Ông bà anh chị em thân mến. Trong đời sống Ki-tô hữu, cầu nguyện là một trong
những yếu tố rất quan trọng và cần thiết, vì không có đời sống cầu nguyện làm nền
tảng, thì chỉ có hình thức bề ngoài. Trong
bài Tin mừng, các tông đồ xin Chúa Giê-su dạy cho họ cầu nguyện, và Chúa đã dạy
các ông một khía cạnh sâu sắc của cầu nguyện, được diễn tả trong tình liên hệ
cá nhân mật thiết của Người với Thiên Chúa Cha. Đây cũng chính là mẫu mực của sự cầu nguyện mà
Chúa muốn chúng ta phải có.
Hầu như khi chúng ta nghĩ đến cầu nguyện, chúng ta liên tưởng đến việc cầu xin điều gì. Khi chúng ta đối phó với những hoàn cảnh khó khăn, cầu xin là việc thích đáng. Nhưng cầu nguyện có những lý do quan trọng và cần thiết hơn là đơn giản cầu xin Chúa một điều gì. Lý do quan trọng là tạo dựng một tình liên hệ thân thiết, mật thiết với Chúa. Như chúng ta biết, không thể có một tình liên hệ thân thiết nếu không có sự trao đổi, chia sẻ hay tâm sự, và nếu không có sự trao đổi, chia sẻ thì sẽ không phát sinh tình cảm. Chúng ta có thể kết luận rằng tình liên hệ của chúng ta với người nào đó có tốt đẹp, có thân thiết hay mật thiết không, tùy thuộc vào phẩm chất của sự đối thoại hay trao đổi tư tưởng. Trong đời sống gia đình cũng vậy, nếu giữa vợ chồng không có những cuộc đối thoại, trao đổi hay bàn thảo lành mạnh, thì sẽ không có yêu thương hay hạnh phúc. Và muốn có khả năng trao đổi tư tưởng để giao tiếp và gây dựng một tình liên hệ, chúng ta phải được hướng dẫn, phải học, do đó có hàng trăm ngàn cuốn sách đã viết ra và bán trên thị trường dạy cách đối thoại, giao tiếp để tạo nên một sự liên hệ tốt hay thân mật.
Là những Ki-tô hữu, chúng ta cũng cần phải học cách đối thoại với Chúa như với người khác. Vì Chúa cao cả, vĩ đại hơn chúng ta, cho nên đối thoại với Chúa có những sự khó khăn. Nếu cầu nguyện đến với chúng ta một cách dễ dàng, thì tất cả đã có một đời sống cầu nguyện sốt sắng và thường xuyên, và nhà thờ đã đầy người mỗi tuần. Chúa Giê-su biết cầu nguyện có những điều khó khăn, cho nên Chúa dạy chúng ta không chán nản. Chúng ta biết nhiều người trở nên sốt sắng cầu nguyện vì họ muốn được hay xin điều gì đó. Khi họ cầu nguyện mà không mau chóng được toại nguyện, hay được điều họ mong muốn, thì họ trở nên thối chí và nghĩ rằng cầu nguyện không hiệu nghiệm. Đối với Chúa Giê-su thì ngược lại, cầu nguyện có hiệu quả chắc chắn. Vấn đề là nhiều khi chúng ta quá vội vàng, không có sự nhẫn nại. Chúng ta muốn hay xin điều gì thì phải xảy ra một cách mau chóng, tức khắc. Chúng ta thường quên khi cầu nguyện, chúng ta thưa với Chúa là “Cha chúng ta.” Và chúng ta biết, người cha tốt, yêu thương và nhân từ không bao giờ cũng ưng thuận tất cả bất cứ điều gì con cái xin, mà thỉnh thoảng cũng phải nói: “không” hay “chưa”, hay: “Cha không nghĩ điều con xin là tốt hay thích đáng”, vì có những điều có thể gây nguy hại cho đời sống tương lại, mà người con không thấy xa được. Chúa Giê-su còn lưu ý và nhắc nhở chúng ta trước khi chúng ta cầu nguyện xin điều gì, chúng ta phải thưa với Chúa Cha lời đầu tiên: “Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến.”
Một điều quan trọng và cần thiết khác mà chúng ta phải ý thức: cầu nguyện là một biểu hiệu, là một cách thức bày tỏ đức tin của chúng ta. Đó cũng là một lý do tại sao cầu nguyện không dễ, vì đức tin cũng không dễ. Khi chúng ta đi vào sự cầu nguyện, chúng ta đi vào một sự đối thoại như A-bra-ham với Thiên Chúa trong bài đọc 1 hôm nay. Chúng ta thưa với Chúa những điều chúng ta muốn, nhưng chúng ta cũng ý thức chính Chúa là Người có lời sau cùng, không phải chúng ta. Và lời sau cùng là gì? Thưa: đó là hạnh phúc đời đời của chúng ta, mà Chúa muốn chúng ta thông phần, và Chúa không để một điều gì trở thành chướng ngại vật, cản trở chúng ta hay lấy mất phần của chúng ta ở “Nước Chúa.” Cho nên, Chúa cũng dạy chúng ta cầu nguyện cho “Nước Cha trị đến.”
Ông bà anh chị em thân mến. Như chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng, Chúa Giê-su nói: “Hãy xin thì sẽ được.” Người không nói: “Có thể sẽ được” nhưng “Ai xin sẽ được.” Điều Chúa muốn nói và nhắn nhủ chúng ta là không có lời cầu nguyện nào phát xuất từ lòng chân thành và tình yêu Chúa, phí uổng, hay bị từ chối Cầu nguyện không thể nào thất bại, nhưng sẽ đem lại một số ơn lành, cả đến những điều chúng ta nghĩ chúng ta cần nhất. Nếu chúng ta thật sự tin vào Chúa là Đấng đầy khôn ngoan và quảng đại trong tình yêu thương, chúng ta phải nhận thức rằng nếu chúng ta không nhận được điều chúng ta xin, thì phải tin rằng Thiên Chúa có một dự định khác tốt lành hơn cho chúng ta. Chúng ta phải xác tín rằng Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn quảng đại và yêu thương chúng ta. Người có làm chúng ta toại nguyện hay không, hoặc nhận lời cầu xin của chúng ta, hay ban cho chúng ta ơn cách nào, thì cũng đều là vì ích lợi cho cuộc sống Ki-tô hữu, và cho linh hồn chúng ta được hạnh phúc Nước Trời mà thôi. Bởi thế khi cầu nguyện, khi cầu xin điều gì, chúng ta phải luôn tin tưởng, cậy trông và phó thác vào tình thương và sự quan phòng của Cha chúng ta. Đây là tin mừng. Xin Chúa ban ơn lành cho tất cả chúng ta để chúng ta sống xứng đáng là con Chúa và sinh nhiều hoa trái tốt đẹp trong đời sống đức tin.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét