Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm C_2013

Ông bà anh chị em thân mến. Thứ Sáu tuần này, ngày 1 tháng 11, chúng ta mừng kính lễ Các Thánh, lễ trọng buộc, và khởi đầu tháng các linh hồn. Theo như truyền thống đạo Công giáo, trong tháng này, chúng ta kính nhớ, tạ ơn và cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, cha mẹ, thân nhân, ân nhân và những người mồ côi đã qua đời, bằng lời cầu nguyện, việc bác ái và đặc biệt là Thánh lễ.
Lý do tại sao chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời, vì thứ nhất, giáo hội Công giáo do chính Chúa Giêsu lập ra, được gọi là giáo hội các thánh thông công.  Giáo hội các thánh thông công bao gồm 3 loại người.  Thứ nhất là những người đã qua đời là các thánh và ông bà, cha mẹ chúng ta, thứ nhì là những người đang sống là chúng ta, và thứ ba là những người chưa sinh ra, nhưng sẽ được sinh ra. Ba loại người này liên hệ mật thiết với nhau vì thờ cùng một Thiên Chúa, chịu cùng một phép rửa, và có cùng một đức tin và một chân lý.

Lý do thứ nhì mà chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời vì, là những Kitô hữu, chúng ta tin mỗi người có 2 cuộc sống phải sống: cuộc sống hiện tại đời này, và cuộc sống vĩnh cửu đời sau trên Thiên đàng hay hỏa ngục. Có sinh thì tất nhiên sẽ có tử.  Có nghĩa là chúng ta trước sau, cách này hay cách khác sẽ phải chết.  Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều ơn lành và kêu gọi chúng ta sống như một người quản lý trung thành, và khôn khéo xử dụng những ơn Chúa ban để sửa soạn cho cuộc sống đời sau.  Bởi vì khi chúng ta chết, chúng ta sẽ phải đến trước mặt Chúa chịu phán xét, sẽ phải trả lời và  tính sổ với Thiên Chúa, và Chúa sẽ căn cứ vào đó để thưởng Thiên đàng, hay phạt hỏa ngục. Thiên Chúa còn ban cho chúng ta lời Chúa để hướng dẫn chúng ta biết các xử dụng ơn Chúa một cách đúng đắn, theo như thánh ý Chúa. Cũng như ban cho chúng ta một chân lý yêu thương: yêu Chúa hết sức, hết tâm hồn, hết trí khôn và yêu thương mọi người như chính mình, để được cứu chuộc và bảo đảm đời sống vĩnh cửu trên Nước Trời.  Và Thiên Chúa cũng dùng chân lý này để phán xét cuộc đời dương thế của chúng ta.  Chúng ta nhận thức rõ rằng, vì sự giới hạn và cám dỗ, chúng ta khó có thể sống một cách hoàn toàn chân lý yêu thương của Chúa nơi dương thế, và do đó khi qua đời vẫn còn thiếu xót.

Sự thiếu xót này đưa chúng ta đến lý do thứ ba mà chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời, là khi chết đi, chúng ta sẽ không còn làm được gì cho chính mình nữa, mà chỉ còn nhờ vào lời cầu nguyện của những người còn sống, là con cái, cháu chắt, là chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa.  Những người qua đời cần đến những việc bác ái và lời cầu nguyện mà Thánh lễ là lời cầu nguyện cao điểm nhất, như những ngọn lửa tình yêu của chúng ta dâng lên Thiên Chúa, để thanh luyện các linh hồn được sớm hưởng thánh nhan Chúa trên Thiên Đàng. 

Ông bà anh chị em thân mến. Các linh hồn trong chốn luyện hình có thể có các linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bạn bè thân thuộc của chúng ta. Chúng ta không biết chắc các ngài có trong chốn luyện hình không, cũng như chúng ta không thể nào biết rõ, hay tự quả quyết một cách chắc chắn các ngài có hay không có trên Thiên Đàng, vì chúng ta không phải là Thiên Chúa, chúng ta không có quyền phán xét.  Một điều chúng ta biết rõ chúng ta những người đang sống và các ngài những người đã qua đời, vì là những con người, cho nên có những giới hạn và thiếu xót khi đối diện với chân lý yêu thương của Chúa. Vì vậy, vì công ơn sinh thành, dưỡng dục và nhất là món quà quí báu đức tin mà cha ông đã để lại cho chúng ta, là con cái, cháu chắt của các ngài, chúng ta nhớ đến, biết ơn và cầu nguyện cho các ngài.  Với một niềm tin chắc chắn, nếu các ngài là những vị thánh sẽ cầu nguyện cho chúng ta, và hy vọng con cháu chúng ta, nếu chúng còn có đức tin, cũng sẽ nhớ đến cầu nguyện cho chúng ta khi chúng ta qua đời.

Ông bà anh chị em thân mến.  Vì yêu thương và muốn chúng có cuộc sống vĩnh cửu trên Thiên Đàng, nên Thiên Chúa, qua Chúa Giê-su Ki-tô, ban cho chúng ta lời của Chúa để chúng ta sống đúng theo thánh ý Chúa. Tuần trước, qua dụ ngôn người chánh thẩm bất chính và bà góa quấy rầy, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện kiên trì theo thánh ý Chúa. Tuần này, Chúa dạy chúng ta một lần nữa về thái độ và tâm tình khi cầu nguyện, đó là khiêm nhường và thống hối.  Chính thái độ và tâm tình này sẽ quyết định kết quả việc cầu nguyện và thờ phượng, hay những việc bác ái, phục vụ mà chúng ta làm.

Bài Tin Mừng hôm nay diễn tả hai người lên đền thờ cầu nguyện: Chúa không nhận lời cầu nguyện của người biệt phái nhưng nhận lời cầu nguyện của người thu thuế. Chúng ta thấy người Pharisêu lên đền thờ cầu nguyện nhưng thực ra là để khoe khoang thành tích. Ông thưa chuyện với Chúa nhưng thực ra  ông đang nói với chính ông. Ông "tạ ơn Chúa" nhưng thực ra là ông muốn Chúa hãy biết ơn ông.  Ông quá tự mãn, tự kiêu nên bao việc lành phúc đức của ông theo "cái tôi" mà tan biến hết. Cái tôi của ông quá to, đến nỗi ông chỉ nhìn thấy mình mà không thấy Chúa; công trạng của ông quá nhiều đến nỗi ông chỉ nhìn thấy tài năng, sức lực của ông chứ không phải là ơn Chúa; cái tự mãn, tự cao của ông quá lớn, cho nên ông khinh khi người khác. Ngoài ra người Pharisêu đã không nhận sự công chính là một ân sủng Chúa ban, mà do tự ông tạo ra bằng sự tuân giữ lề luật. Thái độ tự cao, tự mãn đã làm cho ông mất ơn nghĩa với Chúa và không còn công chính nữa.

Chúng ta cũng nhận ra người thu thuế khiêm nhường nhận biết mình lầm lỗi, thống hối ăn năn.  Ông biết rõ tội mình vô phương cứu chữa, chẳng dám ngước mắt nhìn lên, chỉ biết đấm ngực ăn năn và kêu xin lòng thương xót Chúa. Ông nhận biết sự bất lực hoàn toàn, chỉ phó thác cho lòng Chúa khoan dung. Ngay lúc đó, ông đã trở nên công chính bên trong. Chính tâm tình và thái độ ấy mà Chúa đã làm cho ông nên công chính, và nhận lời cầu nguyện của ông.

Ông bà anh chị em thân mến. Bài Tin mừng là một bài học cho chúng ta suy nghĩ và đem ra đối chiếu với thái độ và tâm tình chúng ta khi làm việc bác ái, phục vụ và nhất là cầu nguyện, tham dự Thánh lễ.  Có thể từ đó mà nhận ra tại sao chúng ta, tuy đã cầu nguyện nhiều mà không được Chúa nhận lời, để tìm cách sửa đổi tâm tình và thái độ, để đẹp lòng Chúa và được Chúa nhận lời.

 Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....