Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Thế nào là trưởng thành

Trưởng thành đối với con người không phải là một đức tính trong nhiều đức tính để làm nên nhân cách, mà chính là sự hài hoà của tất cả những gì tạo thành nhân cách.
Một nhà bác học không đương nhiên là một người trưởng thành nếu sự thông minh của ông không hài hoà với ý chí hướng thiện. Một nhà chính trị tài ba cũng không đương nhiên là một người trưởng thành, nếu ông chỉ dùng tài trí của ông để vạch ra những chương trình độc ác mà không màng đến nhưng đòi hỏi luân lý. Tài trí mà không có lương tâm chỉ đưa đến huỷ hoại tâm hồn.
Lịch sử đã cho chúng ta thấy không biết bao nhiều sự huỷ hoại mà một tài trí không có lương tâm tạo ra cho nhân loại. Xét cho cùng, trưởng thành cũng có nghĩa là sống tử tế, sống cho ra người. Nhân cách chính là cái làm nên giá trị của con người.
Năm 1992, chuyên gia tâm lý người Tây Ban Nha là ông Hanrikê Horace đã cho ấn hành một tác phẩm có tựa đề: “Con người nông nỗi”. Thập niên tám mươi, thế giới như được báo động về cách ăn uống, thị trường đầy dẫy các sản phẩm như cà phê không có chất cafêin, bia không có chất cồn, bơ không có chất béo, đường không có chất đường, muối cũng chẳng có chất muối vv... Tác giả Hanrikê Horace so sánh hạng người nông nỗi với các thứ sản phẩm trên đay, họ là hạng người nông nỗi không có thực chất. Cái thực chất của con người là nhân cách dường như bị cất đi, hay giảm bớt đi. Họ chỉ có cái vỏ bọc của một con người, còn bên trong thì trống rỗng.
Tác giả mô tả con người nông nỗi ấy như sau: “Dửng dưng trước những giá trị siêu việt, không theo đuổi một giá trị nào khác hơn là tiền bạc, quyền hành, danh vọng, lạc thú. Con người nông nỗi ấy sống trong thế giới của thông tin, họ khao khát biết được tất cả mọi sự, và cũng có thể có rất nhiều kiến thức nhưng họ lại không bao giờ chấp nhận chân lý tuyệt đối. Họ muốn biết mọi sự không phải để canh tân và sống tốt đẹp hơn mà biết chỉ để biết. Biết chạy theo tiền của, quyền bính, danh vọng và lạc thú, con người nông nỗi của thời đại không màng đến điều làm nên giá trị đích thực là nhân cách của con người, nghĩa là điều làm cho con người thật sự là người. Tiêu thụ, thụ hưởng, tháo thứ và tương đối hoá mọi sự đó là bốn đặc điểm của con người nông nỗi. Cuộc sống đối với họ là một chuỗi của những trống rỗng mà con người cố gắng lấp đầy một cách vô vọng. Càng cố gắng lấp đầy bằng những phù phiếm thì cuộc sống càng như một lổ hổng càng ngày càng mở lớn. Con người nông nỗi là một con người không có điểm qui tựa.
Đối lại với mẫu người nông nổi ấy, tác giả Hanrikê Horace đề ra mẫu người vững chãi. Trong khi con người nông nỗi đi tìm kiếm tất cả mọi sự, ngoại trừ thiết yếu làm cho con người nên người hơn, thì con người vững chãi chỉ đeo đuổi một giá trị duy nhất trong cuộc sống, đó là đạt được sự sung mãn của nhân cách. Trong cụ thể, mẫu người vững chãi tìm kiếm và xây dựng điều làm nên giá trị đích thực của con người. Dù cuộc đời có trôi nổi, dù có gặp sóng gió, con người vững chãi vẫn bình tâm trong sự đeo đuổi những gì làm cho mình được nên người hơn.
Trong xã hội mà tiền bạc, quyền bính, danh vọng được xem như là những giá trị cao nhất trong cuộc sống, người ta chỉ còn phân loại con người thành hai dạng: đẹp và xấu, thông minh và đần độn, giàu và nghèo. Thực ra, nếu con người chỉ được đánh giá dựa trên những gì làm cho con người nên người hơn, thì rốt cuộc chỉ có một sự phân loại có giá trị là quảng đại và ích kỷ mà thôi. Lịch sử của thế giới không ngừng được dệt nên bởi hai hạng người ấy, một bên là những con người cố gắng xây dựng bằng lòng quảng đại, một bên là những con người chỉ biết huỷ hoại vì chạy theo cái tôi của mình. Một người có thể là người nghèo nhất thế giới nhưng với lòng quảng đại, người đó sẽ là người giàu có nhất, bởi vì người đó biết vượt qua chính mình để hướng đến những giá trị siêu việt. Trái lại, cho dẫu là người giàu có nhất trần gian nhưng nếu tự giam hãm trong vỏ ốc ích kỷ của mình thì con người vẫn chỉ là một người nô lệ. Nỗi khốn khổ lớn nhất của con người nô lệ chính là không biết mình đang là nô lệ, bị giam giữ trong bao nhiêu xiềng xích và kéo lê kiếp sống đoạ đày, mà vẫn huênh hoang trong kiếp đoạ đày của mình, đó là thân phận bi đát nhất của kẻ sống ích kỷ.
Trưởng thành chính là đi từ ích kỷ đến quảng đại. Trong ngôn ngữ của thán Phaolô, trưởng thành là đi từ con nít đến người lớn. Trong thư gởi cho các tín hữu Côrintô, thánh nhân viết về tiến trình trưởng thành của Ngài như sau: “Khi tôi còn con nít, tôi nói năng như con nít, tôi suy nghĩ như con nít và tôi lý luận như con nít, nhưng khi tôi trở thành người lớn, tôi từ bỏ những kiểu cách của con nít”. Cũng trong lá thư đó, Ngài khuyên các tín hữu: “Anh em thân mến, anh em đừng phán đoán như con nít”.
Dĩ nhiên cần phải phân biệt cách cư xử của con nít mà thánh Phaolô kêu gọi từ bỏ với tâm tình trẻ thơ mà Chúa Giêsu đề cao. Chúa Giêsu đã xem tâm tình của trẻ thơ như một điều kiện để được vào Nước Trời. Ngài nói: “Nếu anh em không nên giống trẻ thơ, anh em sẽ không được vào Nước Trời”. Nên giống trẻ thơ như được Chúa Giêsu hiểu ở đây chính là sống trong trắng, đơn sơ, khiêm tốn, chân thành và tín thác. Được hiểu như thế thì tuổi thơ cũng đồng nghĩa với trưởng thành đích thực. Thật thế, con người càng trưởng thành càng sống trong trắng, đơn sơ, khiêm tốn, chân thành. Gian manh,lừa bịp, độc ác, bất khoan nhượng, độc tài có thể là trò của người lớn nhưng không phải là cung cách của người trưởng thành. Lớn trong tuổi tác, lớn trong tài trí, lớn trong địa vị và nhất là lớn trong quyền hành nhưng không đương nhiên là người trưởng thành.
Chúa Giêsu đã không ngừng cảnh cáo các môn đệ của Ngài về nguy cơ quyền bính và danh vọng, Ngài nói với các ông rằng ai làm lớn nhất giữa các ông thì phải trở nên nhỏ bé nhất để hầu hạ, phục vụ mọi người, cũng như Ngài là Đấng không đến để được hầu hạ nhưng để hầu hạ và phục vụ mọi người. Kẻ lớn nhất trong Nước Trời càng phải trở nên bé nhỏ nhất để phục vụ. Chúa Giêsu không chỉ đưa ra một nghịch lý của Tin Mừng, Ngài còn bày tỏ chân lý đích thực về con người, chân lý đó là con người chỉ có thể thực sự lớn lên nghĩa là trưởng thành hơn trong tư cách là người bằng sự quảng đại mà thôi. Càng sống quảng đại càng hy sinh phục vụ, con người càng lớn lên trong nhân cách, đây chính là luận lý của tuổi thơ. Càng nhỏ lại trong cung cách phục vụ, con người càng lớn lên trong tư cách làm người. Như vậy, muốn sống tử tế, muốn sống cho ra người chỉ có một cung cách duy nhất là sống phục vụ, sống quảng đại, sống hy sinh cho tha nhân.
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....