Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Chúa nhật IV Mùa Vọng C_2012


    Ông bà anh chị em thân mến.  Không còn bao lâu nữa chúng ta sẽ mừng sinh nhật của Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng trần cách đây hơn 2 ngàn 12 năm, tại một ngôi làng nhỏ bé và khiêm tốn, có tên là Be Lem, như lời ngôn sứ Mi-ca đã tiên đoán trong bài đọc 1 hôm nay.
      Vào thời ngôn sứ Mi-ca, thủ đô của quốc gia Át-si-ri-a ở vào khoảng miền Bắc của I-rắc hiện nay. Quân đội của Át-si-ri-a rất hùng mạnh và nổi tiếng về sự tàn bạo.  Trước đó, họ đã hủy diệt, san thành bình địa tất cả những công trình kiến thiết và nhà cửa trên phần đất phía Bắc của Do thái, và cũng đã làm thiệt hại nhiều trên phần đất phía Nam.  Lúc đó quân của Át-si-ri-a đang bao vây thành Giê-ru-sa-lem một cách chặt chẽ, và kêu gọi mọi người trong thành ra đầu hàng.  Dĩ nhiên, tất cả mọi người kể cả quân đội đóng trong thành đều run sợ trước sự đe dọa của quân thù.  Nhưng như chúng ta nghe trong bài đọc 1 hôm nay, qua lời của ngôn sứ Mi-ca, Thiên Chúa hứa ban cho họ một Đấng sẽ đến giải phóng họ.  Đây là một niềm hy vọng quan trọng và là niềm vui mừng cho họ.  Sách của ngôn sứ Mi-ca rất ngắn và chúng ta chỉ được nghe 3 năm một lần và trong dịp này.  Ngôn sứ tuyên bố cho mọi người biết ơn giải thoát cứu độ sẽ đến từ một ngôi làng khiêm tốn phía Nam của Giê-ru-sa-lem khoảng 7 dặm, nơi sinh ra của vua Đa-vít, đó là Be Lem.  Chính nơi đây, Đấng cứu độ sẽ được sinh ra và sẽ giải thoát dân Chúa và dẫn họ đến bình an.  Sự việc này đã xảy ra tại chính ngôi làng Be lem này.  Đấng cứu thế đã được sinh ra cho cả nhân loại. 
     Trong những ngày bận rộn chuẩn bị cuối cùng để mừng kính ngày Giáng sinh của Đấng cứu thế, giáo hội mời gọi chúng ta hãy để ra một tiếng đồng hồ, suy niệm và cảm nghiệm với Đức Maria mầu nhiệm lạ lùng Thiên Chúa giáng trần đến với nhân loại.  Bài Tin mừng trước đó cho chúng ta biết, sứ thần Ga-pri-el đã đến báo tin cho Đức Maria là người diễm phúc, vì đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng cứu thế, Ngôi Hai Thiên Chúa, và để bảo đảm cho lời truyền tin này, sứ thần đã đưa ra một bằng chứng về quyền năng của Thiên Chúa qua sự việc bà Ê-li-za-bét thụ thai, người họ hàng với Đức Maria, trong lúc tuổi già, nhưng cũng đang mang thai một người con trai.  Bà Ê-li-za-bét  lúc đó bị mang tiếng là hiếm hoi, nay đã có thai được sáu tháng, vì như lời sứ thần cho Đức Maria biết, “Không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được.”  Đức Mẹ đã đặt tất cả niềm tin của mình vào lời Chúa và thưa với sứ thần hai tiếng “xin vâng” theo thánh ý Chúa.  Khi sứ thần cho biết như thế, thì ít ngày sau, Đức Mẹ đã vội vã lên đường đi thăm bà Ê-li-za-bét, và ở lại giúp đỡ trong ba tháng.
     Ông bà anh chị em thân mến. Động lực nào đã thúc đẩy Đức Mẹ vội vã lên đường, vượt qua con đường khó khăn, hiểm trở khoảng 65 dặm, để đi thăm bà Ê-li-za-bét?   Chúng ta có thể đưa ra 2 lý do chính sau đây.  Lý do thứ nhất, Đức Mẹ đi để chia sẻ niềm vui, và có dịp cùng bà Ê-li-za-bét chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa, vì cả hai đều được hưởng đặc ơn của Thiên Chúa.  Mẹ đã không cầm giữ niềm vui ơn sủng Chúa ban, trong con người của mình, mà mau mắn và vui mừng chia sẻ ơn sủng đó với người khác.   Hay nói một cách khác, Mẹ đã đem chính Đấng Cứu Thế đến cho bà chị họ và cho Gio-an tiền hô lúc đó đang trong bụng mẹ.  Vì thế, khi Đức Maria vào nhà thì bà Ê-li-za-bét và cả thai nhi Gio-an, chỉ còn 3 tháng nữa sẽ được sinh ra, đều nhảy mừng.  Động lực thứ hai đã khiến cho Đức Maria vội vã lên đường để đi thăm viếng bà Ê-li-za-bét, là Mẹ muốn thể hiện lòng bác ái, yêu thương của mình.  Thật vậy, lòng yêu thương bác ái đã thúc đẩy Mẹ lên đường.  Địa bàn cho chúng ta biết, con đường này dài vào khoảng từ 60 đến 70 dặm và rất là gồ ghề và hiểm trở.  Ngày xưa không có những phương tiện di chuyển như bây giờ, mà phải đi bộ với chân không hay đôi dép sơ xài thôi. Thật vậy, con đường có thể dài, khó khăn và nguy hiểm, nhưng nếu đã nhất quyết và vì Lời Chúa thúc đẩy, thì cho dù khó khăn cách mấy cũng không ngăn cản được.  Chúng ta thường nghe câu tục ngữ “Đường đi khó, không khó vì ngăn sống cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”   Hay chúng ta có thể đặt lại là “Đường đi đến Chúa, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người có mến Chúa hay không?”  Đức Mẹ là người có tấm lòng yêu mến Chúa và bác ái đối với mọi người.  Vì vậy, khi vào nhà và sau lời chào của Đức Maria, bà Ê-li-za-bét đã cảm nhận được sự hiện diện của Thánh Thần và cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?”  Và bà đã nói với Đức Maria: “Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện.”  Chữ “Phúc” trong câu trên, theo Kinh thánh, bao hàm 2 ý nghĩa: vui mừng và hạnh phúc vì có Chúa trong tâm hồn.
     Ông bà anh chị em thân mến. Đức Maria đã khiêm nhường và hy sinh cuộc đời riêng tư của mình, để lãnh nhận thánh ý Chúa, cưu mang Đấng cứu thế với một niềm vui mừng và hạnh phúc tuyệt đỉnh.  Đức Maria thật sự vui mừng và hạnh phúc vì Mẹ tin những lời Chúa phán cùng Mẹ.  Nếu chúng ta tiếp tục đọc những câu sau bài Tin mừng hôm nay, thì chúng ta sẽ cảm nhận được sự vui mừng của Đức Maria trong “Kinh Ngợi Khen” phát xuất từ đôi môi của Mẹ.  Do đó, thưa ông bà anh chị em, nếu chúng ta thật sự muốn có vui mừng và hạnh phúc trong đời sống, thì đây là chìa khóa: đừng nghi ngờ Thiên Chúa; đừng nghi ngờ tình yêu của Chúa cho chúng ta; đừng nghi ngờ sự hiện diện của Chúa trong đời sống; và đừng nghi ngờ lời dạy bảo của Chúa trong Tin mừng.  Thiên Chúa thực sự không có những đường lối như chúng ta nghĩ, hay không luôn làm theo những điều chúng ta muốn, và chúng ta không luôn biết thánh ý và đường lối của Thiên Chúa.  Vì vậy chúng ta phải luôn đặt tin tưởng vào Thiên Chúa như Đức Maria.  Như chúng ta biết, Đức Maria đã không biết được sự việc hay dự định của Thiên Chúa, nhưng Mẹ và ngay chính Con của Mẹ là Chúa Giê-su, đã tin vào lời và sống thánh ý của Chúa. 
     Trong một thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ mừng sinh nhật của Đấng cứu thế, Con của Mẹ.  Chúng ta cầu xin luôn cảm nhận được sự vui mừng qua mầu nhiệm giáng trần của Con Mẹ mang đến, và tin chắc rằng qua Con của Mẹ, Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta và luôn yêu thương chúng ta, để chúng ta biết noi gương của Mẹ có lòng yêu thương, bác ái và quảng đại, chia sẻ ơn lành của Chúa với mọi người, và luôn ý thức biết xử dụng ơn Chúa ban để làm sáng danh Chúa.
Lm. Quản Nhiệm

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....