Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Mùa chay, gia đình sống và thực thi thông điệp lòng thương xót Chúa

Trong Sứ điệp Mùa Chay 2014, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhắn nhủ toàn thể Giáo Hội: “Anh chị em thân mến, ước gì Mùa chay này thấy được toàn thể Giáo Hội sẵn sàng và mau mắn làm chứng cho những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần: làm chứng về sứ điệp Tin Mừng, được tóm tắt trong việc loan báo tình thương của Chúa Cha từ bi, sẵn sàng ôm lấy mỗi người trong Chúa Ki-tô. Chúng ta có thể thi hành điều ấy theo mức độ chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô, Đấng đã trở nên nghèo và làm cho chúng ta được giàu sang bằng cái nghèo của Ngài. Mùa Chay là mùa thích hợp để cởi bỏ, làm cho chúng ta tự hỏi đâu là điều chúng ta có thể chịu thiếu để giúp đỡ và làm cho người khác trở nên phong phú nhờ cái nghèo của chúng ta.”
Một chuỗi câu hỏi được đặt ra:
1. Phải chăng “sứ điệp Tin Mừng loan báo tình thương của Chúa” chính là Thông điệp Lòng Thương Xót của Thiên Chúa?
2. Phải chăng khi Giáo Hội sẵn sàng “làm chứng về sứ điệp Tin Mừng, được tóm tắt trong việc loan báo tình thương của Chúa Cha từ bi, sẵn sàng ôm lấy mỗi người trong Chúa Ki-tô”, thì cũng chính là lúc Giáo Hội sống và thực thi Thông điệp Lòng Thương Xót của Thiên Chúa?
3. Vậy do đâu mà có Thông điệp “Lòng Thương Xót Chúa”?
Thông điệp “Lòng Thương Xót Chúa” do chính Đức Giê-su Thiên Chúa ban cho Thánh nữ Faustina Kowalska. Thánh nữ sinh ngày 25/8/1905 tại Glogowiec, nước Ba Lan và qua đời tại Cracovia năm 1938, lúc mới được 33 tuổi. Sống trong một gia đình nông dân rất sùng đạo, từ nhỏ Faustina đã nổi bật về đức tin, lòng mộ đạo và sự vâng lời. Faustina thường xuyên khẳng định: “Chúa Giê-su là tất cả sức mạnh của tôi.” Năm 20 tuổi, Faustina xin vào tu tại Dòng các Nữ tu Đức Trinh Nữ rất thánh, Mẹ của Lòng Thương Xót. Trong 13 năm sống trong Dòng, Faustina đã được ơn mạc khải qua nhiều thị kiến.
Ngày 22/2/1931, tại tu viện ở Crakow, lần đầu tiên Đức Giê-su hiện ra với Faustina, và trong lần thị kiến này, Người đã yêu cầu chị thực hành ngày Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa vào đúng Chúa nhật đầu tiên sau ngày Chúa Phục Sinh. Kể từ đó cho tới khi qua đời, chị thánh liên tiếp được Chúa Giê-su hiện ra để mạc khải về Lòng Thương Xót Chúa dành cho loài người (nói chung) và cách riêng cho những tội nhân, những người cùng khổ, bị áp bức, bệnh hoạn, tật nguyền… như xưa tai Ga-li-lê, Người vẫn thường thăm viếng, chữa bệnh cho họ (đến nỗi đã bị bon kinh sư, luật sĩ, Pha-ri-sêu kết án: “Ông này chỉ chuyên tới lui thăm viếng và ăn uống với những kẻ tội lỗi” (Mc 2, 15-16).
Mỗi lần hiện ra, Đức Giê-su thường đưa tay phải ra phía trước như ban phép lành, còn tay trái thì chỉ vào những vết thương Chúa đã chịu trong cuộc Khổ Nạn, rồi dừng lại thật lâu nơi Trái Tim Người. Từ Thánh Tâm Chúa phát xuất hai luồng ánh sáng (môt màu đỏ và một màu trắng) rực rỡ. Chính Chúa Giê-su đã giải thích cho chị thánh hiểu rõ ý nghĩa về điều này: “Luồng ánh sáng trắng biểu thị Nước, dòng nước biến đổi các linh hồn thành công chính. Luồng ánh sáng đỏ biểu thị Máu ban sự sống cho các linh hồn.” (Nhật ký “Lòng Thương Xót Chúa trong linh hồn tôi”, trang 299). Nói đến “Máu và Nước”, người ta không thể quên hình ảnh trên Thập tự giá: “Bấy giờ, một người quan lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 34). Rõ ràng MÁU là của lễ hiến tế, là Giao Ước Mới, Giao Ước vĩnh cửu (Lc 22, 19), còn NƯỚC là chính Thần Khí Chúa tuôn đổ để thanh tẩy, tái sinh con người (Ga 3, 5; 4, 14; 7, 37-39). Nhờ thế, những kẻ tin sẽ được sạch tội và được sống đời đời.
Sau khi cho thị kiến suối nguồn Lòng Thương Xót tuôn trào từ Trái Tim cực thánh, Chúa Giê-su đã yêu cầu Thánh nữ Faustina:
+ Con hãy chuẩn bị thế giới cho lần đến sau cùng của Ta. (Nhật ký, trang 429).
+ Hãy nói cho thế gian biết về Lòng Thương Xót của Ta… Đó là một dấu chỉ cho thời tận cùng. Sau đó sẽ là Ngày của Công lý. Trong khi còn có thời gian, họ hãy cậy nhờ vào suối nước Lòng Thương Xót của Ta. (Nhật ký, trang 848).
+ Hãy nói cho các linh hồn về Lòng Thương Xót lớn lao này của Ta, bởi vì ngày kinh hoàng, Ngày Công Lý của Ta đã gần kề. (Nhật ký, trang 849).
+ Những ai từ chối bước qua cửa Lòng Thương Xót của Ta, thì phải bước qua cửa Công Lý của Ta. (Nhật ký, trang 1146).
+ Ta kéo dài thời gian của Lòng Thương Xót vì lợi ích cho những tội nhân. Nhưng khốn thay cho họ, nếu họ không nhận ra thời gian thăm viếng này của Ta. (Nhật ký, trang 1160).
+ Trước Ngày Công Lý, Ta gởi đến Ngày Của Lòng Thương Xót. (Nhật ký, trang 1588).
Ngoài những lời của Đức Giê-su Thiên Chúa mạc khải cho Thánh nữ Faustina, Đức Mẹ Lòng Thương Xót – Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội – cũng nhắn nhủ: “Con phải nói cho thế giới biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Chúa và chuẩn bị thế giới cho lần ngự đến thứ hai của Chúa Giê-su, mà Người sẽ đến không phải là một Đấng Cứu Độ thương xót, nhưng là một vị Thẩm phán công chính. Ngày ấy thật kinh hoàng! Đó là Ngày của Công lý, ngày thịnh nộ của Thiên Chúa. Các thiên thần cũng phải run sợ trước ngày ấy. Hãy nói cho các linh hồn về Lòng Thương Xót vô biên của Chúa trong khi vẫn còn thời gian để Chúa ban hồng ân cao vời khôn ví này.” (Nhật ký, trang 635).
Tất cả những điều nêu trên trong Nhật ký của Thánh nữ Faustina có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II ban hành Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót – Dives in misericordia” (ngày 30/11/1980). Và tới ngày 30/4/2000, trong buổi lễ tuyên phong hiển thánh cho Chân phước Faustina, ĐTC đã tuyên bố: “Một điều rất quan trọng là chúng ta nên công nhận toàn bộ thông điệp đã đến với chúng ta qua Lời của Chúa trong ngày Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh, vì thế từ đây trở đi toàn thể Giáo hội sẽ tuyên xưng ngày này là “Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa”.
Chỉ cần lược qua dàn ý của Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, cũng đủ thấy bao quát Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trải dài từ nguyên thủy đến tận cùng lịch sử nhân loại, mà Chúa Giê-su Ki-tô đã mạc khải cho Thánh nữ Faustina:
Chương I- AI THẤY THẦY LÀ THẤY CHÚA CHA (Ga 14, 9).
Chương II- SỨ ĐIỆP CỨU THẾ.
Chương III- LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG CỰU ƯỚC.
Chương IV- DỤ NGÔN NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG.
Chương V- MẦU NHIỆM PHỤC SINH.
Chương VI- LÒNG THƯƠNG XÓT SUỐT ĐỜI NỌ ĐẾN ĐỜI KIA.
Chương VII- LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỨ. MẠNG CỦA GIÁO HỘI.
Chương VIII- LỜI CẦU NGUYỆN CỦA GIÁO HỘI HÔM NAY.
Tóm lại, thông qua Thánh nữ Faustina Kowalska, Đức Giê-su Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, đã mở cửa Trái Tim Nhân Lành mời gọi người Ki-tô hữu hãy đến với Người bằng lời tuyên xưng xuất phát tự tâm can: “Lạy Chúa! Con tín thác nơi Ngài”.  Để đón nhận Lòng Thương Xót Chúa cách trọn hảo, hãy chạy đến với Đức Mẹ Lòng Thương Xót – Mẹ Ngôi Lời – xin Mẹ phù trợ và cầu bầu cùng Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ tuôn đổ Lòng Thương Xót từ Trái Tim Người. Vâng, xin “HÃY THỰC HÀNH NGAY, TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN” (như chính Lời dạy của Chúa và Mẹ: “Trong khi còn có thời gian, hãy cậy nhờ vào suối nước Lòng Thương Xót của Ta”).
Đồng thời với việc cầu xin Lòng Thương Xót Chúa cho bản thân, thì đừng quên chia sẻ hồng ân đó cho tha nhân. Ấy cũng bởi vì Lòng Thương Xót Chúa chính là Tình Yêu Thiên Chúa, mà bản chất của Tinh Yêu là TRAO và NHẬN, là “yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực + yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 37-39), là “Thương người như thể thương thân” (ca dao VN). Đã được NHẬN hồng ân của Thiên Chúa, thì hãy chia sẻ (TRAO) cho anh em, cho mọi người, nhất là những người bất hạnh. Phương châm sống phải là “Anh em đã được cho không (NHẬN) thì cũng phải cho không (TRAO) như vậy” (Mt 10, 8). Chỉ có như thế mới thật sự là SỐNG VÀ THỰC THI THÔNG ĐIỆP LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA.
Cuối cùng, xin lắng nghe lời khuyên của ĐTC Phan-xi-cô I: “Xin Chúa Thánh Linh, – nhờ Ngài ”chúng ta vốn là người nghèo, nhưng có khả năng làm bao nhiêu điều phong phú: như người không có gì cả, nhưng lại sở hữu tất cả” (2Cr 6, 10),- nâng đỡ những quyết tâm trên đây của chúng ta và củng cố trong chúng ta mối quan tâm và trách nhiệm đối với sự lầm than của con người, để chúng ta trở nên từ bi và là những người thực thi lòng từ bi. Với lời cầu chúc ấy, tôi hứa cầu nguyện cho anh chị em, để mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn Giáo Hội tiến bước một cách hiệu quả trong hành trình Mùa Chay, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.” (Sứ điệp Mùa Chay 2014, phần kết).
Ôi! Lạy Chúa! Con tín thác nơi Ngài. “Lạy Mẹ Maria rất thánh, Mẹ Sầu Bi của chúng con, xin dạy chúng con nhận biết giá trị của thánh giá trong đời sống chúng con, để bất cứ những gì đang thiếu vắng sự đau khổ của Chúa Kitô chúng con có thể lấp đầy thân xác của chúng con cho nhiệm thể của Chúa, chính là Giáo hội của Chúa. Và khi hành trình của chúng con nơi dương thế chấm dứt, chúng con sẽ được sống vĩnh cửu với Mẹ trên Nước Trời. Amen.” (Kinh Cầu Cùng Đức Mẹ Kibeho – Đức Mẹ Lòng Thương Xót).
JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....