Đến Los Angeles, San Jose, ngay cả San Francisco (những nơi tiêu biểu gần gũi), người ta sẽ thấy có những khu phố, khu gia cư rất ư chất chội, lùm xùm, cũ kỹ, xấu xí, nhưng lại có những khu vực được xây dựng rất gọn gàng quy củ. Khu vực cũ kỹ lùm xùm ổ chuột kia đơn giản vì, khoảng nửa thế kỷ trước đây, người ta chưa có Ủy Ban Kế Hoạch và Xây Dựng ở cấp thành phố và quận hạt. Tầm nhìn mang tính kế hoạch trong thời gian lúc ấy là như thế.
Khác với bây giờ, mọi xây cất, kiến thiết, bất kể là dân cư, kỹ nghệ sản xuất hay thương mại buôn bán, đường ống nước, đường dây dẫn điện, hệ thống ống cống nước thải… thì nhà thầu buộc phải đi qua Ủy Ban Kế Hoạch của thành phố và Quận Hạt, chưa kể đến những cứu xét chấp thuận của Ủy Ban Môi Trường. Phận vụ và trách nhiệm của những Ủy Ban này là bảo đảm cho sự hài hòa của phát triển theo kế hoạch, chẳng phải hiện tại thôi, nhưng còn nhắm đến tương lai. Nếu dùng không ảnh từ Google Earth để xem từng thành phố hay khu vực, người ta sẽ thấy rõ cái gọi là “kế hoạch” này.
Chuyện môi trường sinh sống trên quả đất là như thế. Nó là cấp thành phố hay quận hạt với cả triệu dân nhưng việc kế hoạch, chuẩn bị tương lai sao ngon lành dễ dàng. Chuyện đạo ngay trong gia đình tôi với chỉ 2 đứa con, một đứa trung học, 1 đứa tuổi teen, thì ôi chao sao trầy da tróc vẩy, chẳng có ngon lành dễ dàng chút nào… Tôi, theo công thức và mô hình xây dựng của thành phố , đã nhiều lần nghĩ về tương lai đạo nghĩa của con mình… Tôi đã vô hàng 6 bó rồi. Ngày ra đi đâu còn xa. Con tôi và tốp trẻ là thế hệ đến sau, chuyện đức tin của chúng sẽ ra sao? Trách nhiệm của tôi đến mức nào? Điều gì mình có thể làm và không thể làm?
Hồi xưa, tôi đón nhận đức tin, mở lòng mở trí đón nhận Chúa cách hết sức dễ dàng đơn giản, nhưng sao bây giờ, chuyện này lại quá khó khăn nơi tốp trẻ, chẳng phải chỉ với 2 đứa con của mình, mà nơi cả đám con cái bất kể trai gái của bạn bè anh em quen biết!!! Con gái một người bạn, sau 1 quãng đại học, nó bỏ đạo, không theo công giáo nữa. Nó không chạy qua nhóm các anh em Kitô giáo khác (tin lành), nhưng cải giáo sang đạo Hồi!
Nó có phải vì môi trường và mùi không khí của thời đại? Ngay từ tốp tiểu học dần lên trung học, con trẻ tiếp xúc với một thế giới không còn giống thế giới của (mới chừng) 3 thập niên trước. Thế giới bây giờ là một căn nhà khổng lồ không vách ngăn, không cửa sổ, không cửa ra vào, không hàng rào, không lời răn bảo. Nó mờ ảo nửa có nửa không như những gì nhìn thấy trên màn ảnh của máy điện toán. Nó cổ võ một thứ tự do vô biên giới và tuyệt đối của ý muốn. Nó mở toang. Bước vào trong đó là người ta lạc vào khu rừng không lối ra, chi chít và rậm rạp những gía trị đối nghịch. Đối nghịch nhưng mạnh mẽ quyến rũ gọi mời. Có vẻ như các ‘cơ sở và tổ chức” truyền thống vốn có nền tảng vững chắc, giờ chỉ là một trình bày khiêm tốn, rất yếu ớt, quá lép vế. Tuy rao giảng những điều gía trị, nó lại không vuốt ve con người nên nó trở thành một thứ quảng cáo không quyến rũ, không ăn khách giữa những chưng bày khác hào nhoáng, màu sắc, êm ái giác quan hơn. Những chưng bày khác này, vì mang tính hiện sinh, chúng có một sức mạnh hết sức vũ bão. Cũng có vẻ như, ở thời đại này, người ta không còn sỡ hữu nắm giữ thứ gì nữa, cho dù đó là những giá trị luân lý cùng những mực thước truyền thống mà tôn giáo cố ghì giữ vì an toàn một hướng đi cho con người. Càng khư khư ôm giữ và đứng lại, nó càng bị đẩy lùi mà trở thành lạc hậu, cổ hủ. Cứ nhìn cách thức, nội dung của kỹ nghệ quảng cáo hiện tại, người ta sẽ thấy ngay việc công chúng “được” các hãng sản xuất này “giáo dục”. Nó là “bị giáo dục” chớ không chỉ đơn giản là “bị dụ dỗ”. Qua kỹ nghệ quảng cáo có điện toán hỗ trợ, người ta tô vẽ cái công dụng mà món hàng họ sản xuất đem lại cho người tiêu dùng, tức là 1 cách nào đó, chính nhà sản xuất “tạo ra” nhu cầu. Người ta không còn tự do. Người ta bị phủ dập 4 phía chung quanh, cả trên lẫn dưới trong khi lại tưởng mình tự do lựa chọn.
Đấy là thời đại của con cái tôi, con cái anh em tôi. Thực sự, chẳng con hàng rào, răn bảo gì nữa. Ngoài chuyện đích thân đưa con đến lớp học giáo lý thêm sức (có lẽ là lớp giáo lý cuối cùng trong đời nó), tôi chỉ có thể giúp con học và đọc vài kinh căn bản cần thiết, kinh Lạy Cha, Kính Mừng , Sáng Danh cùng Tin Cậy Mến. Kinh, phải học và đọc với con bằng tiếng Anh. Tiếng Việt, chúng có thể đọc nhưng không hiểu. Ngay bây giờ, con mới chỉ trung học cấp I (middle school), tôi vẫn còn có thể cùng con đọc kinh tối trước khi đi ngủ. Chỉ có kinh tối thôi chứ không có kinh sáng, vì mỗi ngày, tôi ra khỏi nhà lái xe đi làm rất sớm lúc trời chưa tờ mờ. Khi con lên trung học đệ II cấp (high school), chưa biết. Khi cháu vào cao đẳng (chưa nói đến đại học), thì bố mẹ càng không biết chuyện kinh sách tối thiểu này sẽ ra sao… Tôi không có số liệu hay chia sẻ từ phụ huynh và những người quan tâm để xem lớp giáo lý Thêm Sức này hiệu quả gì, để lại âm hưởng gì trong đời con cái mình. Nếu chỉ cho con học giáo lý theo quy định mà xong chuyện bí tích cho đầy đủ lễ bộ, thì câu chuyện không cần phải bàn.
Thực ra, nhìn lại, mẹ cha ông bà trong gia đình đã dạy dỗ tôi những gì và dạy thế nào về Chúa, về đức tin, tôi không rõ. Đến lượt tôi, phải dạy con thế nào và dạy con điều gì về Chúa, về đức tin, tôi cảm thấy luống cuống, thua. Dẫn con đến nhà thờ dự thánh lễ, cùng đọc kinh tối với con (khi nó còn trong tay mình), ráng hàng mỗi 6 tuần hay 8 tuần, cùng với con đi xưng tội, và hàng ngày cầu nguyện dâng con cho Chúa, có vẻ như là những điều duy nhất tôi có thể làm… Những dẫn giải, khuyên bảo khi gặp chuyện gì đó (ở trường học, bạn bè..) cũng chỉ là thỉnh thoảng. Ngoài kia, cái không gian / cái môi trường chiếm 1/3 ngày sống của con, tôi không biết, không thể kiểm soát, không thể biết trước tầm ảnh hưởng.
Dẫn con đến nhà thờ dự lễ, đây là một công việc khó khăn khác. Khó không phải vì không lôi được con đi theo mình, nhưng khó vì, cái cảm nghiệm + nhận thức về phụng vụ, về Chúa + về thánh lễ của con tất cả đều lu căm. Lớp giáo lý vỡ lòng + Rước Lễ lần đầu học cả 2 năm dài mỗi tuần 1 tiếng đồng hồ, không ăn thua thấm tháp chi, nên dù đã học biết về thánh lễ và thánh thể, nó cứ ngáp dài. Bài giảng, hay dở bất kể, thì con mình, dù đã là tuổi teen, không phải là đối tượng nên không hạp nội dung. Cứ thế, từ teen cho đến trung học, rồi từ trung học lên đến cao đẳng, việc “chuyển đạt đức tin” / việc “giáo dục đức tin” diễn ra như thế, tiến hành như thế… Tôi nghĩ tình trạng này không chỉ riêng gia đình tôi gặp phải mà nó có vẻ phổ thông nơi mọi gia đình công giáo, chỉ có điều người ta không nói lên hay không biết cách nói lên thôi.…
Một người anh em rất tốt lành chia sẻ với tôi rằng, vợ chồng anh có ước vọng có 1 đứa con dâng mình cho Chúa (trong ơn gọi tu sĩ hay linh mục). Chuyện Chúa làm vẫn là việc không ai ngờ, nhưng nói về chuyện ơn gọi này trong “viễn tượng trường tồn” của Giáo Hội, thì người ta phải đặt vấn đề 1 cách khác. Môi trường, tâm thức và hoàn cảnh giờ đã thay đổi rồi. Nhưng dù có vui buồn dựa theo con số (đông đảo hay ít oi), vấn đế là, bóng dáng giới tu ở đây sao mờ nhạt quá. Nhưng nếu theo dõi thống kê, Giáo Hội Hoa Kỳ cho thấy tình hình không thê thảm như người ta nghĩ , dù rằng GH Mỹ bị bọn media xỉa xói triệt hạ suốt 1 “chiến dịch” khá dài! Tình hình theo thống kê thì như thế, nhưng cái “ước vọng” cho con mình thì cứ phải kiên nhẫn tin tưởng, chờ con nước rong kiểu như Chúa có thể tái diễn màn quật ngã đã làm cho Phaolô.
Vậy thì thế nào chuyện đức tin ở thế hệ sau, cụ thể là sẽ thế nào chuyện đạo nghĩa chúa bà nơi đám con cái của tôi và của anh em tôi? Bầu khí và thực trạng như vậy đấy, mính có phải lo lắng không? Lo lắng thì làm gì, làm thế nào?
Trong cuốn sách bàn về hiện tượng giới trẻ ngày nay rời xa Giáo Hội (You Lost Me - Why Young Christians are leaving the Church and are re-thinking Faith), tác giả Kinnaman bảo rằng, “một nền văn hóa ‘luôn đặt câu hỏi’ có thể dẫn con người đến Lẽ Thật. Ngay cả sự căng thẳng giữa đức tin và văn hóa cũng có thể đưa dẫn đến những kết quả tích cực, tuy nhiên, người ta chỉ có quyền mong mỏi điều tích cực này nếu các giáo hội tìm ra được phương cách mới đối diện với vấn đề mà giao tiếp với giới trẻ bằng những cách thức thích hợp, thức thời.”
Khi có người quan tâm trình bày về thực trạng truyền giáo, về quan tâm truyền giáo và nhân sự truyền giáo, một đấng bản quyền chắc nịch niềm tin, rằng, “Đừng lo chuyện ấy. Hồi xưa, Chúa chỉ cần có 12 ông tông đồ chài lưới dốt nát thôi mà đạo Chúa bây giờ như vậy đấy!” … Đúng, “đạo Chúa bây giờ như vậy” thật! Vấn đề không phải là gia tăng con số nữa. Chuyện cần phải làm, là tăng chất lượng của ơn đức tin đang có để không mất, không bị bắn tỉa, không bị chao đảo mà rơi rụng, chiên không bị sói cướp mất cái đã… Lo cái này xong thì mới nói đến chuyện chiêu mộ mời gọi…
Nhưng ngoài việc thờ thánh , kinh sách, cầu nguyện sớm tối, tôi phải làm gì nữa?
Con cái sắp rời khỏi vòng tay của tôi rồi. Con đang bước vào giai đoạn mới của cuộc đời với cái môi trường không vách tường rào cản kia, thì những chuẩn bị đức tin nào, hành trang ơn sủng nào tôi phải làm để giúp con? Tôi đặt câu hỏi này với 1 người anh em. Anh ta khuyên tôi rằng, “mình đã dẫn lối chỉ đường, vạch vẽ cho con thấy điều hay cái tốt, đã tích cực theo dõi khuyến khích nó… Mình chỉ có thể làm như thế thôi. Phần còn lại thế nào, con nó làm được bao nhiêu, mình làm sao hơn!” Lời khuyên này thì sao nhỉ? Cái lo lắng mang tinh thế hệ của tôi có cần không hay đây là việc của Chúa, tôi không phải dính dáng quan tâm?
Tín Hữu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét