩnh đàn ông. Bởi vậy mới có cảnh :
Hôm nay ngày tám tháng ba
Tôi giặt giùm bà cái áo … của tôi.
Hoặc mới có cảnh một cô vợ khoe với hàng xóm : “Chồng tôi đã giúp tôi bằng cách nhấc cái chân lên cho tôi quét nhà”.
Chỉ là chuyện cười, có tính chất cường điệu, nhưng sự thật đàng sau nó là hiện thực tràn lan về sự thờ ơ của người chồng đối với việc nhà. Buổi sáng trở dậy, thả hồn bên khói thuốc và ly cà phê sáng, tâm trí du dương theo điệu nhạc từ máy hát, hoàn toàn không biết vợ đang tất bật lo bữa sáng và vệ sinh cá nhân cho con cái. Đi làm về, áo quần tháo ra vắt bừa bãi lên thành ghế, ngả lưng lên chiếc võng bật tivi, mặc kệ vợ dọn dẹp nhà cửa. Nhà mới lau chưa kịp khô chồng cứ thế giày dép đi lại, tàn thuốc tùy tiện vương vãi khắp sàn. Lâu lâu mời bạn bè về nhà chén chú chén bác xong, sàn nhà la liệt chén bát như bãi chiến trường, chồng đi nghỉ để mặc vợ lặng lẽ thu dọn. Lâu lâu có được ngày nghỉ, vợ đi làm chưa về vẫn không chịu vào bếp, kiên nhẫn đợi vợ về nấu cơm hoặc nếu không thì ra ngoài ăn tiệm. Con cái có nhờ giải quyết điều gì thì khoát tay “Hỏi má mày ấy”. Đã vậy, khi con cái bê trễ học hành, nhà trường gửi giấy mời họp, chồng mắng con rồi quay qua trách vợ “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, rồi đùn đẩy cho vợ đi họp, chứ bố thì nhất quyết không thể để mất thể diện. Bố chỉ đến trường khi được mời tham dự lễ phát thưởng của con, để rạng rỡ khoe với mọi người rằng “Con giống cha”.
Sự thờ ơ của người chồng cứ thế trôi đi theo dòng thời gian. Và sự vô tâm ấy đã âm thầm tàn nhẫn kéo nhanh sự tàn tạ, suy kiệt đến với người bạn đời mà đã một thời mình rất đỗi yêu thương và quan tâm.

3. Làm người chồng theo ý Thiên Chúa.

Chúa Giêsu khi lập Bí tích Hôn phối, ngài chúc phúc và mong muốn đời sống vợ chồng của nhân loại được hạnh phúc. Tình yêu vĩ đại mà Thiên Chúa dành cho Giáo hội của Ngài đã được dùng làm mẫu mực cho tình yêu vợ chồng. Trong mối tương quan vợ-chồng, cả hai đều tìm được sự nâng đỡ, sự sẻ chia cảm thông để có thể vượt qua những gian nan thử thách của đời thường. Việc nhà không phải của riêng ai, càng không phải dành riêng cho phái nữ. Nếu người vợ hôm nay cũng cùng tham gia công tác xã hội như chồng, cũng cùng chồng gánh vác nền kinh tế của gia đình, thì không lý gì, người chồng có quyền “ngoài cuộc” đối với việc nhà. Vì như vậy là bất công, và nếu nói theo ngôn ngữ nhà đạo, là lỗi đức ái. Người vợ về sống chung với mình, có quyền được yêu thương, được chia sẻ cảm thông, được nâng đỡ và bảo vệ, chứ không phải và không thể là một dạng ôsin của chồng con.
Xã hội hiện nay đang cổ súy cho hình ảnh người chồng đeo tạp dề vào bếp, cùng với khẩu hiệu “Cùng chia sẻ việc nhà với người phụ nữ”. Đó là hình ảnh của người chồng văn minh. Không chỉ là người chồng văn minh, mà còn là người chồng sống đúng theo ý Thiên Chúa.
Liên hệ vào cuộc sống của mình, người vợ sẽ cảm thấy được hạnh phúc hơn khi thấy chồng cũng sẵn sàng quét dọn nhà cửa, cũng có thể đi siêu thị mua hàng, biết vào bếp cùng vợ, biết nhắc nhở con cái ngăn nắp trong lối sống và phụ giúp việc nhà. Trong mỗi hành vi nhỏ ấy, người chồng gói ghém một tâm tình yêu thương đến vợ và một tâm tình dâng hiến lên Thiên Chúa Tình Yêu. Như vậy, việc nhà không còn là gánh nặng nhọc mệt ; trái lại, nó trở thành dịp thuận tiện để biểu hiện ngôn ngữ diệu kỳ của tình yêu.
* Cùng suy tư :
Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng con một mái ấm gia đình để chúng con biết sẻ chia những ngọt bùi, vất vả của cuộc sống đời thường.
BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG
Giáo Phận Xuân Lộc

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....