Ông bà anh chị em thân mến. Như
chúng ta đã biết, trong mấy tuần vừa qua, dân chúng ở những quốc gia Trung Đông,
đặc biệt là những quốc gia theo đạo Hồi Giáo, đã biểu tình, đột nhập đập phá,
và đốt cháy nhiều tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Một bọn khủng bố quá khích đã giết một
cách dã man, vô nhân đạo một số nhân viên sứ quán Hoa Kỳ ở quốc gia Li-by-a,
chỉ vì một cuốn phim quá tầm thường và không có giá trị.
Thế nhưng, sự thù hằn củ những người Hồi Giáo
đối với người Do Thái, với Âu Châu và hiện nay là người Hoa Kỳ, đã bắt đầu từ
xa xưa. Đối với những người Hồi Giáo, họ
coi những người theo đạo Ki-tô giáo mà đa số là ở Châu Âu và Hoa Kỳ, hay những
người bỏ đạo của họ là những kẻ thù cần phải tiêu diệt. Cho nên họ đã tạo nên
những cuộc thánh chiến để tìm cách tiêu diệt những người mà họ cho là ngoại
giáo.
Sự kiện này đưa chúng ta về thời điểm 333 năm trước Công nguyên hay
trước Chúa Cứu Thế sinh ra. Lúc đó hoàng
đế Hy Lạp là Alexander đã thống trị được toàn cõi từ Ai Cập cho đến Ấn Độ. Trong khoảng 250 năm, người Hy Lạp đã kiểm
soát tất cả vùng Trung Đông kể cả Đất thánh.
Những người lãnh đạo Hy Lạp bắt buộc tất cả dân của quốc gia dưới quyền
phải chấp nhận và theo văn hóa, phong tục và tôn giáo của họ. Người Do Thái lúc
đó cũng bị cưỡng ép bỏ đạo, phải chối bỏ đức tin vào Thiên Chúa. Những người không tuân theo thì sẽ bị bách
hại và giết chết. Một số người Do Thái đã bỏ đạo, sống theo phong tục và thờ
thần của Hy Lạp. Và chính những người Do
thái bỏ đạo này được đề cập đến và là những người nói trong bài đọc 1 trích
sách Khôn ngoan hôm nay. Họ chế diễu và
gài bẫy để tìm cách hãm hại những người trung thành với Thiên Chúa mà họ cho là
người “công chính.”
Bài đọc I liên kết và đưa chúng ta tới bài Tin mừng trong đó Chúa Giê-su
là “Người Công Chính” thật, tiên đoán về sự đau khổ mà Ngài sẽ phải chịu để trung thành với Thiên Chúa Cha và trung
thành với sứ mệnh của mình. Bài Tin mừng có 2 phần. Phần thứ nhất, Chúa Giê-su báo trước cho các
môn đệ về sự đau khổ và cái chết của Ngài.
Đây là lần thứ 2 Chúa nói với các môn đệ biết về vấn đề này. Phần thứ 2 của bài Tin mừng, Chúa hỏi các môn
đệ về cuộc tranh luận giữa các ông khi đi đường, rồi Chúa dạy các ông và tất cả
chúng ta một bài học quan trọng trong đời sống Ki-tô hữu.
Thật là một điều đáng buồn, đang khi Chúa loan báo cho các ông biết một
điều quan trọng, đó là việc Ngài sẽ phải chịu đau khổ và chết nhục nhã, thì các
môn đệ lại không quan tâm, để tranh giành ngôi thứ và đưa đến sự ghen ghét,
ganh tị lẫn nhau. Thật là đáng trách và
các môn đệ cũng đã nhận ra điều đó, bởi khi Chúa hỏi, các ông đã làm thinh. Còn
đối với Chúa chúng ta thấy Ngài không buồn hay chán nản vì thái độ của các
ông. Ngài đã gọi và đã chọn các ông với
tất cả thực chất con người, tham vọng và yếu đuối. Nhưng Ngài sẽ giúp các ông thắng vượt những
thái độ tầm thường đó. Vì thế nhân dịp
này Chúa đã dạy các ông một bài học.
Ngài không khiển trách các ông về việc tranh dành ngôi thứ, nhưng dạy
cho các ông biết đâu là giá trị đích thực, đâu là cái làm cho người ta trở
thành lớn hơn, quan trọng hơn. Đó là tự
hạ mình, khiêm nhường phục vụ mọi người.
Sau lời dạy bảo ngắn gọn này, Chúa kêu gọi một em nhỏ đến, đặt em đứng
giữa các môn đệ và nói: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì
danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy.”
Tôi tin chắc rằng tất chúng ta đều hiểu đón tiếp một em bé như thế chắc
chắn không phải để em bé đó phục vụ mình, nhưng là phục vụ em bé đó.
Đến đây, tôi xin chân thành cám ơn những
thầy cô và tất cả mọi người tham gia giúp đỡ trong chương trình giáo lý và Việt
ngữ của giáo xứ, đã hy sinh thời giờ và sức lực để dạy dỗ, hướng dẫn và phục vụ
các em nhỏ học sinh, để các em mở rộng trí khôn, tầm hiểu biết về giáo lý và
đến gần với Chúa hơn qua sự cầu nguyện và tôn thờ Chúa trong Bí tích Thánh Thể.
Và tôi thành tâm kêu gọi tất cả mọi
người, nhất là các bậc phụ huynh cha mẹ phụ giúp và hợp tác với các thầy cô để
phục vụ giúp đỡ con em. Như chúng ta vừa
nghe trong bài Tin mừng phục vụ, đón tiếp và giúp đỡ các em là phục vụ và đón
tiếp chính Chúa. Ngoài ra, em nhỏ là hình ảnh tượng trưng cho những người tầm
thường, nghèo khổ và yếu kém sống ngoài lề xã hội và không đáng kể trước mặt
mọi người. Và tiếp đón, phục vụ những
người này là phục vụ, tiếp đón chính Chúa.
Giúp đỡ, yêu thương và quảng đại với những người này là giúp đỡ, yêu
thương chính Chúa.
Thật vậy, đối với Chúa người làm lớn là người phục vụ kẻ khác. Và đối tượng được phục vụ là những người nhỏ
nhất, tức là những người hèn kém, những người nghèo khổ, và phục vụ họ là phục
vụ Chúa. Như vậy nếu chúng ta phục vụ ai
trong sự yêu thương và với lòng khiêm nhường chính là vì chúng ta muốn phục vụ
Chúa Giê-su trong họ, và nếu ai phục vụ chúng ta thì cũng chỉ vì họ đang phục
vụ Chúa Giê-su trong chúng ta. Cho nên,
điều quan trọng không phải là làm lớn làm nhỏ, mà là chúng ta có sẵn lòng và nhiệt thành phục vụ không và phục
vụ với tinh thần và thái độ như thế nào.
Ông bà anh chị em thân mến. Là
con người, ai trong chúng ta cũng muốn tự cao, tự đại, cho mình là quan trọng,
muốn được chú trọng, muốn ngồi chỗ cao, thích được khen ngợi, thích làm lớn và
ưa địa vị quan trọng. Đó là cái tật cố hữu của loài người từ ngày tạo thiên lập
địa, chứ không phài chỉ là tật xấu của các môn đệ Chúa Giê-su. Thế nhưng tật xấu này trái ngược với tinh
thần Tin mừng, cho nên Chúa bảo chúng ta phải loại bỏ, và sống khiêm nhường,
quên mình, quảng đại, biết dùng đời sống và những ơn lành Chúa ban để phục vụ
Chúa và anh chị em, nhất là những người đau khổ, nghèo đói và yếu hèn, để kiến
tạo yêu thương, xây dựng hiệp nhất, thắt chặt tình liên kết mọi người sống
trong sự tinh thần tha thứ và hòa hiệp. Trong bài đọc 2, thánh Gia-cô-bê cho chúng ta
biết ở đâu có chỉ trích, tranh chấp, ganh ghét, chia rẽ ở đó có mọi thứ xấu
xa. Và ở đâu có hiền lành, chính trực
thì có an hòa, hạnh phúc. Cho nên, là
những Ki-tô hữu, chúng ta phải cố gắng kiến tạo sự hiệp nhất trong yêu thương
và phục vụ lẫn nhau. Đây là phương cách
chúng ta vinh danh và làm sáng danh Chúa.
Chúa Giê-su Ki-tô đã chịu những sự đau khổ để trung thành với sứ mệnh
cứu rỗi con người nhân loại. Chúa đã
phục vụ con người hèn kém của chúng ta từ lúc tạo thiên lập địa. Như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính:
“Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.”
Người đã khiêm nhường xuống thế trở thành con người trong lòng Đức Trinh
Nữ Maria. Như Thánh Phao-lô đã nói:
“Người là Thiên Chúa nhưng đã chịu lấy xác phàm và trở thành nô lệ.” Trong thời gian rao giảng, Chúa đã phải chịu
nhiều đau khổ, chịu chỉ trích và chế diễu, chịu đánh đòn, đóng đinh và chết
trên thập giá để yêu thương và cứu rỗi con người phàm trần chúng ta.
Tóm lại, Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy sống khiêm nhường và sẵn sàng phục
vụ lẫn nhau. Tất cả chúng ta đang sống
là để phục vụ người khác, như thế cũng là đang phục vụ Thiên Chúa. Khiêm nhường phục vụ tha nhân là con đường
Chúa đã đi và cũng là con đường Chúa kêu gọi chúng ta can đảm bước đi theo
Ngài, để hợp tác với Chúa trong sứ mệnh đem ơn cứu độ và tình yêu của Chúa đến
cho mọi người, nhất là những nơi còn đang sống trong cảnh thù hằn tranh chấp và
khủng bố. Xin Chúa ban nhiều ơn lành cho chúng ta.
Lm. Quản Nhiệm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét