Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Chúa Nhật Thứ 2 Thường Niên Năm A_2014

Ông bà anh chị em thân mến.  Hôm nay chúng ta đi vào mùa phụng vụ thường niên, và tôi muốn chia sẻ với ông bà anh chị em về 2 sự kiện là: quà và con chiên.  Thứ nhất về quà.  Một điều chúng ta nhận biết quà là một phần trong cuộc sống chúng ta. 
Chúng ta vừa chấm dứt mùa bận rộn nhất về tặng quà và nếu chúng ta đi shopping thì sẽ thấy các cửa tiệm đã trưng bày những món quà để dành tặng cho lễ Valentine, lễ tình yêu.  Một số những quà tặng không có tính cách chân thật, chỉ là sự lợi dụng hay tìm sự chiều chuộng của người nhận mà thôi.  Nhưng hầu hết mọi người chúng ta tặng quà đơn giản vì nhớ ơn, biết ơn, hay vì yêu thương.

Như quà tặng là một phần tự nhiên giữa con người với nhau, thì quà tặng hay lễ vật cũng là những điều căn bản trong sự liên hệ giữa con người với Thượng Đế hay Thiên Chúa. Và một điều chúng ta ý thức là khi chúng ta dâng những món quà hay lễ vật lên Thiên Chúa, cho dù là tiền bạc, công sức, những sự hy sinh phục vụ hay tài năng, là vì chúng ta muốn cảm tạ, tri ân hay yêu mến Thiên Chúa, chứ không phải vì chúng ta muốn lợi dụng Thiên Chúa.  Nếu Chúa muốn đền bù lại hay ban ơn cho chúng ta thì đó là ý Chúa muốn.  Chúng ta tin Chúa hiểu, ưa thích và cảm kích về những sự chú tâm, những lời nói hay việc làm đánh động tới Chúa của chúng ta, cho dù với bất cứ chủ ý gì.  Thật vậy, chúng ta biết Chúa đã từng nói với chúng ta “Hãy xin thì sẽ được. Hãy gõ cửa thì sẽ mở cho” 
Khi chúng ta dâng một lễ vật lên Chúa thì được gọi là một lễ vật hy sinh, hay hy lễ.  Và tôi được biết tất cả các tôn giáo cổ xưa trên thế giới đều có những hình thức lễ vật, điều đó chứng tỏ rằng hy lễ là do bản năng tự nhiên của con người. Theo lịch sử các quốc gia trên thế giới, kể cả Việt Nam chúng ta cho biết loài người chúng ta đã từng dùng cả sinh mạng con người làm lễ vật. Như vậy sinh mạng con người được kể là lễ vật cao quí nhất. Chúng ta còn nhớ câu chuyện ông Abraham đã dùng sinh mạng người con là I-sa-ác làm lễ vật, nhưng trong câu chuyện này, Thiên Chúa cho chúng ta biết Ngài không muốn chúng ta dùng sinh mạng con người làm lễ vật.  Và người Do thái cũng đã dùng thức ăn của uống làm lễ vật. Như chúng ta biết không có thức ăn nước uống thì chúng ta sẽ chết, do đó, họ đã dâng những lễ vật này để làm biểu hiệu cho chính con người của họ.  Ngoài ra, người Do thái cũng dùng lúa hạt, rượu và dầu làm của lễ, nhưng chủ yếu là những con vật khi họ có khả năng, điều kiện và hầu hết là những con chiên.
Và điều này đưa đến sự kiện thứ hai mà tôi muốn chia sẻ với ông bà anh chị em, đó là con chiên. Như chúng ta biết, chúng ta ít đọc thấy con chiên trong menu, thực đơn ở những tiệm ăn của người Hoa Kỳ hay Việt Nam, những vẫn còn là món ăn rất thông thường ở Trung Đông. Con chiên không những cung cấp lông để làm áo lạnh, thịt cho những ngày lễ mà còn dùng làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa. Trong các hội đường ở Giê-ru-sa-lem, các tư tế dùng chiên làm lễ vật hàng ngày.  Vào thời Chúa Giê-su, trong những ngày lễ trước lễ Vượt qua, tất cả gia đình người Do thái đã làm thịt chiên để chuẩn bị cho ngày lễ, cũng như chúng ta gói bánh chưng hay bánh tét chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên Đán.  Và nghi thức hiến lễ vật chiên bắt đầu từ trưa ngày hôm trước lễ Vượt qua, đúng giờ Chúa Giê-su bị kết án đóng đinh vào thập giá.  Chúng ta nhận thấy Tin mừng của thánh Gioan đã liên kết một cách rõ rệt hy lễ của Chúa Giê-su trên thập giá với hy lễ con chiên trong lễ Vượt qua. (Ga. 19, 36)
Ông bà anh chị em thân mến.  Hy lễ hiến thân xác của Chúa Giê-su trên thập giá là một hy lễ vâng lời, yêu thương và trung thành một cách hoàn hảo theo như sứ mệnh, thánh ý của Chúa Cha đã trao ban cho Ngài. Bởi vì đây là “Hy Lễ Con Thiên Chúa” cho nên lễ vật này có giá trị vĩnh cửu và làm cho các lễ vật xưa trở nên vô hiệu. Và hơn nữa, chính Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta được thông phần vào hy lễ toàn thiêu của Người trong Bữa Tiệc Ly khi Chúa phán “Hãy làm việc này để nhớ đến Ta.”  Đến đây, chúng ta hãy suy gẫm đôi chút, ngày nay, trong thời đại này, hình như khi chúng ta cảm thấy càng được may mắn, chúng ta càng khi thường và giảm phần tri ân.  Và tôi nhận thấy rằng nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa là một người cha rất giàu có sẵn sàng ban phát một cách phung phí, tung tế khi họ muốn. Và khi Chúa không làm theo ý họ, họ quay lưng đi và hình như nói rằng, tại sao phải tốn phí thời giờ với người không làm theo ý của họ.
Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe thánh Gioan, khi thấy Chúa Giê-su tiến về phía mình, liền chỉ cho dân chúng biết, “Đây Chiên Thiên Chúa”, và thánh Gioan cũng đã cảm nhận được sứ mệnh của Chúa Giê-su là sẽ xóa tội trần gian. Và còn hơn nữa, cụm chữ “Chiên Thiên Chúa” theo tiếng Hy lạp, có nghĩa là “người đầy tớ, tôi tớ” liên quan đến bài đọc 1 nói về người tôi tớ sẽ  trở thành ánh sáng cho các dân tộc và để ơn cứu độ của Thiên Chúa tràn lan khắp địa cầu.   Nhưng chúng ta hãy tự hỏi, liệu thánh Gioan có nghĩ là phí thời giờ để giới thiệu Chúa với dân chúng, hay phí cả cuộc sống của mình làm tiền hô cho Chúa, nếu Chúa không làm theo ý của thánh Gioan, hy sinh chịu chết trên thập giá không?  Chắc chắn là không.  Tuy thánh Gioan chưa và sẽ không được chứng kiến tận mắt “Chiên Thiên Chúa’ sẽ bị giết, trở thành hy lễ trên thập giá, nhưng Gioan tin và nhận ra Chúa Giê-su, được sách Khải Huyền cho biết, là Con Chiên bây giờ ngự trên ngôi báu, được các triều thần thiên quốc thờ lạy, tung hô.
Ông bà anh chị em thân mến. Chúa Giê-su, là Chiên Thiên Chúa, không chỉ là lễ vật cao quí và hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa Cha, nhưng còn là con đường dẫn chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta cầu xin Thánh Thể, Chiên Thiên Chúa, mà chúng ta lãnh nhận trong Thánh lễ hôm nay, ban ơn và giúp chúng ta tin và sống lời Chúa dạy bảo, để thứ nhất, cuộc sống của chúng ta, bao gồm tất cả những ơn lành là tiền của, sự hy sinh phục vụ, thời giờ hay tài năng, trở thành những món quà tình yêu dâng lên Thiên Chúa và luôn đẹp lòng Chúa.  Và thứ hai, xin cho cuộc sống của chúng ta, là tôi tớ của Chúa, trở thành những lời nói hùng hồn tiền hô, hay giới thiệu Chúa cho những người chung quanh.
Lm. Chánh xứ

      

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....