Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Trách nhiệm giáo dục con cái [1]

I. Quyền và bổn phận giáo dục của cha mẹ[2]

Con cái là tình thương của Thiên Chúa và là kết quả tình yêu của cha mẹ. Kết quả ấy được phát triển, trước tiên nhờ môi trường gia đình. Do đó, cha mẹ được coi như những “nhà thiết kế” sự sống bằng việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái.
- Bổn phận giáo dục bắt nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của đôi bạn, là dự phần vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa: khi sinh ra một ngôi vị mới trong tình yêu và do tình yêu, một ngôi vị mang sẵn nơi mình ơn gọi phải lớn lên và phát triển, bậc cha mẹ cũng từ đó mà lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ hữu hiệu cho ngôi vị ấy được sống một đời sống con người trọn vẹn.
Công Đồng Vaticanô II đã nhắc nhở: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục nầy quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót sẽ khó lòng bổ khuyết được…”[3] (Tuyên ngôn Giáo dục Kitô giáo, 3).


 - Chẳng những bắt nguồn từ việc dự phần vào cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, sứ mệnh giáo dục của các cha mẹ Kitô hữu còn được bắt nguồn một cách mới mẻ và chuyên biệt nơi bí tích Hôn Phối. Bí tích thánh hiến họ để lo việc giáo dục Kitô giáo đích thực cho con cái, bí tích mời gọi họ dự phần vào chính quyền bính và tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô Mục tử, cũng như vào tình mẫu tử của Giáo Hội. Bí tích Hôn Phối còn làm cho họ được giàu thêm các ơn khôn ngoan, lo liệu và sức mạnh, cùng tất cả những ơn khác của Chúa Thánh Thần, ngõ hầu có thể giúp cho con cái họ được lớn lên về mặt nhân bản và Kitô giáo[4].
 - Quyền và bổn phận giáo dục của cha mẹ được xem như đặc tính cốt yếu, vì gắn liền với việc truyền sinh sự sống con người; như nguyên thủy và ưu tiên so với bổn phận giáo dục khác, xét vì tính cách độc đáo của tương quan tình yêu giữa cha mẹ và con cái; như không thể thay thế và không thể chuyển nhượng, và vì vậy, cũng không thể được ủy thác cách hoàn toàn cho người khác, cũng không thể bị người khác cưỡng đoạt.
 -Cũng không được quên rằng trong bổn phận giáo dục, tình phụ tử và tình mẫu tử, là yếu tố căn bản nhất và quan trọng nhất. Tình yêu nầy được hoàn thành trong công cuộc giáo dục qua việc phục vụ sự sống làm sao cho được trọn vẹn và hoàn hảo. Như một nguồn mạch, tình yêu thương của cha mẹ trở thành linh hồn và là nguyên tắc gợi hứng và hướng dẫn tất cả hành động giáo dục cụ thể, bằng cách phong phú hóa nó, với những giá trị như: sự dịu dàng, kiên trì, nhân hậu, phục vụ, vô vị lợi, tinh thần hi sinh, là những bông hoa quý báu nhất của tình yêu.
  -Trong thực tế, nhiều cha mẹ không hoàn thành nhiệm vụ giáo dục con cái, hoặc vì thời giờ mưu sinh, vì không đủ khả năng, vì thiếu ý thức và quan tâm, khiến con cái bị méo mó dị hình trong nhân cách cũng như trong đời sống đức tin. Cha ông chúng ta đã nói rất chí lý: Sinh con không dạy không răn, thà rằng nuôi lợn lấy lòng thì hơn.
 Ý thức sắc bén và sáng suốt về sứ mệnh mà bí tích Hôn Phối trao ban, các cha mẹ  Kitô hữu hãy hiến thân cho công cuộc giáo dục con cái, với một sự trong sáng và đồng thời với ý thức về trách nhiệm của mình trước mặt Thiên Chúa, Đấng đang kêu gọi họ và giao cho họ việc xây dựng Giáo Hội nơi con cái họ[5].
II.Giáo dục những gì?
 Giáo dục con cái là giúp đỡ và hướng dẫn để chúng được phát triển đầy đủ về mọi phương diện: tinh thần, thể chất, trí tuệ và lòng đạo đức.
 A. Để con cái nên người trong xã hội
1/ Giáo dục thể chất.
Giúp tạo cho con cái một thân thể khoẻ mạnh, tráng kiện bằng việc: dạy chúng giữ vệ sinh, thở không khí trong sạch, ăn uống ngủ nghỉ chừng mực, vận động thể dục thể thao, siêng năng lao động, biết ngừa bệnh tật, biết tránh những thứ độc hại cho sức khoẻ như: trò chơi điện tử (game), thuốc lá, rượu chè, cờ bạc, ma tuý, trị chơi điện tử, ăn chơi sa đọa.
-Giáo dục tính dục: khi đến những giai đoạn tâm sinh lý phức tạp, cha mẹ hướng dẫn tối thiểu cho con cái những biến chuyển về sinh lý nơi con trai, con gái, về tình yêu, vấn đề nam nữ, đời sống gia đình, việc sinh sản… Dạy chúng biết kính trọng thân xác mình và chuẩn bị để đón nhận trách nhiệm mai sau. Đây chính là ý thức cơ bản về đức khiết tịnh mà cha mẹ có bổn phận nhắc nhở cho con cái. Tông Huấn Về Gia Đình viết:“Trong bối cảnh ấy, không thể nào chối bỏ việc giáo dục đức khiết tịnh, là nhân đức làm phát triển sự trưởng thành đích thực của ngôi vị, làm cho ngôi vị có khả năng kính trọng và nâng cao ý nghĩa hôn nhân của thân xác” (37).
Ngày nay có nhiều thông tin tính dục nơi các phương tiện truyền thông, trong sách báo phim ảnh… nhưng lại không để ý tới các quy tắc luân lý. Tệ hơn nữa, báo chí, phim ảnh lợi dụng việc thông tin tính dục để làm thương mại, một hình thức khiêu dâm trá hình dẫn nhập vào kinh nghiệm làm tình và như thế gieo vào lòng tuổi trẻ những tật xấu về xác thịt hoặc khiến chúng tò mò thí nghiệm.
Cha mẹ nên bình thản giải thích vắn tắt, hợp lý những vấn đề thuộc lãnh vực tính dục cho con cái, lắng nghe chúng tâm sự, giải bày. Không nên quá nghiêm khắc, la rầy hoặc mặc cảm khi con cái đặt câu hỏi, kẻo chúng tò mò tìm hiểu nơi bạn bè, sách báo xấu, lại càng tai hại hơn hoặc một mình lo âu thắc mắc, đưa đến khủng hoảng tinh thần, bệnh tật.
 2/ Giáo dục trí tuệ.
 Giáo dục trí tuệ tức là mở mang trí óc, trau dồi kiến thức cho con cái. Mở trí không phải chỉ là công việc của nhà trường nhưng là công việc trước tiên của cha mẹ. Nhiều cha mẹ khoán trắng cho nhà trường, rất sai lầm! Cha mẹ mới là thầy cô thứ nhất của chúng.
Nhiều cha mẹ coi thường việc học vấn, chỉ cốt sao cho con cái biết nghề kiếm ra tiền là được. Đây lại là điều sai lầm hơn nữa. Nhờ trí óc minh mẫn, có học vấn đầy đủ, con cái sẽ hiểu biết về cuộc đời hơn, sống đúng nhân phẩm của mình hơn, hiên ngang trong xã hội và dễ dàng thành công trong nhiều phương diện.
 Vì thế hãy giúp con cái bạn:
Thời kỳ chưa đi học: khôn khéo trả lời những thắc mắc của chúng cách hợp lý, thành thật. Dạy chúng biết đại cương về những điều thông thường như vạn vật, thiên nhiên, về đời sống thường ngày, sinh hoạt gia đình, xã hội…
-Thời kỳ đi học: khuyến khích và tạo điều kiện cho con cái học tập. Liên hệ chặt chẽ với nhà trường, theo dõi bài vở, chỉ vẽ cho chúng đón nhận những điều hay điều tốt và loại bỏ những điều có hại. Kiểm soát tập sách vở, chỉ cho đọc những sách báo phù hợp với lứa tuổi, loại bỏ những sách báo gây thù hận, khiêu dâm, hoang đường.
 -Thời kỳ không đi học nữa: giúp con cái tự học bằng việc đọc sách vở, nghiên cứu. Tự học bằng cách thu thập kinh nghiệm hằng ngày trong đời sống, trong sinh hoạt, trong nghề nghiệp.
 3/ Giáo dục đức tính nhân bản.
 Học vấn không chưa đủ vì có học mà không có hạnh kiểm tốt thì cũng vất đi. Bạn hãy giáo dục con cái những đức tính nhân bản và xã hội.
-Ý chí cương quyết: kiên quyết thực hiện một việc khi biết đó là việc tốt, có ích. Kiên quyết loại bỏ những việc xấu, có hại. Tập ý chí thắng vượt những khó khăn, cám dỗ. Không nản lòng, thất vọng, phàn nàn trước những thử thách, thất bại.
Lịch thiệp với mọi người: tập nói năng, xử thế tốt đẹp đối với mọi người. Biết kính trọng người trên, nhường dưới. Tránh thô lỗ, cộc cằn.
-Nhân ái yêu thương: hiền hòa với mọi người. Biết quan tâm yêu thương giúp đỡ người khác nhất là những người yếu đuối, bệnh tật, cô thân. Gây tình đoàn kết, cổ vũ hòa bình hòa hợp. Nhẫn nhục và hay tha thứ. Không vu khống, nói xấu, bôi nhọ ganh tỵ kẻ khác. Không đang tâm gây thiệt hại, làm cho người khác đau khổ.
Tín thành: thành thật, không gian dối mưu mô. Trọng tình nghĩa, trung tín giữ lời, giữ những điều mình đã hứa. Có tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, làm việc đến nơi đến chốn. Lời nói đi đôi với việc làm. Sống theo lương tâm, không lừa dối lòng mình.
-Công bình: tôn trọng sự công bình. Không xâm phạm của cải quyền lợi tư nhân cũng như công cộng. Không để sự tham lam thúc đẩy làm những điều xấu gây thiệt hại cho người khác.
-Tinh thần xã hội: không ích kỷ nhỏ hẹp. Biết nghĩ và lo việc chung trong gia đình, tập thể. Sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng để phục vụ công ích, phục vụ mọi người.
-Lòng yêu chuộng hòa bình: Hòa bình trên thế giới được bắt nguồn và khơi dậy từ gia đình. Vì thế, con cái trong gia đình phải được cha mẹ giáo dục sống chung hòa bình với nhau. Hãykhơi dậy và vun trồng những ước mơ, những ý tưởng hòa bình, để chúng trở thành những người đầu tiên x6y dựng hòa bình[6].
B. Để con cái nên người Kitô hữu hoàn hảo
 Công Đồng Vaticanô II nhắc nhủ: “Vì đã lãnh nhận ân sủng cũng như bổn phận của Bí Tích Hôn Phối, nên cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ, để chúng nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội” (GĐ 3).
“Gia đình phải trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái yêu thương và rèn luyện tinh thần tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa”[7].
Để con cái trở nên người Kitô hữu hoàn toàn thì không phải lo rửa tội cho con là đủ. Đời sống đức tin cần phải được giáo dục và vun trồng. Vai trò của cha mẹ trong đời sống đức tin của con cái rất quan trọng. Trước khi cam kết lấy nhau, Hội Thánh yêu cầu hai người phải lãnh nhận trách nhiệm giáo dục đức tin cho con cái theo ý Chúa và Hội Thánh. Vì thế trong bất cứ hoàn cảnh nào cha mẹ cũng phải can đảm lãnh nhận và cương quyết hoàn thành nhiệm vụ ấy.
 Do đó:
- Bạn hãy truyền thông cho con cái chính đức tin của mình bằng phong cách, thái độ trong khi bạn sống, trong khi làm các việc đạo đức, trong khi gặp khó khăn thử thách. Đức tin không mô tả hay lấy ra đem cho được  nhưng nó có sức lan truyền mạnh mẽ nếu chính bạn  sống đích thực đức tin đó.
- Bạn hãy dạy cho con cái những chân lý về Chúa, về ý nghĩa cuộc sống, về mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa, với tha nhân. Tập cho con cái đọc kinh cầu nguyện quy hướng về Chúa và yêu thích phục vụ.
- Bạn hãy quan tâm đến việc thánh hóa con cái: phụ giúp với cha xứ trong việc con cái lãnh nhận các bí tích khai tâm: Hòa Giải, Thánh Thể, Thêm Sức. Nhắc nhủ chúng giữ mình sạch tội, tạo điều kiện để chúng sống đức tin, thực hành đức công bằng và bác ái.
- Bạn hãy hướng dẫn con cái sống theo thánh ý Chúa bằng việc: đào tạo lương tâm ngay thẳng cho con cái, giúp chúng phân biệt phải trái, tốt xấu, nhắc nhủ chúng làm việc lành, hướng dẫn chúng lựa chọn ơn gọi tu trì hoặc chuẩn bị cho việc lập gia đình mai sau.
- Bạn hãy giáo dục con cái những đức tính Kitô giáo: khiêm nhường, quảng đại, trong sạch, nhẫn nhục, tiết độ, yêu thương…
- Bạn hãy tập cho con cái có lòng yêu mến, vâng phục Hội Thánh, cộng tác với Hội Thánh trong việc tông đồ, những việc chung hữu ích, đặc biệt trong môi trường giáo xứ.
 III. Để giáo dục thành công
 1. Gương sáng của cha mẹ:
 Gương sáng của cha mẹ là yếu tố quan trọng trong việc giáo dục. Công Đồng Vaticanô II đã dạy: “Những đôi vợ chồng Kitô giáo là những người cộng tác với ơn thánh và nhân chứng đức tin đối với nhau cũng như đối với con cái… Bằng lời nói và gương sáng, họ huấn luyện con cái sống đời Kitô giáo và làm việc tông đồ” (TĐ số 11).
 Gương sáng của cha mẹ ảnh hưởng rất sớm trên đời sống đứa con, sớm ngay từ thai nhi. Tính tình, tư cách, nếp sống, cách đi đứng, thức ăn, giấc ngủ đều ảnh hưởng đến thể lý và tâm tình đứa con. Ảnh hưởng đó còn tiếp tục mãi về sau. Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
 Do đó cha mẹ phải thăng tiến và hoàn thiện hóa bản thân mình:
- Phát triển những đức tính nhân bản: vui tươi, hòa thuận, quảng đại, thành thật…
- Tích lũy cho mình vốn liếng giáo lý cơ bản.
- Thể hiện đức tin và đời sống đạo của mình bằng cách:
Tạo lập mối tương quan với Chúa: trung thành yêu mến Chúa, xa tránh tội lỗi, năng tham dự Phụng vụ và lãnh nhận Bí tích, sống chứng nhân cho Chúa…
.Tạo lập mối tương quan với tha nhân: cư xử tốt trong gia đình, với những người thân cận. Mối tương quan này dựa trên hai nhân đức công bằng và bác ái.
 2. Bầu khí gia đình
 Cá sống và phát triển được nhờ nước trong lành, bổ dưỡng. Con cái phát triển được hoặc nhanh chậm phần lớn tùy thuộc bầu khí gia đình. Nếu muốn con cái hấp thụ được điều tốt đẹp, hữu ích thì cha mẹ phải tạo cho gia đình một bầu khí thuận tiện, tốt đẹp. Đứa trẻ cũng giống như cây hoa, chỉ lớn lên và trổ bông trên đất tốt với những điều kiện thuận lợi hoặc như những con cá chỉ lớn được nhờ nước trong lành.
 Bầu khí gia đình phải có:
 1/ Bầu khí tín nhiệm:
- Cha mẹ tin nhau, trung thành với nhau.
- Thận trọng và thành thực trong lời nói, giữ điều đã hứa.
- Giữ kín những điều con cái thổ lộ.
 2/ Bầu khí thuận hòa và yêu thương:
- Vợ chồng luôn dành cho nhau tình yêu đằm thắm, sự quan tâm.
- Vợ chồng luôn nhịn nhục, đặt danh dự làm cha mẹ lên trên để cố gắng dàn xếp cho xuôi xắn những trường hợp bất hòa.
- Đừng để cho con cái biết vợ chồng cãi nhau, nói với nhau những lời thậm tệ, thô tục.
- Trước mặt con cái, đừng khi nào tỏ ra bất đồng ý kiến nhất là trong những vấn đề liên quan đến chúng.
- Đừng bao giờ tỏ ra cho con cái biết lỗi lầm của cha hay mẹ, cả hai phải giữ uy tín cho nhau.
- Thương yêu con cái cách vô vị lợi, đồng đều, thật tâm. Luôn gần gũi, tin cậy con cái và rộng lượng khi chúng sai phạm.
 3/ Bầu khí thánh thiện:
Gia đình là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người và là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Gia đình là giáo hội nhỏ, là đền thờ. Do đó, gia đình phải có bầu khí thánh thiện: thầm nhuần đức tin, lòng yêu mến Chúa, chuyên chăm cầu nguyện sáng tối, khuyến khích nhau thực hành lề luật Chúa, sống trong sạch, tiết độ.
 3. Cha mẹ cùng cộng tác giáo dục
 Trong việc giáo dục, cha mẹ phải dùng những nét khác biệt, cá tính,  vai  trò  riêng  mà  Chúa  ban  cho  mỗi người để cộng tác với nhau. Đừng bao giờ trống đánh xuôi kèn thổi ngược, đừng bao giờ cha dạy mẹ bênh hoặc ngược lại. Nếu có bất đồng thì phải làm sao kính đáo.
 Người cha: biểu hiện sức mạnh, sự cứng rắn, quyền bính, kỷ luật. Ông đem lại sự tin tưởng, cảm giác an toàn, trật tự trong gia đình. Những đặc tính đó nếu được xử dụng đúng sẽ giúp con cái có khuôn phép, biết tự chế, can đảm. Tuy nhiên lúc nào cũng cứng rắn la rầy, hình phạt, mà không có thông cảm, thương yêu, thì con cái sẽ sợ sệt, chán ghét hoặc trở nên cứng cỏi tàn nhẫn.
 Người mẹ: biểu hiện của sự dịu dàng, âu yếm, dễ chịu. Vì thế đứa con thường đến với mẹ, tâm sự với mẹ nhiều hơn. Người mẹ hãy lợi dụng sự tín nhiệm đó để giáo dục chỉ vẽ cho con những điều hay dở. Mẹ hãy là mối dây liên kết con cái với người cha, đừng bao giờ xóa nhòa hình ảnh này. Mẹ thương con nhưng đừng nuông chiều thỏa mãn hết mọi đòi hỏi của chúng. Đừng bênh vực hoặc che dấu lỗi lầm của nó khi bị sửa phạt chính đáng. Người ta nói “con hư tại mẹ” là như vậy.
 IV. Dạy con từ thuở còn thơ
 Khi uốn nắn những cây kiểng, người ta phải bỏ công tỉ mỉ uốn nó khi còn non, để lớn không uốn được, dễ gãy.
Cũng thế, cha mẹ phải để tâm giáo dục con cái từ thuở còn thơ. Khi còn thơ là khi trong bào thai, ba tháng, sáu tháng, một tuổi chứ không phải để năm, bảy tuổi mới dạy. Trong tuổi thơ, tất cả những tâm tình và sự giáo dục của cha mẹ in sâu vào tâm trí khó lòng xóa nhòa được.
Vì thế cha mẹ hãy ra sức ghi khắc nhữngđiều thánh thiện, những thói quen tốt. Mẹ vua Lu-y nói với ông: “Thà mẹ thấy con chết còn hơn thấy con phạm tội trọng”. Ông nhớ suốt đời và trở nên thánh.
 V. Canh chừng bạn bè xấu
 Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Trẻ em dễ bị lây nhiễm môi trường bên ngoài. Bạn bè xấu là liều thuốc độc giết chết dần mòn cuộc sống tinh thần của trẻ em. Nhiều em hư hỏng là vì học tính xấu ở nơi bạn bè. Ở đâu cũng có những ông vua, ông tướng: vua nhậu, vua đánh bài… khéo quyến rũ, dọa nạt. Chúng nói là các em nghe liền. Vì thế trong mọi lứa tuổi nhất là tuổi dậy thì, cha mẹ phải kiểm soát việc giao thiệp của chúng với bạn bè và kiên quyết chặn đứng khi có liên hệ với bạn bè xấu.
 Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh


[1] x.Nguyễn Công Vinh, Tình yêu Hôn Nhân, NXB Phương Đông, 2009, tr.59-79.
[2] x.FC 36.
[3] X.CĐ Vaticanô II, Tuyên Ngôn Giáo Dục Kitô Giáo,số 3.
[4] Id.FC 38.
[5] x.FC số 38.
[6] x.Gioan-Phaolô II, Sứ điệp Ngày  Hòa Bình Thế Giới lần thứ XXVII, 1994.
[7] Thư Chung HÐGM Việt Nam 1980, số 12.

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....